Lưu Giác trở về vương phủ, hầm hầm tức giận, triệu tập đám thuộc hạ tỉ thí với mình, chàng ra đòn mạnh như gió lốc, không chút nương tay, đến khi đám thuộc hạ bị đánh ngã gục, nằm ngổn ngang trên đất, tay chàng đã tê cứng mới dừng lại, không thèm nhìn họ một cái, lập tức bỏ về phòng, tức giận, trợn mắt nhìn bức họa trên tường.
Lưu Anh nơm nớp liếc nhìn khuôn mặt tái xanh, sắt lại của chủ nhân, không hiểu tại sao chúa thượng xưa nay vốn dĩ vui buồn ít bộc lộ, vậy mà hôm nay lại nổi giận đùng đùng như thế, bèn nói nịnh một câu: “Chúa thượng, tìm được cô nương đó rồi định báo thù thế nào?”.
Lưu Giác nghe vậy, hỏa khí lại bốc ngùn ngụt, liếc xéo Lưu Anh cười khẩy: “Tam tiểu thư của Lý tướng, em gái thứ phi tương lai của thái tử, có mối quan hệ không bình thường với tứ hoàng tử, nhà ngươi thấy tiểu gia ta nên báo thù thế nào?”.
Lưu Anh càng nghe càng thấy nóng tai, tiểu a đầu đó thân phận quả không nhỏ, chẳng trách to gan dám đánh ngất tiểu vương gia. Chuyện này không thể công khai ra tay, xem ra tiểu vương gia đang điên đầu vì thế. Nghe nói nàng ta có mối quan hệ không bình thường với tứ hoàng tử, tự dưng trở nên lắm lời, hỏi: “Tứ điện hạ chẳng phải được hoàng thượng ban hôn, sắp cưới Cố tướng thiên kim hay sao?”.
Trong Đào hoa yến, Lưu Giác sau khi nghe Cố Thiên Lâm chơi đàn, rất có cảm tình với cô nương lan tâm tuệ trí này, lại thêm trong dạ tiệc thưởng trăng đêm trung thu nhìn thấy Cố Thiên Lâm múa rất đẹp, đã âm thầm sinh lòng mến mộ. Lúc đó, do có việc phải đi, chàng không kịp nghe tiếng đàn của Lý Thanh Lôi, sau đó nghe tin thái tử động lòng sâu sắc bởi khúc “Thu thủy” của Lý Thanh Lôi, chàng có phần không tin! Trong dạ tiệc trung thu, chàng một mình đi tìm Cố Thiên Lâm, loanh quanh thế nào lại gặp nha đầu đã đánh ngất mình. Hàng ngày chàng trầm ngâm rất lâu trước bức họa, nhìn ngắm Cố Thiên Lâm, nhưng lại không nhận ra đôi mắt đẹp lóng lánh như thủy tinh kia đã in sâu vào tâm trí mình tự lúc nào. Hôm nay Cố Thiên Lâm được ban hôn cho tứ hoàng tử, Lý Thanh La cũng bám lấy chàng ta, Lưu Giác sao không tức giận?
Lưu Anh thấy tiểu vương gia đang nhìn ngắm bức họa trên tường, người trong tranh chính là Cố Thiên Lâm, bất giác lấy tay tát vào mặt mình, hối hận cáo tội: “Thuộc hạ nói bậy, tội đáng muôn ૮ɦếƭ!”.
Lưu Giác nghĩ một hồi mới nảy ra chủ ý: “Thôi được, chuẩn bị ngựa, ta muốn đến thăm Lý tướng”.
Lý tướng thấy Lưu Giác xuất hiện, trong đầu lập tức nảy sinh bao suy đoán. An Thanh vương chiến công hiển hách, bao năm lãnh binh đồn trấn biên thành phía tây, vương phủ trên dưới đều do tiểu vương gia này sắp đặt, cai quản đâu ra đấy, có thể thấy người này năng lực không tầm thường.
Thanh Lôi sắp được gả cho thái tử, bản thân mình đương nhiên dốc lòng ủng hộ Đông cung. Bây giờ triều đình đa phần hướng về thái tử, nhưng có một bộ phận quần thần lại ủng hộ tứ hoàng tử. Thái tử là đích tử do đương kim hoàng hậu sinh ra, tứ hoàng tử là đích tử của hoàng hậu quá cố Trần thị. Ninh vương vẫn tình sâu nghĩa nặng đối với cố hoàng hậu Trần thị, do tổ chế quy định lập con trưởng kế vị và thế lực bên ngoại của đương kim hoàng hậu nên tuy đã lập Lưu Giám làm thái tử, nhưng vẫn âm thầm yêu thương tứ hoàng tử. Ái nữ của Vương thái úy trở thành thái tử phi, tứ hoàng tử rõ ràng ở vào thế bất lợi. Ninh vương lập tức ban ái nữ của Cố tướng cho tứ hoàng tử. Đế tâm khó dò, nếu Ninh vương có ý sau đại hôn lễ sẽ cho tứ hoàng tử kế vị, thì ý kiến của An Thanh vương hết sức quan trọng. Chỉ cần An Thanh Vương ủng hộ tứ hoàng tử, thế lực hai vị hoàng tử tương đương, nhưng nếu ông ta ủng hộ thái tử, tứ hoàng tử trong tay không nắm binh quyền, đương nhiên không có cơ hội. Lúc này tiểu vương gia của An Thanh vương lại đến thăm, không biết có dụng ý gì?
A La vừa từ bên ngoài về, nghe gia nhân truyền báo đến đại sảnh Lý lão gia muốn gặp nàng. Không biết xảy ra chuyện gì, A La đi vào đại sảnh trang nghiêm hành lễ. Vừa nhìn thấy Lưu Giác ngồi một bên cười như một con hồ ly, liền biết chàng ta đến tìm mình, nàng giả bộ lần đầu nhìn thấy, cúi đầu cụp mắt đứng yên.
Lý tướng cười khà khà: “A La, tiểu vương gia trong đêm hội yến trung thu nghe con thổi sáo, rất tán thưởng tiếng sáo bay bổng tuyệt tác của con, vô cùng ngưỡng mộ. Tiểu vương gia cũng tinh thông âm luật, muốn mời con tham gia dạ yến tối nay, cùng thổi sáo ngắm trăng, tâm sự hàn huyên, con đi đi”.
Nói dối! A La thầm mắng, nhưng miệng lại lễ phép, ngọt ngào đáp lời: “Cho phép A La trở về sửa sang y phục”. Cúi chào xong, vội lui gót. Ra khỏi phòng lớn, A La thầm thở than, tiểu vương gia này tâm địa hẹp hòi, đúng là tiểu nhân! Chỉ có tiểu nhân mới dùng thủ đoạn bỉ ổi như vậy. Hắn ta, hắn ta và Lý tướng là rắn, chuột cùng một ổ, đều xấu bụng! Phí hoài cái diện mạo đẹp đẽ! Nhìn thấy hắn ta là thấy buồn lòng.
Lý tướng và Lưu Giác nhìn nhau cười, thâm tâm mỗi người đều có toan tính riêng.
Vừa ra khỏi tướng phủ, A La vén rèm kiệu lạnh lùng hỏi Lưu Giác: “Tiểu vương gia định đưa tiểu nữ đi đâu?”.
Lưu Giác cưỡi ngựa đi bên cạnh, thấy nàng hỏi như vậy, tỏ vẻ lạ lùng: “Đi dự tiệc, thổi sáo, nói chuyện hàn huyên”.
A La nghiến răng, sao có chuyện đơn giản thế. Quả nhiên kiệu bỗng dưng bị rung lắc dữ dội, A La bị lắc đến tức иgự¢, Ⱡồ₦g иgự¢ thúc từng cơn, miệng buồn nôn, hít sâu một hơi mới từ từ dịu xuống, nhắm mắt tưởng tượng ra các món ăn, lẩu, cá nướng cay, đậu phụ, bột chua cay... tất cả những thứ có mùi có vị. Lại bắt đầu tưởng tượng tửu lầu mình với Tử Ly hợp tác mỗi tháng thực khách tấp nập, ngân lượng chảy vào túi như nước. Hình dung cảnh tượng đưa thất phu nhân và Tiểu Ngọc đi chu du những miền đất lạ từng đọc trong sách, cố gắng di chuyển sự chú ý. Tuy nhiên, kiệu lại như dốc ngược, đầu lộn xuống dưới. Nàng biết đó là Lưu Giác giở trò, cố nín nhịn, nhưng cuối cùng vẫn phải kêu lên: “Dừng kiệu, dừng kiệu, ta muốn nôn!”.
Kiệu dừng, A La xông ra ngoài, chạy đến một góc nôn thốc nôn tháo. Lưu Giác trên lưng ngựa tỏ vẻ phẫn nộ: “Còn đi hơn nửa canh giờ nữa mới đến nơi, các người khiêng thế nào vậy?”. Chàng cố ý bảo phu kiệu khiêng kiểu đó, để A La bị rung lắc, khốn khổ phải cầu xin chàng tha tội.
A La nôn xong, cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Ngẩng nhìn thấy Lưu Giác bề ngoài tỏ ra tức giận mắng phu khiêng kiệu, nhưng trong mắt đầy vẻ đắc ý, biết chàng cố tình, lại nghe nói còn nửa canh giờ nữa. Một tiếng đồng hồ! A La nổi cáu, ngươi đã muốn thấy ta khốn đốn, vậy sẽ để cho ngươi nhìn đã mắt, ta sẽ nôn suốt đường cho ngươi xem, ta quyết không tỏ ra yếu thế! Nàng bình tĩnh ngồi vào kiệu: “Đi thôi, kẻo lỡ mất bữa tiệc tối của tiểu vương gia lại đắc tội”.
Lưu Giác ngớ người, liếc thấy các phu kiệu tỏ ra áy náy, không nỡ, bực mình quất ngựa phóng thẳng: “Gặp nhau ở ven sông Đô Ninh, trên thuyền Lưu Hương”.
Chàng vừa đi khỏi, kiệu lại bình thường, không đến hai khắc đã ra khỏi cổng phía nam đến ven sông Đô Ninh.
Sông Đô Ninh rộng mười ba trượng có dư, nước cuồn cuộn chảy về đông, gió muộn từ mặt sông thổi lên mát rượi, phía chân trời ẩn hiện khói mây màu tím sẫm, A La bất giác nghĩ đến câu thơ “Yên quang ngưng nhi mộ sơn tử, lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”(*). Bây giờ chỉ có vùng núi hẻo lánh mới có thể nhìn thấy sông xanh gợn sóng, không bị ô nhiễm, cảnh sắc này khiến khát khao được đi du ngoạn khắp thế giới kỳ lạ này của nàng càng thêm mãnh liệt. Nếu không phải đi ăn với Lưu Giác, con người đáng ghét này thì nàng đã không cầm lòng muốn hát vang trước một cảnh sắc huyền diệu như vậy! A La nghĩ đến Quyên Nhi, lòng lại nặng trĩu nỗi buồn, tự nhắc mình phải cố nhẫn nhịn, không thể đối đầu với Lưu Giác, chỉ có thể tỏ ra ngốc nghếch khiến chàng ta không nắm được đằng chuôi. Hít một hơi thật sâu không khí trong lành, A La ngẩng cao đầu đi về phía thuyền Lưu Hương.
Ven sông có khoảng chục chiếc thuyền hoa đỗ rải rác, trong ánh hoàng hôn, thuyền nào cũng đã lên đèn ngũ sắc sáng rực. Thuyền Lưu Hương có ba tầng, xà và cột đều chạm trổ hoa văn, thiết kế tinh tế, sang trọng. Nữ tỳ dẫn A La lên tầng cao nhất, Lưu Giác đang đứng tựa cửa sổ trong một gian hậu thất rủ rèm châu.
A La nhìn vào, bên ngoài có mấy chiếc tràng kỷ bọc gấm và mấy cái án chạm trổ hoa văn, trên tường treo mấy bức thư họa của những nhà thư pháp nổi tiếng, xung quanh bày rất nhiều hoa. Không gian phía sau bức rèm rộng rãi, khoáng đạt, những chiếc đèn màu tỏa sáng, mấy cái bàn tròn, bên cạnh là ghế bành và giường ngủ. Cửa sổ mở toang, gió sông Ⱡồ₦g lộng, trong phòng mát rượi. Tà áo Lưu Giác bay bay, mấy sợi tóc chờn vờn trước trán, nửa khuôn mặt nhìn nghiêng đường nét như tạc, tuấn tú tuyệt vời. A La nghĩ, tốt nhất vẫn nên giải thích mọi chuyện, đổi gươm đao lấy ngọc bội, giải quyết bằng hòa bình để trừ hậu họa. Cách bức rèm châu, nàng lên tiếng: “Hôm đó Ninh vương ban chỉ đến tướng phủ, tiểu nữ thực tình rất muốn giữ lời, rất muốn nói lời xin lỗi, đã để cho tiểu vương gia đợi lâu”.
Lưu Giác quay đầu cầm lên chén trà, nhưng không uống, lơ đãng ngắm nhìn, đột nhiên bật cười: “Có biết hôm nay ta đến quý phủ là vì chuyện gì không?”.
(*) Trích trong "Đằng Vương các tự" của Vương Bột (đời Đường).
Dịch thơ: "Ánh khói đọng, núi chiều tía", "Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cô đơn chiếc diều bay, làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc" (bản dịch của Trần Trọng San) (BTV).
A La không trả lời câu hỏi của chàng, trong đầu chỉ nghĩ nhất thiết phải xin lỗi đã rồi hãy tính: “Thực ra hôm nay tiểu nữ vốn định đến quý phủ tìm tiểu vương gia giải thích rõ. Lần trước ở Đào hoa yến tiểu nữ đã sai, không nên đánh ngất tiểu vương gia. Bởi vì lần đầu xuất phủ, khó khăn lắm mới được ngắm cảnh đẹp vậy mà lại bị tiểu vương gia quấy rầy, trong lòng không vui. Tiểu nữ xin lỗi người lần nữa”.
Lưu Giác thấy A La thái độ thành khẩn, bật cười: “Chuyện lần trước không nói nữa, có điều, nàng đã ςướק bạc của ta...”.
A La đỏ bừng mặt, cúi đầu trả lời: “Tiểu nữ sẽ trả lại vương gia”. Hành động này quả là vô đạo đức, lúc đó nàng cũng chỉ nhất thời hồ đồ.
Lưu Giác thầm nghĩ, chút bạc đó ta không bận tâm. Nàng ta đã xin lỗi lần nữa, mình vốn không có ý định tính toán với nàng ta về chuyện đó, nhưng vẫn cảm thấy có gì không ổn, “Nói một lời xin lỗi là xong ư?”.
A La nghĩ, đã xin lỗi rồi còn phải làm gì đây? Bèn hỏi Lưu Giác: “Vậy tiểu vương gia nghĩ thế nào?”.
Lưu Giác ớ người, đúng vậy, mình nghĩ thế nào? Nàng ta vẫn chỉ là một tiểu cô nương, cũng đã xin lỗi, tính toán nữa hóa ra mình quá hẹp hòi. Nhưng nếu vậy sẽ không còn cớ để đến tìm nàng ta nữa? Nghĩ đến cảnh A La thân thiết với Lưu Phi, không biết từ đâu nỗi giận vô cớ bùng lên, chàng nói: “Nàng và tứ hoàng tử thân thiết như vậy, ta có thể làm gì?”.
A La sững người: “Tứ hoàng tử nào?”. Đột nhiên vở lẽ, người Lưu Giác nói là Tử Ly, bèn hỏi: “Tử Ly? Trần Tử Ly? Là Lưu Phi sao?”.
“Nàng không biết thật hay giả bộ không biết?Trông điệu bộ hai người không phải mới quen ngày một ngày hai, ở Thiên phong lầu nàng còn đích thân xuống bếp nấu ăn cho người ta, thân thiết như thế!”.
Tử Ly chính là tứ hoàng tử? A La không tin, nôn nóng hỏi: “Đại ca ấy bảo cứ gọi là Trần Tử Ly, tứ hoàng tử chẳng phải là Lưu Phi sao?”.
Lưu Giác cười gằn: “Hoàng hậu quá cố họ Trần, Tử Ly là tên tự của huynh ấy, Trần Tử Ly chính là Lưu Phi, Lưu Phi chính là Trần Tử Ly, nàng gọi huynh ấy Tử Ly, gọi cái tên thân thiết như vậy, rõ ràng là quan hệ không bình thường”.
A La há miệng không biết nói sao. Lần đầu gặp Tử Ly, nàng cũng dùng tên giả, còn Tử Ly không muốn người khác biết thân thế của mình đã mượn họ mẹ, và dùng tên chữ, cuối cùng vẫn là dùng tên thật, chẳng có gì giả dối! Nhưng Tử Ly chẳng phải chính là tứ hoàng tử sắp cưới Cố Thiên Lâm sao? Mình đã nhận tứ hoàng tử làm đại ca? Trời ơi! Vốn đã không muốn dính líu với vương thất, chuyện này... A La đột nhiên hoảng hốt, nhưng lại nghĩ khác, chuyện này cũng chẳng sao, giống như trong mắt người khác mình là thiên kim tướng phủ thân phận cao quý vậy, kỳ thực... nàng lắc đầu, những thân phận đó đối với mình chẳng là gì hết. Tử Ly tốt với mình, tình nguyện làm đại ca của mình, vậy huynh ấy chỉ là đại ca của mình mà thôi.
Lưu Giác chuyển chủ đề, không nhắc đến Tử Ly nữa, cười nói: “Nghe đồn tiếng sáo của tam tiểu thư rất siêu phàm, liệu có thể tấu một khúc?”.
A La dẹp bỏ ngạc nhiên của mình khi biết thân phận Tử Ly, vén rèm châu bước vào, đến bên án rót trà uống: “Đói rồi, ăn đã, tiểu vương gia thực lòng muốn nghe thổi sáo hay là hẹn đến để chấn chỉnh ta?”.
Lưu Giác châm biếm: “Ta thấy nàng có vẻ không hiểu phép tắc, không giống thiên kim của tướng phủ, khuê nữ chốn danh gia?”.
Trước mặt ngươi việc gì ta phải làm bộ làm điệu? A La nhìn chàng nói tiếp: “Tiểu vương gia lắc kiệu khiến ta khổ sở suốt hơn canh giờ, thức ăn trong bụng nôn hết rồi, vừa đói vừa khát. Làm sao còn sức lực, hứng thú thổi sáo?”.
Lưu Giác nghĩ vậy lấy làm thú vị, cười ha hả, vỗ tay ra hiệu. Nữ tỳ đi vào. Lát sau bưng ra một bàn đồ ăn.
A La rất muốn biết món ăn ở đây hương vị thế nào. “Bắt đầu!”, nói xong lập tức vào cuộc. Đa số các món đều rất ngon, nhưng mấy món chay mùi vị không ổn. Nàng chợt hiểu, món mặn ở Phong thành sắc hương vị đều đậm đà, nhưng món chay làm không tinh, chẳng trách canh đậu phụ ở Thiên phong lầu cũng được coi là món ngon. Thầm nghĩ, ở Phong thành e rằng chỉ có thể dùng món chay làm chiêu câu khách. Nàng gắp cá thịt lia lịa, khiến Lưu Giác cau mày: “Ở tướng phủ nàng không được ăn thịt hay sao?”.