Tổ chức kì lạTrong sảnh đợi tàu điện ngầm sáng choang ánh đèn, còn ngoài kia đêm đã về khuya.
Hà Tịch đi phía trước, tôi vội nối bước theo sau.
Gió nhẹ thổi.
“Đủ rồi đấy, anh còn định theo tôi đến khi nào nữa, chúng ta đã kết thúc rồi!” - Hà Tich thình lình đứng sững lại, nghiêm mặt nói.
Tôi lúng 乃úng nói không thành lời.
“Ngừng ở đây được rồi đấy, từ giờ trở đi anh đừng bao giờ để tôi thấy cái mặt anh nữa!” - Cô lạnh lùng bảo.
Ánh đèn thắp sáng hành lang tối đen như mực, gió chợt nổi lên.
“Hãy cho anh thêm cơ hội nữa, nhất định anh sẽ làm được, em...” - Tôi chưa nói hết câu đã nhận được một cái bạt tai giáng mạnh lên má. Đi kèm cảm giác nóng ran nhức nhối là tiếng còi đanh gọn, cùng ánh mắt ngạc nhiên của những người xung quanh.
Tuy chỉ là trạm nhỏ và có rất ít người còn đợi tàu giờ này, song Hà Tịch vẫn luôn là cô gái có khả năng thu hút mọi ánh nhìn của những người xung quanh ở bất kì đâu. Vậy nên dù mọi người không vây lại xem, thì cũng chẳng nghi ngờ gì là chúng tôi đã trở thành tiêu điểm của mọi cặp mắt quanh đó, gồm cả người mẹ đi cùng cô con gái, một đôi tình nhân ngồi trên băng ghế dài, một người trung niên đi làm ca đêm, cùng một bảo vệ.
Tôi sững sờ nhìn Hà Tịch, thật không ngờ cô ấy lại ra tay đánh tôi.
Tia nhìn trìu mến thoáng lướt qua đôi mắt xanh nhạt của Hà Tịch, rồi chỉ sau một chớp mắt, cặp mắt ấy lại trừng lên đầy dữ dằn.
Tiếng ầm ầm càng lúc càng rõ, tàu điện ngầm gầm gào tiến đến, mấy sợi tóc bị gió thổi lòa xòa bay hai bên má cô.
“Đừng gọi cho tôi nữa, tôi sẽ đổi số di động!” - Dứt lời, Hà Tịch bước lên tàu điện ngầm. Tiếng còi cảnh báo rát tai lại vang lên, cửa tàu điện ngầm từ từ khép lại, ngăn cách cô trong một thế giới khác, rồi rầm rập lao đi.
Gió lặng, ánh đèn mờ dần, khiến khu hành lang nơi đây lại được che phủ trong màn đêm đặc quánh.
Tôi bước lại chỗ băng ghế dài ngồi thụp xuống, đưa tay lên bưng mặt, từ từ gục người. Những chuyến tàu cứ đến rồi đi, những hành khách đi tàu buổi tối băng ngang qua chỗ tôi ngồi - mà tôi hoàn toàn không để ý. Nếu thực sự Hà Tịch bỏ tôi mà đi, thế giới này với tôi còn ý nghĩa gì nữa?
Tôi không rõ là bao lâu, tâm trạng con người có thể chi phối dòng thời gian, khiến nó hoặc trôi nhanh hơn hoặc chậm lại, còn lúc này đây, chiếc đồng hồ trong ý thức của tôi đã dừng lại từ lâu rồi.
“Này!” - Ai đó vỗ vào vai tôi.
Tôi ngẩng đầu, thì ra là người bảo vệ, tôi nghĩ hẳn anh ta đã đứng nhìn mình rất lâu rồi.
“Vừa nãy chuyến tàu cuối đã đi rồi!” - Anh bảo tôi.
“Ồ!” - Tôi ậm ừ một tiếng, rồi lại cúi đầu.
“Tôi bảo này, cậu không thể ngồi đây suốt đêm được!” - Người đàn ông kia nói.
Tôi chầm chậm đứng lên. Tôi tin, lúc này mình chắc chắn trông vô cùng ủ rũ.
Tôi ra chỗ khác, song không phải là hướng cửa ra, mà tiến đến trước một máy bán hàng tự động, thẫn thờ nhìn nó một hồi, rồi bất ngờ tung ra một cú đấm thật mạnh.
“Này anh kia!” - Bảo vệ kêu lên, chạy đến chỗ tôi.
Chẳng thèm để ý đến anh ta, tôi hậm hực bồi thêm một cú đá cho cái máy.
“Cạch!” - Một lon Coca từ chiếc máy bán hàng tự động lăn ra.
“Xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý khách!” - Giọng ghi âm phát ra từ chiếc máy bán hàng tự động. Bảo vệ chạy đến bên, nhìn chiếc máy rồi lắc đầu nói: “Cậu có giận cũng đừng trút giận lên nó chứ, may là còn chưa đá hỏng đấy, nếu không cậu phải đền rồi đấy”.
Tôi ngẩn người nhìn đối phương, mà như thể đang nhìn vào nơi khác.
“Đối với tôi thì thế giới này chẳng còn ý nghĩa gì cả!” - Tôi nói bằng giọng điệu của kẻ mất hồn.
Bảo vệ là một người đàn ông trung niên, chừng hơn bốn chục tuổi. Anh ta nhìn tôi bằng một ánh mắt lạ lùng, rồi đập vào vai:
“Cậu nói rất đúng, thế giới này vốn dĩ đã là vô nghĩa!” - Anh ta nói, “Ta gặp vô vàn khó khăn, rắc rối trong cuộc đời, nhưng nếu có tín ngưỡng thì khó khăn nào rồi cũng qua thôi”.
“Tín ngưỡng ư? Thượng đế ư?” - Tôi nhìn anh ta một cái, “Tôi không theo tín ngưỡng nào cả, không gì hết”.
“Tín ngưỡng không chỉ là niềm tin vào Thượng đế!” - Anh ta mỉm cười với tôi, “Dù sao cũng sắp hết ca làm của tôi rồi, tôi đi chung cùng cậu một đoạn nhé”.
“Tùy anh!” - Tôi thờ ơ đáp.
Dù nói vậy nhưng sâu trong thâm tâm tôi, lại vang lên tiếng hò reo vui mừng.
Những tình cảm ấp ủ bao lâu nay, chịu đựng bao ánh nhìn từ người đi đường, cùng kĩ năng đóng kịch tài ba được phát huy, cuối cùng mình đã làm hắn cắn câu.
Thêm nữa, tôi ước gì ngay bây giờ mình có thể đi tìm Hà Tịch để tính sổ với cô ấy. Trong kịch bản đã nói rõ ban đầu đâu có đoạn cô “tặng” tôi một cái bạt tai. Tuy diễn viên có thể tự do ứng biến nhưng trong chừng mực nhất định nào đó, song cũng không nên ứng biến quá đà như vậy chứ. Lát nữa, nhất định tôi sẽ trả lại cô ấy cả vốn lẫn lãi. Bắt đền thế nào nhỉ, ha ha, nghĩ thôi cũng thấy đã rồi.
Bảo vệ trạc tuổi trung niên, đang sắm vai người tốt sánh bước cạnh tôi lúc này tên là Viên Cát. Để nói rõ đầu đuôi xuôi ngược chuyện này, ta cần quay trở lại cuộc nói chuyện vào tối hôm kia của tôi và Hà Tịch.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hẹn hò với Hà Tịch hôm đó, thì toan tính đòi lên nhà cô ngồi nhâm nhi cà phê của tôi lại chẳng thành, nhưng tôi biết mình cần tiền dần từng bước.
Đang vừa huýt sáo miệng vừa ngân nga một giai điệu nhỏ về đến trước cửa nhà, thì tôi bị ai đó chặn lại.
“Cậu là Na Đa?” - Chị ta hỏi.
Tôi gật đầu.
Chị ta đưa mắt nhìn tôi từ đầu xuống chân dò xét.
Sau chừng mấy phút, không chịu được thêm, tôi hỏi: “Tối thế này chắc chị chẳng nhìn rõ được đâu. Có cần tôi ra chỗ nào sáng hơn để chị nhìn cho đã mắt không?”
“Được lắm!” - Chị ta lập tức đồng ý.
Tôi choáng đến mức suýt ngã lăn ra đất.
“Thưa thím, thím tìm tôi có việc gì?” - Tôi liền hỏi. Có hai hạng người mà ta tốt nhất không nên vòng vo với họ, một là những người thông minh, hai là những kẻ lỗ mãng.
“Ta đi chỗ khác nói chuyện!” - Chị ta híp mắt cười bảo, rồi đủng đỉnh đi trước.
Tôi ghét nhất những kẻ cố làm ra vẻ huyền bí… dù vậy tôi vẫn ngoan ngoãn đi theo chị ta. Tốt nhất đừng nên chọc vào loại người có điệu bộ như vậy.
Cửa xe chiếc Buick đa dụng màu đen đỗ bên lề đường tự động mở ra. Bà thím lên xe trước, rồi đưa một cánh tay mập mạp ra ngoài cửa xe vẫy vẫy về hướng tôi.
Trong xe sáng ánh đèn, gần như chẳng còn ai khác bên trong, tài xế ngồi ở ghế lái đằng trước, im lặng không nói gì. Tôi bước đến chỗ cửa xe, rồi dừng lại mà không vào.
“Chị là ai?” - Tôi chống tay lên khung cửa xe hỏi lại lần nữa. Tùy tiện lên xe người khác ư, chị xem tôi ngây thơ và dễ mắc lừa như gái mới lớn vậy à? Vừa hỏi tôi vừa cẩn thận quan sát động tĩnh bốn phía xung quanh, bởi trong phim nếu nhân vật chính làm vậy, anh ta sẽ ăn một gậy vào phía sau gáy rồi ngất đi và bị khênh lên xe.
“Tôi là trưởng ban ban văn hóa tôn giáo của thành phố, nghe Quách Đông nói cậu là anh chàng rất thú vị”.
“Ban văn hóa?” - Tôi nghi hoặc hỏi. Đêm hôm khuya khoắt người của ban văn hóa tôn giáo thành phố đến chặn cửa nhà tôi làm gì nhỉ?
“Là ban văn hóa tôn giáo, không phải ban văn hóa. Có cần xem chứng nhận của tôi không?” - Chị ta hỏi, rồi chìa một tấm thẻ dày ra.
Tôi mượn ánh đèn đường săm soi kĩ lưỡng tấm thẻ một hồi lâu, rồi trả nó cho vị chủ nhân và chui vào xe.
Cửa xe từ từ khép lại.
“Cậu có phân biệt được thẻ này là thật hay giả không?” - Chị ta cất tấm thẻ vào ví, miệng hỏi.
“Không!” - Tôi thật thà đáp, “Song chị đã nhắc đến cái tên Quách Đông”.
Quách Đông, phó phòng cảnh sát đặc nhiệm của công an thành phố, có thể xem như chỗ bạn bè của tôi. Đây là phòng ban đặc biệt, có gần như hầu hết toàn bộ hồ sơ về tôi, và tôi cũng từng được tiếp cận họ trong một vài dịp.
Chị ta lắc đầu nhìn tôi, bảo: “Cậu có vẻ dễ mắc lừa quá đấy!”
Tôi giật nảy mình, vội vàng giật mở cửa xe song nó đã khóa rồi còn đâu.
“Nhưng tôi chẳng lừa cậu đâu!” - Chị ta nhẫn nại nhìn tôi ra sức giật giật tay nắm xe hai lần rồi mới chậm rãi lên tiếng.
“Làm cấp dưới của chị hẳn phải rất khốn khổ!” - Tôi giận dỗi nói.
“Đây, lại đây ngồi đi!” - Chị ta vỗ vỗ lên ghế đối diện.
Tôi khom lưng nhoài người qua chỗ đó, dưới ánh đèn, gương mặt chị ta hiện lên với vẻ dịu dàng, hòa nhã. Đương nhiên tôi đã biết đây là một nhân vật lợi hại, đáng gờm hơn cả Quách Đông.
“Thường mọi người không rõ lắm về ban chúng tôi. Ban văn hóa tôn giáo phụ trách các việc liên quan đến văn hóa tinh thần và phải là việc thực sự quan trọng”.
“Nghe như kiểu chơi chữ ấy nhỉ!”
Chị ta cười cười: “Lại làm bộ làm tịch như đứa trẻ đang giận dỗi rồi”.
Tôi hơi bĩu môi.