Đứa Trẻ Giấy - Chương 05

Tác giả: rain8x

Những vụ mất tích liên hoàn
Đại Đường là thôn xóm tương đối trù phú, trực thuộc thành phố Côn Sơn. Đa phần dân ở đây đều sống trong những ngôi nhà ba tầng mới xây, xí nghiệp do thôn thành lập cũng làm ăn rất khấm khá, thu hút lượng lao động từ nhiều nơi đổ về, thậm chí rất nhiều dân thôn đã bỏ đất canh tác trồng trọt, để cho người ngoài thôn thuê bao thầu. Hiện nay, hơn nửa số người sống ở thôn chẳng phải là người dân gốc ở đây.
Khi xe phỏng vấn đi vào thôn Đại Đường, tôi quan sát thấy khu vực quảng trường thôn mà tôi vừa đi qua rất hiện đại và khí thế với bức tượng địa cầu, cùng một màn hình điện tử cở lớn. Thực tế, do quảng trường hơi rộng nên nhìn khá trống trải.
Nơi đây không còn là vùng thuần nông nữa. Bởi nhiều lý do nên diện tích đất canh tác của vùng đang co hẹp lại, nó đang trong thời kì chuyển đổi từ mô hình nông thôn sang thành thị.
Biển chỉ đường ở đây không nhiều và dễ thấy như trên thành phố. Dù trong thư Hoàng Chức gửi tôi có ghi địa chỉ nhà, song tôi vẫn phải hỏi đường vài lần mới tìm được.
Chiếc ô tô đỗ lại ở khu tập trung nhiều nhà cao tầng, gần giống với tiểu khu trên thành phố. Sau khi tôi cảm ơn bác tài, chiếc xe phỏng vần liền quay đầu chạy thẳng về Thượng Hải.
Đất đai nhà Hoàng Chức được thôn trưng dụng làm vườn sinh thái. Mỗi tháng họ đều đền bù bằng cách trả cô một khoản phí hỗ trợ sinh hoạt nhất định. Dù phải nuôi con nhỏ, nhưng với mức sống ở đây, nếu biết chắt Ϧóþ và chi tiêu tằn tiện, thì cô vẫn có thể sống qua ngày; còn nếu lại tìm được công việc làm thêm, thì cuộc sống của cô hẳn sẽ rất khá. Bởi không thấy cô đề cập đến chuyện này trong thư, nên tôi nghĩ rằng cô vẫn chưa tìm được việc. Có lẽ người trong thôn đều biết cô có vấn đề về thần kinh.
Giờ đã gần bốn giờ chiều, ban nãy trời vừa đỗ mưa, mặt đất còn ướt nên nền nhiệt không cao lắm. Đi được một quãng, tôi thấy một bà cụ mặt đầy nếp nhăn đang ngồi nhặt rau trên thềm trước cửa ra vào một ngôi nhà ba tầng. Dù nhà cửa ở đây đều đã được thành thị hóa, nhưng thói quen của con người thì vẫn chưa thể dễ dàng thay đổi được.
Đây là xóm 2. Địa chỉ ghi trong thư của Hoàng Chức chỉ thấy đề: “Hoàng Chức xóm 2, thôn Đại Đường”, chứ không có số nhà cụ thể. Tôi bước đến trước mặt bà cụ hỏi thăm.
Bà cụ tạm ngừng công việc đang làm, ngẩng đầu lên nhìn tôi, trên khuôn mặt phủ đầy nếp nhăn hiện ra nụ cười tươi móm mém. Nhưng ngay sau đó bà cụ liền lắc đầu, hỏi: “Cậu nói gì?”.
Tôi tưởng bà cụ nghễnh ngẩng, nên đã lặp lại câu mình vừa hỏi với âm lượng lớn hơn: “Xin hỏi cụ, nhà chị Hoàng Chức ở đâu ạ?”.
Bà lại lắc đầu, ra hiệu mình vẫn không hiểu.
“Gì?” – Bà hỏi lại bằng tiếng Côn Sơn.
Nhận ra bà không biết tiếng phổ thông, tôi vội hỏi lại bằng tiếng Thượng Hải. Người vùng Chiết Giang có thể hiểu tiếng địa phương của nhau đến tám, chín phần, nếu đối phương nói chậm lại một chút.
Nghe tôi nhắc đến hai từ Hoàng Chức, bà cụ liền đổi sắc mặt, mỗi nếp nhăn trên mặt bà đã toát ra sự căm ghét cùng đôi chút sợ hãi.
“Có chuyện gì mà cậu tìm nhà cô ta? Nói cậu biết, cô ta xúi quẩy lắm!”
“Xúi quẩy?” – Tôi thấy hơi bất ngờ. Rõ ràng bà cụ chẳng nhắc gì đến việc Hoàng Chức là người tâm thần, chỉ bảo đến nhà cô ấy rất xúi quẩy.
“Người đàn bà này rất xúi quẩy, đến tìm cô ta, cậu phải cẩn thận không gặp xui xẻo!” – Chỉ là câu nói ngắn mà bà cụ cũng phải thận trọng nhìn trước ngó sau.
Tôi cười, có lẽ bây giờ chỉ người già như bà thì mới tin vào những thứ như khắc phu sát chồng ấy.
Thấy tôi cười, biết tôi không tin, bà cụ thở dài bảo: “Ôi, đúng là người trẻ tuổi!” – Bà đưa tay chỉ về một hướng, nói: “Muốn tìm cô ta thì cậu đi theo hướng đó, nhà cô ta không như các nhà khác”.
Sau khi đi theo hướng ấy một đoạn, tôi đã trông thấy nó. Quả đúng là rất dễ nhận ra, bởi đó chỉ là một ngôi nhà hai tầng xập xệ. Xập xệ ở đây không có nghĩa là gạch nát tường đổ, mà là vì ngôi nhà được xây theo lối nhà cổ trước kia, sơn tường nhiều chỗ đã bạc thếch, đang ngả sang màu nâu xỉn, khiến nó hoàn toàn tương phản với ngôi nhà bắt mắt của hàng xóm ở ngay kế bên. Thêm vào đó, nó lại được xây cách khá xa các ngôi nhà khác, đơn độc nép mình trong góc khu dân cư.
Tôi đứng trước cửa ra vào, rồi nhấn chuông.
Nhìn từ ngoài vào ngôi nhà loang lổ vết sơn của Hoàng Chức, tôi đoán hẳn đã nhiều năm nó chưa được tu sửa lại, tôi được biết: mấy tháng trước khi Hoàng Chức hạ sinh đứa trẻ giấy, chồng cô đã bất ngờ qua đời. Bởi rất coi trọng đứa bé trong bụng, cô mới đến bệnh viện phụ sản tốt nhất mà mình biết để sinh con. Đó là lý do vì sao tôi gặp cô ở bệnh viện Bà mẹ trẻ em số 1 Thượng Hải, và vì sao cô không có người nhà đi cùng ngoài đứa con gái nhỏ. Song tôi vẫn chưa rõ hoàn cảnh của những thành viên khác trong gia đình cô. Bà cụ vừa nãy cứ luôn miệng một tiếng xúi quẩy, hai tiếng khắc tinh là ý gì?
Tôi lại nhấm chuông thêm lần nữa.
Tôi nhớ Hoàng Chức mình gặp trong bệnh viện ba năm về trước hoàn toàn chẳng có nét gì giống phụ nữ nông thôn. Vẻ yếu đuối do bệnh tật khiến Hoàng Chức mang vẻ đẹp mong manh theo kiểu truyền thống. Ba năm sau gặp lại, không rõ giờ cô đã thay đổi thế nào? Nhiều người sau khi phát bệnh tâm thần đã già trước tuổi, song cũng có người vì chẳng phải bận tâm lo nghĩ việc đời, nên lại trẻ hơn cả người bình thường.
Vẫn không thấy ai ra mở cửa. Xem chừng tôi đến đúng lúc nhà cô không có người ở nhà. Nhưng cô bị bệnh như vậy, thì chắc chỉ loanh quanh đâu đó trong xóm, chẳng thể nào đi quá lâu. Bởi không dễ mà đến được đây, như lần này, nên tôi định chờ thêm một lát.
Đi vòng quanh nhà ngắm nghía, tôi càng thấy nó có phần vắng vẻ quạnh hiu hơn. Phần trên các bức tường bao quanh sân chẳng còn ngay ngắn, hiện đã bị sụt lở ở mấy góc, làm lộ ra màu gạch bên trong. Trên tầng hai, cánh cửa sổ làm bằng kính bị vỡ chưa được thay mới, chỉ được che tạm bằng một tấm bìa cứng.
Đột nhiên, tôi thấy nỗi khốn khó của cuộc đời xộc thẳng đến trước mặt mình.
Quay lại nhấn chuông cửa, vẫn không thấy động tĩnh gì, tôi vòng ngược trở lại theo lối đã đến, tới thị trấn cổ “Thiên Đăngg” cạnh thôn Đại Đường, rồi dạo bộ Gi*t thời giờ.
Lúc đi ngang qua chỗ bà cụ ngồi nhặt rau, bà ngước lên nhìn tôi. Tôi dừng bước, hẵng cứ trò chuyện với bà cụ đã.
“Cháu nói chuyện với cụ một lát được không ạ?”
“Được, được chứ!” – Bà cụ ngừng tay, nhìn tôi gật đầu. Người già thường luôn thích trò chuyện với lớp trẻ.
“Sao vừa nãy bà nói nhà Hoàng Chức xúi quẩy ạ?” – Tôi hỏi.
“À!” – Bà cụ ngừng tay, lắc đầu, “Cô ta xúi lắm!”
“Xúi lắm? Sao bà lại nói vậy?”
Bà cụ quay đầu nhìn về phía nhà Hoàng Chức. Chỉ cái nhìn đó thôi, cũng đủ khiến tôi nhận ra bà cụ thực sự rất sợ.
Nhưng bà đang sợ cái gì?
“Tôi biết con bé Hoàng Chức này từ lúc nó hãy còn nhỏ đến giờ.” – Bà cụ mở đầu câu chuyện về cô.
Hoàng Chức gọi lão Hoàng, ông lão ế vợ của thôn Đại Đường là bố. Lão ấy đã nhận con bé mồ côi Hoàng Chức về nuôi. Người ta vẫn hay nói, nuôi con để lấy chỗ nương tựa lúc về già, chắc hẳn lão ấy cũng tính vậy.
Lúc mới được mang về, Hoàng Chức hãy còn là một đứa trẻ chừng năm, sáu tuổi, nhưng đã rất hiểu chuyện. Không đầy mấy năm, nó đã biết giúp đỡ lão Hoàng làm các công việc vặt. Lão Hoàng làm nghề chai lưới. Bấy giờ con sông nhỏ chảy qua thôn Đại Đường hãy còn khá nhiều cá, hàng ngày ra đó chèo thuyền vài tiếng là có thể dễ dàng đánh được hơn chục, hai chục con cá. Có thể nói, con bé Hoàng Chức xem ra cũng vất vả không ít, nhưng một vài người trời sinh dù phơi sương phơi nắng thế nào cũng vẫn đỏ thịt thắm da, mà chẳng hề bị đen đi, khiến không biết bao cô gái thành thị mặt bự phấn phải ghen tị.
Chẳng đợi đến lúc về già không đi lại được, trong một lần đánh cá hôm trời gió to, thuyền lão Hoàng đã bị lật. Khi Hoàng Chức bơi được lên bờ, quay đầu nhìn lại, đã chẳng còn thấy bố đâu. Cả đời theo nghiệp song nước mà lần đó lão lại bị rong bèo quấn chân, đến lúc đưa được lên bờ thì đã tắt thở. Năm đó Hoàng Chức được mười sáu tuổi.
Song đấy chỉ là tai nạn bất ngờ, chẳng ai có thể đổ tại là do Hoàng Chức xúi quẩy.
Không lâu sau, Hoàng Chức lấy Chu Quốc Đông làm chồng. Khoảng một năm sau, khi cô ta mang thai con bé Chu Tiêm Tiêm thì đến lượt cha Chu Quốc Đông qua đời vì bệnh tật.
Lúc đó người trong thôn chưa hề cảm thấy gì, ngược lại do Chu Quốc Đông nát rượu, hễ cứ uống say là lôi Hoàng Chức ra đánh, không ít người đã khuyên anh ta đối xử tốt với vợ hơn. Một người con gái như thế đi lấy chồng, bên gia đình chẳng còn ai thân thích, lại rơi vào cảnh thân cô thế yếu với gia đình chồng cũng là điều bất đắc dĩ.
Chu Tiêm Tiêm chưa đầy ba tuổi thì đến lượt bà nội con bé, mẹ Chu Quốc Đông mất tích. Hôm đó mọi người trong nhà đều ra đồng làm việc, đến trưa bà cụ thấy đau đầu nên Chu Quốc Đông bảo mẹ về nhà nghỉ, trông chừng con bé hộ vợ chồng anh ta. Kết cục, chiều tối hôm đó về nhà mọi người chỉ thấy mình con bé Chu Tiêm Tiêm. Đợi đến lúc tối nhọ mặt người cũng vẫn không thấy tăm hơi bà cụ đâu, thì hai vợ chồng họ mới đi báo công an. Công an cho tìm kiếm rất lâu, còn cho dán cả thông báo tìm người ở các vùng lân cận, song mãi đến giờ vẫn không thấy tin gì về bà cụ.
Bởi thế, tin đồn Hoàng Chức có số sát nhân mới dần lan đi.
Lúc bụng Hoàng Chức lại to ra – khi cô ta đang mang thai đứa thứ hai, thì đến lượt Chu Quốc Đông mất tích một cách đầy bí ẩn. Theo những gì Hoàng Chức nói với công an, thì vào tối hôm đó do uống rượu say, Chu Quốc Đông đã đánh cô một trận thừa ૮ɦếƭ thiếu sống. Sau khi bị chồng đánh, Hoàng Chức trốn vào nhà vệ sinh khóc, nửa tiếng sau cô ra khỏi nhà vệ sinh nhưng đã chẳng thấy chồng đâu. Cô nghĩ anh ta lại ra ngoài uống rượu hoặc đánh mạt chược, nhưng đợi mãi đến chiều tối ngày hôm sau vẫn chẳng thấy chồng về. Tất nhiên công an cũng từng nghi ngờ Hoàng Chức, song dù nghi là mất tích hay bị mưu sát, thì họ cũng chẳng có manh mối gì, nên cuối cũng thành ra một vụ thiếu manh mối. Kể từ đó người trong thôn hiếm khi qua lại với nhà ấy, không dám nhìn thẳng vào mắt cô ta. Vào lần phỏng vấn tại bệnh viện, khi Hoàng Chức nói với tôi là chồng cô “mất rồi”, tôi cứ ngỡ anh ta đã qua đời, ai ngờ là “mất” thật.
Chớ nghĩ mọi chuyện đã dừng lại ở đây, tới lượt con bé Chu Tiêm Tiêm lại mất tích.
“Gì ạ? Chu Tiêm Tiêm mất tích thật sao cụ?” – Nghe bà cụ nói, tôi giật mình hỏi.
“Mất tích thật, cái nhà đó giờ chỉ còn mình Hoàng Chức sống thôi.” – Bà cụ vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía đó.
“Chuyện xảy ra từ bao giờ thế ạ?”
“Chắc khoảng hai ba tháng. Do có vấn đề về tâm thần nên Hoàng Chức không trông nom con bé kĩ càng lắm, cô ta còn biết đi chợ mua đồ về nấu ăn đã là tốt lắm. Con bé nhà ấy được thả rông, quẩn quanh bên người lạ suốt ngày. Nếu được hỏi thì tôi sẽ nói rằng nhẽ ra nó phải bị lừa bắt từ lâu rồi cơ!” – Bà cụ vừa nói vừa nheo mắt.
“Quẩn quanh bên người lạ?”
“Chẳng phải là người trong thôn, tôi chưa thấy họ bao giờ”.
“Con bé bị lạc hay bị ai dụ dỗ hả cụ?”
“Ai mà biết được. Chẳng rõ. Giờ không thấy nó nữa cũng tốt!” – Bà cụ thở dài.
Tôi thoắt sững lại, như thể cảm thấy bà cụ trước mặt mình chẳng hề buồn đau trước sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm, trái lại thở phào nhẹ nhõm.
“Không thấy nữa cũng tốt” – sao bà cụ trông hiền từ, lương thiện này có thể thốt ra câu nói quá đáng, thậm chí có phần ác ý nhường vậy?
Thấy tôi ngỡ ngàng, bà cụ không định rút lại câu nói vừa rồi của bản thân, mà còn tiếp: “Không người nào ở thôn muốn bồng bế con bé ấy cả, theo tôi, nó hệt như mẹ nó, đều là những người rất khó bắt thân”.
“Ồ?”
“Cậu còn chưa gặp nó, một đứa trẻ chẳng khóc, chẳng cười, chẳng nói, có đôi mắt u tối, lạnh lùng, nhìn ai cũng đủ khiến họ lạnh buốt sống lưng đến nửa ngày sau đó”.
Lúc nói đến Chu Tiêm Tiêm, vẻ mặt bà cụ rất không tự nhiên, hẳn trong lòng bà còn có điều khúc mắc sâu sắc với đứa bé gái hơn là với người mẹ. Tôi rất không tán thành với bà cụ, thực ra tôi đã gặp Chu Tiêm Tiêm. Con bé chính là đứa trẻ kiệm lời, rụt rè của ba năm trước. Gia đình liên tục xảy ra chuyện, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến con trẻ, khiến ngay cả một đứa bé hiếu động cũng trở nên lầm lì rụt rè, rồi từ lầm lì rụt rè thành ra khép kín. Lại thêm chuyện người mẹ bị mọi người ở thôn khi*p sợ, xa lánh, thì việc Chu Tiêm Tiêm bị họ coi là có mà cũng như không cũng chẳng có gì là lạ. Chính sự mê tín quá mức của người dân nơi đây đã khiến cuộc sống mẹ góa con côi của hai mẹ con Hoàng Chức trở nên không dễ dàng gì.
Sao mình không sớm về đây xem xét chứ? Tôi thầm trách bản thân.
“Phía công an họ nói gì, có manh mối nào không cụ?”
“Dầu sao cũng vẫn chưa thấy gì, mẹ con bé cứ nói năng lung tung vậy thì họ biết đằng nào mà lần?”
Qua câu trả lời và vẻ mặt của bà cụ, tôi đã hiểu ra phần nào. Người thân duy nhất còn lại của con bé vừa bị mất tích là một bệnh nhân tâm thần, còn người có thể cung cấp manh mối trong thôn, nếu đầu là người có thành kiến với Chu Tiêm Tiêm như bà cụ đây, thì hẳn sẽ không chủ động hợp tác. Thêm vào đó, trước đây gia đình Hoàng Chức từng xảy ra nhiều vụ mất tích không manh mối, e rằng vụ việc lần này cũng giống vậy nên chẳng ai để tâm theo dõi.
Tôi thử nhẩm tính, ngay khi con bé mất tích, Hoàng Chức đã gửi thư cầu cứu tôi lần đầu. Vậy sao lúc đó tôi không về đây sớm hơn? Tôi tự trách mình thêm lần nữa.
Nếu là hồi mới vào nghề sau khi ra trường, có lẽ dù nhận được thư của một bệnh nhân tâm thần, dù phải gọi điện về tận đồn công an địa phương tìm hiểu, tôi cũng sẽ tìm đủ mọi cách làm sáng tỏ mọi việc. Còn giờ thì…
Tôi lắc đầu, gạt bỏ một vài suy nghĩ ra khỏi trí óc. Bất kể thế nào tôi cũng phải cố tìm ra được Chu Tiêm Tiêm.
“Tôi thấy mắt mũi cậu trông có vẻ là người tốt, lại có ý quay lại trò chuyện với bà già này, nên mới nói vậy. Đừng đến nhà cô ta nữa, nghe lời tôi nói, cậu sẽ thấy không sai đâu!” – Bà cụ bảo.
“Thực ra vì ở đó không có ai ở nhà nên cháu mới quay lại sớm thế!” – Tôi cười.
“Cô ta không ở nhà sao? Không thể nào!” – Bà cụ một mực khẳng định.
“Đúng là không ai ở nhà thật, cháu nhấn chuông cửa tận mấy lần mà!”
“Không thể nào, cô ta tự nhốt mình trong nhà, rất ít khi ra ngoài, có ra chợ cũng không thể đến giờ này còn chưa về. Hơn nữa tôi ngồi đây đã lâu, ngoại trừ lúc đi ăn cơm, cũng đâu thấy cô ta đi qua.” – Bà cụ vừa nói vừa ngừng tay, nghĩ ngợi một lát rồi dịch rổ rau sang bên để đứng dậy.
“Đi, ta đi xem thế nào!” – Bà bảo.
Bà cụ cao không quá vai tôi, đến độ tuổi này mà bước đi hãy còn nhanh nhẹn, dứt khoát.
“Cậu tìm Hoàng Chức có việc gì?” – Khi đó bà cụ mới nhớ đến việc hỏi thăm mục đích của tôi.
“Cháu là phóng viên của tòa soạn báo Ngôi sao buổi sớm ở Thượng Hải, cô ấy…”.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc