Những người dễ kết bạn không mất thời gian trách móc người khác.
Nếu tôi rủ bạn đi ăn tối và cứ luôn mồm trách cứ gia đình tôi, ông chủ tôi, hàng xóm và bạn bè về cuộc sống chán nản của tôi, bạn có nín thở khi được tôi mời lần tới không?
Nếu bạn quyết định đi với tôi, bạn sẽ mong được vui vẻ và thoải mái hơn – nghĩa là cảm thấy dễ chịu.
Không đổ lỗi cũng có nghĩa là biết chịu trách nhiệm về hành động của chúng ta. Chúng ta nói: “Tôi bị suy sụp”, “Tôi không làm gì cả trong chuyện đó”. Sự thật không phải là chúng ta KHÔNG THỂ LÀM mà là ĐÃ KHÔNG LÀM.
Nếu chúng ta thực với bản thân thì chúng ta luôn có quyền chọn nơi để đi, chọn bạn để giao du và chọn nên nói, nên làm điều gì. Chúng ta được lựa chọn mọi cái trong cuộc sống: công ty, công việc, bạn đời, suy nghĩ….
Chừng nào chúng ta xác nhận rằng mình có quyền chọn lựa và chúng ta phải chịu trách nhiệm thì chúng ta càng sớm sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Tôi biết một giáo sư đại học cho là mình rất thông minh. Ông ta làm việc 70 giờ một tuần nhưng lại chẳng thích công việc của mình chút nào. Ông ta nói với tôi: “Tôi không thích làm công việc này nhưng lại bị dính vào cái xó nay – tôi biết phải làm gì?”
Ông ta có thể làm gì? LÀM CÁI GÌ ĐÓ ĐỐI VỚI CHUYỆN NÀY HAY BẤT KỲ ĐIỀU GÌ KHÁC! Ông ta chỉ có một cuộc đời. Ông ta đã 50 tuổi và là một học giả hàng đầu, nhưng lại không biết làm cách nào để được làm điều ông thích làm. Như thế đâu phải là thông minh lắm phải không? Ông ta giả vờ là mình không có sự chọn lựa và vì thế không chịu sự thay đổi thái độ và công việc của mình.
v Chính bạn quyết định cảm xúc của bạn
Một trong những cách đối xử hiệu quả với người khác là đừng để họ làm bạn xuống tinh thần. Đau khổ có thể lây lan. Đôi khi người khác cứ cho là bạn phải chán nản.
Nhà tôi vừa bị mất trộm. Kẻ trộm lấy mất một đầu video, hai trăm đô la và một cái xách cũ. Sau khi nhận ra là mình bị mất trộm và hơi bực, tôi quyết định là không có gã trộm nào có thể làm hỏng ngày hôm đó của tôi. Việc xảy ra cũng hơi khó chịu nhưng nó giúp cho nhận thức của tôi. Suy nghĩ kỹ lại, tôi thậm chí còn được giải thoát khi mất cái xách.
Hãy đoán xem chuyện quan trọng hơn là chuyện gì? Những người khác muốn tôi chán nản. Jim bạn tôi biết được và cứ cho tôi phải rất buồn phiền. Jim thấy thương hại cho tôi và tôi không thể bắt người ta tin rằng tôi đang cố buộc họ phải im lặng.
Tôi nói: “Jim à, anh nghe chúng tôi vừa bị mất trộm, và anh cũng biết là tôi muốn quên đi chuyện này càng sớm càng tốt. Vì thế xin cảm ơn anh đã quan tâm và hãy để cho tôi kể cho anh nghe một chuyện thú vị hơn…” (Trước đó Jim còn “giúp” tôi bằng cách báo cho nhiều người biết và họ xịu mặt xuống vây quanh lấy tôi… “Chúng tôi nghe là anh bị mất trộm. Chắc anh buồn lắm…”.)
Thường thì họ có ý tốt nhưng lại làm cho bạn cảm thấy buồn khổ hơn. Có khi nào bạn đang làm việc hoặc chơi thể thao hay đang dạy cho ai đó thì một người khác đến và nói: “Chà, chắc là anh mệt lắm!” Bạn không bao giờ nghĩ mình mệt cho đến khi người khác nhắc bạn nhớ.
Tương tự chúng ta cần tránh những lời khuyên để không bị thất vọng. Anh trai của bạn quên ngày sinh nhật của bạn. Một người khác bảo bạn: “Chắc là bạn buồn lắm!” Bạn phải quyết định cảm xúc của mình chứ. Có thể là năm nào anh ấy cũng quên và như thế chẳng có gì là quan trọng.
v Hãy nói cho người khác điều bạn cần
Một cách để không đổ lỗi cho người khác là nói cho họ biết bạn muốn gì.
Brad mời Wendy đi nhảy. Mới bắt đầu đi thì Wendy đổi ý, cô quay sang Brad và nói: “Em không muốn đi nhảy, em muốn đi xem phim”.
Brad: “Nhưng em rủ đi nhảy mà!”
Wendy: “Đó là bởi vì em nghĩ anh có thể thích đi nhảy. Em thì thích xem phim”.
Brad: “Nhưng anh chưa bao giờ nghe em nói đến phim”.
Wendy: “Vậy thì có hề gì?”
Brad: “Tại sao em không nói trước với anh là em thích đi xem phim?”
Wendy: “Đáng lẽ anh phải hỏi em.”
Chúng ta có quyền nói chuyện rõ ràng – “Tôi muốn thế này”, - và đừng đổ lỗi cho người khác nếu chúng ta không vui.
Trong những quan hệ lành mạnh, hai bên sẽ bày tỏ mong muốn và yêu cầu của họ “Tôi thích cái này”, “Xin giúp em việc này”, “Anh muốn em lắng nghe kỹ chuyện này”.
Tương tự, chúng ta cũng thích nhất những người không đổ lỗi cho người khác. Vì thế đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác – vì bạn bè chúng ta không thích điều này.
v “Thế giới còn nợ tôi”
Một nguyên nhân của việc trách cứ người khác là suy nghĩ “thế giới còn nợ tôi”. Nó thể hiện trong những câu nói như: “Tại sao người ta không thích tôi”, “Tại sao người ta không phát hiện được tài năng của tôi”, và “Sao cuộc sống lại khó khăn thế này- ai đó làm cái gì đi chứ!”
Tốt nhất nên bỏ cái suy nghĩ rằng thế giới còn nợ nần chúng ta. Đời là một siêu thị lớn, mà bạn là một trong hàng tỉ món hàng trong đó. Thử thách của bạn là làm cho người khác thấy giá trị của bạn. Đó là khả năng hòa đồng, giúp đỡ cho người khác… Nếu bạn có được những giá trị này, bạn bè và những ông chủ sẽ tìm đến bạn. Nếu bạn là của nợ thì sẽ mãi mãi cô độc.
Được sống trên hành tinh này là một đaca an. Nếu bạn muốn tận hưởng những điều dễ thương của cuộc đời thì bạ phải biết cách để thể hiện những giá trị của bạn với người khác.
v Đổ lỗi cho người khác thường là cái cớ để bạn không hành động và không hành động thì chẳng giúp gì được cho ai.
Không quan trọng là bạn có thể đổ lỗi hay trách cứ bao nhiêu người: con bạn, chồng bạn, học vấn của bạn, ba mẹ bạn, hàng xóm của bạn hay chính phủ, thời tiết… - nếu bạn cứ khổ sở thì chẳng ai rảnh mãi mà an ủi bạn cả. NHỮNG LÝ DO RỐT CUỘC THƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ SỰ AN ỦI. ĐIỀU CỐT YẾU LÀ BẠN CÓ ĐẾN ĐƯỢC NƠI BẠN MUỐN ĐẾN KHÔNG.
ĐÚC KẾT: Những người hạnh phúc và thành công sẽ đặt được điều họ muốn dù cho có khó khăn gì. Không phải mọi chuyện đều dễ dàng đối với họ. “Những người hay đổ lỗi” thường tập trung nhiều hơn vào khó khăn, còn “Những người hạnh phúc và thành công”thì chú tâm nhiều hơn đến giải pháp. Hãy tự hỏi chính mình: a) “Tôi muốn gì?” và b) “Mình nên hàng động như thế nào để đạt được điều đó?”
Những người cứ luôn miệng bảo bạn, “Chắc là anh buồn lắm”, “Thời nay thật khó khăn” , “Cuộc sống thật vô nghĩa “, “Làm việc là đọa đày “… Hãy tự nói với mình rằng “ Đó là thực tế của họ và tôi tôn trọng nó. Tôi có thể tiếp chuyện với họ về điều đó – nhưng tôi không muốn vậy. Tôi có quyền lựa chọn cảm xúc của mình”.
THƯỞNG PHẠT CHO LÒNG TRUNG THỰC
Mary có vấn đề. Cô nói với bạn: “Harry muốn mời tôi đi chơi. Anh ta rất dễ thương nhưng chúng tôi có ít điểm giống nhau. Tôi không muốn đi. Tôi nên nói gì với anh ta?” Mary và bạn của cô khổ sở tìm xem cô nên nói gì.
Điều đó thật sự không có gì phức tạp. Mary nên nói là: “Hary, anh thật dễ thương nhưng chúng ta ít điểm giống nhau. Tôi không muốn đi.” Không đơn giản sao? Tại sao lại phải làm cho cuộc đời phức tạp thêm nhỉ?
Một cách khác: “Harry, tôi không biết nên nói gì với anh về việc này. Anh biết đó, tôi nghĩ là anh rất dễ thương nhưng tôi chưa muốn hẹn hò…”
Trung thực thì mọi việc sẽ đơn giản làm sao! Không phải là nhiều người sẽ yêu thương bạn hơn nếu bạn không nói dối nhưng tỏ ra trung thực một cách khéo léo luôn là giải pháp dễ nhất.
Giả sử ông chủ của bạn yêu cầu bạn gởi vài lá thư quan trọng. Thay vì gởi đi thì bạn vô tình quẳng nó mất tiêu cùng với mớ giấy lộn. Bạn có thể giải thích lòng vòng và đưa ra đủ các cớ khác nhau, nhưng mọi việc sẽ phức tạp hơn. Dễ nhất bạn nên nói: “Thưa ông, tôi quả là một tên ngốc. Thật không hay tý nào khi nói với ông điều này nhưng tôi đã làm mất lá thư đó!”
Khi bạn trung thực với mọi người thì:
- Họ đánh giá bạn cao hơn.
- Họ tin tưởng bạn
- Họ biết bạn đang đứng ở đâu
- Bạn có thể có nhiều hơn cái bạn muốn
Gần đây có một vài anh chàng đến gặp tôi. Anh ta lòng vòng trong vài tiếng, hỏi tôi những câu đại loại như: “Ông đang làm gì vậy?” “Ông có bận rộn không?” “Công việc kinh doanh thế nào?” Tôi đoán là anh ta chỉ đến thăm xã giao. Mấy ngày sau, tôi được biết là anh ta bị mất việc và muốn làm việc ở chỗ tôi.
Nếu anh ta nói với tôi: “Tôi bị mất việc và muốn xin chỗ làm”, có thể tôi đã giúp anh ta. Có lạ không? Anh ta không nói cho tôi biết là anh ta muốn xin làm việc trong khi anh ta không có tiền trả tiền nhà.
Nếu bạn muốn nói điều gì thì hãy nói ra. “Tôi muốn mượn 100 đô la”, “Tôi muốn anh thôi không làm phiền tôi nữa”. Nếu bạn muốn hẹn hò với ai thì nói với người đó. Chẳng hạn “Em là người tuyệt vời nhất trong bữa tiệc này. Anh muốn mời em đi chơi. Em nghĩ sao?” Trẻ con thường có cái chúng cần bởi vì chúng hỏi xin ngay. Đây là điều dễ thương ở trẻ con. Khi bạn trung thực như trẻ con thì mọi người cũng nghĩ bạn dễ thương.
Tương tự, nếu bạn không biết cái gì thì hãy nói là bạn không biết. Thật là cáu tiết khi ông thầy, người đồng nghiệp hay bố mẹ, những chuyên gia cứ luôn giả vờ là cái gì mình cũng biết. Người ta rất tôn trọng những người biết nói “Tôi không biết”.
ĐÚC KẾT: Hãy khôn khéo và hãy nói ra sự thật. Trung thực với ai đó là tôn trọng họ và tự trọng bản thân – và như thế cũng chẳng khó lắm đâu!