Điện Thoại Này Dùng Chung Nhé - Chương 16

Tác giả: Sophie Kinsella

Chuyện gì thế nhỉ ? Chẳng nhẽ bác ấy muốn giữ chiếc nhẫn cho chính bác ấy? Lẽ ra Magnus không được tặng nó đi ư? Tôi cảm thấy như lạc vào trong một tình huống gia đình tế nhị mà tôi không nhìn ra, nhưng tất cả họ đều thừa lịch sự để không đề cập tới, và tôi sẽ không bao giờ biết được mọi người thực sự nghĩ gì.
Nhưng, nếu chiếc nhẫn đặc biệt đến vậy thì sao bác ấy lại không nhận ra đây là nhẫn giả ? Có phần tai ác, tôi cảm thấy hơi hơi thất vọng vì nhà Tavish không nhận ra điều đó. Họ cho rằng họ thật thông minh, thế nhưng lại thậm chí không thể phát hiện ra một viên ngọc lục bảo giả.
“Một chiếc nhẫn đính hôn siêu đẹp,” bác Paul lịch sự nói. “Có một không hai, tôi chắc thế.”
“Hoàn toàn đúng ạ,” tôi gật đầu. “Một chiếc nhẫn cổ, rất cổ.”
“À, Poppy,” bác Antony đang tỉ mẩn quan sát một bức tượng kế bên bỗng nói chen vào. “Cháu nói làm bác nhớ ra. Bác định hỏi cháu cái này.”
Hỏi tôi?
“Ồ thế ạ?” tôi ngạc nhiên nói.
“Đầu tiên bác định hỏi Magnus, nhưng rồi nghĩ đây là lĩnh vực của cháu thì đúng hơn.”
“Bác nói đi ạ,” tôi mỉm cười nhìn bác ấy, chờ đợi câu hỏi liên quan tới lễ cưới, kiểu như: “Sẽ có bao nhiêu phù dâu?” hay là “Cháu sẽ cài hoa gì?” hoặc thậm chí “Cháu có ngạc nhiên không khi Magnus ngỏ lời cầu hôn?”
“Cháu nghĩ gì về cuốn sách mới của McDowell về những người theo chủ nghĩa khắc kỷ?” Cặp mắt bác ấy mở to, nhìn tôi chăm chú. “So với Whittaker thì cháu thấy thế nào?”
Tôi đờ ra một lúc không kịp phản ứng. Cái gì cơ? Tôi nghĩ gì về cái gì cơ?
“À đúng rồi,” bác Wanda gật gù chắc nịch. “Anh Paul biết không, Poppy hơi hơi là chuyên gia về triết học Hy Lạp đấy. Con bé làm tất cả chúng tôi té ngửa ở cuộc chơi xếp chữ với từ ‘aporia’, đúng thế không nào?”
Chả hiểu tôi xoay xở thế nào mà lại tiếp tục cười tươi được.
Aporia.
Đó là một trong những từ Sam nhắn tin qua điện thoại cho tôi. Lúc đó tôi đã uống vài ly vang và trở nên khá tự tin. Tôi nhớ láng máng mình vừa đặt miếng xếp chữ xuống vừa thao thao rằng triết học Hy Lạp là một trong những lĩnh vực tôi rất quan tâm.
Tại sao? Tại sao, tại sao, tại sao? Nếu có thể quay ngược thời gian, đó chính là giây phút tôi đứng thẳng dậy tự nhủ: “Poppy, đủ rồi!”
“Đúng vậy ạ.” Tôi cố cười xòa. “Aporia. À mà cháu tự hỏi không biết linh mục đâu...”
“Sáng nay hai bác đọc tờ TLS” bác Antony bỏ qua nỗ lực đánh trống lảng của tôi, “có bài bình luận về cuốn sách mới này của McDowell và hai bác nghĩ cháu chắc phải biết chủ đề này.“ Bác ấy nhìn tôi chờ đợi. “Thế những gì McDowell nói về các giá trị của thế kỷ IV có đúng không?”
Tôi não hết cả lòng. Sao mình lại làm ra vẻ hiểu biết về triết học Hy Lạp để làm gì cơ chứ? Lúc đó mình nghĩ quái quỷ gì thế không biết?
“Thực tình là cháu chưa đọc tới cuốn sách của McDowell ạ.” Tôi hắng giọng nói. “Tuy rằng nó có nằm trong danh sách những cuốn cháu định đọc.”
“Bác cho rằng chủ nghĩa khắc kỷ thường bị hiểu nhầm thành một triết lý, có phải vậy không, Poppy?”
“Đúng thế ạ,” tôi gật đầu, cố gắng làm ra bộ hiểu biết nhất có thể. “Bị hiểu sai hoàn toàn. Chính là như vậy.”
“Theo như bác hiểu thì những người theo chủ nghĩa khắc kỷ không phải là những người vô cảm.” Bác ấy khoa tay như thể đang thuyết giảng trước ba trăm cử tọa. “Đơn giản là họ coi trọng đức ánh ngoan cường. Rõ ràng việc họ thể hiện sự trơ lì trước hành động thù địch khiến những kẻ gây sự tưởng họ là gỗ đá.”
“Phi thường!” Bác Paul cười to và thốt lên.
“Đúng thế không, Poppy?” Bác Antony quay sang phía tôi. “Khi người Gôloa tấn công Roma, những nghị sĩ già ngồi trong chỗ họp, bình thản chờ đợi. Những kẻ xâm lược sửng sốt trước thái độ điềm nhiên của họ đến mức tưởng họ là những bức tượng. Một người Gôloa thậm chí còn giật bộ râu của một nghị sĩ để kiểm tra.”
“Chuẩn bác ạ.” Tôi gật đầu tự tin. “Chính xác là như vậy.”
Chừng nào bác Antony tiếp tục nói, tôi cứ tiếp tục gật gù như vậy thì mọi việc đều ổn thỏa cả.
“Hấp dẫn quá! Rồi sau đó chuyện gì đã xảy ra vậy?” Bác Paul quay sang phía tôi vẻ trông ngóng.
Tôi liếc nhìn bác Antony tìm câu trả lời, nhưng bác ấy cũng đang chờ tôi, và bác Wanda cũng thế.
Ba vị giáo sư đầu ngành. Tất cả đều đang đợi tôi kể cho họ nghe về triết học Hy Lạp.
“Dạ,” tôi ngừng lại nghiền ngẫm, như thể đang nghĩ xem phải bắt đầu từ đâu. “Dạ, vâng. Rất... thú vị. Ở nhiều góc độ. Đối với triết học. Đối với Hy Lạp. Đối với lịch sử. Đối với nhân loại. Trên thực tế, ta có thể nói đó là giây phút có ý nghĩa nhất trong Hy Lạp... học.” Tôi dừng lời, hy vọng không ai nhận ra tôi không hề trả lời vào câu hỏi.
Tất cả đều im lặng bối rối.
“Nhưng chuyện gì đã xảy ra?” bác Wanda nói, có chút sốt ruột.
“À, thì tất nhiên là các nghị sĩ đều bị Gi*t,” bác Antony nhún vai trả lời. “Poppy, điều mà bác định hỏi cháu là...”
“Bức tranh dễ thương quá!” Tôi tuyệt vọng kêu lên, chỉ về phía một bức tranh treo trên cột. “Bác nhìn xem này!”
“À, ừ, một tác phẩm lý thú đây.” Bác ấy đi lại gần để ngắm.
Điều tuyệt vời ở bác Antony là bác ấy tò mò về đủ mọi thứ đến độ rất dễ đánh lạc hướng.
“Cháu phải xem lại cái này trong lịch...” tôi vội vàng nói. “Cháu sẽ...”
Chân tôi hơi run trong khi tôi trốn ra chiếc ghế gần đó. Đây đúng là thảm họa. Từ giờ cho đến hết phần đời còn lại, tôi sẽ phải giả vờ là chuyên gia về triết học Hy Lạp. Mỗi dịp Giáng sinh hay tụ họp gia đình, tôi sẽ phải đưa ra quan điểm về triết học Hy Lạp. Đấy là chưa kể phải thuộc lòng thơ Robcrt Burns.
Lẽ ra tôi không nên, không bao giờ nên lừa dối. Đây là quả báo. Đây là sự trừng phạt tôi phải nhận lấy.
Dù thế nào thì cũng đã muộn rồi. Tôi đã mắc tội lừa dối.
Tôi sẽ phải bắt đầu ghi chép. Tôi lấy điện thoại ra, tạo một thư mới và bắt đầu viết ghi chép cho bản thân.
NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM TRƯỚC ĐÁM CƯỚI
1. Trở thành chuyên gia về triết học Hy Lạp.
2. Học thuộc thơ Robert Bums.
3. Học những từ dài để chơi xếp chữ.
4. Phải nhớ mình là KẺ BỊ BỆNH TƯỞNG.
5. Thịt bò Stroganoff. Phải tập thích dần. (Tự kỷ ám thị ư?) [Bác Wanda làm món thịt bò Stroganoff cho chúng tôi lần đầu tiên Magnus dẫn tôi về nhà ra mắt. Làm sao tôi có thể nói thật với bác ấy là cái món đó làm tôi buồn nôn?]
Tôi nhìn danh sách một lúc. Mọi việc ổn cả. Tôi có thể là con người đó. Cũng không khác tôi là mấy.
“Ừ, tất nhiên, mọi người biết quan điểm của tôi về nghệ thuật trong nhà thờ rồi đấy...” giọng bác Antony sang sảng. “Hoàn toàn vô lối...”
Tôi thụt người lại để không bị nhận ra, trước khi ai đó kịp lôi kéo tôi tham gia cuộc nói chuyện. Mọi người đều biết quan điểm của bác Antony về nghệ thuật trong nhà thờ, chủ yếu bởi vì bác ấy là người lập ra một cuộc vận động quốc gia biến nhà thờ thành nơi trưng bày nghệ thuật và tống cổ các linh mục đi chỗ khác. Một vài năm trước, bác ấy lên truyền hình phát biểu: “Những kho báu như thế này không nên để lọt vào tay những kẻ phàm phu tục tử.” Câu nói được nhắc lại ầm ĩ nháo nhác ở khắp nơi với những cái tít như kiểu: “Giáo sư gọi Thầy tu là phàm phu tục tử” và “Giáo dèm Tu” (đấy là trên tờ The Sun.) [Bác ấy lên chương trình Bản tin buổi tối và mọi cái khác. Theo như Magnus nói thì bác Antony thích được mọi người chú ý, mặc dù bác ấy làm ra vẻ không quan tâm. Kể từ đó bác ấy còn nói nhiều thứ gây tranh luận hơn nữa, nhưng không có câu nào được nhắc đến nhiều bằng vụ phàm phu tục tử này.]
Giá mà bác ấy nhỏ giọng xuống một chút. Nếu mà linh mục nghe thấy thì sao? Như thế nghe chừng không được tế nhị cho lắm.
Bây giờ tôi có thể nghe thấy bác ấy đang tấn công Nghi thức Thánh lễ.
“Rất được thương yêu.” Bác ấy cất tiếng cười châm biếm thường lệ. “Được ai thương yêu? Những chòm sao và vũ trụ chắc ? Liệu có ai trông đợi chúng ta tin tưởng rằng một sinh linh tốt bụng nào đó ở trên kia yêu chúng ta? ‘Nhân danh Chúa’. Wanda, mình thấy thế nào? Toàn là vớ va vớ vẩn.”
Đột nhiên, tôi nhìn thấy linh mục của nhà thờ từ bên dưới lối đi hướng lên phía chúng tôi. Cứ nhìn vẻ mặt hầm hầm thì có thể đoán ra chắc chắn là Cha đã nghe thấy hết bài phát biểu của bác Antony. Ối giời ơi!
“Chào con, Poppy.”
Tôi hấp tấp nhổm dậy khỏi ghế. “Cha Fox, kính chào cha ạ! Cha có khỏe không ạ? Chúng con đang nói với nhau... trông nhà thờ đẹp quá!” Tôi cười ngượng nghịu.
“Đúng thế,” Cha Fox lạnh lùng đáp lại.
“Không biết cha đã...” tôi nuốt nước bọt, “đã gặp bố chồng tương lai của con, Giáo sư Antony Tavish chưa ạ?”
May thay bác Antony bắt tay Cha Fox một cách vui vẻ, nhưng không khí vẫn gai góc.
“Ông giáo sư vừa mới đọc một đoạn trong Kinh Thánh thì phải ?” Cha Fox nói sau khi kiểm tra một vài chi tiết khác.
“Đâu có.” Cặp mắt bác Antony nảy lửa nhìn linh mục.
“Tôi đoán vậy.” Cha Fox nhìn trả lại không kém phần khiêu khích. “Đó không phải là ‘ngón nghề’ của ông, có thể nói như vậy.”
Ôi Chúa ơi! Người ta có thể cảm thấy sự thù địch giữa họ tích điện trong không khí. Tôi có nên đùa một câu để tháo ngòi nổ cho không khí nhẹ bớt không?
Có lẽ không nên.
“Thế nào, Poppy, các em trai con sẽ dẫn con tới trước bàn chờ Chúa, đúng không?” Cha Fox xem lại ghi chép.
“Đúng vậy ạ,” tôi gật đầu, “Toby và Tom mỗi đứa một bên sẽ tháp tùng con đến trước lễ đường ạ.”
“Các em trai của cháu à?” Bác Paul xen vào vẻ quan tâm. “Ý tưởng rất hay. Nhưng tại sao lại không phải là bố cháu?”
“Bởi vì bố cháu...” tôi ngập ngừng. “À, thực ra bố mẹ cháu đều mất rồi ạ.”
Giống như đêm nối tiếp ngày, chuyện gì đến phải đến. Tất cả đều lúng túng. Tôi dán mắt nhìn sàn đá, đếm từng giây, nhẫn nại đợi ai đó lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
Suốt mười năm qua đã bao nhiêu lần tôi gây ra những phút im lặng lúng túng? Lần nào cũng như lần nào. Không ai biết phải nhìn đi đâu. Không ai biết phải nói gì. Ít nhất lần này không ai cố gắng ôm chầm lấy tôi để an ủi.
“Cháu gái yêu quý,” bác Paul sửng sốt nói. “Bác rất lấy làm tiếc...”
“Không sao ạ!” tôi vui vẻ ngắt lời bác ấy. “Thật mà. Đó là một tai nạn, đã mười năm rồi. Cháu không nhắc lại, cũng không nghĩ đến nữa.”
Tôi mỉm cười với bác ấy một cách “ngắt hứng” nhất có thể. Tôi sẽ không để bị lôi vào đề tài này. Tôi không bao giờ để bị lôi cuốn vào đề tài này. Nó đã khép kín trong tâm trí tôi. Cất kỹ rồi.
Không ai muốn nghe những chuyện không vui. Đó là sự thật. Tôi nhớ thầy hướng dẫn của tôi ở trường đại học có lần hỏi tôi có sao không và liệu có muốn giãi bày tâm sự không. Tôi vừa mở miệng nói thì thầy đã bật ra câu “Poppy, em không được đánh mất niềm tin,” tức thì đến nỗi câu đó thực ra có nghĩa: “Thực sự thì xin em dừng lại đi, tôi không muốn nghe đâu.”
Có một nhóm tư vấn tâm lý. Nhưng tôi không muốn đến vì xung đột với thời gian biểu tập khúc côn cầu. Với cả đến đó để nói chuyện gì ? Bố mẹ tôi mất. Bác tôi đem chúng tôi về nuôi, các anh chị họ tôi đã ra ở riêng cả, nhà bác có đủ chỗ ở và mọi thứ.
Việc đã xảy ra rồi. Chẳng có gì để nói nữa cả.
“Poppy, chiếc nhẫn đính hôn đẹp quá,” cuối cùng Cha Fox nói và mọi người liền bám vào đó để chuyển hướng câu chuyện.
“Dễ thương quá phải không nào? Đúng là một chiếc nhẫn cổ.”
“Kỷ vật gia đình đấy,” bác Wanda bổ sung.
“Rất đặc biệt.” Bác Paul nhẹ nhàng vỗ lên tay tôi. “Có một không hai.”
Có tiếng chốt cửa sắt leng keng, cánh cửa nhà thờ bỗng bật mở. “Xin lỗi đã đến muộn.” Một giọng nói chói tai quen thuộc vang lên. “Đúng là một ngày không ra làm sao.”
Người đang sải bước đi lên về phía chúng tôi, tay cầm vài chiếc túi đựng đầy vải lụa là Lucinda. Chị ta mặc áo màu be, chiếc kính râm to đùng cài trên tóc, trông vẻ rất tất bật. “Chào Cha Fox! Cha có nhận được email của con không ạ?”
“Có,” Cha Fox trả lời giọng mệt mỏi. “Cha có nhận được thư con, Lucinda ạ, nhưng cha e rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các cột trong nhà thờ cũng không thể bị phun nhũ bạc được.”
Lucinda đứng sững lại, một cuộn lụa màu xám tuột ra khỏi túi, lăn dài xuống lối đi.
“Không thể ư? Ơ, thế thì con phải làm thế nào bây giờ? Con đã hứa với người cung cấp hoa là các cột sẽ được phun nhũ bạc rồi!” Chị ta ngồi phịch xuống chiếc ghế gần đó. “Cái đám cưới của nợ này! Không việc nọ thì lại xọ việc kia...”
“Đừng lo, cháu Lucinda yêu quý,” bác Wanda lên tiếng, âu yếm hôn lên má chị ta. “Bác chắc chắn là cháu lo liệu mọi việc đâu ra đấy. Mẹ cháu thế nào?”
“À, mẹ cháu khỏe ạ.” Chị ta phẩy tay. “Cháu có thấy bà ấy bao giờ đâu, lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi với cái vụ này... Cái con bé Clemency ૮ɦếƭ tiệt đâu rồi nhỉ?”
“À, nhân tiện, em đã đặt thuê xe rồi ạ,” tôi nói nhanh. “Tất cả đều xong rồi. Cả vụ hoa giấy nữa. Em đang nghĩ không biết có nên đặt hoa cài ở khuyết áo cho người hướng dẫn lối vào không?”
“Nếu em có thể,” chị ta nói có phần bực dọc. “Chị sẽ rất cảm ơn em.” Chị ta ngẩng đầu nhìn lên và có vẻ như lần đầu tiên thực sự trông thấy tôi. “Ôi, Poppy, có mộttin này rất tuyệt vời, chị tìm thấy nhẫn của em rồi! Nó bị vướng vào trong vải lót ở túi xách của chị.”
Chị ta rút chiếc nhẫn ngọc lục bảo ra giơ lên. Kinh ngạc hết sức, tất cả những gì tôi có thể làm là chớp mắt liên hồi.
Chiếc nhẫn thật. Chiếc nhẫn đính hôn bằng ngọc lục bảo đích thực, đồ cổ vô giá của tôi. Ngay đó, trước mặt tôi.
Sao chị ta lại...
Của nợ...
Tôi không dám nhìn ai khác. Nhưng tôi vẫn nhận biết được những cái liếc nhìn sửng sốt bao quanh tôi, đan chéo nhau, hướng về chiếc nhẫn giả rồi sang chiếc nhẫn thật và ngược lại.
“Bác không hiểu lắm,” cuối cùng bác Paul lên tiếng.
“Mọi người ơi, có chuyện gì vậy?” Từ đằng xa đi lại, Magnus nhận ra ngay là có vấn đề. “Ai đó gặp ma à? Ma vương à?” Magnus cười với câu nói đùa của chính mình nhưng không ai buồn hưởng ứng.
“Nếu đó là chiếc nhẫn...” bác Wanda có vẻ đã lấy lại được giọng, “thế thì cái này là cái gì ?” Bác ấy chỉ vào chiếc nhẫn giả trên tay tôi, tất nhiên lúc này trông như đồ nhựa.
Cổ họng nghẹn đắng đến mức tôi không thở nổi. Bằng cách nào đó tôi phải cứu vãn được tình thế này. Phải có cách nào đó. Họ không bao giờ được biết tôi đã đánh mất chiếc nhẫn.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc