Hai người trằn trọc đến quá nửa đêm, vừa mới chợp mắt được một lát thì mẹ Chu Nam gọi điện đến. Tiếng chuông điện thoại kêu lên inh ỏi, Đông Tam vừa mới nhấc điện thoại lên, chưa kịp lên tiếng thì giọng nói lóe xóe ở đầu dây bên kia đã đâm thẳng vào màng nhĩ cô. Cô ném điện thoại cho Chu Nam đang ngủ mơ màng bên cạnh, mệt mỏi thông báo: “Mẹ anh”.
Bao năm nay, Đông Tam vẫn chưa quên được cuộc đấu khẩu nảy lửa với mẹ Chu Nam, thế nên mỗi khi bà gọi điện đến, Đông Tam luôn cố gắng lảng tránh. Mẹ Chu Nam là người Thượng Hải chính gốc. Trừ khi đi du lịch, còn không thì cả đời bà không bao giờ bước chân ra khỏi địa bàn Thượng Hải. Trong mắt bà, việc nói tiếng Thượng Hải và tìm cô con dâu người Thượng Hải đều quan trọng như nhau. Tuy Thẩm Đông Tam nhiều chiêu lắm kế làm bà tạm thời chưa thể lay chuyển được cậu con trai, nhưng với sự kiêu hãnh của một người Thượng Hải, bà không bao giờ muốn phí lời với con bé quê mùa là cô. Vả lại, tiếng phổ thông của bà cũng không được chuẩn cho lắm.
Có một lần, Chu Nam đang tắm thì bà gọi điện đến, không may Đông Tam lại nghe máy. Mặc cho đầu dây bên kia rỉ rả hồi lâu, cô chỉ biết cười trừ, thảng có đáp lại một hai câu thì lại chả ăn nhập gì với nhau. Cuối cùng bà ta không nhịn nổi nữa, lớn tiếng mắng: “Tôi chịu đủ rồi!” rồi dập máy đánh cạch. Đợi Chu Nam tắm rửa xong, Đông Tam mới kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Anh vội vã nhấc máy gọi lại, từ những thứ âm tiết được phát ra với âm vực rất cao trong điện thoại, Đông Tam có thể hiểu bà bất mãn với cô đến như thế nào. Cô thậm chí còn nhận ra được sự nhượng bộ cuối cùng của bà, hoặc là cô phải học tiếng Thượng Hải, hoặc là Chu Nam phải chia tay cô để tìm một cô gái nói được tiếng Thượng Hải chính cống.
Sau khi gác máy, Chu Nam nhìn cô rất lâu, dường như đang suy nghĩ điều gì đó. Đông Tam lập tức lạnh hết cả xương sống. Chả trách người ta bảo “gió bên gối nguy hiểm”, mình vốn không phải là đối thủ của yêu lão bà bà này. Bằng chứng là sau sự kiện đó, Thẩm Đông Tam ngoan ngoãn học tiếng Thượng Hải với Chu Nam một thời gian. Nhưng khả năng ngoại ngữ thiên phú của Đông Tam lại không thể giúp cô học nổi cái thứ tiếng Thượng Hải lên bổng xuống trầm đó. Cố lắm cô cũng chỉ có thể đọc đếm được từ một đến mười và câu tỏ tình kinh điển mà Chu Nam đã dạy cô vô số lần với sự kiên trì hiếm có: Tui thích đằng ấy.
Nhưng lần này bà mẹ Chu Nam lại dùng thứ tiếng phổ thông trọ trẹ của mình để kể cho con trai nghe những chuyện lặt vặt trong nhà. Trong màn đêm yên tĩnh, những câu nói đầy dụng ý cứ thế đâm thẳng vào tai Đông Tam.
- Cô ba con tuần trước đi Hồng Kông đó, khuân cả đống đồ đem về, lại còn tặng mẹ một bộ sản phẩm dưỡng da của Estee Lauder nữa đó. Thím con mấy tuần trước cũng vừa đi Maldives về, người ngợm phơi nắng đen sì nhưng được cái tinh thần thì rất phấn chấn, ngày trước lúc nào bà cũng ՐêՈ Րỉ về cái bệnh thấp khớp thế mà giờ đỡ lắm rồi. Chả bù cho mẹ với bố mày suốt ngày cứ ru rú trong căn nhà vừa ẩm thấp vừa hẻo lánh, nói gì đến việc đi này đi nọ, mày phải biết, bố mẹ nuôi mày lớn...
Những câu ôn nghèo kể khổ ấy, không cần nghe Đông Tam cũng có thể đoán ra. Đông Tam biết rõ ý nghĩa sâu xa trong từng câu từng chữ, cô nhắm mắt nghe Chu Nam vâng vâng dạ dạ, anh còn khuyên mẹ nên đi học khiêu vũ cho khỏe người, cô không nhịn được ôm bụng cười ngặt nghẽo. Chu Nam gác điện thoại, quay sang nhìn Đông Tam rồi tủm tỉm:
- Nghĩ gì mà vui thế.
Đông Tam không dám nói mẹ anh mà chuyển sang học khiêu vũ thì ối người bỏ chạy. Cô kéo anh lại gần giả giọng mẹ anh bỡn cợt:
- Con trai à, mày phải hiểu chứ, bố mẹ nuôi mày lớn đâu có dễ dàng, sao mày không báo hiếu bố mẹ bằng một chuyến du lịch mười nước bằng máy bay hạng sang trong năm ngày sáu đêm hả?
Chu Nam cười ngượng nghịu, sau đó vùng dậy, giả vờ định vồ lấy cô:
- Dê con vừa béo vừa đẹp, khà khà, chắc là sẽ rất ngon đây...
Mắt Đông Tam vẫn còn sưng mọng. Đã rất lâu rồi cô không khóc. Trước đây cô luôn khinh thường những người đàn bà chỉ biết khóc lóc để giữ chân đàn ông, nhưng từ sau khi gặp Chu Nam, cô đã dần dần quen với thứ νũ кнí hiệu nghiệm này. Chu Nam lao đến ôm gọn cô vào lòng, nhưng anh nhanh chóng bị cô giận dỗi đẩy ra rồi hờn mát mấy câu:
- Mẹ anh chắc giận lắm nhỉ? Anh ruồng bỏ một cô tiểu thư nhà giàu như thế, lại còn phải kiếm tiền nuôi em... Anh đừng giấu em, có phải mẹ anh tức giận đến mức chỉ muốn cho anh một trận phải không?
Tư thế sẵn sàng xông trận của Chu Nam bị câu hỏi của cô làm cho đơ ra mất một lúc, sau đó anh lăn từ trên người cô xuống, một lúc lâu sau mới lên tiếng:
- Sao thế được, mẹ thương anh nên mới không nỡ cho anh một trận.
Cô hiểu thái độ phản ứng của mẹ anh và cô biết không nên hỏi anh câu này nhưng cuối cùng cô vẫn không chịu được. Thử đặt mình vào hoàn cảnh này mà nghĩ xem, nếu mẹ cô vẫn sống, chắc chắn bà cũng sẽ không đồng ý cho cô sống cả đời với một anh chàng thư sinh nghèo trắng tay. Người mẹ nào trên thế gian này mà chả mong con cái mình được sống sung sướng, không phải vất vả với cơm áo gạo tiền. Cho dù là trai hay gái cũng đều như nhau thôi.
Hai người im lặng một lát, Đông Tam nghiêng đầu rúc vào lòng anh, lập tức cảm giác an toàn xâm chiếm lấy cô.
- Chu Nam, - Cô mơ màng hỏi anh trước khi thi*p đi, - anh nói xem, có đúng là “Vợ chồng lúc nghèo lắm nỗi bi thương”[1] không?
[1] Một câu thơ trong bài Khiển bi hoài của Nguyên Chẩn đời Đường.
Hình như trước lúc cô thi*p đi, Chu Nam có nói gì đó nhưng cô chưa kịp nghe thì đã chìm sâu vào giấc mơ ngọt ngào.
Chu Nam không ngủ. Anh nhớ lại chuyện đã xảy ra hai năm trước. Khi đó anh là niềm mơ ước của biết bao cô gái.
Nắng của những ngày tháng ấy dường như rất nhẹ, thời tiết lúc nào cũng đẹp đến mức diệu kì, những đám mây trắng bồng bềnh trôi tựa như những chiếc kẹo bông ngọt ngào dịu nhẹ. Anh vẫn nhớ lần đầu tiên hẹn Đông Tam đi chơi, cô bện tóc thành hai bím cong cong, mặc áo hai dây và quần short, đứng trong gió tháng sáu nhìn anh mỉm cười, nụ cười vừa trong sáng vừa ranh mãnh đó đã chiếm trọn trái tim anh. Chưa kịp đề phòng, anh đã yêu cô. Đó là lúc nào nhỉ? Giữa hiện thực trần trụi, hình như mỗi ký ức đều trở nên đẹp đẽ lạ thường.
Đông Tam xoắn xoắn đôi bím tóc, đôi mắt đen láy nhìn sâu vào mắt anh, ngây ngô hỏi:
- Chu Nam, anh là đảng viên à, là những người mà tâm hồn lúc nào cũng lấp lánh ánh sáng phải không?
Khi đó anh cũng không rõ, câu nói này mang vẻ kính trọng hay châm biếm nữa.
Biệt hiệu ngày xưa của Chu Nam là Con nhà lành. Quả thực lúc đó anh như biến thành một thiếu niên hay ngại ngùng, một anh chàng ngây thơ đến mức chỉ biết ngây ra say sưa ngắm nhìn cô; một anh chàng mà ngay cả việc cầm tay cũng đỏ bừng mặt chứ đừng nói đến chuyện tỏ tình kinh thiên động địa; một anh chàng mà cô chỉ cần liếc nhìn thôi cũng đủ làm cho hắn ta sung sướng đến quên ăn quên ngủ.
Anh nhớ lúc chia tay, Lợi Lợi hỏi anh, cô ấy có điểm gì tốt? Anh im lặng rất lâu rồi mới nói được một câu: “Đông Tam không phải là người tốt nhất, nhưng là người thích hợp nhất với anh”. Chính vì câu nói này mà cuối cùng Lợi Lợi đành buông tay để anh ra đi.
Thời gian thấm thoắt trôi, họ không bao giờ còn có thể trải qua quãng thời gian mặt đỏ bừng tim đập loạn đó nữa rồi. Anh không biết có bao nhiêu gã đàn ông vì nụ cười của người đẹp mà cam tâm tình nguyện giam mình trong cuộc sống đầy những lo toan vụn vặt bao nhiêu năm qua.
Nhưng rõ ràng, tình yêu cũng có lúc sẽ thay đổi. Anh có thể nhớ ngày đầu tiên họ gặp nhau hay thói quen nheo mày mỗi khi cô mỉm cười, nhưng lại không thể nhớ ra vì sao họ lại ở bên nhau. Lẽ nào đơn giản là vì tình yêu?
Đông Tam hoàn tất bài test với tâm trạng chán nản, cuộc phỏng vấn không được thuận lợi cho lắm.
Công ty đó nằm trên đường Đại Vọng, trong khi họ thì ở đường Tri Xuân, cách nhau phải đến nửa Bắc Kinh chứ chẳng chơi. Chín rưỡi bắt đầu phỏng vấn, còn sớm hơn cả giờ đi làm của Chu Nam. Thẩm Đông Tam vốn định ăn qua quýt chút gì đó rồi bắt tàu điện ngầm, nhưng rốt cuộc cô không nỡ từ chối thành ý của Chu Nam. Khi họ ăn xong bữa sáng do đích thân Chu Nam làm, Đông Tam vừa vội vã dặm lại lớp phấn nền vừa liếc nhìn đồng hồ trên tường thì đã quá tám rưỡi. Đông Tam cuống quýt giục Chu Nam làm anh đành bỏ lại đống bát đũa mới rửa được một nửa, lầm bầm thu dọn đồ đạc rồi cùng cô xuống lầu.
Bảo bối của họ là một chiếc xe đạp cà tàng được dựng nghiêm ngắn trong góc tường. Bình thường Chu Nam cũng toàn đi xe bus đi làm, nên chiếc xe thỉnh thoảng mới được phát huy tác dụng vào ngày cuối tuần. Họ đang định đẩy xe ra khỏi hầm thì phát hiện hai cái lốp đã xẹp lép, bụi phủ đầy trên đệm ngồi.
Đông Tam càng lúc càng cáu kỉnh, đi bộ từ đây đến bến xe điện ngầm ít nhất cũng phải mất hai mươi phút. Cô tính rồi, từ chỗ họ ở đến đường Đại Vọng, ít ra cũng phải mất một tiếng. Lần đầu tiên phỏng vấn đã đến muộn, kiểu này chắc là hỏng rồi.
Chu Nam nhìn vẻ mặt của Đông Tam, rồi lại quay sang nhìn chiếc xe đầy vẻ khó xử.
- Hay... - Anh nói - gọi taxi vậy. Lần đầu tiên phỏng vấn đừng đến muộn.
Đông Tam lắc đầu, không nói không rằng lấy giấy ăn ra cặm cụi lau yên xe, như đang cố gắng nén cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt. Cô không thể nói được gì, dù sao bữa sáng cũng là Chu Nam làm, bát cũng do anh rửa, mình mà oán trách thì rõ là không biết điều rồi. Cô hít một hơi thật sâu, cố gắng nhìn Chu Nam một cách bình tĩnh:
- Em nhớ ở gần đây có chỗ sửa xe, chỉ cần bơm xong là có thể đi chơi được rồi.
Hai người hì hụi đẩy chiếc xe đạp đã xẹp hết hơi ra khỏi tầng hầm. Chu Nam cúi đầu, không biết đang nghĩ gì, còn trong đầu cô đột nhiên vụt qua một ý nghĩ: Nếu có một chiếc ô tô thì tốt quá.
Cô khẽ liếc Chu Nam đang ở gần đấy, bỗng thấy chạnh lòng. Nếu không phải vì cô, một người với mức lương hai mươi vạn tệ một năm như anh không chừng cũng đã mua được nhà được xe rồi.
Vất vả mãi mới bơm được xe, Chu Nam vội vã chở cô đến bến tàu điện, lúc này đã là tám giờ năm mươi. Đông Tam như bị lửa đốt, cô nóng ruột định lao ngay vào trong bến. Chu Nam vội giữ tay cô lại:
- Cẩn thận nào, đừng có cuống lên như thế, em đi giày cao gót, ngã một cái thì khỏi đứng dậy luôn đấy.
- Được rồi, em đi đây. Ngày phỏng vấn đầu tiên mà còn đến muộn, thật chả ra làm sao cả. - Cô ấm ức nói rồi hất tay Chu Nam ra, quay đầu chạy vào bến.
- Tam Tam, - Chu Nam gọi với theo - chỉ là phỏng vấn thực tập thôi mà!
Cô đã chạy thẳng vào trong bến, Chu Nam vẫn ngồi trên xe, một chân chống xuống đất, ánh mắt dõi theo cô, lông mày nhíu lại. Cô không kịp nghĩ gì thêm cứ thế hấp tấp chạy xuống cầu thang.
Đông Tam đến muộn là điều không có gì bất ngờ.
Ủ rũ từ trong phòng phỏng vấn đi ra, Đông Tam cảm thấy trong lòng vô cùng trống rỗng, vừa hối hận vừa xấu hổ. Cô cần công việc này biết bao.