THÓI QUEN HÀNH ĐỘNG
CÓ MỘT ĐIỀU MÀ CÁC LÃNH ĐẠO trong mọi lĩnh vực đều thừa nhận: luôn thiếu những người tài giỏi, có năng lực chuyên môn cho những vị trí chủ chốt. Sự thực đúng như vậy, rất nhiều vị trí hàng đầu còn bỏ ngỏ. Theo giải thích của một vị giám đốc, có rất nhiều người gần đạt được tiêu chuẩn, nhưng ở họ luôn thiếu một yếu tố để có thể thành công. Đó là khả năng hoàn thành công việc một cách hoàn hảo với kết quả tối ưu.
Để có thể trở thành lãnh đạo- dù trong bất cứ lĩnh vực nào: điều hành doanh nghiệp, bán hàng cao cấp, làm việc trong lĩnh vực khoa học, quân sự hay làm việc cho chính phủ- thì bạn đểu cần phải biết hành động. Các vị lãnh đạo khi tìm kiếm ứng viên để giao một vị trí chủ chốt đều muốn tìm hiểu: “Liệu anh ta có thật sự làm việc được không?”, “Liệu anh ta có theo đuổi đến cùng mục tiêu không?”, “ Liệu anh ta có hành động để đạt được kết quả hay chỉ là một anh chàng chỉ biết nói suông?”
Tất cả các câu hỏi đó được đặt ra nhằm một mục đích duy nhất: tìm hiểu xem liệu người đó có phải là một người biết hành động hay không.
Chỉ có những ý tưởng tuyệt vời kia thôi là chưa đủ. Dù chỉ một ý tưởng bình thường nhưng nếu chúng ta theo đuổi và phát triển chắc chắn sẽ tốt hơn hẳn một ý tưởng xuất sắc nhưng lại bị lãng quên vì không được đưa vào thực hiện.
John Wanamaker, người đã dựng lên cơ nghiệp khổng lồ của mình từ hai bàn tay trắng, luôn tâm niệm rằng: “Không ai có thể đạt được điều gì nếu chỉ ngồi suy nghĩ suông”. Hãy nghĩ về điều đó xem. Bất cứ điều gì chúng ta có trên thế giới này, từ vệ tinh, những tòa nhà chọc trời cho đến thức ăn cho trê em, tất cả đều là những ý tưởng được theo đuổi đến cùng để biến thành hiện thực.
Khi bạn tìm hiểu con người- dù họ gặt được thành công hay không có thành tích gì đáng kể, bạn sẽ nhận ra họ thuộc vào một trong hai nhóm người: Nhóm chủ động và nhóm thụ động.
Chúng ta có thể tìm ra một nguyên tắc để thành công, khi nghiên cứu hai nhóm người này. Người Chủ động là con người của hành động. Anh ta luôn theo đuổi đến cùng những ý tưởng và kế hoạch của mình, luôn hành động để hoàn thành kế hoạch. Còn Người thụ động là người “không làm gì”. Anh ta trì hoãn, luôn chần chừ trong công việc cho đến lúc anh ta tìm ra cớ biện minh không nên hoặc không thể làm điều đó, hoặc cho đến khi mọi việc trở nên quá muộn.
Sự khác biệt giữa Người Chủ động và Người Thụ động được thể hiện qua vô số vụ việc nhỏ nhặt hàng ngày. Người Chủ động lên kế hoạch cẩn thận cho một kỳ nghỉ, rồi bắt tay vào thực hiện. Người Thụ động lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, nhưng anh ta trì hoãn, lần lữa mãi. Người Chủ động cảm thấy cần phải gửi thiệp đến cho một người quen để chúc mừng thành công mà người đó đạt được. Vâ anh ta gửi thiệp ngay. Trong trường hợp tương tự, Người Thụ động sẽ tìm ra một lý do nào đó thật hợp lý để trì hoãn, và tấm thiệp sẽ không bao giờ được viết.
Sự khác nhau giữa hai nhóm người này còn thể hiện qua các công việc lớn lao. Người Chủ động muốn tự thiết lập công việc kinh doanh cho riêng mình. Và anh ta không ngần ngại bắt tay vào. Người Thụ động cũng muốn thành lập công ty riêng, nhưng anh ta ngay lập tức tìm ra một lý do “hợp lý” vì sao anh ta chưa nên làm vậy. Người Chủ động, mặc dù đã 40 tuổi, vẫn quyết định thử sức mình ở một lĩnh vực mới, và anh ta lao vào thử nghiệm. Người Thụ động cũng có ý nghĩ tương tự nhưng anh ta lưỡng lự, rồi tự thuyết phục tốt nhất là không làm gì cả.
Sự khác biệt giữa Người Chủ động và Người Thụ động thể hiện ở mọi cử chỉ, hành động. Người Chủ động luôn hoàn thành những việc mà anh ta muốn hoàn thành, anh ta giành được sự tự tin, giữ được tinh thần ổn định, tính tự lập và kiếm được thu nhập khá hơn. Người Thụ động không thể hoàn thành những việc anh ta muốn, vì anh ta không bao giờ chịu hành động dứt khoát. Hậu quả là anh ta sẽ đánh mất sự tự tin, tự hủy hoại khả năng làm việc độc lập, và rốt cuộc, sẽ phải chấp nhận một cuộc sống của kẻ tầm thường.
Người Chủ động luôn hoạch định để hành động. Người Thụ động luôn hoạch định để …trì hoãn. Ai cũng muốn trở thành Người Chủ động. Vì vậy, hãy tập thói quen hành động. Rất nhiều người thụ động không bao giờ chịu hành động, vì họ còn chờ cho đến khi mọi điều kiện đểu tuyệt đối hoàn hảo thì mới bắt tay vào. Chẳng ai mà không muốn có được hoàn cành tuyệt đối thuận lợi, nhưng bất cứ việc gì thuộc về con người cũng đều không tuyệt đối, hoàn hảo. Vì thế, chờ đợi sự hoàn hảo 100% chỉ là sự chờ đợi vô vọng.
Dưới đây là ba trường hợp thường xảy ra cho thấy những cách phản ứng khác nhau trước “điều kiện sống”:
Trường hợp 1: TẠI SAO ANH A VẪN CHƯA LẬP GIA ĐÌNH?
Anh A là một người đàn ông gần 40 tuổi, học thức, hiện đang là kế toán vá sống một mình ở Chicago. Một mong ước lớn lao của anh ấy là lập gia đình. Anh ấy muốn có một tình yêu, sự kết giao, một ngôi nhà, những đứa trẻ và công việc ổn định. Đã bao nhiêu lân A chuẩn bị kết hôn, thậm chí có lần chỉ còn một ngày nữa là đến ngày làm lễ thành hôn. Nhưng mỗi lần chuẩn bị làm đám cưới, A lại phát hiện ra một điều gì đó không ổn ở người vợ sắp cưới của mình. (“May mà mình phát hiện kịp thời, trước khi dấn thân vào một sai lầm tồi tệ!!!”. Anh ấy thường nói như thế).
Vì vậy, để chắc chắn là mình sẽ cưới được một cô vợ hoàn hảo, A đã thảo ra một “bản tiêu chuẩn” dài đến bốn trang giấy, gồm những điều kiện mà vợ chưa cưới phải đồng ý trước khi họ kết hôn. Bản thỏa thuận đó được đánh máy rất cẩn thận, như một văn bản pháp luật bao gồm tất cả vấn đề trong cuộc sống mà A có thể nghĩ ra. Trong đó, có hẳn cả một điều kiện liên quan đến tôn giáo: họ sẽ đi nhà thờ nào, một tháng bao nhiêu lần, quyên góp bao nhiêu tiền. Một phần khác trong văn bản đề cập về con cái: họ sẽ sinh bao nhiêu đứa và thời điểm nào nên có con. Chi tiết hơn, A còn quy định cả việc họ sẽ kết giao với những người bạn như thế nào, vị trí công việc của vợ chưa cưới, họ sẽ sống ở đâu hay thu nhập của họ sẽ được chi tiêu như thế nào. Cuối cùng, anh dành hẳn nửa trang giấy để đề cập về những thói quen cụ thể mà cô gái đó phải từ bỏ hoặc phải tập tành. Điều khoản này bao gồm những thói quen như hút thuốc, uống rượu, trang điểm, giải trí….Khi cô dâu tương lai nhìn thấy những điều khoản trên, phản ứng của cô ấy như thế nào chắc các bạn có thể đoán được. Cô ấy gửi trả lại, kèm thêm một lời nhắn: ”Tôi chỉ cần một cuộc HÔN NHÂN, bất kể những thăng trầm của cuộc sống. Những thứ còn lại đối với tôi hoàn toàn vô nghĩa”.
Tiêu chuẩn đế đánh giá một người thành công hay không nằm ở khả năng loại bỏ những vấn đề trước khi chúng xảy ra, mà là chấp nhận và tìm cách vượt qua khó khăn khi chúng thực sự xuất hiện. Chúng ta cần phải hiểu giới hạn của sự hoàn hảo để khỏi chờ đợi trong vô vọng, để nhanh chóng bắt tay vào thực hiện công việc. Sự việc đến đâu, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết đến đó-lời khuyên này luôn hữu ích, thiết thực.
Trường hợp 2: TẠI SAO ANH B MUA ĐƯỢC NHÀ MỚI?
Mỗi khi phải ra một quyết định quan trọng, chúng ta thường phải đấu tranh – hành động hay không hành động, làm hay không làm. Dưới đây là một ví dụ cụ thể về một chàng trai trẻ tên B, người đã quyết định hành động và đã nhận được phần thưởng lớn. B cũng giống như hàng triệu bạn trẻ khác, gần 30 tuổi, đã có vợ và một đứa con, mức thu nhập trung bình.Gia đình B sống trong một căn hộ nhỏ. Họ muốn mua một căn nhà mới, lớn hơn, có nhiều không gian hơn, môi trường xung quanh trong lành hơn, và rộng rãi hơn để sau này bọn trẻ nô đùa thoải mái. Nhưng niềm hy vọng mua căn nhà mới lâm vào bế tắc, vì những khoản chi phí phải trả. Một ngày kia, khi đang viết séc để trả tiền thuê nhà tháng tới, B đâm ra chán ghét bản thân mình. Chỉ riêng tiền thuê nhà cũng đã gần bằng các khoản chi phí hàng tháng cho một căn nhà mới.B bàn với vợ: “ Em nghĩ sao nếu tuần tới chúng ta sẽ mua một căn nhà mới?”. Vợ anh kêu lên đầy kinh ngạc: “ Anh bị sao vậy? Tại sao lại nổi cơn đùa bất thường vậy? Anh biết là chúng ta không thể mà. Chúng ta thậm chí còn chẳng đủ tiền để trang trải cho những khoản chi phí kia cơ mà”. Nhưng B vẫn kiên quyết: “ Hàng trăm cặp vợ chồng cũng như chúng ta, cũng dự định sẽ mua một căn nhà mới‘ vào một ngày nào đó’, nhưng chỉ một nửa trong số đó thực hiện được dự định. Luôn luôn có một điều gì đó ngăn cản họ. Chúng ta sẽ phải mua một ngôi nhà mới. Hiện tại anh cũng chưa biết sẽ kiếm tiền mua nhà bằng cách nào, nhưng chúng ta sẽ kiếm được”.
Tuần sau đó, họ tìm thấy một căn nhà mà cả hai vợ chồng đều ưng ý, không hoành tráng nhưng đẹp, với giá vài chục ngàn đô la. Trở ngại duy nhất là làm cách nào để xoay được vài chục ngàn đô la. B biết anh không thể vay mượn theo những cách thông thường, vì nếu làm như vậy gánh nặng nợ nần ngày lớn, nhưng anh ấy cũng chẳng có gì để thế chấp cho khoản vay mua nhà.
Khi chúng ta đã quyết tâm thì chắc chắn sẽ tìm ra cách giải quyết. B bỗng nảy ra một ý tưởng. Tại sao không liên hê với chủ thầu và ký một hợp đồng vay cá nhân vài chục ngàn đô la nhỉ? Lúc đầu, vị chủ thầu hoàn toàn thờ ơ trước đề nghị ấy, nhưng B kiên nhẫn thuyết phục và ông ấy đồng ý ký hợp đồng bán nhà trả góp cho B. Mỗi tháng B chỉ phải trả vài trăm đô la cả vốn lẫn lãi.
Giờ đây, tất cả những gì B phải làm chỉ là kiếm vài trăm đô la mỗi tháng. Vợ chồng B cùng nhau ngồi lại tính toán, tìm cách cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm gần trăm đô la một tháng. Nhưng vẫn chưa đủ. Rồi B lại nảy ra một ý tưởng mới. Sáng hôm sau, anh ấy vào gặp ông chủ công ty, giải thích về những dự định mà anh ấy đang làm. Ông chủ rất vui khi nghe tin anh định mua một ngôi nhà mới. B nói: “Thưa ông, để có thể mua được ngôi nhà này, mỗi tháng tôi cần tiết kiệm thêm vài trăm đô la nữa. Tôi biết là ông sẽ tăng lương nếu xét thấy tôi xứng đáng. Điều tôi mong muốn ngay lúc này là ông cho tôi một cơ hội để có thể kiếm thêm thu nhập. Trong văn phòng này, vẫn còn một số việc có thể làm thêm vào cuối tuần. Ông sẽ cho tôi cơ hội nhận làm những việc đó chứ?”.
Ông chủ của B rất ấn tượng với sự chân thành và tham vọng của B. Ông ấy đề nghị B mỗi cuối tuần làm thêm mười giờ, và vợ chồng B đã có thể chuyển đến ngôi nhà mới.
1/ Quyết tâm hành động đã kích thích suy nghĩ của B, giúp anh ấy tìm ra phương cách và hành động để đạt được mục tiêu của mình.
2/ Anh ấy đã tự tin hơn nhiều. Trong những tình huống tương tự khác, sự tự tin đó sẽ giúp anh hành động một cách dễ dàng hơn.
3/ B đã mang đến cho vợ con một cuộc sống mà họ đáng được hưởng. Nếu B chần chừ, đợi cho đến lúc đủ điều kiện, rất có thể gia đình B sẽ chẳng bao giờ có được một ngôi nhà của riêng mình.
Trường hợp 3: C MUỐN BẮT ĐẦU SỰ NGHIỆP KINH DOANH CỦA RIÊNG MÌNH, NHƯNG…..
Trường hợp của C là một ví dụ khác minh họa cho điều gì sẽ xảy ra với các ý tưởng lớn nếu chúng ta chần chừ, chờ đợi cho đến khi đù điều kiện mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó.
Không lâu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, C nhận được một công việc trong Phòng Hải quan của Cục Bưu chính Hoa Kỳ. Lúc đầu C rất yêu thích công việc của mình. Nhưng 5 năm sau, anh bắt đầu cảm thấy bất mãn với sự tù túng, với giờ giấc đều đặn, mức lương thấp và cơ chế thăng chức dựa trên thâm niên khiến cho cơ hội được thăng tiến trở nên khá hiếm hoi.
Rồi anh nảy ra một sáng kiến. Trong quá trình làm việc, anh đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm để có thể trở thành một nhà nhập khẩu thành công. Tại sao anh lại không tự gây dựng một công ty chuyên nhập khẩu quà tặng và đồ chơi giá rẻ nhỉ? C biết có nhiều nhà nhập khẩu, dù rất thành công, nhưng chẳng hiểu cặn kẽ công việc kinh doanh này như anh. Đã mười năm trôi qua kể từ khi C nảy ra ý tưởng mở một công ty riêng, cho đến nay anh vẫn chỉ là nhân viên của Phòng Hải quan.
Tại sao vậy? Rất đơn giản. Cứ mỗi lần khi C chuẩn bị thực hiện thì lại có một điều gì đó xảy ra, ngăn không cho anh hành động. Thiếu tiền, khủng hoảng kinh tế, có con, lo lắng về sự thiếu ổn định, rủi ro trong tương lai, các rào cản thương mại, và vô vàn những lý do khác nữa được anh đưa ra làm lý do cho sự trì hoãn, chần chừ của mình.
C đã tự làm cho mình trở thành một người thụ động. Anh ta muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, trước khi bắt tay vào hành động. Vì mọi thứ chưa bao giờ hoàn hảo nên anh ta chưa bao giờ hành động.
Dưới đây là hai điều bạn nên làm để tránh mắc sai lầm to lớn là do dự, nán đợi mọi điều kiện trở nên hoàn hảo mới dám bắt tay vào việc:
1. Sẵn sàng đón nhận những trở ngại và khó khăn trước mắt. Bất cứ công việc nào cũng bao hàm những rủi ro, bất trắc. Thử tưởng tượng, bạn muốn lái xe từ Chicago đến Los Angeles, nhưng vì lo lắng nên bạn cứ ngần ngại chờ cho đến lúc không có bất cứ bất trắc gì xảy ra trên đường đi: không đi nhầm đường, xe không bị hỏng, thời tiết đẹp, không gặp bất cứ rủi ro nào. Bạn hãy nghĩ xem, nếu cứ e ngại như vậy thì bao giờ bạn mới có thể lên đường? Chắc chắn là không bao giờ! Đương nhiên, trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, bạn sẽ lên kế hoạch thật rõ ràng, kiểm tra cẩn thận chiếc xe và hàng loạt công việc khác nữa để giảm thiểu rủi ro. Nhưng bạn sẽ không thể loại bỏ được hoàn toàn rủi ro.
2. Sẵn sàng vươt qua khó khăn, trở ngại khi chúng xuất hiện. Thước đo sự thành công của một con người không nằm ở khả năng loại bỏ các vấn đề bất trắc trước khi hành động, mà nằm ở khả năng tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn. Dù trong công việc hay cuộc sống gia đình, bạn không nên lo lắng thái quá; khi gặp khó khăn bất cứ lúc nào, bạn hãy tìm ra cách giải quyết tương xứng, kịp thời. Chúng ta không thể mua bảo hiểm cho mọi vấn đề trong cuộc sống.
Đừng chần chừ, mỗi khi xuất hiện bất cứ ý tưởng nảo trong đầu, hãy nhanh chóng hành động, biến ý tưởng đó thành hiện thực. Khoảng 5, 6 năm trước, một người bạn giáo sư tài năng của tôi kể cho tôi nghe về dự định viết một cuốn tiểu sử về một nhân vật nổi tiếng của vài thập niên trước. Những ý tưởng của anh ấy “trên cả tuyệt vời”, sống động và thú vị. Vị giáo sư đó biết rõ mình muốn viết gì, ông ấy thừa kỹ năng và khả năng để hoàn thành. Kế hoạch đó chắc chắn mang lại cho ông ấy danh tiếng, tiền bạc và quan trọng nhất là ông sẽ tìm được sự mãn nguyện với bản thân.
Mùa xuân năm ngoái tôi gặp lại ông, tôi vô tình hỏi xem ông ấy đã hoàn thành cuốn sách chưa (đó là một sai lầm của tôi, vì tôi đã khơi lại vết thương trong lòng của ông ấy). Chưa, ông ấy chưa hề bắt tay vào viết cuốn sách! Dường như ông ấy phải đấu tranh rất lâu để nghĩ xem nên giải thích việc đó thế nào. Cuối cùng, ông ấy nói vì quá bận và còn nhiều ‘trách nhiệm’ khác phải hoàn thành nên vẫn chưa thể bắt đầu được.
Trong thực tế, những gì mà ông bạn tôi làm chỉ là chon nhặt ý tưởng của mình trong đầu. Ông đã để cho những suy nghĩ tiêu cực được dịp tác động. Ông bạn nhận ra rằng: muốn hoàn thành cuốn sách, ông hẳn phải làm việc rất cật lực, thậm chí phải hy sinh rất nhiều thứ. Trong thâm tâm, ông ấy thừa hiểu vì sao kế hoạch đó không thể thành công được.
Ý tưởng là rất quan trọng. Rõ ràng là thế. Để sáng tạo phát triển bất cứ điều gì, chúng ta cần phải có ý tưởng. Thành công sẽ không đến với những ai chẳng có ý tưởng gì. Nhưng bạn cũng đừng quên một điều, chỉ ý tưởng thôi chưa đủ. Ý tưởng nhằm làm tăng lợi nhuận hay đơn giản hóa các thủ tục hành chính chỉ thật sự có giá trị khi biến thành sự thực.
Hàng ngày, có hàng ngàn người tự chôn vùi những ý tưởng có giá trị vì họ sợ phải hành động. Rốt cuộc, bóng ma của những ý tưởng ấy cứ lởn vởn, ám ảnh mãi trong tâm trí họ.
Hãy ghi nhớ thật kỹ hai điều sau đây:
- Thứ nhất, hãy khiến những ý tưởng của bạn trở nên có giá trị bằng cách biến chúng thành sự thật. Dù cho ý tưởng của bạn có xuất sắc đến đâu, nhưng nếu bạn không hành động, bạn sẽ không đạt được gì cả.
- Thứ hai, biến ý tưởng của bạn thành hiện thực và đạt được sự mãn nguyện cho bản thân mình, Nhiều người nói rằng, cụm từ đáng chán nhất là cụm từ bắt đầu bằng “Giá mà..”. Hàng ngày bạn có thể nghe ai đó nói những câu đại loại như: “Nếu bảy năm trước tôi bắt đầu kinh doanh, giờ đây chắc hẳn tôi đã thành công lắm rồi”, hoặc “Tôi đã linh cảm mọi việc sẽ xảy ra như vậy mà. Giá mà tôi đã làm gì đó”. Khi không thể biến một ý tưởng hấp dẫn trở thành hiện thực, bạn sẽ cảm thấy thất vọng và buồn bã. Nhưng một khi ý tưởng trở thành hiện thực, bạn sẽ thấy mãn nguyện và hạnh phúc tràn trề.
Hãy dùng hành động để xóa bỏ nỗi sợ hãi và bồi đắp sự tự tin. Hãy ghi nhớ điều dưới đây. Hành động sẽ giúp ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển lòng tự tin trong bạn; ngồi lì một chỗ sẽ khiến nỗi sợ hãi lớn lên. Để chống lại nỗi sợ hãi, hãy hành động. Muốn tăng thêm sự sợ hãi, cứ chờ đợi và trì hoãn.
Một lần, tôi được một huấn luyện viên nhảy dù giải thích: “Thực ra việc nhảy dù không hề khó khăn. Chính thời khắc chờ đợi để nhảy xuống mới khiến người ta sợ hãi. Trên đường đến địa điểm nhảy dù, tôi luôn làm mọi cách giúp các học viên cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. Rất nhiều học viên vì nghĩ ngợi nhiều quá về những gí sẽ xảy ra nên đã tỏ ra hoảng sợ, lo lắng. Nếu chúng tôi không thể giúp họ vượt qua sự e ngại, họ sẽ không tài nào trở thành lính nhảy dù được. Càng trì hoãn nhảy xuống bao nhiêu, họ càng sợ hãi.
Ngay cả đối với các chuyên gia, việc chờ đợi cũng khiến họ trở nên lo lắng, bồn chồn. Theo tạp chí Time thì Edward R. Murrow, phát thanh viên hàng đầu quốc gia, thường lo lắng đến vã mồ hôi, thậm chí cáu gắt trước mỗi lần ghi hình. Nhưng chỉ cần bắt đầu bấm máy, mọi nỗi sợ hãi của anh ấy tự động biến mất. Rất nhiều diễn viên kỳ cựu cũng trải qua cảm giác tương tự. Họ đều bảo: phương thuốc duy nhất giúp chữa khỏi căn bệnh sợ sân khấu là bước ra diễn. Sự ấm áp của khán phòng là phương thuốc chống lại nỗi sợ và lo lắng.
Rất nhiều bác sĩ sử dụng những viên thuốc trung tính, vô hại cho những bệnh nhân cứ khăng khăng phải uống một liều thuốc gì đó để có thể ngủ được. Với rất nhiều người, chỉ cần uống một viên thuốc (họ không hề biết rằng viên thuốc đó thực ra chỉ là giả dược nên chẳng có tác dụng gì) là họ cảm thấy an tâm hơn nhiều.
Sợ hãi một điều gì đó là một cảm giác hoàn toàn tự nhiên. Nhưng có không ít cách chúng ta thường sử dụng để xoá tan nỗi sợ hãi thực ra lại chẳng có tác dụng gì. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhân viên bán hàng, kể cả nhân viên kinh nghiệm nhất, cố xua tan nỗi sợ của họ bằng cách đi vòng quanh phòng nhiều lần hoặc uống thêm cà phê, nhưng để chống lại nỗi sợ hãi- vâng, bất cứ nỗi sợ hãi nào-là hành động.
Bạn ngần ngại phải gọi một cuộc điện thoại cho một khách hàng mới? Cứ gọi và nỗi sợ sẽ tan biến. Càng trì hoãn, bạn sẽ càng thấy khó khăn hơn. Bạn sợ phải đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe? Cứ đi và sự lo lắng sẽ nhanh chóng biến mất. Rất có thể chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra với bạn cả, mà nếu có, bạn sẽ biết được bệnh tình nghiêm trọng đến mức nào. Nều bạn cứ trì hoãn không đi kiểm tra, bạn sẽ cảm thấy lo lắng cho đến khi nỗi sợ đó lớn đến mức làm cho bạn ngã bệnh thật sự.
Bạn sợ phải thảo luận một vấn đề với cấp trên? Hãy cứ đến gặp sếp của bạn và bàn bạc, rồi bạn sẽ thấy mọi vấn đề được giải quyết dễ dàng thế nào.
Hãy xây dựng lòng tự tin và xóa tan sự sợ hãi bằng hành động.
KHỞI ĐỘNG BỘ MÁY TÂM TRÍ CỦA BẠN
Một nhà văn trẻ đầy tham vọng nhưng chưa thành danh một hôm tâm sự với bạn bè rằng: “Vấn đề của tôi là hàng ngày, hàng tuần trôi qua mà tôi không thể viết được dòng nào cả. Anh biết đấy, viết văn là sang tạo. Anh cần phải có cảm hứng. Tâm hồn anh sẽ dẫn bước cho anh…”.
Đúng vậy, viết văn đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng hãy nghe một nhà văn khác giải thích “bí mật” vì sao anh ấy viết được rất nhiều tác phẩm hay nhé.
Anh ấy kể: “Tôi dùng kỹ thuật ‘ép buộc tâm trí’. Tôi phải hoàn thành trước thời hạn, vì vậy tôi không thể chờ đợi cho đến lúc tâm hồn dẫn lối cho mình được. Tôi phải tự kích thích tâm trí. Phương pháp mà tôi sử dụng là bắt buộc bản thân mình phải ngồi vào bàn, lấy ra một cái 乃út chì và bắt đầu viết một cách máy móc. Tôi ghi lại nguệch ngoạc bất cứ điều gì. Tôi bắt ngón tay và cánh tay tôi phải làm việc, và chẳng sớm thì muộn, thậm chí cả khi tôi chưa nhận ra, trí óc tôi sẽ suy nghĩ một cách đúng đắn.
Đương nhiên, đôi lúc cũng có những ý tưởng bất ngờ xuất hiện khi tôi chưa chủ định viết. Nhưng những ý tưởng như thế rất hiếm. Hầu như những ý tưởng đều là kết quả của một quá trình làm việc có kỷ luật.”. Hành động tiếp nối hành động. Đó là quy luật của tự nhiên. Không cái gì có thể tự khởi động, ngay cả những máy móc cơ học mà chúng ta sử dụng hàng ngày.
Căn nhà của bạn có thể được sưởi ấm một cách tự động, nhưng bạn phải chọn (tức là hành động) mức nhiệt độ mà bạn muốn. Xe hơi của bạn cũng chỉ sang số một cách tự động sau khi bạn đi đúng tốc độ. Nguyên tắc đấy cũng được áp dụng cho hành động của trí óc. Bạn sẽ phải gài số cho tâm trí để làm cho chúng suy nghĩ một cách tự động.
Một giám đốc kinh doanh trẻ của một công ty giao hàng tận nhà đã giải thích phương pháp huấn luyện nhân viên ‘một cách cơ học’ của anh ấy.
“Có vô vàn khó khăn đối với những nhân viên bán hàng tận nhà. Bất cứ ai từng làm nghề này đều biết. Việc gõ cửa nhà khách hàng đầu tiên vào sáng sớm là cực kỳ khó khăn, ngay cả đối với nhân viên kỳ cựu. Anh ta nơm nớp lo ngại minh sẽ hứng lấy những lời nói thô lỗ, gắt gỏng từ khách. Vì vậy, hoàn toàn tự nhiên, anh ta sẽ trì hoãn làm việc vào buổi sang. Anh ấy sẽ uống thêm một hay hai ly cafe, ghé thăm và tán gẫu với đồng nghiệp, hoặc làm vô số việc linh tinh khác để không phải gõ cửa nhà khách hàng lúc sáng sớm.
Đây là cách mà tôi huấn luyện cho họ. Tôi giải thích cách duy nhất để bắt đầu là hãy bắt đầu, đừng đắn đo suy nghĩ. Đừng trì hoãn việc bắt đầu. Hãy làm thế này: Dừng xe. Lấy mẫu hàng. Đi đến cửa. Bấm chuông. Cười. Nói ‘Chào buổi sáng’ và bắt đầu trình bày mục đích cuộc viếng thăm của bạn mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Hãy bắt đầu gọi của theo cách đó, và bạn sẽ phá bỏ được sự ngượng ngập, e dè ban đầu. Đến lần gọi thứ hai, thứ ba, trí óc của bạn sẽ sắc bén hơn, và cuộc chào hàng của bạn sẽ hiệu quả hơn.”
Một nhà văn hài hước đã từng nói: vấn đề khó khăn nhất trong đời là bước ra khỏi một chiếc giường ấm áp, và đi vào một căn phòng lãnh lẽo. Theo ông, nếu bạn càng ngủ nướng lâu bao nhiêu thì càng khó trở dậy, khó chịu bấy nhiêu. Ngay cả trong tình huống đơn giản này, việc hành động một cách cố ý là tung mền và đặt chân xuống sàn, ngay lập tức sẽ xua tan đi sự khó chịu.
Quan điểm thật rõ ràng. Những người thành công trên thế giới đều không bao giờ trì hoãn, không chờ cho đến khi tinh thần dẫn bước họ; chính họ tự khích lệ tinh thần mình. Bạn hãy tập thử hai bài tập sau:
1. Hãy bắt tay vào làm – một cách “máy móc” – những việc lặt vặt trong nhà, tuy đơn giản nhưng đôi khi không mấy dễ chịu. Thay vì nghĩ đến những điều khó chịu, hãy bắt tay vào làm ngay mà không cần đắn đo gì nhiều.
Có lẽ, một trong những công việc nhà không được thoải mái cho lằm là rửa bát. Mẹ tôi cũng không có cảm giác ngoại lệ, nhưng bà đã tự động làm việc này để có thể nhanh chóng hoàn thành nó để làm những việc ưa thích khác của bà.
Mỗi khi chúng tôi rời bàn ăn là bà rửa ngay bát đĩa (chúng tôi rất biết ơn bà vì sự hy sinh này). Chỉ trong vài phút đống bát đã được rửa gọn gàng, sạch sẽ. Chẳng phải bằng cách “máy móc” như thế, đống bát đĩa đã được giải quyết, xóa tan mọi sự ngần ngại thường có sao?
Hãy thực hiện ngay hôm nay: Hãy chọn một việc bạn không thích nhất để làm. Sau đó, không ngần ngại, đắn đo hay e dè, hãy bắt tay vào làm ngay. Đó là cách tốt nhất để bạn hoàn thành việc nhà.
2. Sau đó, cũng dùng phương pháp này để tạo ra các ý tưởng, phác thảo các kế hoạch, giải quyết các khó khăn và làm những việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Thay vì chờ đợi đến lúc nào đó tâm hồn được truyền cảm hứng, bạn hãy ngồi xuống tự khích lệ mình.
Bạn hãy tham khảo phương pháp sau: sử dụng một cây 乃út chì và một tờ giấy. Nếu cho tôi chọn giữa một căn phòng tuyệt đẹp, được trải thảm, trang trí bắt mắt, cách âm tốt, với một cây 乃út chì và một tờ giấy, lúc nào tôi cũng chọn 乃út chì và tờ giấy. Với cây 乃út chì và tờ giấy trên tay, bạn có thể liên kết tâm trí bạn với mọi vấn đề.
Khi bạn viết một ý tưởng ra giấy, bạn sẽ tập trung toàn bộ sự chú ý vào đấy, bởi vì trí óc con người không bao giờ cho phép chúng ta vừa nghĩ ý tưởng này lại vừa viết ra ý tưởng khác. Khi bạn ghi chép lại bạn “ghi” cả trí óc mình. Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh bạn sẽ nhớ một điều gì đó rất lâu và chính xác hơn rất nhiều nếu bạn viết ra giấy.
Khi bạn luyện tập thành công kỹ thuật 乃út – chì- và –giấy để tạo sự tập trung cao độ, bạn có thể suy nghĩ ngay cả ở những nôi ồn ào, dễ gây phân tâm nhất. Khi bạn muốn suy nghĩ, hãy ghi chép lại, hoặc viết vẽ nguệch ngoạc. Đó là một phương pháp tốt để kích thích trí não của bạn.
“Ngay bây giờ” là cụm từ kỳ diệu mang lại thành công cho bạn. Ngày mai, tuần sau, sau này, một lúc nào đó, một ngày nào đó thường đồng nghĩa với “không bao giờ”. Rất nhiều ước mơ chẳng bao giờ trở thành sự thật vì chúng ta thường tự nhủ: “Tôi sẽ bắt đầu vào một ngày nào đó”, thay vì nói: “Tôi sẽ bắt đầu bây giờ, ngay bây giờ”.
Hãy lấy ví dụ về tiết kiệm tiền mà ai cũng biết là một việc tốt. Nhưng không mấy người chịu lên kế hoạch đầu tư, tiết kiệm đâu ra đó. Rất nhiều dự định sẽ tiết kiệm này nọ, nhưng chỉ ít người thực sự dành dụm được.
Dưới đây là quá trình tích lũy vốn liếng của một đôi vợ chồng trẻ. Thu nhập sau khi trừ thuế của Bill là 1.000 đôla mỗi tháng, nhưng tổng chi tiêu của Bill và vợ anh ấy, Janet, cũng xấp xỉ 1.000 đô la một tháng. Cả hai đều muốn tiết kiệm, nhưng luôn luôn có những lý do chen ngang vào khiến họ không thể thực hiện được kế hoạch. Đã rất nhiều lần họ tự hứa: “Chúng ta sẽ tiết kiệm khi nào được tăng lương”, “Khi chúng ta trả hết các khoản trả góp”, “Khi chúng ta vượt qua được giai đoạn gay go”, “tháng sau”, “năm sau”.
Cuối cùng, Janet phát chán vì hết lần này đến lần khác mà họ vẫn không dành dụm được. Cô nó với Bill: “Anh này, chúng ta có định tiết kiệm hay không đấy?”. Bill trả lời: “Đương nhiên là có rồi, nhưng em cũng biết rằng bây giờ chúng ta chưa thể dành dụm nổi”.
Nhưng lần này Janet rất quyết tâm. “Chúng ta đã bàn với nhau lên kế hoạch tiết kiệm, nhưng vẫn chưa dành dụm được đồng nào bởi vì lúc nào cũng nghĩ chưa đúng lúc, chưa thể. Đã đến lúc phải nghĩ là chúng ta có thể. Hôm qua em vừa đọc một bài báo viết rằng nếu chúng ta tiết kiệm khoảng 100 đô la một tháng, 15 năm sau chúng ta sẽ có 18.000 đô la cộng với 6.000 đô la tiền lãi lũy tiến. Bài báo cũng phân tích: tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Hãy bắt đầu tiết kiệm 10% thu nhập của anh, có thể cuối tháng chúng ta phải an bánh quy giòn và sữa nhưng chúng ta nên làm, phải làm và sẽ tiếp tục như thế.
Bill và Janet gặp chút thiếu thốn trong vài tháng đầu, nhưng họ nhanh chóng điều chỉnh được cuộc sống theo ngân quỹ có được mỗi tháng. Giờ đây, họ thậm chí trở nên rất thích thú với việc “kiểm soát chi phí” để thực hành tiết kiệm.
Bạn muốn gửi lời nhắn cho bạn bè? Hãy làm ngay bây giờ đi. Bạn có một ý tưởng mới có thể giúp cho công việc kinh doanh của bạn tốt hơn? Hãy trinh bày ngay đi. Hãy làm theo lời khuyên của Benjamin Franklin: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Hãy nhớ, thực hiện mọi việc ngay bây giờ có thể giúp bạn đạt thành công mỹ mãn, nhưng nếu thực hiện vào một ngày nào đó, một lúc nào đó, e rằng bạn chỉ gặp thất bại mà thôi.
Một lần, tôi ghé thăm một người bạn cũ. Cô ấy vừa mới tham dự một cuộc họp quản lý. Khi gặp nhau, tôi nhận ra rằng dường như cô ấy đang muốn chia sẻ với tôi chuyện gì đó.
“Anh biết không, tôi triệu tập cuộc họp cấp quản lý sáng nay vì tôi muốn nghe ý kiến của mọi người trước một số thay đổi trong chính sách đã được đề xuất. Vậy mà tôi nhận được những gì?” Cô ấy cho biết: “Có sáu nhà quản lý của chúng tôi tham gia buổi họp, nhưng chỉ có duy nhất một người có ý kiến đóng góp. Hai người khác cũng phát biểu, nhưng chỉ lặp lại lời của tôi mà thôi. Lúc đó tôi cảm thấy như thể mình đang trò chuyện với những người ù lì vậy. Thú thực, tôi không thể hiểu được họ đang nghĩ gi nữa”. Cô nói tiếp: “Như anh thấy đấy, tôi cứ hy vọng họ sẽ nói điều gì đó thiết thực, và cho tôi biết họ đang nghĩ gì. Suy cho cùng, những chính sách kia ảnh hưởng trực tiếp tới họ kia mà”.
Cô bạn của tôi chẳng hệ nhận được sự giúp đỡ nào trong buổi họp. Nhưng nếu sau buổi họp, bạn nán lại hội trường một chút, rất có thể bạn sẽ lắng nghe được những cộng sự của cô ấy bàn tán: “Tôi đã muốn nói rằng…”, “Tại sao lại không có ai đề nghị…”, “Tôi không nghĩ..”, “Chúng ta nên tiếp tục…”.
Những người thụ động thường không bao giờ nêu ý kiến trong các cuộc họp, nhưng lại nói liên hồi sau khi cuộc họp đã kết thúc, khi mà những gì họ nói không còn thay đổi được điều gì nữa. Họ bất chợt sáng suốt đến lạ thường khi mọi chuyện đã… quá muộn.
Các giám đốc kinh doanh luôn mong đợi được nghe những lời nhận xét. Những người luôn giấu giếm, hay ngại ngùng thể hiện mình sẽ chỉ khiến chính họ thiệt thòi mà thôi.
Hãy tập thói quen “nói lên suy nghĩ của mình”. Mỗi lần đưa ra ý kiến nào đó, bạn đã khiến mình mạnh dạn hơn rất nhiều. Hãy tự tin thể hiện mình, với những ý kiến mang tính xây dựng.
Chúng ta đều biết các sinh viên đại học thường phải chuẩn bị rất vất vả cho vài luận văn. Với mục đích đó, anh sinh viên Joe dành cả buổi tối để tập trung vào việc học. Nhưng buổi tối của Joe lại thường diễn ra như sau: Joe định bắt tay vào ngồi học lúc 7 giờ tối, nhưng bữa tối hôm đó cậu ăn hơi nhiều hơn bình thường, vì vậy cậu quyết định xem tv nghỉ ngơi một lúc. Nhưng “một lúc” của cậu hóa ra kéo dài cả tiếng đồng hồ, vì chương trình tv khá hấp dẫn. Lúc 8h, cậu ngồi vào bàn học nhưng lại đứng dậy ngay, vì nhớ ra lời hứa sẽ gọi điện cho bạn gái. Cuộc gọi ngốn thêm 40’ nữa (cậu đã không nói chuyện với cô ấy cả ngảy rồi!). Một cuộc gọi tới khác khiến cậu mất thêm 20’ nữa. Trên đường quay trở lại bàn học, Joe lại bị cuốn hút bởi trò bóng bàn. Thế là thêm một giờ đồng hồ nữa trôi qua. Chơi bóng bàn khiến cậu ướt đẫm mồ hôi, vì thế cậu đi tắm. Rồi sau đó, cậu cần thứ gì đó ăn nhẹ. Chơi bóng bàn và cả việc tắm táp khiến cậu cảm thấy đói kinh khủng. Thế là một buổi tối với những dự định học hành trôi tuột mất. Cuối cùng, vào lúc 1h sáng, cậu mới giở sách ra, nhưng cậu đã quá buồn ngủ tới mức không thể tập trung vào môn học được nữa. Rốt cuộc, cậu đầu hàng hoàn toàn. Sáng hôm sau, cậu nói với giáo sư: “Em hy vọng thầy cho em nghỉ ngơi một chút, em mệt vì học tới tận 2h sáng vì bài kiểm tra này”.
Anh sinh viên Joe không thể bắt tay vào việc, bởi cậu ta dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị hành động. Anh ta cũng không phải là nạn nhân duy nhất của chứng bệnh “chuẩn bị kỹ quá mức”. Anh nhân viên bán hàng Joe, vị giám đốc Joe, anh công nhân lành nghề Joe, ngay cả nội trợ Joe – tất cả đểu vướng vào thói quen nhảy vào những cuộc nói chuyện phiếm, nghỉ giải lao, gọt 乃út chì, đọc sách báo, dọn dẹp bàn làm việc, xem tv và hàng loạt những thứ khác nữa.
Nhưng có một cách để phá bỏ thói quen đó. Hãy tự nhủ: “Ngay bây giờ, tôi đã có đủ điều kiện để bắt đầu. Tôi không thể có được thứ gì cả, nếu cứ trì hoãn chưa làm. Thay vì dành thời gian cà công sức cho việc ‘chuẩn bị sẽ làm’, tôi sẽ bắt đầu hành động”.
Một giám đốc của một nhà máy sản xuất dụng cụ kỹ thuật đã nói trước một nhóm các vị giám đốc bán hàng: “Điều chúng ta mong muốn có được hơn bất cứ thứ gì khác trong công việc là có nhiều người cùng hợp sức sáng tạo ra những ý tưởng hay ho và biến chúng thành hiện thực. Không có một công việc nào trong hệ thống sản xuất và xây dựng thì trường của chúng ta là không thể làm tốt hơn, đạt hiệu quả thực sự hơn. Tôi không hề có ý nói rằng công việc chúng ta làm là không tốt. Thậm chí, chúng ta đang làm rất tốt. Nhưng, như mọi công ty đang phát triển khác, chúng ta cần những sản phẩm mới, thị trường mới và những cách làm mới tốt hơn trước. Chúng ta phải dựa vào những người chủ động và có nhiều sáng kiến. Họ chính là những người mang thành công đến cho tập thể”.
Sáng kiến thực ra là một dạng hành động đặc biệt. Đó là thực hiện một việc gì đó – mà bạn không bắt buộc phải làm –có giá trị. Một người giàu sáng kiến luôn có cơ hội nhận được mức thu nhập cao trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Giám đốc nghiên cứu marketing của một công ty sản xuất dược phẩm đã kể cho tôi làm cách nào mà anh ấy giành được vị trí đó. Câu chuyện của anh ta thật sự là một bài học minh chứng tuyệt vời cho sức mạnh của sáng kiến.
Anh ấy kể: “Lúc tôi đang là một đại lý bán hàng cách đây 5 năm, tôi nảy ra một ý tưởng. Tôi phát hiện ra chúng tôi thiếu thông tin về khách hàng tiềm năng. Tôi lên tiếng về sự cần thiết của hoạt động nghiên cứu thị trường với mọi người ở đây. Lúc đầu, không ai chịu nghe tôi cả, bởi người quản lý không thấy được tầm quan trọng của nó.
Tôi bị ám ảnh thực sự bởi ý tưởng nghiên cứu thị trường. Vì vậy tôi không hề ngại khó khăn để đề nghị với cấp trên cho phép chuẩn bị một bản báo cáo trong vòng một tháng về ‘Thông tin thị trường thuốc’. Tôi thu thập thông tin từ mọi nguồn kiếm được. Tôi kiên trì với công việc, và không lâu sau, các quản lý cùng với những nhân viên bán hàng khác nhau đểu cảm thấy họ thực sự hứng thú với những thứ tôi đang làm. Một năm sau, tôi được miễn những công việc hàng ngày của mình để tập trung nghiên cứu và phát triển ý tưởng.
Anh cho biết thêm: “Mọi việc còn lại cứ tự nó phát triển hơn nữa. Đến bây giờ, tôi đã có hai trợ lý, một thư ký và một khoản thu nhập hàng năm gấp 3 lần 5 năm trước đó.”
Dưới đây là hai bài tập đặc biệt, nhằm phát triển thói quen “động não”:
1. Hãy là một người xông xáo. Khi thấy có việc gì mà bạn tin mình nên làm, hãy bắt tay vào làm ngay.
Bạn cảm thấy công ty của mình nên lập thêm một phòng ban mới, sản xuất một sản phẩm mới, hay mở rộng hơn theo cách khác? Nếu đúng vậy, hãy vận động cho điều đó. Bạn cảm thấy nhà thờ trong vùng cần phải sửa lại? Hãy vận động cho điều đó. Hoặc bạn nhận thấy ngôi trường của bọn trẻ cần những trang thiêt bị tốt hơn? Hãy vận động đóng góp.
Bạn có thể tin tưởng vào điều này: mặc dù chiến dịch vận động của bạn bắt đầu chí có một người, nhưng nếu ý tưởng của bạn thực sự hấp dẫn, bạn sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ tử mọi người.
2. Hãy là một tình nguyện viên. Mỗi người trong chúng ta đều không dưới một lần muốn xung phong làm việc gì đó nhưng cuối cùng lại thôi. Tại sao vậy? Vì sợ hãi. Không phải chúng ta sợ mình không thể hoàn thành công việc, mà sợ bị chế giễu, bị coi là kẻ tích cực thái quá, việc gì cũng muốn xen vào, bị coi là kẻ ba hoa, khoác lác để được thăng chức đã làm cho bạn ngần ngại không muốn “lãnh ấn” tiên phong.
Mong muốn được công nhận, được thuộc về một cộng đồng nào đó là hoàn toàn tự nhiên, chính đáng. Nhưng hãy tự hỏi: “Bạn muốn được chấp nhận bởi nhóm người nào đó, nhóm ngưởi thích cười cợt, chế giễu bởi lòng ghen tị ngấm ngầm, hay một nhóm hợp tác cùng nhau để giúp công việc tiến triển hơn?”. Bạn có thể thấy rõ đâu là sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
Những người tiên phong luôn là những người nổi bật. Anh ta nhận được sự chú ý đặc biệt từ mọi người. Và quan trọng hơn hết, khi xung phong làm việc, anh ta mang lại cho mình cơ hội để thể hiện khả năng và khát vọng đặc biệt của mình. Vì vậy, hãy xung phong thực hiện những công việc đặc biệt.
Hãy nghĩ tới những người nắm vị trí chủ chốt mà bạn biết trong mọi lĩnh vực –ngành nghề kinh doanh, quân đội, hay trong khu vực bạn đang sống. Họ có đầy đủ phẩm chất của một người chủ động, hay chỉ là người thụ động mà thôi?
Tôi tin chắc, mười người luôn tích cực thực hiện mọi việc thì cả mười người đó đều là người chủ động. Những kẻ đứng ngoài mọi việc, luôn trì hoãn, thụ động sẽ không thể lãnh đạo được. Ngược lại, những người luôn chủ động sẽ tìm được người làm việc cho họ.
Mọi người đều đặt niềm tin vào những người biết hành động. Họ mặc nhiên coi rằng những người ham thích hành động thừa biết họ đang làm gì.
Tôi chưa từng nghe ai đó được khen ngợi chỉ vì “anh ta chẳng làm phiền ai cả”, “anh ta chẳng bắt tay vào làm việc gì cả”, hay “anh ta luôn chờ đợi cho đến khi có người khác bảo anh ta phải làm gi?”.
Bạn có như vậy không?
PHÁT TRIỂN THÓI QUEN HÀNH ĐỘNG
Hãy luyện tập những điểm quan trọng sau:
1. Hãy là người biết hành động. Là người biết bắt tay vào mọi việc, chứ đừng làm kẻ ngoài cuộc.
2. Đừng bao giờ chờ đợi cho đến khi mọi điều kiện đểu hoàn hảo. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó. Hãy đón
nhận những khó khăn, cản trở mà bạn có thể gặp phải trong tương lai, và tìm cách giải quyết chúng.