Gợi những tình cảm cao thượngJesses James là một tướng ςướק "ăn hàng" trên các xe lửa và đánh phá các ngân hàng rồi chia tiền cho các tá điền ở chung quanh y để chuộc lại ruộng mà họ túng thiếu đã cầm cố. Chắc chắn y tự cho y là người có lý tưởng cao siêu cũng như Dutch Schultz, Crowley biệt danh "Hai Súng" và Al Capone sống sau y hai thế hệ.
Thiệt ra, hết thảy mọi người - cả người mà bạn thấy trong gương của bạn nữa - cũng tự quý trọng mình, và cảm thấy mình cao thượng đại độ hơn người.
Ông Pierpont Morgan nhận thấy rằng hành động của loài người thường có hai nguyên do: một nguyên do mà người ta giấu đi - cái đó mới thiệt; một nguyên do mà ta khai ra vì nó có vẻ cao đẹp, đáng khen.
Khi hành động, suy tính, người ta chỉ nhớ tới nguyên do thiệt. Có biết nguyên do đó, bạn cũng chẳng cần nhắc tới làm chi.
Nhưng vì con người ai cũng nuôi một lý tưởng trong thâm tâm, nên ưa núp sau cái nguyên do thiện mỹ. Vậy muốn được lòng họ, bạn chỉ nên thán thưởng mà nhắc tới nguyên do sau thôi!
Quy tắc đó, bạn cho rằng trong thương mãi không áp dụng được chăng? Xin bạn đọc đoạn sau này:
Ông Farrell là chủ một biệt thự. Còn bốn tháng nữa mới hết hạn mướn theo hợp đồng, mà người mướn đã muốn dọn ngay đi và cố nhiên đòi hỏi giao kèo. Bốn tháng, mỗi tháng 55 mỹ kim! Cả mùa hè thì họ mướn để ở, rồi bây giờ, bắt đầu mùa đông, bỗng nhiên họ bỏ đi!
Ông Farrell giận lắm. Mùa này ai cũng trốn cảnh nhà quê, dễ gì cho người khác mướn được?
Ông Farrell nói: "Trước kia, nếu gặp trường hợp đó, tôi đã chạy lại kiếm người mướn nhà, biểu ông ta đọc kỹ lại thể lệ trong tờ giao kèo. Tôi đã cho ông ta hay rằng có muốn dọn đi thì phải đóng ngay mấy tháng nhà cho hết hạn, không có, tôi sẽ đưa ra tòa liền.
Nhưng lần này, tôi không nóng nảy: tôi suy nghĩ và định dùng một thuật khác. Tôi lại thăm ông Doe, người mướn nhà và nói với ông ta:
"Ông Doe, tôi đã nhận được thư của ông cho biết ông sẽ dọn đi, nhưng thiệt tình tôi không tin rằng ông sẽ đi thật.
Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đã giúp tôi hiểu lòng người và mới trông thấy ông, tôi đã biết ngay ông là một người trọng lời hứa và danh dự. Tôi đoán sai thì đây ông cứ chặt tay tôi đi.
Tôi đề nghị với ông như vầy. Ông suy nghĩ vài ngày nữa, tới cuối tháng đi. Nếu lúc đó, lại trả tiền nhà, ông còn nhất định dọn đi thì tôi cam đoan với ông tôi sẽ xin tuân ý ông. Tôi sẽ để ông đi và tự nhận rằng tôi đã xét lầm ông. Nhưng tôi sẽ tin chắc rằng ông là một người giữ lời cam kết".
Rồi, mùng một tháng sau, ông Doe lại nhà tôi trả tiền nhà và cho hay, sau khi hỏi ý bà Doe, ông quyết định ở lại. Vì họ đã thấy rằng chỉ có cách xử trí đó là không hại danh dự thôi".
Hồi sinh tiền, Lord Northchiffe, một trong những ông vua báo chí Anh, thấy trong một số báo in một tấm hình của ông mà không được hài lòng; ông bèn viết thư cho chủ nhiệm tờ báo. Có phải để nói: "Xin ông đừng cho in tấm hình đó nữa, tôi không thích nó" không"?. Không. Ông gợi tới một tình đáng kính và rất trong sạch, tình con yêu và kính mẹ. Ông nói: "Xin ông đừng để họ in tấm hình đó nữa. Thân mẫu tôi không thích nó".
John D. Rockefeller cũng theo cách đó, khi ông muốn xin nhà báo đừng chụp hình con ông. Ông không nói: "Tôi không muốn rằng hình của chúng nó được in trên báo". Không, ông gợi tới một tình cao thượng và tế nhị: lòng muốn che chở trẻ em. Ông nói với các nhà nhi*p ảnh rằng: "Anh em còn lạ chi việc đó... Anh em cũng có trẻ trong nhà... Anh em chắc hiểu rõ rằng con nít mà đem quảng cáo quá, chỉ làm hư chúng...".
Ông Cyrus H.K.Curtis, chủ nhiệm hai tờ tạp chí lớn nhất tại Mỹ "Tin tức chiều thứ bảy" và "Phụ nữ nhật báo", trong bước đầu gặp nhiều khó khăn.
Chỉ có tiền không, không đủ dụ các văn sĩ có danh viết giúp ông được. Nhưng ông đã khéo gợi những tình cảm cao thượng nhất của họ. Cô Louisa May Alcott, danh lúc đó vang lừng, chịu viết giúp một tờ báo chí của ông, vì ông hứa xin đưa tiền nhuận 乃út là 100 mỹ kim, không phải để biếu cô mà để biếu một hội thiện mà cô che chở.
Gợi những tình cảm cao thượng
Những ông hoài nghi chắc cãi lại:
"Đối với Northchiffe, hay Rockefeller hay một nữ văn sĩ đa cảm thì hành động như vậy được lắm. Nhưng đối với những "quái vật" như trong số những người mắc nợ tôi, thì tôi còn ngờ kết quả lắm"!
Các ông ấy nói có lẽ đúng. Một vị thuốc không trị được hết mọi bệnh, hợp với người này, chưa nhất định cũng hợp với người khác. Nếu phương pháp của bạn có kết quả thì thay đổi nó làm chi? Còn nếu trái lại, thì cứ thí nghiệm phương pháp trên kia đi, có thiệt gì cho bạn đâu?
Dù sao đi nữa, tôi tin rằng đọc câu chuyện sau này do James L. Thomas, đã theo lớp giảng của tôi kể lại, bạn sẽ thấy thú:
Một hãng xe hơi có sáu khách hàng không chịu trả tiền sửa xe. Nói cho đúng cũng không phải họ không chịu trả: họ chỉ kêu nài rằng hãng đã tính lộn mà thôi. Mà chính họ đã ký tên bằng lòng chịu giá tiền mà hãng đã tính với họ trước khi sửa. Hãng biết rằng tính không lộn. Nhưng hãng lại quả quyết nói ra như vậy. Đó là lỗi đầu tiên của hãng.
Rồi hãng dùng phương pháp này để thâu những số tiền đó. Bạn thử xét xem có thành công được không?
1- Phòng kế toán sai một nhân viên lại nhà sáu ông khách hàng đó, và không úp mở gì hết, nói phắt ngay là đến để "thâu số tiền mà khách hàng thiếu của hãng từ lâu".
2- Nhân viên đó còn nói rằng hãng hoàn toàn có lý, không cãi gì được nữa và như vậy nghĩa là khách hàng hoàn toàn lầm lộn, không còn chối gì được nữa.
3- Nhân viên đó còn làm cho khách hàng hiểu rằng những kỹ sư của hãng biết rõ về xe hơi, cả ngàn lần hơn khách. Vậy thì tranh biện làm chi cho tốn công chứ?
4- Kết quả: tranh biện nhau hoài.
Bạn tin rằng phương pháp đó làm cho người thiếu tiền chịu trả không? Bạn tự đáp được câu đó.
Vụ đó lằng nhằng như vậy và viên xếp phòng kế toán tính kiện khách hàng thì may sao, chuyện tới tai ông chủ. Ông này điều tra về những khách hàng ương ngạnh đó, thì thấy từ trước tới nay họ trả sòng phẳng lắm. Vậy phải có khuyết điểm gì lớn trong cách thâu tiền của phòng kế toán đây. Ông bèn cho gọi một người giúp việc ông là ông James L.Thomas, và giao cho ông này công việc khó khăn đi thâu những số tiền đó.
Ông Thomas làm như sau này:
"1. - Tôi biết rằng hãng chúng tôi tính tiền rất đúng nhưng điều đó tôi không nói ra. Tôi báo trước cho khách hàng rằng tôi sẽ lại thăm họ để biết hãng của tôi đã làm cho họ không hài lòng vì nguyên do gì; lầm lỡ hay sơ sót chỗ nào.
2. - Tôi cho họ biết rằng tôi sẵn lòng nghe họ giảng giải rồi sau mới cho biết ý kiến của tôi. Hãng chúng tôi cũng có thể lầm lộn được lắm.
3. - Tôi bảo họ rằng không ai biết rõ xe hơi của họ bằng họ.
4. - Tôi để họ nói cho thỏa, và tỏ ra rất sẵn lòng, rất chăm chú nghe họ.
5. - Sau cùng, khi họ bình tĩnh hơn, biết phải trái hơn, tôi mới gợi lòng chính trực và công bằng của họ.
Tôi bảo họ: "Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý ông. Vụ này do lỗi chúng tôi, một nhân viên của chúng tôi đã quấy rầy ông và làm ông giận. Thiệt đáng tiếc, và tôi thay mặt cho hãng, xin lỗi ông. Nghe ông giảng giải, tôi nhận thấy ông kiên tâm và công bằng lắm. Vì tôi thấy ông có những đức tính đó, cho nên tôi mới dám xin ông giúp cho tôi một việc là cậy ông sửa lại đơn hàng. Thiệt ra, không ai làm việc đó đúng hơn ông nữa vì ông biết rõ công việc hơn hết. Đây tiền sửa chúng tôi tính như vậy đây. Xin ông tính lại, sửa lại thiệt cẩn thận, như ông là hội trưởng công ty chúng tôi vậy. Rồi ông định sao, chúng tôi xin theo như vậy".
Ông khách hàng làm ra sao? Ông bằng lòng trả hết cả số tiền, một số tiền quan trọng. Mấy khách hàng khác cũng vậy, trừ một người nhất định không trả một đồng nào hết. Và kết quả là cả sáu vị bất mãn đó, trong hai năm sau, mỗi vị mua giùm cho chúng tôi một chiếc xe hơi mới".
Ông Thomas kết luận: "Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng, khi khách hàng không chịu trả một số tiền còn thiếu mà không có cách nào tính cho đích xác được thì tốt hơn hết, cứ nhận rằng khách hàng ngay thẳng và có thiện ý đi. Nói chung, thì người mua phần nhiều sòng phẳng, chịu giữ lời. Rất hiếm những người ra ngoài lệ đó. Và tôi tin chắc rằng có gặp kẻ gian lận đi nữa thì mình cứ coi họ như một người ngay thẳng, thành thật, họ sẽ ngượng, không gian lận nữa".
Vậy muốn được người khác theo ý mình, nhiều khi nên theo quy tắc thứ mười:
Gợi tình cảm cao thượng của họ"