Chương 164: Khoan thaiKỷ Vịnh đương nhiên không biết bá phụ và phụ thân đang hao tâm tổn trí vì chuyện của mình. Một khi hắn đã quyết định đi trên con đường làm quan thì tất phải gạt bỏ hết những rắc rối từ trước tới nay. Khi đến Lại Bộ, hắn đi chào hỏi thầy giáo, chính là quan tổng phụ trách thi Hội lần này, Lễ Bộ Thị lang Dương Sâm.
Dương Sâm là người Tùng Giang, là bạn tốt của Kỷ Tụng – bá phụ Kỷ Vịnh. Ngay từ hôm Kỷ Vịnh còn bế quan ở nhà suy lên nghĩ xuống chuyện có nên làm quan hay không, Kỷ Tụng đã đích thân tới nhà Dương Sâm giải thích rằng Kỷ Vịnh bị cảm lạnh đang nằm liệt giường, khi nào khỏi bệnh sẽ tới gặp ân sư ngay. Tuy Dương Sâm đã vào kinh làm quan từ nhiều năm nay nhưng Kỷ Vịnh là một trong số ít thiên tài ở quê nhà Giang Nam, ít nhiều gì cũng đã nghe nói chuyện của hắn, biết thừa cứ dăm ba hôm hắn lại “đổ bệnh” một lần nên không để bụng. Chẳng những thế, Dương Sâm còn nể mặt quan hệ hai nhà Kỷ-Dương mà cho người mang thuốc sang thăm tận nơi.
Bởi vậy mà lúc gặp Kỷ Vịnh, câu đầu tiên Dương Sâm hỏi chính là đã khỏi bệnh chưa.
Kỷ Vịnh đã hạ quyết tâm làm gì thì sẽ làm tốt nhất có thể. Hắn bày tỏ sự cảm kích không thôi tới Dương Sâm rồi cùng ông đàm luận việc nhà nông mà ông thích thú nhất. Dương Sâm chợt thấy cậu học trò này không chỉ bác học đa tài mà cách nói chuyện cũng rất khẩn thiết, tuy có đôi chỗ còn ngô nghê nhưng không mất đi nhuệ khí của tuổi trẻ, làm ông vô cùng vui lòng.
Tới khi Kỷ Vịnh cáo từ, Dương Sâm phá lệ, tiễn hắn ra tận cửa thư phòng, còn dặn dò: “Lúc nào rảnh nhớ tới chỗ ta chơi.”
Kỷ Vịnh vái tạ mấy lần mới lên xe ngựa ra về.
Sau đó, hắn mở tiệc chiêu đãi những người cùng khoa thi, chỉ mất mấy ngày đã quen mặt hết những tiến sĩ tân khoa năm nay. Đến hôm tới Hàn lâm viện nhậm chức, gần như suốt dọc đường đều có người vỗ vai gọi hắn là “hiền chất” đến tận trước mặt Chưởng viện Học sĩ, khiến mặt mũi Trạng Nguyên Thái Cố Nguyên, người cùng đến nhậm chức với hắn, trở nên cực kỳ khó coi.
Kỷ Vịnh coi như không thấy gì hết, luôn cúi mày nhìn xuống trông rất ngoan ngoãn, mau chóng được đánh giá là “khiêm tốn cẩn thận”, làm Kỷ Tụng và Kỷ Kỳ không khỏi bất ngờ. Kỷ Kỳ lau mồ hôi trên trán nói: “Kiến Minh sao thế nhỉ? Cứ như biến thành người khác vậy.”
Kỷ Tụng lại nghĩ tới Đậu Chiêu. Hắn gọi Tử Tức lại hỏi: “Kiến Minh đã gửi thư trả lời cho Đậu tứ tiểu thư chưa?”
“Rồi ạ.” Tử Tức thì thầm, “Thiếu gia nói lời của Đậu tứ tiểu thư rất có lý, nói là bất kể Hoàng Thượng chấm thiếu gia làm Thám Hoa vì cậu ấy trẻ tuổi hay vì văn hay chữ tốt cũng đều nhờ thiếu gia có vốn liếng và thực lực, thật sự không nên câu nệ quá.”
Kỷ Tụng lặng lẽ gật đầu, dặn: “Sau này ngươi nhớ lưu tâm hơn chuyện của Kiến Minh và Đậu tứ tiểu thư.”
Tức là bảo hắn làm chân tình báo đây mà! Tử Tức thầm nghĩ, nhưng nào dám để lộ sự không hài lòng, luôn miệng đáp “vâng”.
Đúng lúc đó nhận được thư của Kỷ lão thái gia.
Kỷ Tụng đưa thư cho Kỷ Kỳ đọc, gượng cười: “Người bảo chúng ta không cần quá kinh ngạc, tuy Kiến Minh thích những điều mới lạ nhưng chỉ cần nó đã đồng ý làm gì thì sẽ làm đến cùng, chưa bỏ cuộc nửa chừng bao giờ. Lần này đã vào quan lộ rồi tất sẽ không bỏ chạy khắp nơi nữa. Nó và Đậu tứ tiểu thư một người ở kinh thành, một người ở Chân Định, xa mặt cách lòng, cho người âm thầm quan sát để ý một chút là được rồi. Còn về hôn sự của Kiến Minh thì lão nhân gia đã có chủ trương, bảo chúng ta đừng tự ý làm gì.”
Kỷ Kỳ vội mở thư đọc một lượt, nghe vậy thì than thở: “Cũng đành vậy thôi.” Giọng điệu uể oải.
Kỷ Tụng nghĩ đến Kỷ Vịnh mấy ngày nay như biến thành người khác thì lòng thấy không thoải mái lắm, cùng bàn với Kỷ Kỳ rồi viết thư gửi lại cho Kỷ lão thái gia, đồng thời cho người theo dõi hành tung của Kỷ Vịnh. Khi biết Đậu Khải Tuấn đến từ biệt Kỷ Vịnh mà vì đã nhậm chức ở Hàn lâm viện nên Kỷ Vịnh không thể cùng hắn về Chân Định như đã hẹn, Kỷ Tụng còn thở phào nhẹ nhõm, cảm khái với Kỷ Kỳ: “Đúng là gừng càng già càng cay. Thảo nào chỉ có tổ phụ quản được Kiến Minh.”
Kỷ Kỳ không thể không đồng tình.
Kỷ Vịnh viết thư kêu ca với Đậu Chiêu: “… Vốn định đến chơi với muội, cuối cùng lại không đi được. Cũng chẳng biết bao giờ mới xong việc.”
Đậu Chiêu cười ngất, hồi âm rằng: “Nghe nói càng làm quan lớn càng khó nghỉ ngơi. Chi bằng huynh nghĩ xem có hứng thú với việc gì thì làm, kẻo buồn ૮ɦếƭ mất.”
Kỷ Vịnh gửi thư lại rất nhanh: “Ở đây xác ૮ɦếƭ biết đi nhiều lắm, nhưng cũng không thiếu người thật sự có tài. Gần đây ta đang theo học đàn cổ với Đỗ Gia Niên, khi nào có dịp sẽ đánh cho muội nghe một bài.”
Đỗ Gia Niên tên Luân, sở trường đánh đàn, là nghệ nhân làm đàn nổi tiếng đương triều, lại xuất thân hàn lâm, những cây đàn ông làm ra đều có giá trên trời, ngàn vàng khó mua.
Đậu Chiêu đáp: “Hay là huynh xin Đỗ Gia Niên cho muội một cây đàn do chính tay ông ấy làm còn hơn.”
Kỷ Vịnh giận dỗi: “Rồi ta sẽ làm muội hối hận về lời nói ngông cuồng hôm nay.”
Nhưng chỉ mấy ngày sau, Kỷ Vịnh đã gửi tặng cho nàng một cây đàn cổ của Đỗ Gia Niên, còn đề hai chữ “Tang Lâm” ở đuôi đàn.
Đậu Chiêu rất thích cây đàn ấy, mời hẳn thầy ở Giang Nam tới nhà dạy đánh đàn. Kỷ Vịnh lại tìm và tặng cho nàng mấy bản nhạc dành cho đàn cổ.
Hai người cứ thư qua thư lại như thế, chẳng mấy chốc đã tới mùa thu.
Từ Thanh đang dưỡng thương ở điền trang tới cầu kiến: “Thế tử gia đang nghỉ tại nhà trọ Cao Thăng ở cửa Đông thành, muốn tới chào hỏi tiểu thư, không biết lúc nào thì tiện cho tiểu thư ạ?”
Đậu Chiêu kinh ngạc, nói thất thanh: “Đã xảy ra chuyện gì ư?”
Việc ám hại Tống Mặc đã trôi qua hơn nửa năm, đáng lý ra Tống Mặc đang đấu đá kịch liệt với Tống Nghi Xuân, cớ sao lại chạy tới chỗ nàng?
Từ Thanh thấy vẻ kinh hoảng từ ánh mắt Đậu Chiêu thì cũng giật mình, vội đáp:
“Không có chuyện gì đâu ạ! Thế tử gia nay đã nắm chắc toàn bộ cục diện, lần này là đặc biệt sắp xếp tới cảm tạ tiểu thư. Trước khi tới không thông báo gì bởi sợ Quốc công gia phát hiện việc tiểu thư có liên quan tới chuyện đó, sợ liên lụy tới người…”
Đậu Chiêu thở phào, nói: “Thế tử gia nhà các ngươi bình an vô sự là được rồi. Ngươi nói với hắn giúp ta là không cần cảm ơn gì đâu. Bên ta cũng chỉ gặp may đúng dịp mà thôi. Một khuê nữ như ta hiện giờ không tiện tiếp khách. Ý tốt của hắn ta xin ghi nhận.”
Lại nói, “Đã đến thì đều là khách, ta sẽ báo với Đoạn Công Nghĩa và Trần Hiểu Phong để họ tới chiêu đãi Thế tử gia nhé!”
Từ Thanh mở to mắt, nhìn Đậu Chiêu với vẻ không tin nổi. Thế tử gia tới cảm ơn nàng ta mà lại bị từ chối không tiếp! Hắn cứ giương mắt nhìn.
Đậu Chiêu bê trà lên nhấp miệng.
Từ Thành đành đờ đẫn theo Tố Tâm ra ngoài.
Tố Tâm lo lắng hỏi Đậu Chiêu: “Tiểu thư không tới gặp Thế tử gia có sao không ạ?” Nàng có ấn tượng khá sâu sắc với Tống Mặc.
“Vất vả mãi mới rút ra khỏi chuyện nhà họ Tống được,” Đậu Chiêu đáp, “Kính nhi viễn chi mới là điều nên làm.”
Tố Tâm gật đầu.
Có người hầu vào bẩmbáo: “Có một người tên Trần Hạch tới, nói là tiểu nhị của tiệm bạc Thông Đức ở kinh thành được Phạm chưởng qũy nhờ cậy mang đồ tới cho Tứ tiểu thư. Nô tài bảo hắn cứ đưa cho nô tài là được nhưng hắn nói Phạm chưởng qũy dặn là phải đưa tận tay cho tiểu thư.”
Tiểu nhị tiệm bạc Thông Đức gì chứ, rõ ràng là nô tài của Tống Mặc. Xem ra hắn không gặp được mình thì không cam tâm.
Đậu Chiêu sợ Tống Mặc lại phái người tới cầu kiến, nhíu mày nói: “Cho tên tiểu nhị đó vào.”
Người hầu đáp lời rồi đi.
Trần Hạch cúi đầu đi vào theo người hầu kia. Hắn cung kính cúi đầu chào Đậu Chiêu, lấy từ trong tay áo ra một cái hộp sơn đỏ to bằng bàn tay đưa cho nàng.
“Ngày Tứ tiểu thư cập kê, Thế tử gia vốn định tới, nhưng vì bị tiểu nhân phá rối, e sẽ liên lụy tới tiểu thư nên nhẫn nhịn không hành động. Hiện nay mọi việc ở kinh thành đều thuận lợi, Thế tử gia mới đích thân tới đây chúc mừng Tứ tiểu thư.” Hắn kính cẩn nói, “Nghe Từ Thanh nói Tứ tiểu thư không tiện gặp khách, Thế tử gia không muốn quấy rầy nên lệnh cho nô tài mang món quà mừng lễ cập kê đã chuẩn bị từ lâu tới tặng cho tiểu thư ạ.”
Nói rồi, hắn liền dập đầu ba cái với Đậu Chiêu.
“Chúc Tứ tiểu thư mãi luôn tươi trẻ, phúc thọ triền miên! Trong hộp này là chuỗi Phật châu đàn hương, là vật được phu nhân yêu thích nhất. Thế tử gia giữ lại để tưởng niệm phu nhân, vì mời được cao tăng Đắc Đức từng tọa hóa ở chùa Đại Tướng Quốc tới gia trì*, đặc biệt gửi tặng tiểu thư, cầu nguyện cho tiểu thư được vạn sự trôi chảy, thuận lợi bình yên.”
*: gia trì là hoạt động cầu phúc của Phật giáo nhằm gửi gắm ước nguyện và sức mạnh tinh thần của người cúng
Đậu Chiêu rất ngạc nhiên. Ấy thế mà Tống Mặc lại tặng chuỗi Phật châu đàn hương mà mẫu thân hắn rất yêu quý cho mình làm quà cập kê. Nàng cứ tưởng Tống Mặc tới chỉ đơn thuần là muốn cảm ơn thôi.
Chiếc hộp trong tay Đậu Chiêu trở nên nóng rát như có lửa đốt. Nàng chợt thấy hối hận khi nãy đã từ chối đi gặp hắn. Nếu không phải vì bị từ chối, Tống Mặc cũng không để Trần Hạch chuyển giúp món quà này. Mà nàng cũng có thể khéo léo từ chối không nhận quà.
Giờ đối mặt với Trần Hạch, nàng rất thấp thỏm, chỉ đành bảo Tố Tâm nhận lễ vật rồi nhờ Trần Hạch chuyển lời cảm ơn tới Tống Mặc.
Trần Hạch không lui ra ngay mà mắt còn đỏ hoe, nức nở nói:
“Tứ tiểu thư, chắc người không biết chứ dạo trước vì phải đối phó với Quốc công gia nên Thế tử gia không có thời gian dưỡng thương, thương thế cứ trở đi trở lại. Ngự y nói, nếu cứ bị giày vò thế này thì Hoa Đà tái thế cũng không chữa khỏi cho Thế tử gia được. Hiện giờ khó khăn lắm mới ổn định đại cục, mà Thế tử gia lại mượn cớ phải đun thuốc bằng nước Vô Căn (xem chương 155), rầm rộ dẫn người đến điền trang Ngự ban ở Đại Hưng. Mọi người vẫn nghĩ là chỉ cần Thế tử gia có thể mau chóng tĩnh tâm dưỡng thương cho khỏi hẳn thì ở Di Chí đường cũng được, ở điền trang cũng được… Ai ngờ Thế tử gia lại vận kế ‘minh tu chiến đạo, ám độ Trần Thương’, muốn đích thân đến cảm tạ tiểu thư… Mà tiểu thư lại không gặp, Thế tử gia chắc sẽ thất vọng lắm…”
Vừa nói hắn vừa dập đầu “bộp bộp”.
“Tứ tiểu thư, cầu xin người, xin người hãy đi gặp Thế tử gia đi ạ! Thế tử gia vẫn luôn ghi nhớ ơn cứu mạng của tiểu thư, còn nói, y vẫn giữ mọi điều trong lòng, cũng chẳng có ai để thương lượng cả nên rất mong được gặp Tứ tiểu thư, hỏi chút chuyện ngày ấy… Cầu tiểu thư thành toàn!”
Đậu Chiêu im lặng. Không ai ngờ được rằng Tống Nghi Xuân lại đột ngột gây khó dễ cho Tống Mặc, khó trách Tống Mặc lại ôm nghi hoặc tới tận hôm nay. Việc ấy hẳn là một cái gai trong lòng Tống Mặc, không có cách nào nhổ đi.
Chỉ có điều, mình là người ngoài, lại có thể dò la ra được ẩn tình, chắc chắn Tống Mặc sẽ tìm mình hỏi cho rõ ràng, hy vọng có thể tìm ra một ít nguyên do vì sao phụ thân hắn đối xử như vậy với hắn. Nếu mình nhắm mắt bịt tai, e là Tống Mặc cứ nghĩ tới việc đó lại nhớ tới mình!
Đậu Chiêu nghĩ ngợi rồi đáp: “Ngươi về nói với Thế tử gia nhà ngươi rằng ngày mai gặp ở điền trang.” Nói rồi lườm Trần Hạch, lạnh nhạt nói, “Nhưng chỉ lần này thôi, không có lần thứ hai đâu.”
“Tứ tiểu thư!” Trần Hạch vừa mừng vừa lo, vội nói, “Tiểu nhân không dám tự tiện nữa đâu ạ…” Lại dập đầu mấy lần nữa với Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu bảo Tố Tâm tiễn Trần Hạch rồi sang chỗ Thôi thái phu nhân.
Tổ mẫu biết Đậu Chiêu phải tới điền trang gặp Trần tiên sinh thì cười hỏi: “Cửa hàng của cháu làm ăn thế nào?”
“Vẫn duy trì được ạ.” Đậu Chiêu cười đáp, “Lần này cháu tới điền trang cũng vì muốn bàn bạc với Trần tiên sinh, xem có cách nào làm cho cửa hàng sinh lời hay không.”
Tổ mẫu gật đầu, hỏi tới Điền Phú Quý người tặng Đậu Chiêu một con gà gô hôm nàng làm lễ cập kê: “Thập Tam đưa hắn tới, hắn không gây phiền hà cho cháu chứ?”
Bà cảm thấy người là do Thôi Thập Tam đưa đến, nếu có gì không tốt thì trách nhiệm đều đổ lên đầu Thôi Thập Tam.
Đậu Chiêu bất giác mím môi. Người tên Điền Phú Quý ấy thực sự là một người thích hợp với việc kinh doanh, tới kinh thành mấy ngày đã nắm được công việc, so ra còn làm tốt hơn cả Thôi Thập Tam. Nàng trả lời: “Bà cứ yên tâm ạ. Người do Thôi Thập Tam tiến cử rất được bà ạ.”
“Vậy thì tốt.” Tổ mẫu nghe thế thì vui mừng, hôm sau còn ra tận cửa tiễn Đậu Chiêu.
Ngày thu nắng đẹp, trời trong vắt không một gợn mây, rất dễ chịu. Đậu Chiêu bất giác hít một hơi thật sâu.
Xe ngựa đi đến chỗ rẽ gần thôn thì bị người chặn lại.
“Tứ tiểu thư,” Người ôm quyền với Đậu Chiêu chính là Trần Hạch, nàng đã gặp lần trước rồi, “Thế tử gia đang đợi người bên bờ sông sau núi.”
Nàng từng cùng phụ thân bắt cá ở đó.
Dưới núi có con đường mòn thông đến sau núi, nhưng xe ngựa không đi qua được. Đường rất gần, rẽ qua đỉnh núi là đến. Tố Tâm đỡ Đậu Chiêu xuống xe, bên cạnh có một chiếc kiệu mềm đang chờ. Trần Hạch bước tới vén rèm để Đậu Chiêu lên kiệu.
Cỗ kiệu đung đưa trên đường. Rừng này bình thường không có người qua lại, giờ cứ đi vài bước lại cảm thấy gai gai như có như không. Đậu Chiêu đi trên con đường mòn quen thuộc mà như đang đi bên vực sâu vách thẳm.