LIỀN MẤY NGÀY SAU ĐẤY, tất cả đều sóng lặng gió yên, Tĩnh Thu mới tin rằng không có chuyện gì xảy ra, Lâm có thể là con người thật thà, đồng ý với Ba sẽ không nói ra, khiến Thu yên tâm hơn.
Tâm trạng đã yên, Thu bắt đầu đan áo giúp Lâm, cô áng chừng chiều cao và vòng иgự¢ của Lâm, chọn kiểu thô khỏe và dễ đan. Thu định trước khi về sẽ đan xong, cho nên ngày nào cũng đan đến tận khuya.
Bà Trương thấy, liền nói:
- Không vội, đan không xong con cứ mang về phố đan, bao giờ xong nhắn anh Lâm lên lấy, hoặc con về chơi đem cho anh ấy.
Nghe bà Trương nói vậy, Thu lại càng cố đan cho xong trước khi về, khỏi để lại cái đuôi sau này phải gặp Lâm. Nhưng rất lạ là, Thu không sợ người khác hiểu nhầm mình đan áo cho Lâm, chỉ sợ Lâm có ý nghĩ ấy, đến lúc bấy giờ Thu không đồng ý sẽ làm tổn thương Lâm.
Một hôm, Thu cùng bà Trương làm việc lặt vặt trong nhà, Thu bảo sức khỏe của mẹ không tốt lắm, thường đi tiểu ra máu, nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân. Bác sĩ bảo mẹ Thu nên ăn hồ đào và đường phèn, hai thứ này trị bệnh đi tiểu ra máu rất hữu hiệu. Đường phèn là thứ hiếm, cho dù có đơn của bác sĩ cũng khó mua.
Bà Trương nói:
- Bên nhà mẹ đẻ chị Mẫn của con có cây hồ đào, con nói chị ấy bao giờ về lấy cho con một ít, con đem cho mẹ trên nhà.
Nghe bà Trương nói như vậy Thu vui lắm. Mẹ bị chứng đi tiểu ra máu đã lâu, uống nhiều thuốc, tiêm, bấm huyệt, tất cả những phương pháp chữa trị ít tốn tiền đều đã thử nhưng không có tác dụng. Lúc bệnh nặng, đi khám, nước tiểu đỏ như máu.
Thu đi hỏi chị Mẫn, chị nói:
- Bên nhà mẹ chị có cây hồ đào, nhưng cách đây xa lắm, biết bao giờ chị mới về? Nhưng chị có thể viết thư, bảo mẹ chị cứ cất giữ hồ đào, lúc nào về bên ấy chị có thể lấy cho em một ít.
- Nhưng… hồ đào của nhà ta bán bao nhiêu tiền một cân?
- Của nhà, tiền nong gì. Ở chỗ mẹ chị đường đi lối lại khó khăn, không thể mang đi bán, với lại bây giờ “cắt đuôi tư bản” ngay cả những thứ của rừng, của nhà cũng phải để đấy, đâu có chuyện đem hồ đào đi bán. Thu ơi, cả nhà xem em như người trong nhà, chỉ cần mẹ em khỏi bệnh, dù em có chặt hẳn một cây cũng không là gì. – Mẫn nói.
Thu rất cảm kích, nhưng không dám giục chị viết thư, chỉ nói:
- Lúc nào rỗi rãi chị viết thư giúp em, để em dành thời gian đi lấy. Mẹ em không khỏi bệnh, em sợ có ngày máu sẽ ra kiệt…
Mấy hôm sau, Lâm mang vào buồng Thu một cái làn, nói:
- Cô thấy đủ chưa?
Nói xong, cậu ta bỏ ra ngoài. Thu xem thấy một làn đầy hồ đào. Thu ngớ ra, chả nhẽ chị Mẫn bảo Lâm đi lấy về? Phải một lúc lâu sau Thu mới cầm nổi nước mắt. Thu đã thề, trong đời sẽ không bao giờ chảy nước mắt, vì lúc nhỏ Thu đã chảy quá nhiều nước mắt rồi. Thu biết những chuyện chảy nước mắt không bao giờ bù đắp nổi. Thu quyết chí làm một người kiên cường, vì anh trai và bố ở nông thôn, mẹ ốm đau, em gái kém Thu năm tuổi, Thu là trụ cột của gia đình, cho nên khẩu hiệu của cô là: Chảy máu, chảy mồ hôi, không chảy nước mắt.
Thu đi tìm Lâm, muốn hỏi chuyện cho rõ ràng. Thu thấy Lâm đang ngồi ăn cơm ở đầu hồi nhà, đang ăn vội ăn vàng, giống như người đói lắm.
- Anh sang nhà chị Mẫn đấy à? – Thu hỏi.
- Ừ!
- Có xa không?
- Không.
Thu nhìn chân Lâm, phát hiện đôi giày rách nát, ngón chân lòi cả ra ngoài. Thu không nói nên lời, chỉ đúng ngẩn ngơ nhìn chân Lâm. Anh thấy vậy, vội cởi giày, đi chân đất, xấu hổ nói:
- Chân tôi đau, giày rách định đi đất nhưng đường núi lạnh lắm…
Thu nghẹn ngào, cố nén, hỏi:
- Chị Mẫn bảo anh Lâm đi đấy à?
- Không. Muốn lấy về để mẹ cô sớm khỏi bệnh. – Anh và mấy đũa là hết bát cơm. – Tôi đi chỉ mất nửa ngày thôi.
Nói xong, anh bỏ đi chỗ khác, một lúc sau thấy anh vác cuốc quay lại:
- Cô lấy tờ báo đậy cái làn, đừng để thằng Hoan trông thấy kẻo nó ăn hết. Cô đừng thấy nó nhỏ, nó biết kẹp hồ đào vào cách cửa để bóc vỏ đấy.
Thu thấy Lâm để đôi giày lên đống củi ngoài sân, rồi quay lại dặn Thu:
- Đừng nói với mẹ tôi nhé, mẹ sẽ mắng, không lên phố mà đã làm rách cả giày.
Lâm đi rồi, Thu lật giở xem đôi giày trên đống củi, định giặt giúp anh, nhưng phát hiện một chiếc đế đã thủng, không có cách nào vá nổi, đành để lại chỗ cũ.
Thu đứng tần ngần, nhận những tình cảm này của Lâm, biết lấy gì để trả ơn? Cuối cùng Thu vẫn quyết định làn hồ đào của Lâm. Bác sĩ Âu Dương ở bệnh viện số Hai của thành phố nói, bệnh của mẹ là do sinh hoạt quá kém, sức khỏe yếu lâu ngày, thêm vào đấy là tư tưởng không được thoải mái mới sinh ra chứng đi tiểu ra máu kéo dài. Nếu đời sống khá hơn, tư tưởng thoải mái, bệnh có thể thuyên giảm, ăn hồ đào và đường phèn là để bồi bổ sức khỏe.
Thu tin lời thầy thuốc, vì những lúc tâm trạng mẹ thoải mái thì bệnh cũng không đến nỗi nặng lắm. Mỗi lần có chuyện gì lo lắng hoặc công việc quá vất vả, máu lại ra, ăn hồ đào và đường phèn, máu không ra nữa.
Thu bào buồng, ngồi trước làn hồ đào, đưa tay lên sờ từng hạt, phải đến hơn hai chục cân, nếu theo đơn của bác sĩ, phải mười đơn thuốc mới mua được từng này, hơn nữa còn phải tiền. Có thể hồ đào này còn mới, tươi hơn hồ đào mua ở phố, mua ở phố có khi bóc ra mới biết có hạt lép, nhân bên trong như mảnh giấy đen. Hồ đào này hạt nào cũng tươi, cầm lên tay thật chắc, nhất định bên trong không bị khô lép.
Thu muốn mang ngay làn hồ đào về cho mẹ, nhưng Thu nghĩ phải có thêm đường phèn, không có đơn của thầy thuốc không mua được đường phèn, đi tiểu ra máu phải đến một mức độ nào đó thầy thuốc mới cho đơn mua đường phèn, có đơn rồi cũng chưa chắc mua được.
Thu nghĩ, làn hồ đào này đủ cho mẹ dùng một thời gian, em gái chắc chắn vui lắm, vì nó rất thích bóc vỏ. Nó bóc hạt hồ đào rất giỏi, nó dựng hạt lên, dùng 乃úa gõ nhẹ, cái vỏ vỡ thành bốn mảnh, nhân bên trong rất nguyên vẹn. Có lúc nó cũng làm vỏ bị nát, lúc ấy nó dùng một cái kim khều nhân ra, nó lại tán vụn đường phèn đưa cho mẹ ăn. Nhưng mẹ không ăn, nhường cho hai chị em, mẹ bảo sức khỏe không có vấn đề gì, hai chị em còn bé, phải ăn cho lớn. Hai chị em lại bảo hồ đào chát, không thích ăn.
Thu ngồi trước làn hồ đào suy nghĩ một lúc, cảm thấy Lâm rất tốt với mình. Thu đã nghe kể trong xã hội cũ có người con gái phải bán mình để cứu mẹ, Thu rất hiểu. Thời ấy, một người con gái chỉ có thể bán mình, còn có cách nào để cứu mẹ? Thật ra, trong xã hội mới, một cô gái như Thu ngoài bán thân ra, còn có thể lấy gì để cứu mẹ? Mỗi lần thấy mẹ ốm đau, Thu lại nghĩ bụng: nếu có ai chữa khỏi bệnh cho mẹ, mình sẽ đồng ý bán mình cho người ấy. Nhưng lúc này làn hồ đào ở ngay trước mắt, bất giác Thu nghĩ, nếu làn hồ đào này có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ, liệu mình có thể lấy Lâm không? Bây giờ xã hội mới, không thể mua bán người, cho nên không thế nói “bán” mình cho Lâm, chỉ có thể lấy anh ta.
Thu nghĩ, lấy bản thân để đền đáp công ơn Lâm, nhưng lại không thể không nghĩ đến Ba. Từ trong lòng, Thu rất muốn làn hồ đào là của Ba mang đến, như vậy mọi chuyện đều dễ giải quyết, Thu sẽ vui vẻ “bán” mình cho Ba.
Thu tự phê phán, Lâm có điểm nào không bằng Ba? Chẳng qua chỉ lùn, nhưng người không “tiểu tư sản” như Ba. Chúng ta xem xét một con người, chẳng phải cần chú trọng đến tâm hồn người đó hay sao? Tại sao chỉ nhìn ngoại hình? Nhưng Thu lại tự phản bác, tại sao mi nói tâm hồn Ba không được như Lâm? Anh ấy cũng rất quan tâm đến mi đấy chứ? Với lại, anh ấy sửa chữa 乃út máy, đồng hồ cho người khác, còn bỏ tiền túi ra mua linh kiện không lấy của ai một xu, đấy chẳng phải là biểu hiện của tâm hồn cao đẹp hay sao? Nghe nói, anh còn là đội viên gương mẫu của đội thăm dò, vì anh tự nguyện yêu cầu được đi dã ngoại, chính anh được phân công về làm việc ở tổng đội trên tỉnh. Anh bỏ nơi công tác dễ chịu ở thành phố, đến một vùng núi để làm việc, chẳng phải là con người có tâm hồn cao đẹp hay sao?
Sau một hồi suy nghĩ vẩn vơ, Thu cười chế nhạo bản thân, hai người này chưa ai nói chuyện làm bạn với mi, còn mi thì vội vã gì cơ chứ? Có thể người ta giống Lôi Phong giúp mi, kết quả mi đã biến lòng tốt của người khác thành cái gì, đúng là lòng tốt không được đền đáp, bùn tốt không đắp được lò tốt.
Thu quyết định trước hết khâu cho Lâm một đôi giày, để bà Trương không mắng anh, mà cũng để anh không phải đi chân đất vào lúc trời lạnh thế này. Thu biết, trong cái làn may vá của bà Trương có sẵn đế giày, có nhiều mũi giày nhưng chưa được khâu vào đế, coi như giày bán thành phẩm. Thu chỉ cần mấy buổi tối là có thể khâu thành đôi giày.
Thu nói với bà Trương sẽ khâu giày cho Lâm, bà Trương cười híp cả mắt, lập tức tìm đế giàyi giày đưa cho Thu, lại lấy kim chỉ, khuôn giày, sau đấy bà đứng bên cạnh nhìn thu khâu giày bằng đôi mắt trìu mến.
Ba Trương khen Thu:
- Thật không ngờ, con ở thành phố mà cũng biết khâu giày, con chần đế khéo hơn cả mẹ, chần vừa dày vừa chắc. Mẹ con dạy học nhưng biết dạy cả con khéo tay hay làm.
Thu xấu hổ, nói với bà Trương, cô biết khâu giày là vì nhà nghèo, không có tiền mua giày, mẹ Thu tự khâu giày để đi. Mua một thước vải đen có thể làm hai đôi rưỡi giày, có thể làm đế, mũi giày, đế giày tự chần lấy, khó nhất là khi đóng giày, tức là khâu mũi giày vào đế, nhưng Thu cũng đã học được. Thu đi giày tự khâu, chỉ những hôm trời mưa, phải đi xa, hoặc đi tập quân sự Thu mới đi đôi giày bộ đội đã cũ. Chân Thu rất được việc, chân chỉ lớn đến số ba mươi lăm rồi không lớn nữa, hình như nó sợ Thu không đi vừa đôi giày bộ đội cũ. Bà Trương nói:
- Cái Phần, cái Phương của mẹ không biết khâu giày, không biết chúng nó về nhà chồng rồi sẽ thế nào.
Thu động viên:
- Bây giờ chẳng mấy ai đi giày tự khâu lấy, hai chị về nhà chồng mua giày đi là được rồi.
- Đi giày mua đâu có dễ chịu như giày tự làm? Mẹ không đi quen, đi vào chân ra mồ hôi, cởi ra thối lắm.
Bà Trương nhìn chân Thu, kêu lên:
- Đôi chân nhỏ quá, đây là chân con nhà giàu trước kia, con gái nhà nông làm gì có đôi chân xắn thế này.
Nghe bà Trương nói, Thu cảm thấy xấu hổ vô cùng, đôi chân của mình rõ ràng di truyền của bố là “địa chủ”, chân bố cũng nhỏ, chân mẹ Thu không nhỏ, có thể thấy gia đình bên mẹ là nhân dân lao động, bên gia đình bố sống dựa vào bóc lột, không phải xuống ruộng, chân trở nên nhỏ nhắn. Thu nói rất chân thật:
- Có thể đấy là bố con di truyền, bố con là… địa chủ, tử tưởng con đã phân rõ ranh giới bới bố rồi, nhưng cái chân…
Bà Trương nói:
- Địa chủ là gì? Người ta tốt số, biết làm ăn mới có nhiều ruộng. Chúng tôi ở đây không có ruộng, đi cấy rẽ, nộp tô cho người ta, chuyện đó ở đâu chả có. Mẹ không thích những người đỏ mắt nhìn nhà địa chủ giàu có, thế rồi kiếm cớ đâu tố người ta.
Thu cảm thấy lỗ tai mình có vấn đề, bà Trương là một phụ nữ nông dân nghèo từ đời tổ đời tiên, lại biết nói những lời phản động như thế? Thu nghĩ, có thể bà Trương cố tình nói vậy để thử lòng Thu, nhất định mình sẽ chịu được thử thách, Thu không dám tiếp chuyện, chỉ cúi xuống khâu giày.
Thức hai đêm, Thu khâu xong đôi giày cho Lâm, lúc anh ta đi làm về, Thu bảo anh thử. Lâm lấy chậu nước rửa sạch chân, rất cung kính đi vào đôi giày, bảo thằng Hoan lấy mấy tờ báo để lót xuống đất rồi anh mới cẩn thận bước lên đấy vài bước.
- Có chật không? Có nhỏ quá không? Có bó chân không? – Thu lo lắng hỏi.
Lâm chỉ lặng lẽ cười>
- Thoải mái hơn giày mẹ khâu.
Bà Trương cười, vờ bực tức:
- Người ta bảo có vợ quên mẹ, mày vẫn còn đấy mà đã…
Thu vội vã thanh minh:
- Đôi giày này là để cảm ơn anh Lâm đã lấy hồ đào cho mẹ con, không có ý gì đâu.
Hai hôm sau, Ba mang về cho Thu một gói to đường phèn, nói:
- Thu mang về cho mẹ chữa bệnh.
Tĩnh Thu sững sờ:
- Tại sao anh biết mẹ em cần đường phèn?
- Thu không nói với anh, Hay Thu không cho người khác nói với anh? Anh như trách móc. – Tại sao Thu có thể nói với người khác mà không nói với anh?
- Nói với ai?
- Còn ai nữa? Tất nhiên là bà Trương, là chị Mẫn, là anh Lâm. Biết vậy, ngay từ đầu anh đã không nói với em anh không phải là người nhà của người ta.>
Thu ngớ ra, không biết anh bực thật hay là đang đùa.
Thấy Thu đã đuối lí, anh cười:
- Không phải trách em, đùa vậy thôi. Lâm bảo với anh, cậu ta chỉ kiếm được hồ đào, không thể tìm được đường phèn, không có đường phèn thì thứ thuốc này cũng không có tác dụng.
- Một gói to đường phèn thế này mất bao nhiêu tiền.
- Một làn đầy hồ đào thế kia mất bao nhiêu tiền?
- Hồ đào hái ở cây.
- Đường phèn cũng ở trên cây.
Thấy anh đôi co với mình, Thu bật cười:
- Anh bịa, đường phèn mà mọc trên cây à?
Thấy Thu cười, anh cũng phấn khởi:
- Chờ em kiếm được tiền sẽ trả anh, anh ghi nợ, được không nào?
Thu nghĩ, thế này thì nguy to, nếu Lâm và anh liên hiệp lại chữa khỏi bệnh cho mẹ, lẽ nào mình lấy cả hai? Thu tự cười mình về ý nghĩ ấy. Có ai bắt mi phải hứa? Thành phần xuất thân của mi, người ta có cần mi phải đền đáp còn là một dấu hỏi lớn.