Thấm thoắt cũng 3 năm trôi qua, kể từ ngày mẹ mất, bố ngồi tù, dù các anh chị đã khuyên bảo nhiều lần nhưng Hạnh vẫn không thể nào tha thứ được cho bố mình, với Hạnh, cả đời này cô hứa sẽ không bao giờ nhìn mặt ông ấy thêm lần nữa. Bởi vậy, thỉnh thoảng gia đình có tổ chức anh em họp bàn để đi thăm bố nhưng Hạnh kiên quyết từ chối và không tham gia. Mỗi lần nhắc đến là Hạnh lảng tránh, trong kí ức của Hạnh, bố là một ký ức vô cùng tồi tệ và xấu xa, cô ước có thể gạt bỏ những vết nhơ ấy đi nhưng không tài nào xóa bỏ được.
Ngần ấy thời gian ở chung với anh cả, chị dâu, Hạnh đã quen hẳn, không những thế bây giờ cô cũng trở thành người lao động chính giống như anh chị, làm việc nhà, đồng áng và chăm các cháu không thua gì chị dâu. Chỉ có điều... trước đây khi mới đến, mỗi lần thấy chị dâu quát chồng, mắng con Hạnh còn thông cảm được vì ít nhiều đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cuộc sống nên chị dâu mới cáu gắt như vậy. Nhưng không đúng, đó chính là bản tính của chị dâu, hễ không vừa ý điều gì, không vui vẻ gì chị ấy đều quăng chày ném chó, chửi bới chồng con rất thậm tệ, dùng những từ ngữ thô tục để lăng mạ anh cả và các con. Nhiều lần thấy chối tai và thương các cháu quá vì bọn chúng hãy còn nhỏ, nghịch ngợm là điều không tránh khỏi, Hạnh đứng ra nói mấy lời bênh vực:
Chị à, trẻ con nó hiếu động, có nghịch đất cát một tí chứ không có gì đáng phải chịu đòn...chị đi làm về mệt thì nghỉ ngơi, cháu cứ để em rửa ráy thay tháo quần áo cho....
Không ngần ngại chị dâu bèn trút giận lên Hạnh:
Cô thì biết cái gì? Cái gì mà hiếu động với hiếu tĩnh? Nó thì cũng đến giống thằng bố nó là hết cửa chứ làm được cái gì cho cuộc đời đâu?
Cô cứ làm tốt việc cô đi, lợn từ sáng đến giờ mới ăn tí rau thôi, cám bã còn chưa đến đâu, ở đấy mà hầu hạ chúng nó thì hết ngày, lấy gì mà đổ vào mồm...
Mặt chị dâu sưng sỉa lên, chị ấy ngồi trước cái quạt điện thổi tốc hết cả tóc ra sau và lớn giọng quát. Nói nhẹ chả được, cái nhà này ai cũng nhịn thành ra chị ấy được đà lấn tới, nghĩ không ai dám làm gì mình nên chị ta càng hung hăng, ăn nói ngỗ ngược với chồng, và có phần coi thường anh cả, không coi anh ấy ra gì hết. Thấy Hạnh bỏ đi xuống bếp rồi, chị ta làu bàu khe khẽ nhưng Hạnh vẫn nghe rõ từng câu:
Chồng với con? Ngu hết chỗ nói
ỐC còn không mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu... đã nghèo còn sĩ, đéo nuôi nấng được vợ con tử tế lại còn rước thêm của nợ về... đúng là ngu hơn con chó!
Hạnh lắc đầu, cô không ngờ chị dâu ngày càng quá quắt như vậy, nghĩ thương anh trai, Hạnh lại nghĩ đến thân mình, vì mình nên đã làm cho anh chị có thêm gánh nặng... Hay là,... Trong đầu Hạnh xuất hiện ý nghĩ... Hay là cô về nhà, không ở đây nữa cho anh chị được thoải mái? Cứ như này, không những anh chị không vui mà Hạnh thực sự cũng thấy không dễ chịu gì. Dù là ở nhà anh chị nhưng chưa bao giờ Hạnh có được phút giây nào rảnh rỗi cả, làm luôn chân luôn tay... Trước đây còn nhỏ tuổi thì còn sợ ở một mình, giờ đây cô đã trưởng thành, tốt nghiệp cấp 3 rồi, không còn bé bỏng gì nữa... hoàn toàn có thể sống được một mình và tự lập được.
Một hôm tranh thủ chị dâu vắng nhà, anh cả đi làm về sớm, Hạnh đem chuyện mình toan tính trong đầu ra nói với anh trai:
Anh à... em đang tính khi nào giỗ mẹ em về nhà ở hẳn, anh xem có được không?
Anh cả nghe vậy thì ngạc nhiên, anh không trả lời ngay mà suy tư một lúc rồi nói:
Em bất mãn với chị dâu à?
Sao anh lại hỏi thế?
Em thấy mình bây giờ cũng đủ trưởng thành, có thể tự lập được rồi anh ạ... hơn nữa, cứ ở nhà anh chị mãi em thấy cũng hơi ngại...
Ngại cái gì mà ngại? Nhà anh chứ có phải người ngoài đâu mà ngại?
Chị dâu em lại nói cái gì đúng không?
Không anh ạ. Chị không nói gì cả, anh đừng nghĩ nhiều... em biết trước đây là do anh chị thương em còn nhỏ nên đón em về ở cùng, sợ em nghĩ quẩn..
Em bây giờ đã nghĩ thông rồi, không còn là cô bé như ngày nào nữa, em có thể tự lo được cho bản thân... huống chi, ở nhà cũng có các bác các chú nữa, có việc gì em sẽ nhờ mọi người giúp đỡ...
Không phải giải thích dài dòng, nói anh nghe thì anh biết vậy đã, anh chưa đồng ý đâu, em nghĩ sống một mình đơn giản lắm à... chuyện này đến đây thôi nhé!
Anh...
truyen full
Anh không đồng ý!
Em không biết đâu. Em lớn rồi, em có quyền tự quyết định bản thân sẽ đi đâu, ở đâu và làm gì..
Hạnh cương quyết. Anh cả cũng thấy vậy, con bé này hôm nay lạ thế nhỉ?
Thế em không tính thi đại học à? Mới học xong lớp 12, năm nào thành tích học cũng tốt như vậy bỏ dở không thấy tiếc sao?
Em có chứ!
Có mà về nhà ở một mình thì lấy tiền đâu mà ăn học?
Em tự làm thêm kiếm tiền em học.
Em lo học đi, làm lụng cái gì được... cứ ở đây với anh chị, đăng ký thi thố ôn luyện đàng hoàng, anh nuôi!
Em không cần đâu... anh chị nuôi các cháu đã không dễ dàng rồi. Em ăn học tốn kém... sợ anh sẽ vất vả...
Mày lại coi anh như người ngoài đấy à? Đừng có nói nhiều nữa, chuyện này chấm dứt ở đây, đừng để chị dâu mày nghe thấy. Tính nó nóng nảy, lại nghĩ anh chị đối xử bạc bẽo để em bỏ về, nó lại cấu xé anh... mệt lắm...
Vâng....
Hạnh nghe lời anh, cô biết chị dâu tính tình thế nào, nghe anh cả nói vậy tức là anh cũng hiểu được tính cách của vợ mình, có thể là anh nhịn để cho gia đình êm ấm? Nhưng Hạnh thấy, anh làm như vậy càng làm cho chị ấy quá quắt hơn mà thôi... Hạnh quyết rồi, dù anh chị không đồng ý thì đông tới, giỗ mẹ cô sẽ về nhà ở hẳn. Nói dối là đăng ký thi đại học chứ Hạnh xác định luôn là cô không thi cử gì nữa.
Đại học với cô mà nói sao mà xa vời quá, cuộc sống ăn no ngày ba bữa đã chật vật lắm rồi... huống chi... càng nghĩ Hạnh càng không dám ước tính số tiền hàng tháng ăn học phải chi tiêu. Hạnh không muốn trở thành gánh nặng của các anh chị mình, dẫu sao họ cũng đã có cuộc sống riêng, ai cũng phải lo gánh nặng của bản thân mình,... Hạnh không muốn vì cô mà gia đình của các anh chị trở nên xung đột.
Kể từ lần tâm sự với anh trai chuyện Hạnh muốn về nhà ở hẳn, không biết anh chị có trao đổi gì với nhau không nhưng Hạnh thấy thái độ của chị dâu rất khác. Hơn nữa, dạo gần đây anh cả đi làm nhiều hơn, thỉnh thoảng theo công trình đi làm xa nhà, chỉ còn chị dâu, Hạnh và 3 đứa cháu nhỏ. Chị dâu biết thế nên bày tỏ thái độ ghét Hạnh ra mặt, lúc nào cũng sưng sỉa và nạt nộ mấy đứa con, nghĩ thôi Hạnh cũng thấy đau lòng.
Anh cả đi làm xa, nghe đâu theo đội thợ xây lên tỉnh làm, xây công trình lớn nên tiền công cũng kha khá, mỗi bận anh về là chị ấy là tươi hơn hớn, gọi anh ngọt lịm... và khi có mặt chồng, chị cũng nhẹ nhàng với Hạnh hơn, chị chị em em nghe mà thấy giả tạo kinh khủng. Biết phận mình nên cô cứ tỏ ra như không có chuyện gì, tránh làm anh khó xử.
Dần già, chị dâu học ở đâu thói đua đòi ăn diện. Con nhỏ quần áo rách vá chằng chịt, thế mà chị cứ dăm ba bữa lại may quần áo mới, toàn những loại vải hoa mát lịm và kiểu cách. Không những vậy còn tô son đánh phấn... Những thứ này thì không có gì xấu, nhưng xét về hoàn cảnh, quanh năm chân lấm tay bùn, chồng con lam lũ xách từng xô vữa xô hồ dưới trời nắng gắt như đổ lửa, chị dâu lại dùng số tiền đó để ăn diện thái quá...
Và cũng từ ngày ăn diện hơn thì ít khi thấy chị dâu làm việc đồng áng, dần dần là bỏ hẳn, mọi việc đều vào tay Hạnh từ chăn thả bò, nấu cám lợn, cơm nước tắm giặt cho các cháu,... Và tiếp đo là những đêm chị dâu bỏ đi thâu đêm không về nhà, anh cả không biết chuyện này, bởi anh vắng nhà làm sao hiểu được. Thỉnh thoảng anh có về nhưng chỉ về mấy bữa là lại đi luôn, những ngày anh cả ở nhà chị dâu không đi đêm, cũng không tô son đánh phấn nên anh không nghi ngờ gì cả.
Hạnh nghĩ tới nghĩ lui xem có nên nói chuyện này cho anh cả biết không, nhưng rốt cục Hạnh lại không nói ra. Vì cô cảm thấy anh cả là người hiểu chuyện, biết phép tắc và lễ nghĩa, yêu vợ và thương con hết mực... nhưng đồng thời vì quá yêu vợ nên anh trở thành người sợ vợ. Không phải ngẫu nhiên mà Hạnh kết luận điều này, ở chung với anh chị 3 năm trời rồi chứ không ít, tính cách chị dâu ra sao, chị ấy đối xử với chồng con thế nào Hạnh không lạ gì nữa...
Có thể là trước đây mẹ còn sống, bố chưa đi tù, thỉnh thoảng anh chị cho cháu về chơi, nhưng khi ấy đối mặt với bậc cha chú nên chị dâu lịch sự... bây giờ, không còn kiêng nể ai nên chị ấy mới bộc lộ hết tính xấu của mình. Hạnh giữ kín những điều mình biết, những suy đoán của bản thân ở trong lòng không nói cho ai biết, muốn nhịn đi để cuộc sống của anh chị yên ấm hơn, mỗi lần anh về thăm nhà chị dâu đều không đi đêm, không tô điểm son phấn... tức là chị vẫn còn sợ anh? Hạnh hy vọng chị dâu còn tình còn nghĩa mà sớm ngày thay đổi tính nết.
Một ngày nọ trời mưa rất to, những ngày trời mưa thì không thể chăn thả trâu bò được bởi vậy phải nhốt chúng ở nhà và cắt cỏ cho ăn. Hôm ấy mưa to nhưng chị dâu đã đi khỏi nhà từ sáng sớm, bọn trẻ ba đứa bảo nhau chơi đùa trong nhà. Dọn dẹp xong xuôi, Hạnh mặc cái áo mưa, đi đôi ủng và cầm theo cái liềm đi vào trong núi cắt cỏ cho bò. Trước khi ra khỏi nhà cô dặn bọn trẻ:
Mấy đứa ở trong nhà chơi ngoan, không được để em ra ngoài trời mưa nhé. Ướt quần áo bẩn về mẹ đánh đấy, cô không bênh được đâu...
Vâng!
Cô đi đâu vậy cô Hạnh? Trời đang mưa mà? Cô Hạnh ở nhà kể chuyện cho bọn cháu nghe đi...
Cô đi vào núi cắt cỏ cho bò, hôm nay mưa quá không thả được, nhốt ở nhà nó đói nó cứ đứng không yên. Nhớ nghe lời nhé.
Dạ!!!
Cả ba đứa đáp đồng thanh.
Hạnh khóa cổng rồi bỏ đi, nước mưa xuống đường kêu lộp độp, nhà anh cả ở gần núi. Xung quanh là những dãy núi trùng trùng điệp điệp, dưới chân núi là một ngôi chùa tọa lạc từ thời xa xưa. Nhìn qua khung cảnh núi non hữu tình lại được điểm tô một chút màu sắc của tâm linh nên nơi đây hay có du khách đến thăm quan. Dù chưa được định hình thành khu du lịch nhưng cảnh đẹp quả thực không chê vào đâu được.
Ngày nắng đã đẹp, ngày mưa thế này càng làm cho quang cảnh nơi đây đẹp huyền bí, nhìn giống như mấy cảnh trong phim Trung Quốc thời xưa. Ở trong núi có rất nhiều cây cối, cỏ và hoa dại. Những loại cỏ ở đây mọc cao và rất dài, chỉ cần cắt mấy liềm là đủ một gánh đem về cho bò ăn no cả ngày. Những dãy núi mọc san sát nhau, quây thành vòng tròn, ở giữa là một dòng sông nước trong vắt. Có nhà ở chân núi thả một đàn dê, chúng leo lên những vách đá kiếm ăn và xuống sông uống nước.
Vì cảnh đẹp quá nên Hạnh cắt cỏ xong vẫn chưa muốn về, cô lán lại chút để thư giãn tâm hồn. Nhưng trời mưa to quá, đứng mãi ở dưới trời mưa ngắm cảnh thì mất đi sự lãng mạn vốn có này. A! Kia rồi, ở phía trước có một căn chòi lá có lẽ là của bác tiều chăn dê, thỉnh thoảng lên núi lùa dê nên bác đặc biệt làm căn chòi này để trú mưa trú nắng. Hạnh để gánh cỏ vào một bên ngay ngắn rồi tiến đến gần căn chòi.
Âm thanh mưa hòa cùng tiếng gió thổi những tán lá cây xôn xao, khi chỉ còn độ 10 bước chân nữa là đến căn chòi, Hạnh nghe có tiếng người nói chuyện. Lạ nhỉ? Chốn núi non sông hồ mưa gió thế này mà ai lại vào đây nhỉ? Hôm nay bác tiều phu cũng không thả dê lên núi? Đúng thật là dở hơi, lọ mọ vào đây thế này... Nếu không phải vì cắt cỏ cho bò, Hạnh cũng không rảnh mà vào, đường đi lấm bẩn mà còn sợ trượt nữa. Hạnh toan quay đầu lại đi về thì dường như nghe tiếng ai đó rất quen:
Anhhhh... đừng làm thế... em đau lắm!!
Tim Hạnh giật thót, cái giọng này không ai khác chính là của chị dâu!! Trời ơi, sao có thể chứ? Ngày thường chị ấy chua ngoa, giọng lanh lảnh.. hôm nay lại nói ngọt như mía lùi, điệu chảy nước ra. Nhưng mà, chị ấy ở đây với ai? Anh nào chứ?... Anh cả còn đang đi làm xa cơ mà??