Người Cha Mê Tiệc TùngGiang Lan, nữ, mười bốn tuổi, học sinh cấp hai
Tôi từng có một gia đình hạnh phúc. Mẹ tôi là giáo viên mầm non, còn bố tôi là một cán bộ trong văn phòng tỉnh ủy. Khi tôi còn rất nhỏ, tôi thường nghe mọi người khen bố mẹ tôi là cặp “trai tài gái sắc”. Lúc đó, bố tôi chưa được điều đến công tác ở tỉnh ủy, vẫn chỉ là thư kí của một xưởng sản xuất phân bón. Cứ mỗi kì nghỉ lễ tết, bố mẹ tôi lại dẫn tôi đi chơi khắp nơi. Lúc đó, bố thường chụp rất nhiều ảnh cho hai mẹ con tôi, trông tôi trong những tấm ảnh đó thật dễ thương biết bao, còn nụ cười của mẹ sao mà đẹp và mãn nguyện đến thế.
Thế nhưng, kể từ khi tôi lên lớp năm, sau khi bố tôi được điều về công tác ở tỉnh ủy, đường tôi đã dần dần thay đổi. Thường ngày chỉ có hai mẹ con ăn cơm với nhau, chẳng bao giờ thấy bóng dáng của bố bên bàn ăn cả. Mẹ nói đơn vị bố tổ chức tiệc chiêu đãi khách, có lúc mẹ nói bố bị người ta mời đi ăn cơm rồi. Tôi rất tức giận, không biết bố quen biết những người khách như thế nào, tại sao họ lại cứ thích tiệc tùng ở bên ngoài như vậy, lại còn tìm mọi cách lôi kéo bố tôi đi nữa chứ! Chẳng lẽ họ không có gia đình, không có con cái hay sao? Tối khuya, lúc tôi chuẩn bị đi ngủ mà vẫn chưa thấy bố về. Mặc dù rất nhớ bố, nhưng tôi cũng chỉ có thể vội vàng chào bố vào buổi sáng sớm trước khi bố đi làm chứ không kịp nói thêm lời nào.
Sau khi được thăng chức phó chủ tịch huyện, công việc của bố càng bận rộn hơn trước. “Khách” đến nhà tôi cũng ngày càng nhiều hơn. Những người đó đều đến tìm bố để bàn bạc công chuyện, còn có rất nhiều người mang quà cáp đến nữa, nào là nước giải khát, bánh kẹo, đặc sản.. Cho dù bố không có nhà, họ cũng mặc kệ, cứ bỏ quà cáp lại rồi đi. Mẹ tôi một mực từ chối không nhận quà của họ mà không được. Thực ra, tôi và mẹ đều rất ghét những người khách kì lạ đến vào buổi tối, họ gây rất nhiều phiền hà cho cuộc sống bình yên của gia đình tôi. Đáng sợ hơn là những vị khách không chịu vào nhà. Họ thường gọi vào máy cá nhân của bố tôi lúc gia đình tôi đang ăn cơm, nói mời bố đi ăn. Kết quả là bố tôi ngay lập tức rời khỏi bàn ăn và vội vã ra khỏi nhà. Tôi thực sự rất căm ghét những con người xa lạ đó.
Mẹ tôi rất hiền lành nhưng đến bây giờ cũng bắt đầu có ý kiến với bố. Mẹ trách bố không có trách nhiệm với gia đình, hằng ngày hết giờ làm không chịu về nhà, còn mải mê đi tiệc tùng nọ kia. Bố nói đàn ông phải xông pha ở bên ngoài, nếu không làm như vậy thì không phải là một người đàn ông đích thực. Bố còn nói rất hùng hồn rằng, bố làm việc ở bên ngoài rất vất vả, còn trách mẹ không chịu hiểu bố, bố cũng là vì cái nhà này, vì tôi và mẹ nên mới làm như vậy. Mẹ tôi hoàn toàn không tin lời bố nói. Hai người cãi nhau rất to, còn đòi ly hôn nữa.
Khi tôi còn nhỏ, bố rất yêu thương và quan tâm đến tôi. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy trong mắt bố hai mẹ con tôi đã không còn quan trọng nữa rồi. Bố rất ít khi hỏi han chuyện học tập của tôi. Bây giờ tâm lí và sức khỏe của mẹ tôi đều không tốt, mẹ thường xuyên đau đầu; thế nhưng bố cũng không chịu ở nhà chăm sóc mẹ, chỉ biết bảo tôi hãy chăm sóc mẹ còn mình thì vẫn ra ngoài như thường lệ, đến tận nửa đêm canh ba mới về nhà. Mẹ tôi tức giận đến nỗi gọi điện cho hết cô bạn này đến cô bạn kia để trút những nỗi ấm ức trong lòng, vừa kể vừa khóc. Những chuyện này tôi đều biết và để trong lòng. Tôi thấy mẹ tôi nói không sai, bố tôi quả thực không phải là một người đàn ông có trách nhiệm.
Dần dần, ấn tượng của tôi về bố ngày một xấu đi. Bố tôi đã thay đổi rồi. Càng ngày bố càng trở nên cục cằn, hay nói tục, thậm chí còn tỏ ra rất đắc chí trước mặt hai mẹ con tôi, cứ như đang cố ý chọc tức mẹ tôi vậy. Có lần bố tôi còn dám nói với mẹ rằng: “Gái bao cũng như các dịch vụ thư giãn, mát xa, bowling, đều là biểu hiện của thời đại mới, cuộc sống mới!”. Những lời nói này khiến ngay cả tôi cũng cảm thấy không thể chịu nổi. Tôi thật không ngờ một con người có thể thay đổi nhiều đến như vậy! Bố đứng đắn của tôi ngày xưa đã đâu mất rồi?
Bụng của bố ngày một to ra. Bố cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, còn mẹ thì nói bố đang ngày một sa đọa. Tôi cũng đồng ý với cách nghĩ của mẹ. Bố ngày nào cũng uống đến say khướt mới về nhà, rồi nôn ọe khắp nơi, khiến tôi cảm thấy vừa đáng thương vừa sợ hãi. Kể từ lúc tôi cảm nhận được sự thay đổi của bố, tình cảm của tôi dành cho bố cũng phai nhạt dần. Rất hiếm khi tôi thấy mặt bố ở nhà, vậy mà tôi cũng chẳng có chuyện gì để mà nói với bố. Bố nói rằng mẹ tôi đã tìm cách chia rẽ hai bố con. Thực ra, sao bố không nghĩ, tôi đã mười bốn tuổi đầu rồi, nếu người khác muốn tìm cách chia rẽ liệu có được không? Bố không biết rằng, trong khi bố cho rằng bản thân mình rất oai phong, rất vẻ vang thì bố lại bị vợ và con cái coi thường.
Hai năm trời, tôi nghe bố mẹ cãi nhau đến chán cả tai, cũng chẳng ít lần nhìn thấy bố mẹ đánh nhau. Mẹ tôi già đi trông thấy, tính tình cũng trở nên nóng nảy hơn. Mẹ thường xuyên nổi nóng, bố về nhà, mẹ cũng nổi cáu, không về mẹ cũng bực mình, tôi làm sai chuyện gì dù là nhỏ nhặt, mẹ cũng mắng tôi xối xả. Tôi cảm thấy vồ cùng mệt mỏi và chán ghét cái gia đình này, nhưng dù gì thì tôi vẫn luôn đứng về phía mẹ. Tôi biết, nếu như bố không vô trách nhiệm như vậy (bố tôi luôn phủ nhận điều này) thì mẹ tôi cũng sẽ không trở nên như vậy.
Do bố là người có quyền thế nên các thầy cô giáo trong trường đều rất thiên vị tôi. Đây không phải là điều mà tôi mong muốn. Tôi chỉ hy vọng gia đình tôi sẽ trở lại như xưa, bố mẹ tôi có thể yêu thương nhau như trước kia. Thậm chí tôi còn nghĩ xa hơn: sau này lớn lên nhất định không chọn chồng là người xuất thân từ nông thôn. Mẹ tôi thường xuyên mắng bố là “nông dân”, là “trí thức tiểu nông”. Thậm chí tôi còn nghĩ, sau này mình nhất định sẽ không kết hôn, nếu không cũng sẽ lấy chồng nước ngoài. Tôi không còn tin tưởng vào con trai Trung Quốc.
Chat room
Tôi thấy, gia đình của Giang Lan đang đứng trước khó khăn. Thực ra, khó khăn này cũng chính là một hiện tượng xã hội phổ biến hiện nay. Đó là những hiện tượng đáng lên án, bởi vì đó là những hủ bại trong chốn quan trường có liên quan mệt thiết đến sự suy đồi về mặt đạo đức của con người. Đáng tiếc là rất nhiều người không cho rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như bố Giang Lan, thậm chí bố cô bé còn không nhận ra bản thân mình đang đi vào con đường nguy hiểm.
Tôi nghĩ, bố mẹ Giang Lan bây giờ không thể hòa thuận cũng không thể hiểu nhau được nữa. Vậy nên chỉ có Giang Lan mới có thể làm chiếc cầu nối cho bố mẹ mình mà thôi. Cho dù là xét từ góc độ gia đình hay sự nghiệp, đều cần có một người rung hồi chuông giúp ông tỉnh ngộ. Đôi khi, sự nhắc nhở từ phía con gái lại chính là liều thuốc tốt dành cho bố. Giang Lan thử tìm cơ hội để ngồi lại tâm sự với bố về những suy nghĩ của mình hiện nay.
Một gia đình hạnh phúc không thể thiếu vắng bóng dáng của người cha. Họ nên là trụ cột vững chắc của gia đình, là tấm gương đạo đức trong lòng con cái. Một đứa con muốn phát triển lành mạnh không thể thiếu bóng dáng của một người bố tốt. Nhất là đối với con gái, bố là người khác phái đầu tiên thấu hiểu suy nghĩ và tình cảm của con, thậm chí có ảnh hưởng đến tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của con gái sau này.
GẠ TÌNH LẤY VIỆC LÀM
NN, nữ, mười tám tuổi, sinh viên trường dạy nghề
Bốn năm trước, bố mẹ tôi đầu tiên là ly thân; rồi hai người lần lượt kí vào tờ đơn ly hôn. Mẹ tôi, một người phụ nữ không nơi nương tựa, đã đặt lên vai mình gánh nặng cuộc sống của cả hai mẹ con. Mẹ cắn chặt răng, âm thầm làm việc nhà, sửa chữa đồ điện, thay bóng đèn hỏng trong nhà. Thu thập ít ỏi của mẹ không đủ để chi trả chi số tiền học phí đắt đỏ của tôi, vì thế mà mẹ phải đi làm thuê khắp nơi. Mẹ bươn chải ở bên ngoài, chấp nhận làm tất cả mọi việc, chỉ để chi trả số tiền học phí lên đến vài chục ngàn nhân dân tệ của tôi. Mẹ yêu tôi vô cùng, với mẹ tôi là tất cả!
Một buổi sáng thứ Năm, tôi gọi điện thoại từ trường về cho mẹ, nói không may đã làm gãy mất gọng kính rồi và bảo mẹ nhanh chóng mua cho tôi một chiếc kính mới. Mẹ không nói thêm câu gì, liền cúp máy xuống và đến gặp tôi. Hai mẹ con hẹn gặp nhau tại bến xe buýt. Tôi đợi khoảng nửa tiếng mới thấy mẹ đến. Mẹ xuống xe; nhìn thấy tôi, mẹ liền chạy lại, tóc mẹ bay bay trong gió, tôi bỗng nhiên thấy mẹ già đi rất nhiều. Mẹ cầm chiếc kính hỏng của tôi lên xem, nói sẽ sửa được nên vội vàng bắt xe buýt vào trung tâm thành phố.
Tôi trở về lớp học mà không sao tập trung nghe giảng được. Đột nhiên, tôi thấy cô giáo gọi tên tôi. Tôi ngẩng đầu lên thì thấy mẹ tôi tay cầm chiếc kính vừa sửa xong đang tươi cười đứng bên ngoài cửa lớp. Cả lớp tôi bắt đầu xì xầm bàn tán, tôi vội vã chạy ra ngoài, kéo mẹ ra một chỗ cách xa phòng học để tránh những ánh mắt dòm ngó của các bạn. Đại khái là vì tôi sĩ diện, không muốn bạn bè nhìn thấy bộ dạng lao động vất vả của mẹ.
Mẹ không để ý đến hành động của tôi vừa rồi, liền cầm chiếc kính vừa mới sửa xong gài lên hai bên tai tôi và nở nụ cười tươi rói. Nhìn thấy nụ cười của mẹ, tự nhiên mắt tôi lại thấy cay cay. Mẹ về, tôi nhìn bóng mẹ đang khuất dần sau cánh cổng, lại không thể kìm được nước mắt...
Tôi cảm thấy rất xấu hổ; nhìn thấy mẹ làm việc vất vả, ngày một già đi mà mình lại không giúp đỡ được gì cho mẹ. Hằng ngày, tôi không thể làm việc nhà đỡ mẹ, bởi vì mỗi tháng tôi chỉ được về nhà có bốn lần. Tôi cũng không thể kiếm tiền đỡ đần mẹ được, bởi vì tôi vẫn còn đi học. Việc duy nhất mà tôi có thể làm là chăm chỉ học hành, đây cũng là điều mẹ tôi muốn thấy ở tôi. Mỗi khi tôi đạt được kết quả cao trong học tập, tôi lại được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của mẹ. Nhưng những cơ hội được nhìn thấy nụ cười này của mẹ lại rất ít. Tôi thừa nhận bản thân mình rất chăm chỉ, nhưng thành tích của tôi lại không hề xứng đáng với mồ hôi và công sức mà tôi bỏ ra. Tôi hận mình vô dụng, ngay cả an ủi mẹ bằng những việc cỏn con này mà tôi cũng không làm xong. Kể từ học kì hai năm lớp một cho đến nay, chưa bao giờ tôi được khoe với mẹ một bài kiểm tra đạt điểm tuyệt đối. Mỗi lần giơ bảng điểm cho mẹ xem, tôi lại cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Mẹ giấu nỗi thất vọng vào tận sâu trong lòng, an ủi tôi: “Không lo! Lần sau cố gắng hơn là được!”. Mỗi lần tôi học bài đến tận khuya, mẹ lại ân cần bê một bát điểm tâm đến cho tôi, nhẹ nhàng dặn dò tôi nhớ đi ngủ sớm. Sau khi đi thi hết cấp hai về, tôi khóc không thành tiếng. Mẹ khuyên tôi, khuyên mãi đến khi ngay cả mẹ cũng trào nước mắt. Hai mẹ con tôi cứ thế ôm nhau mà khóc, dường như nước mắt chính là liều thuốc an ủi tốt nhất của chúng tôi!
Năm đó, cả thành phố chỉ có hơn một phần ba học sinh cấp hai đủ điều kiện được lên cấp ba. Trong số đó không có tôi. Mẹ hỏi ý kiến của tôi, tôi nói tôi không muốn thi cử gì nữa nên sẽ không đi học lại. Tôi sợ mình sẽ lại làm lãng phí tiền bạc và công sức một năm lao động vất vả của mẹ. Mẹ hỏi tôi hay là đi học nghề. Tôi im lặng không nói. Với trình độ của tôi hiện giờ, tôi có thể làm được việc gì cơ chứ? Một đứa học sinh cấp hai, chẳng biết làm gì ngoài việc học, đi học nghề là con đường duy nhất của tôi hiện giờ. Mẹ hy vọng rằng học ngành kế toán đang nổi này sẽ giúp tôi sau này có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn. Kể từ đó, để lo liệu số tiền học phí cho tôi, mẹ lại càng vất vả...
Hết giờ học, cô giáo thông báo sang tháng chúng tôi sẽ phải đi các đơn vị thực tập. Mọi người đều tỏ ra rất vui mừng, vì dù sao việc này cũng dễ chịu hơn nhiều so với việc phải ngồi học trên lớp.
Khi tôi bói với mẹ rằng tôi sẽ đến công ty T thực tập, mắt mẹ sáng lên, mẹ nói: “Đấy là một công ty tốt đấy, con phải ngoan ngoãn, chăm chỉ và làm việc thật tốt, để lại ấn tượng tốt cho người ta, biết đâu sau này khi con tốt nghiệp, lại đúng lúc người ta đang cần người...”
Công ty T không có nhiều tiền như mọi người đồn đại, nhưng dù sao đó cũng là một công ty lớn, có thể tạo cho người ta cảm giác ổn định. Những nhân viên trong công ty không để ý nhiều đến tôi, ngoài việc bảo tôi làm các việc vặt, họ chẳng bao giờ cho tôi động vào các công việc chuyên môn. Tôi cảm thấy hơi thất vọng. Nghe các bạn nói, nhà trường đã phải nộp cho mỗi đơn vị mà chúng tôi đến thực tập một khoản “phí thực tập” không nhỏ. Mà phí thực tập này lại được trích từ phần tiền học phí của chúng tôi. Đúng lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng thì giám đốc bộ phận họ Hứa gọi tôi đến giúp việc. Tôi rất vui vẻ nhận lời, vì tôi muốn học được thêm kiến thức chuyên ngành. Giám đốc Hứa cho tôi làm công việc của một thư kí, vì thư kí của giám đốc xin nghỉ đẻ. Tôi rất vui sướng và cố gắng làm việc thật cẩn thận. Thế nhưng dù đã cố gắng hết sức tôi vẫn thường xuyên để xảy ra sai sót. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì khả năng thực tế của tôi quá kém. Giám đốc Hứa là một người rát bình dị và dễ gần. Nghe tôi kể về hoàn cảnh gia đình, giám đốc Hứa tỏ ra rất cảm động và nói: “Em cố gắng học tập, năm sau ra trường, anh sẽ cố giữ cho em một vị trí trong công ty!”. Tôi nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, tại sao mình lại may mắn gặp được một người tốt như vậy?
Mẹ tôi nghe tin này cũng hết sức vui mừng, liên tục cảm ơn trời vì trên đời này vẫn còn người tốt. Thế nhưng, thái độ ngày càng thân mật của giám đốc Hứa đối với tôi khiến cho tôi rất khó chịu. Rồi một hôm, anh ta nói thích tôi. Trong lòng tôi cảm thấy rất khó chịu; nếu như là người khác thì tôi đã sớm mắng cho một trận rồi. Nhưng tôi lại không dám làm thế với anh ta, bởi vì dù sao tôi vẫn phải nhờ cậy vào anh ta mà. Tôi đành phải ỡm ờ nói: “Nếu anh ly hôn, sau khi tốt nghiệp em sẽ theo anh!”. Thực ra trong lòng tôi biết, giám đốc Hứa có quan hệ thân mật với nhiều nhân viên nữ trong công ty T và cả ở công ty khác nữa. Tôi làm sao có thể chấp nhận một người đàn ông như vậy được? Giám đốc Hứa thấy tôi không thuận theo ý mình liền thay đổi thái độ. Sau khi đợt thực tập kết thúc, anh ta viết lên tờ báo cáo thực tập của tôi đúng hai chữ “Tạm được.” Tôi nghĩ, chuyện công việc năm sau của tôi thế là tan tành rồi. Tôi không dám nói chuyện này với mẹ, tôi không muốn mẹ lo lắng thêm.
Cứ nghĩ đến chuyện công việc năm sau, tôi lại thấy vô cùng lo lắng, tự trách mình quá vô dụng. Tôi thậm chí còn cảm thấy hơi hối hận: nếu lúc đó tôi đồng ý anh ta, đợi cho đến khi công việc của tôi được dàn xếp ổn thỏa rồi tôi sẽ rời bỏ anh ta. Vậy thì... Tôi tự trách mình vì đã có những suy nghĩ sai lầm và bỉ ổi đến thế. Nhưng nếu để mẹ có thể sống một cuộc sống tốt hơn, tại sao tôi lại không thể hi sinh bản thân mình một chút? Tôi cảm thấy mình đang thật sự rất mâu thuẫn...
Chat room
NN là một cô bé rất hiểu chuyện, nhưng cũng có phần hơi ấu trĩ. Hiện nay, cô bé vẫn còn chưa bước ra khỏi cánh cổng trường học, vẫn chưa bước vào cuộc cạnh tranh thực sự, tại sao lại tình nguyện biến mình thành một món hàng giao dịch? Hơn nữa, cô bé lại cho rằng mình có thể khống chế mọi chuyện, phải chăng là cô bé quá đỗi ngây thơ? Tôi cảm thấy may mắn thay cho NN, may mà ngày hôm đó cô bé đã không đồng ý làm như những gì cô bé đang nghĩ, nếu không, tôi e là sự tổn thương và mất mát mà cô bé phải chịu đựng quả thật khó mà tưởng tượng được, thậm chí còn gây tổn thương rất lớn cho người mẹ sớm hôm vất vả của cô bé.
Tình trạng việc làm trong xã hội ngày nay đang vô cùng khó khăn, các sinh viên trong các trường dạy nghề thường không có nhiều lợi thế khi tìm việc làm. Đây là hiện thực. Nhưng NN không được để mất đi niềm tin, bởi tuổi trẻ là một tài sản vô cùng quý báu. Khi còn trẻ, chỉ cần thật lòng mong muốn thì con người ta có thể nâng cao trình độ và khả năng của mình rất nhanh. Tôi hy vọng NN sẽ không mải mê suy xét đến vấn đề tìm kế sinh nhai vào năm sau; tồn tại là điều quan trọng, nhưng phát triển là vấn đề quan trọng hơn. Chỉ cần NN chịu khó động não, không ngừng phấn đấu vươn lên thì chắc chắn con đường phía trước sẽ rộng mở chờ đón cô bé!