Bài Vở Không Phải Là “Hổ Báo”Trương Tương, nữ, mười bốn tuổi, học sinh cấp hai.
Tôi là một nữ sinh cấp hai. Khi học cấp một, thành tích học của tôi tương đối tốt. Bố mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên tôi. Sau khi lên cấp hai, không biết tự lúc nào tôi bị học lệch; các môn như ngữ văn, ngoại ngữ tôi thường đạt chín mươi điểm trở lên; thế nhưng các môn toán học, vật lí thì chưa bao giờ vượt quá tám mươi điểm. Chính vì thế mà tổng điểm của tôi thường bị kéo xuống. Tôi cảm thấy rất buồn. Thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở tôi là không được học lệch như vậy. Cô giáo tôi nói: “Mặc dù em thi đại học khoa văn, nhưng môn toán cũng được tính vào tổng điểm thi. Nếu như để một môn ảnh hưởng đến thành tích chung thì quả thật rất đáng tiếc! Hơn nữa, năm sau em còn phải đối mặt với kì thi hết cấp đấy!”. Mà ai cũng biết, thi hết cấp bao giờ cũng có môn toán, còn có cả vật lí nữa. Nghĩ đến đây, tôi thấy đầu mình như muốn nổ tung ra.
Cô giáo còn nói, năm nay là năm học quan trọng của cấp hai; có được lên cấp ba hay không còn phải chờ kết quả học tập của năm nay quyết định. Tôi rất muốn học môn lý tốt hơn, thế nhưng, nói ra thật xấu hổ. Hằng ngày cứ đến giờ ôn bài, chuẩn bị bài mới của môn lí là tôi lại mang môn văn ra học say sưa. Lúc nào tôi cũng hoàn thành bài tập ngữ văn trước rồi mới ép bản thân hoàn thành bài tập lí. Tôi thừa biết mình không nên làm vậy, nhưng lúc nào tôi học văn cũng có hứng thú hơn và bản thân tôi rất ghét môn lí. Nghe chị họ tôi nói, học đại học khoa văn không phải học môn lí. Tôi nghĩ nếu có một ngày mình được lên đại học, như vậy chẳng phải là đã được giải phóng khỏi môn lí rồi hay sao? Khi kiểm tra, nếu là kiểm tra văn, tôi chẳng hề căng thẳng, vì tôi biết chắc mình sẽ đứng đầu lớp. Ngược lại, nếu kiểm tra môn lí, trước ngày kiểm tra tôi không sao ngủ được, chợp mắt được một lúc là lại nằm mơ thấy ác mộng, mơ thấy bài thi của tôi bị sai be bét. Cơn ác mộng đáng sợ khiến tôi tỉnh giấc rồi mà vẫn còn cảm thấy kinh hãi.
Nhưng điều làm tôi cảm thấy bất an nhất vẫn là thái độ của bố mẹ. Mỗi lần đi học phụ huynh là bố mẹ tôi như bị “ép” phải đi vậy. Khi bố mẹ về, tôi lại nghĩ rằng bố mẹ sẽ mắng cho tôi một trận (như thế tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn). Thế nhưng bố mẹ tôi chẳng nói gì cả, để tôi tự giày vò bản thân. Lúc lên cấp hai, tôi thi không tốt, bố mẹ mắng tôi, thậm chí mẹ còn đánh tôi nữa. Lúc đó tôi rất ghét bố mẹ. Nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy bấy lâu nay bố mẹ đã gửi gắm vào tôi rất nhiều hy vọng. Bây giờ bố mẹ không quản tôi không như xưa nữa, cũng không mắng mỏ tôi. Nhưng điều đó lại khiến cho tôi càng buồn bã hơn.
Bố mẹ ngày càng lạnh nhạt với tôi. Ngày trước mẹ thường sắm hết đồ dùng học tập cần thiết cho tôi; nhưng bây giờ thì không; tôi nói với mẹ rằng tôi thiếu com pa, mẹ sẽ đưa tiền cho tôi tự mua; tôi nói muốn có một chiếc áo khoác gió vì các bạn khác trong lớp đều có, mẹ tôi lạnh lùng nói tại sao không ganh đua học tập với các bạn? Cứ như vậy, tôi muốn mua gì cũng không nói với bố mẹ nữa; có lúc tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi tin rằng nếu không phải vì chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà nước thì bố mẹ tôi đã sinh một đứa con khác rồi, bởi vì họ hoàn toàn thất vọng về tôi. Có lẽ bây giờ bố mẹ đang rất hối hận vì đã sinh một đứa con gái kém cỏi như tôi...
Mấy ngày hôm nay, bố mẹ đột nhiên thay đổi thái độ, quan tâm đến tôi nhiều hơn, không còn lạnh nhạt như trước nữa. Thậm chí, bố còn mua cho tôi một lọ nước xúc miệng, nói rằng để phòng bệnh cảm cúm. Bố mẹ luôn tươi cười với tôi. Tôi biết sự thay đổi thái độ của bố mẹ có liên quan đến cuộc họp phụ huynh mấy ngày trước. Cô giáo tôi đã tuyên bố còn nửa học kì nữa là tiến hành phân lớp, kết quả của các bài kiểm tra sắp tới sẽ là tiêu chuẩn để phân loại học sinh. Sở dĩ bố mẹ tôi làm như vậy là vì họ đang cố gửi gắm tia hy vọng cuối cùng vào tôi. Thế nhưng tôi chẳng có chút tin tưởng nào vào bản thân. Tôi biết làm thế nào để không học lệch đây? Còn nữa, liệu bố mẹ có yêu thương tôi thật lòng hay không? Tôi biết phải làm gì để có thể vượt qua nửa năm gian khổ này đây?
Chat room
Cũng giống như khi mình đang đi trên một con đường thông thoáng, chỉ một giây không để ý là có thể đi nhầm vào ngõ cụt. Đây có phải là cảm giác của Tương Tương đối với chuyện học hành vào lúc này không? Phải làm sao đây? Nếu như cứ cắm đầu đi về phía trước, nhất định sẽ đâm sầm vào vách đá; chi bằng hãy rẽ sang một lối khác.
Nếu như đã biết mình học lệch, vậy thì bạn hãy nhanh chóng chấn chỉnh lại tình hình học tập của mình. Bạn hãy coi trọng những môn học trước đây bạn đã bỏ quên, hãy coi những môn học khó nhằn đó như những người bạn trước nay bạn hững hờ, giờ dành cho họ sự quan tâm và bù đắp đặc biệt, chắc chắn họ sẽ không còn xa cách với bạn nữa. Đương nhiên, trong thời gian học bù kiến thức, bạn cần phải có phương pháp học tập đúng đắn. Chương trình học tập trong giai đoạn tiểu học và trung học có sự khác biệt tương đối lớn. Những học sinh thích nghi nhanh sẽ có sự tiến bộ rõ rệt. Đối với những học sinh như Tương Tương, nguyên nhân chủ yếu là do chưa tìm được phương pháp học tập đúng đắn. Nếu cần thiết, bạn có thể mua thêm một số sách giới thiệu phương pháp học tập để tham khảo.
Bài vở trong giai đoạn cấp hai không phải quá nhiều, những kiến thức mà bạn bỏ sót thực ra rất dễ để học bù lại, chính vì thế Tương Tương không cần phải lo lắng quá. Tôi cho rằng, bố mẹ của Tương Tương không giống như bạn nghĩ. Cũng giống như một giáo viên không nỡ trách mắng một học sinh đang tự trách mắng bản thân, bố mẹ khi nhìn thấy thái độ tự trách bản thân của con cái cũng sẽ không nỡ buông lời trách móc nữa. Con cái lớn khôn rồi, đương nhiên bố mẹ cũng không thể chăm sóc chu đáo, từng li từng tí như khi con còn nhỏ được. Chính vì thế, những cảm giác của Tương Tương về thái độ của bố mẹ mình phần lớn đều do sự mất tự tin vào bản thân mà gây ra những áp lực về tâm lí.
Bây giờ, điều đầu tiên mà Tương Tương cần làm là chỉnh đốn lại tâm lí của mình, lấy lại sự tự tin cho bản thân. Tiếp đó, bạn cần điều chỉnh lại tình hình học tập của mình. Tôi tin rằng không bao lâu nữa, Tương Tương sẽ lại có mặt trong danh sách các học sinh ưu tú của lớp!
MẸ CẦN BỜ VAI CỦA BẠN
Hiểu Nghiên, nữ, mười lăm tuổi, học sinh cấp hai.
Tôi là một cô bé mười lăm tuổi, luôn được sống yên bình trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, hưởng thụ sự ngọt ngào, hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Tuy nhiên, một chuyện bất hạnh đã ập đến.
Tôi còn nhớ rất rõ, đó là vào một buổi tối mùa hạ, tôi đang ngủ ngon lành thì bị tiếng kêu của mẹ đánh thức. Tôi nhìn thấy bố đang nằm ở trên giường, nôn ra rất nhiều máu. Mẹ ở bên cạnh bố, vừa hét vừa gọi tên bố, vừa bảo tôi lúc ấy hãy còn ngái ngủ: “Mau, mau đi tìm bác cả!”
Bác cả là anh trai ruột của bố, nhà ở ngay sát vách với nhà tôi. Tôi chạy thục mạng, đập cửa nhà bác ầm ĩ khiến cho cả nhà bác tỉnh giấc. Họ cùng chạy tới nhà tôi, vội vàng gọi cấp cứu, nhưng không hiểu sao điện thoại không liên lạc được. Tôi liền chạy ra đường để bắt một chiếc taxi. Nhưng nửa đêm nửa hôm, lấy đâu ra taxi mà bắt? Khi tôi quay về nhà, không thấy bố tôi đâu cả. Người lớn nói với tôi rằng đã có xe nên bố tôi được đưa tới bệnh viện rồi. Họ đều chuẩn bị đến bệnh viện, bảo tôi vào phòng ngủ đi vì ngày mai còn phải đi học. Họ an ủi tôi rằng, bố sẽ không sao. Tôi bán tín bán nghi, vào phòng đi ngủ, nhưng cả đêm đó tôi không sao ngủ lại được.
Ngày hôm sau, khi tôi đi học về, mọi người nói là bố tôi đã nhập viện, lúc đó tôi mới hơi yên tâm. Bố tôi nằm viện trong tình trạng hôn mê nhưng bác sĩ vẫn chưa phát hiện ra là bệnh gì, thế nên đành phải để cho bố tôi chuyển viện khác. Cuối cùng bệnh viện kết luận là bố tôi bị viêm não. Bác sĩ nói, cho dù có chữa khỏi thì cũng để lại di chứng về sau. Đây đúng là một cú sốc lớn đối với mẹ tôi. Để chữa bệnh cho bố, mẹ đã phải vét sạch tiền bạc trong nhà, thậm chí chạy vạy vay khắp nơi.
Sau khi ra viện, bố không thể đi làm được nữa. Sinh hoạt của cả gia đình đều phải dựa vào ba, bốn trăm đồng tiền lương hàng tháng của mẹ. Người mẹ đã ngoài bốn mươi tuổi của tôi vừa phải vất vả kiếm tiền, vừa phải chăm sóc cho chồng, lại còn phải lo lắng đến chuyện học hành bài vở của tôi nữa. Tất cả những vất vả của mẹ tôi đều nhìn thấy và khắc ghi ở trong lòng. Một đứa trẻ trước nay không hiểu chuyện như tôi nay đã trưởng thành hơn rất nhiều, và cũng trở nên trầm tư hơn hẳn. Bây giờ bố tôi rất hay nổi cáu, vì trí nhớ của bố bị ảnh hưởng nặng nề, thường xuyên hỏi đi hỏi lại một chuyện mà vẫn không nhớ được. Bà nội và bác cả đều cảm thấy rất khó chịu với bố tôi. Mỗi lần bố tôi nói chuyện với họ là y như rằng họ lại đả kích bố, khiến cho bố không chịu nổi. Thỉnh thoảng bố lại hỏi tôi và mẹ có chuyện gì không, hai mẹ con còn chưa kịp trả lời thì bố đã nổi cáu. Mẹ tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ai bảo bố đáng thương như vậy chứ!
Một hôm, tôi đang chơi ở của nhà bà nội, đột nhiên tôi nghe có tiếng cãi cọ trong vườn. Hóa ra bà nội và mẹ tôi đang cãi nhau. Nguyên nhân là do bố tôi. Bố hỏi mẹ vài việc, mẹ chưa kịp trả lời thế là bố tôi liền nổi cáu đánh mẹ. Bà nội ở bên cạnh nhìn thấy hết nhưng không nói năng gì. Mẹ lấy tay đỡ đòn của bố, bố đứng không vững liền ngã lăn ra đất. Mẹ tôi cũng bị ngã theo. Cả hai người ngã vào một cái chậu nhựa của bà nội làm cái chậu bị vỡ. Bà nội tôi vô cùng tức giận, mắng mẹ tôi là kẻ hư hỏng, rồi còn tát bố tôi rất mạnh. Mẹ tôi rất ấm ức, mẹ lấy bố tôi đã bao năm nay nhưng vẫn luôn bị bà nội quở trách. Lần này, mẹ tôi không nhịn nổi nữa, liền bỏ nhà ra đi.
Sau khi mẹ bỏ đi, bà nội và bác cả đều mắng mẹ tôi là kẻ hư hỏng, nói mẹ tôi đã muốn bỏ đi từ lâu, còn nói mẹ đã tìm cho tôi một người cha dượng rồi, thậm chí họ bảo tôi sắp phải đổi họ đến nơi rồi và không cho tôi ăn cơm ở nhà nữa. Trong cơn nóng giận, tôi đã cãi nhau với họ và bỏ đi tìm mẹ. Khi tìm thấy mẹ, tôi thấy mẹ trông suy sụp đi rất nhiều. Tại sao những người trong ngôi nhà đó lại có thể đối xử tàn nhẫn với một người phụ nữ hiền lành như mẹ cơ chứ?
Tôi ở với mẹ, nhưng mẹ vẫn không yên tâm về bố nên thường xuyên bảo tôi về thăm bố. Ban đầu tôi còn nghĩ mọi người sẽ đi tìm tôi và mẹ về nhà, thế nhưng, hai mẹ con bỏ đi đã chín tháng mà họ vẫn không hề đả động đến việc đón mẹ con tôi về. Vài ngày trước, lúc tôi về, tôi lại cãi nhau với họ một trận, bởi vì họ không cho tôi mang quần áo đi (lúc bỏ đi, hai mẹ con đi vội nên chỉ kịp mang theo mấy bộ), cũng không cho tôi lấy chiếc đài cát xét (tôi dùng để nghe băng tiếng Anh) đi nữa. Cô, bà nội thi nhau mắng tôi. Họ mắng tôi ích kỷ, không có lương tâm, còn nói đến chuyện “ly hôn”, “ra tòa”... Họ không cho phép hai mẹ con tôi về thăm bố.
Trở về chỗ ở của hai mẹ con, tâm trạng tôi rất tồi tệ. Mẹ hỏi tôi tình trạng sức khỏe của bố nhưng tôi chẳng biết nói sao. Mẹ hỏi đi hỏi lại mấy lần, tôi liền bực mình đáp: “Con không biết!”. Mẹ tức giận, mắng cho tôi một trận. Tôi thấy rất ấm ức. Ở bên đó bị mắng, về đến đây lại bị mắng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng kìm nén cơn giận. Tôi biết mẹ buồn phiền vì công xưởng ngừng sản xuất, đơn vị của mẹ lại không chịu phát lương, sau này chúng tôi sẽ ăn cái gì đây? Nghĩ đến đây, tôi thấy trong lòng rất xót xa. Mẹ thì vẫn đang mắng mỏ tôi, bắt tôi sang ở với bố. Mặc dù biết là mẹ chỉ nói thế vì đang cáu giận thôi, nhưng tôi vẫn bỏ chạy ra ngoài. Dì hàng xóm kéo tôi lại và nhẹ nhàng khuyên bảo tôi. Nghĩ đến việc mẹ rất yêu thương tôi nên tôi đã quay về nhưng vẫn không thực sự thoải mái. Tôi biết mẹ không chịu được cách cư xử của tôi, tôi cũng không muốn làm cho mẹ buồn hơn nữa, nhưng tôi không biết phải làm sao để có thể thân mật lại với mẹ như xưa. Tôi thật sự không muốn mọi thứ tiếp tục thế này.
Chat room
Mỗi đứa trẻ phải lớn lên và đón nhận những bão tố trong cuộc sống. Mặc dù Hiểu Nghiên vẫn còn nhỏ tuổi nhưng hiện thực khắc nghiệt đã khiến cho cô bé phải trưởng thành trước tuổi. Đương nhiên, không phải là Hiểu Nghiên không hiểu được những điều này, nhưng cô bé vẫn chưa được chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý, vẫn đang quen sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Cô bé không thể nghĩ được rằng, một người mạnh mẽ và kiên cường như mẹ rồi cũng có lúc không thể gồng mình lên để chống chọi với mọi việc được nữa. Có những lúc mẹ cũng cần đôi bờ vai non nớt của con gái để cùng gánh vác trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống.
Bố Hiểu Nghiên đang bị bệnh, đây chính là nỗi buồn phiền và lo lắng lớn nhất của mẹ cô bé. Hơn nữa, mẹ lại có mâu thuẫn với bà nội và cả gia đình đằng nội. Điều đó cáng khiến cho mẹ Hiểu Nghiên dễ nảy sinh mâu thuẫn là bởi giữa họ không có quan hệ huyết thống. Trong cuộc sống, nếu gặp những tình huống tương tự nên có một người có mối quan hệ gắn bó với cả đôi bên để điều chỉnh mâu thuẫn. Bố Hiểu Nghiên hiện nay xem ra khó có thể đảm nhận được nhiệm vụ nặng nề này. Vậy thì, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Hiểu Nghiên là làm công tác tư tưởng cho cả hai bên, giúp cho hai bên có thể hòa giải với nhau.
Tôi rất hiểu tâm trạng bất bình thay cho mẹ của Hiểu Nghiên. Nhưng Hiểu Nghiên nên biết nhìn sự việc một cách sâu sắc, cần thuyết phục cả gia đình phía đằng nội chấp nhận mẹ một lần nữa để cả nhà cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố. Tôi tin rằng cả gia đình nhà bạn đều hy vọng có một kết cục như vậy. Bởi vì chỉ khi cả gia đình đoàn kết nhất trí mới có thể dễ dàng vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống.