Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 01

Tác giả: Ngũ Mỹ Trân

Ký Ức Của Một Công Chúa
Vĩ Vân, nữ, mười sáu tuổi, học sinh cấp ba.
Tôi - một đứa con gái sống trong một thành phố hạng trung, giờ đây hoàn toàn thích hợp với cái biệt danh “công chúa mắc nạn”.
Hơn chục năm về trước, bố tôi thực sự bước chân vào giới quan chức nhà nước. Ông là một người giỏi giang và năng động, từ một Bí thư đoàn bình thường, dần dần trở thành một “quan phụ mẫu” có uy quyền nhất thành phố. Mặc dù công việc của ông vô cùng bận rộn, ông không có cả thời gian để hỏi han tình hình học tập của tôi, nhưng tôi vẫn luôn yêu quý và tự hào về ông. Ông cũng rất cưng chiều tôi, chỉ cần tôi lên tiếng thì bất cứ yêu cầu nào, kể cả là bất hợp lí đến mấy, ông cũng tìm cách để làm tôi hài lòng.
Còn nhớ hồi nhỏ, trong một lần ốm, tôi bị sốt cao, phải nằm bẹp ở trên giường. Tối hôm đó bố tôi phá lệ, không đi công chuyện mà ở nhà cùng bà và mẹ chăm sóc tôi. Đó là vào một ngày mùa đông rét buốt, bên ngoài tuyết rơi lất phất, lạnh cắt da cắt thịt, bỗng nhiên tôi thèm ăn quýt nên vòi vĩnh bố: “Bố ơi, con muốn ăn quýt!”. Mẹ nói: “Đã nửa đêm rồi, làm gì còn nơi nào bán quýt nữa? Với lại, tuyết đang rơi nhiều như vậy...”. Mẹ chưa kịp nói hết câu thì đã bị bố ngắt lời, bố cương quyết: “Để anh ra ngoài mua!”. Trước khi đi, bố còn hôn lên trán tôi và nói: “Con gái ngoan, chờ bố nhé!”.
Rất lâu sau bố mới trở về, người phủ đầy tuyết. Bố ôm trước иgự¢ bốn quả quýt vàng rực, rồi sau đó ông tự tay bóc vỏ và bón những múi quýt mọng nước vào miệng tôi. Vị ngọt của những múi quýt như thấm cả vào trong lòng tôi. Tôi ăn liền một lúc hết cả bốn quả, thế nên bố vui lắm! Những quả quýt thơm ngọt hôm đó đã để lại trong tôi một ký ức ngọt ngào không thể nào quên!
Về sau tôi mới biết, tối hôm đó, bố một mình ra ngoài tìm mua quýt cho tôi. Bố đạp xe ra đến tận ngoại ô, gõ cửa một gia đình nông dân trồng hoa quả và mua bốn quả quýt còn sót lại trong vườn nhà đó với giá rất cao. Lúc đó, bố vẫn chỉ là một quan chức nhỏ nên chưa có lái xe và thư kí riêng.
Sau này, bố được thăng chức, bên cạnh bố đã có thêm một lái xe và một thư kí riêng. Người lái xe là chú Ngô, còn thư kí là chú Lưu. Chú Ngô là bộ đội xuất ngũ, tính tình hiền lành, thật thà. Còn chú Lưu là sinh viên mới tốt nghiệp, tính tình cởi mở, và rất hài hước, bố còn nói chú Lưu rất nhanh nhẹn và được việc. Cả hai đề đối xử với tôi rất tốt, đặc biệt là chú Lưu. Mỗi lần gặp chú, bao giờ tôi cũng được chú tặng cho những món quà nho nhỏ.
Mẹ tôi cũng đối xử với hai chú ấy rất tốt, quan tâm, chăm sóc các chú rất chu đáo. Bởi vì hai chú đều còn rất trẻ, vẫn chưa lập gia đình nên mẹ đã sắp xếp giới thiệu bạn gái cho hai chú. Lúc bà nội tôi qua đời, mọi chuyện tang ma đều do một tay chú Lưu lo liệu. Chú Ngô cũng bận rộn chạy ngược chạy xuôi, lo chu toàn mọi việc. Trong lòng tôi vô cùng cảm kích hai chú, cảm thấy hai chú như những người thân trong gia đình mình vậy.
Thế nhưng, bố tôi dần dần thay đổi. Dù không thể nói bố đã thay đổi như thế nào, nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, bố tôi giờ đã khác trước rất nhiều. Ngày trước, mẹ luôn luôn động viên và ủng hộ bố, nhưng bây giờ bố mẹ thường xuyên cãi cọ. Có lần tôi nghe lén bố mẹ cãi nhau. Mẹ chỉ trích bố về tội ngoại tình, nói bố cả ngày nhậu nhẹt, bồ bịch, không quan tâm đến gia đình. Bố cãi lại rằng giờ xã hội hiện đại, con người ai cũng như vậy cả!
Dù bố vẫn rất thương yêu tôi, nhưng không hiểu sao tôi luôn cảm thấy tình yêu thương mà bố dành cho tôi bây giờ đã không còn như xưa nữa. Có một lần, tôi cãi nhau với một bạn nữ trong lớp. Cậy thế mẹ là hiệu phó của trường, cô bạn đó đã lôi kéo các bạn khác trong lớp tẩy chay tôi. Không hiểu sao, bố tôi lại biết được chuyện này. Ông tức giận lắm, nói rằng sẽ đuổi việc bà hiệu phó kia. Tôi rất sợ bố sẽ làm như vậy. Bởi nếu bố làm thế thật thì các bạn trong lớp sẽ càng khinh thường tôi. Tôi nói với bố: “Bọn con đã làm hòa rồi, không cãi nhau nữa đâu bố ạ!”. Bố nghe xong, liền nói: “Để xem kẻ nào dám bắt nạt con gái của bố!”. Không hiểu sao, khi nghe những lời này, tôi lại cảm thấy buồn vô hạn.
Về sau, đúng là bố tôi đã gây ra chuyện lớn. Hai mẹ con tôi đều không ngờ rằng bố đã sa đọa đến mức đó. Bố tham ô, nhận hối lộ, lại còn có đến ba vợ bé ở bên ngoài. Ngày bố bị bắt, nhà bị niêm phong, hai mẹ con tôi nước mắt chứa chan, không nói lên lời. Bố bị bắt đi rồi, bầu trời của hai mẹ con tôi như đổ sập xuống dưới chân. Giờ thì tôi mới hiểu thế nào là “lên voi xuống chó”. Từ một gia đình giàu có nhất nhì trong thành phố, gia đình tôi phút chốc trở nên nghèo khó. Công việc trước đây của mẹ tôi là nhờ chức quyền của bố mang lại, giờ bố tôi sa cơ lỡ vận, mẹ tôi lập tức bị đơn vị chuyển xuống làm việc ở phòng thường trực với đồng lương ít ỏi. Tôi không còn được mặc quần áo đẹp, không còn được đọc truyện tranh và xem những bộ phim hoạt hình thú vị nữa.
Thiếu thốn về vật chất, hai mẹ con tôi đều có thể chịu đựng được, nhưng điều làm cho chúng tôi đau khổ và nhục nhã nhất chính là sự khinh bỉ của mọi người. Bây giờ đi đâu chúng tôi cũng phải lén lén lút lút như chuột chạy qua đường. Những người xung quanh, người thì chỉ trỏ sau lưng, người thì giễu cợt, thậm chí có người còn mỉa mai chúng tôi. Mẹ con tôi cắn răng chịu đựng tất cả những đau khổ và nhục nhã này. Nhưng điều làm tôi ngỡ ngàng nhất chính là thái độ của hai người chú mà tôi từng yêu quý, đặc biệt là chú Lưu. Sau khi bố tôi xảy ra chuyện, một lần tôi gặp lại chú Lưu, theo thói quen, tôi chào hỏi rất vui vẻ. Đáp lại tôi là một thái độ hoàn toàn lạnh nhạt, thậm chí chú ấy còn không thèm liếc mắt nhìn tôi lấy một cái. Tôi rùng mình. Giờ thì tôi đã hiểu ra rằng, tất cả những tình cảm thân mật của chú với gia đình tôi trước đây chỉ là giả tạo. Tại sao trên đời này lại có một thứ tình cảm giả dối đến như vậy? Chú Ngô thì có vẻ đỡ hơn một chút. Một buổi tối nọ, chú gọi điện thoại cho mẹ tôi và nói, giờ chú làm lái xe cho một cán bộ nhà nước khác, mối quan hệ của người này với bố tôi không được tốt lắm, chính vì thế chú ấy không thể qua lại với gia đình tôi được nữa. Chú mong hai mẹ con tôi hãy giữ gìn sức khỏe. Mẹ gác điện thoại xuống và khóc nấc lên. Mọi việc ở trường cũng chẳng khá hơn. Những thầy cô giáo trước đây coi tôi như công chúa giờ cũng tỏ ra lạnh nhạt và hờ hững khiến tôi vô cùng buồn bã. Bạn bè ư? Trước đây tôi có đôi chút kiêu ngạo, chính vì thế cũng bị không ít người ghét. Vì vậy mà tình cảnh của tôi bây giờ không cần nói chắc ai cũng hiểu. Tôi không có bạn bè, không có lấy một người bạn. Tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng! Tủi thân vô cùng!
Có lẽ tôi nên hận bố, hận bố đã đẩy hai mẹ con tôi vào hoàn cảnh như ngày hôm nay. Thế nhưng tôi không thể hận bố được. Chính cái đêm mùa đông giá rét đó, chính những quả quýt thơm ngon mà bố cất công ra tận ngoại ô mua về đó đã để lại cho tôi những ký ức không bao giờ phai nhạt. Tôi quyết định sau này sẽ thường xuyên dẫn mẹ đi thăm bố ở trong tù. Chỉ có điều, tương lai sẽ ra sao lại là một dấu chấm hỏi mà tôi không dám nghĩ đến nữa!
***
Đối với một công chúa được sống trong nhung lụa và sự bảo bọc của mọi người ngay từ nhỏ thì đây đúng là một biến cố quá lớn trong đời. Theo tôi, thực ra sự thay đổi của “tình người” mà Vĩ Vân không sao hiểu được lại hoàn toàn có thể lí giải. Khi bố cô bé có chức quyền, những người xung quanh ông đều chỉ ở bên để nương nhờ thanh thế của ông mà thôi. Thứ “tình cảm gia đình” đầm ấm mà Vĩ Vân cảm nhận được từ họ chẳng qua chỉ là một thứ tình cảm giả tạo đã được ngụy trang kĩ lưỡng. Khi hình bóng người bố có chức quyền đã không còn thì tất nhiên những tình cảm giả tạo kia cũng sẽ biến mất.
Hai mẹ con Vĩ Vân giờ đây đã không còn sống sung túc như xưa. Cái mà họ mất đi là cái mà trước đây họ không nên có. Giờ đây, hai mẹ con cô bé hãy chấp nhận cuộc sống giống như biết bao dân thường khác. Tôi không cho rằng đó là điều đau khổ! Đương nhiên, vì bố phạm pháp nên Vĩ Vân phải chịu sức ép về dư luận. Trong hoành cảnh này, Vĩ Vân không nên quá nhạy cảm, thậm chí nên phớt lờ tất cả những bàn tán không hay về gia đình mình. Bởi vì, dù sao thì người phạm pháp là bố Vĩ Vân chứ không phải là cô bé. Tôi tin rằng thời gian qua đi, những người xung quanh cũng sẽ nhận ra điều này.
Trong chương trinh văn cấp ba có trích đoạn tiểu thuyết “Gào thét” của Lỗ Tấn. Tác phẩm đã miêu tả gia cảnh ngày một sa sút của chính gia đình ông. Hy vọng Vĩ Vân sẽ đọc tác phẩm này và học hỏi được những điều bổ ích từ Lỗ Tấn. Tôi tin rằng, tương lai tương sáng là do chính chúng ta tạo ra.
Nước Mắt Cậu Học Trò Nghèo
Lý Quốc Phương, nam, mười lăm tuổi, học sinh cấp ba.
Tôi là cậu học trò xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Nhà tôi ở miền núi. Bố mẹ tôi chỉ nuôi được hai con lợn và trồng một ít chè để bán, chính vì thế mà thu nhập của gia đình tôi rất thấp. Cộng thêm việc thuế má ngày càng tăng và hơn năm trăm đồng tiền học phí mỗi học kì của hai chị em tôi cũng đủ khiến bố mẹ tôi khốn đốn.
Thế nhưng, điều làm tôi buồn nhất không phải là gia đình tôi không được ăn những món ăn ngon mà là mỗi lần cô giáo chủ nhiệm hô hào đóng học phí và phát động quyên góp. Cứ nhắc đến vấn đề tiền bạc là đầu tôi lại ong ong, trong lòng thì dằn vặt, không biết làm sao để mở miệng xin tiền mẹ.
Một lần, đường sá của trường được sửa sang lại, thế là cô giáo chủ nhiệm lại hô hào mọi người quyên góp. Trên thông báo của nhà trường có ghi rõ, lớp nào quyên góp nhiều sẽ được nhà trường khen thưởng. Cô giáo chủ nhiệm cất giọng giảng giải một hồi về ý nghĩa của việc quyên góp như ngầm nhắc nhở chúng tôi rằng mỗi học sinh ít nhất phải quyên góp mười đồng...
Về đến nhà, tôi nhẹ nhàng kể cho mẹ nghe chuyện này. Mẹ nghe xong, im lặng hồi lâu không nói nên lời. Một lúc sau, mẹ cất giọng run run hỏi tôi: “Năm đồng có được không con?”. Tôi cắn chặt môi chỉ chực òa khóc, không nói được lời nào. Nhìn bộ dạng của tôi, mẹ không nén được bực bội: “Trường con làm cái gì mà từ sáng đến tối lúc nào cũng đòi thu tiền thế? Bố mẹ lấy đâu ra lắm tiền vậy chứ...”. Mẹ vừa nói vừa móc từ trong túi ra mười đồng đưa cho tôi: “Đây là tiền mẹ vừa bán trứng gà đấy, con cầm cả đi!”.
Tôi vừa cầm mười đồng mẹ đưa cho thì chị tôi đi học về. Chị tôi xin mẹ hai mươi đồng để mua tài liệu ôn tập của nhà trường. Mẹ nói với chị: “Mẹ hết sạch tiền rồi, con nói khéo với cô giáo, cho mẹ thêm vài ngày nữa, đợi mẹ bán lá chè rồi đưa tiền cho con!”.
Nghe mẹ nói thế, chị tôi vô cùng lo lắng: “Con không có tài liệu ôn tập thì làm sao làm bài tập được. Cô giáo toàn ra bài tập trong đó mà!”.
Chị tôi đòi phải có tiền mua tài liệu ôn tập cho bằng được mới chịu đi học. Chị còn ngồi trong phòng khóc lóc, đòi mẹ phải đi vay tiền cho chị. Mẹ tôi cũng khóc. Tôi nghĩ, dù sao thì tài liệu ôn tập của chị cũng quan trọng hơn, thế là tôi đưa mười đồng mẹ vừa cho để chị mua tài liệu ôn tập. Chị tôi mừng rỡ ôm chầm lấy tôi nói: “Cám ơn em trai ngoan của chị!”. Tôi dở khóc dở cười vì biết rằng ngày mai khi đến trường, những ngày tháng tươi đẹp của tôi sẽ hoàn toàn biến mất. KenhTruyen24h.Com - Đọc truyện trên điện thoại (ThíchTruyện.VN)
Đúng như tôi nghĩ, không thu được tiền của tôi không những cô giáo tỏ ra không vui mà còn mắng tôi trước lớp về tội làm “ảnh hưởng đến thành tích của lớp”. Nếu như tôi là một đứa mặt dày thì không sao, đằng này tôi lại là một thằng con trai có lòng tự trọng nên tôi rất nhạy cảm. Sau chuyện đó, tôi không còn mặt mũi nào nhìn bạn bè, không dám ngẩng mặt lên nhìn ai nữa. Suốt cả tuần liền, tôi không sao tập trung học hành được. Trong đầu tôi chỉ có hình ảnh bộ mặt nặng như chì của cô giáo lúc đó và những lời mỉa mai của bạn bè trong lớp. Thực ra thì cô giáo chủ nhiệm lớp tôi là một giáo viên rất có trách nhiệm với học trò, cô không hề có ý khinh thường những đứa học trò nghèo như tôi, thậm chí có lúc còn tìm cách giúp đỡ tôi nữa, vì thế tôi luôn yêu quý và kính trọng cô. Nhưng tôi vẫn không sao hiểu được, sao cô lại không thể thông cảm cho những học sinh nghèo khó như chúng tôi về vấn đề tiền bạc? Lẽ nào cô nghĩ rằng chúng tôi cố tình giả bộ nghèo khổ?
Một tuần sau chuyện đó, do tôi không thường xuyên kiểm tra tình hình học bài của các bạn nữa nên đã bị cô giáo chủ nhiệm cách chức tổ trưởng học tập. Mặc dù có lí do chính đáng nhưng tôi luôn có cảm giác rằng cô giáo đã ghét tôi rồi, tôi biết cô thường không tha thứ cho bất cứ ai làm ảnh hưởng đến thành tích của cả lớp. Dù rất buồn nhưng tôi không hề thù hằn cô, tôi chỉ hận mình không có tài cán, không có tiền bạc mà thôi. Tình trạng này càng ngày càng nghiêm trọng hơn khi kết quả học tập của tôi giảm sút rõ rệt do tinh thần suy sụp. Đúng là “họa vô đơn chí”.
Chớp mắt đã sắp đến Tết rồi, chúng tôi lại chuẩn bị được nhà trường cho nghỉ Tết. Thế nhưng nhà trường đột ngột ra thông báo: Kể từ tháng này, để phối hợp với nhà trường, tránh việc học sinh tiêu tiền bừa bãi, mỗi học sinh sẽ phải nộp cho nhà trường một trăm hai mươi đồng vào quỹ tiết kiệm. Nhà trường sẽ cất giữ số tiền này và trả lại cho học sinh vào cuối học kì. Cô giáo chủ nhiệm lại thúc giục chúng tôi nộp tiền. Những đứa gia đình sung túc ở trong lớp thì không nói làm gì, bình thường tiền tiêu vặt của chúng nó đâu có thiếu, nộp một trăm hai mươi đồng có đáng kể gì đâu. Chỉ khổ cho những đứa nhà nghèo như chúng tôi, lại phải xin tiền bố mẹ.
Trong những ngày nghỉ học ở nhà, tôi không sao mở miệng xin tiền mẹ được. Buổi trưa của ngày nghỉ cuối cùng, khi chuẩn bị phải trở lại trường, tôi mới lấy hết dũng khí kể cho mẹ nghe chuyện này. Tôi cố gắng nhấn mạnh rằng “cuối kì nhà trường sẽ trả lại tiền” mặc dù tôi thừa hiểu rằng, đến cuối kì, món tiền này sẽ được sung công quỹ của nhà trường với một lí do “chính đáng” nào đó. Nhưng tôi vẫn phải nói như vậy là để mẹ đỡ buồn và cũng là để tự an ủi bản thân mình. Mẹ rất hiểu nỗi khổ của tôi nên nhanh chóng lấy ra một trăm đồng tiền bán lá chè, rồi lại moi ở trong túi ra hai tờ mười đồng đưa cho tôi. Mẹ cắn chặt môi để không khóc òa lên trước mặt con trai mình...
Nhìn gương mặt của mẹ lúc ấy, tôi thấy ruột gan mình như thắt lại. Mặc dù tôi luôn hát bài Con trai không được khóc, nhưng lúc đó, tôi không thể kìm chế được mình nữa, hai hàng nước mắt thi nhau tuôn ra. Trời ơi, tại sao đi học mà cũng đau khổ như vậy?
Tối hôm đó tôi đã nằm mơ. Tôi mơ thấy mẹ tôi khóc ngất đi, tôi cũng khóc, chị tôi cũng khóc nức nở. Ngay cả bố tôi cũng không kìm được nước mắt. Cả nhà bốn người ôm lấy nhau mà khóc. Thế rồi bỗng nhiên trước mắt chúng tôi có một đống tiền lớn, chúng tôi lao đến chộp lấy nhưng đống tiền kia đã tan biến trong giấc mơ hão huyền ấy...
***
Đầu tiên, tôi muốn hỏi bạn Lý Quốc Phương rằng: “Tại sao bạn lại đi học? Hoặc nói một cách khác, mục đích của bạn khi đến trường là gì?”. Có thể bạn sẽ trả lời tôi rằng, bạn đi học là để học lên đại học. Vậy tôi xin được tiếp tục hỏi bạn rằng: “Bạn muốn học đại học để làm gì?”. Bạn sẽ trả lời tôi rằng: “Học để thành tài, để có chỗ đứng trong xã hội”. Đến đây, tôi muốn “chất vấn” bạn rằng: Đi học mới hiểu được đạo lí. Bạn hoàn toàn hiểu được đạo lí này, vậy tại sao bạn không dám đứng lên đòi lại quyền lợi chính đáng của mình? Tại sao bạn lại đi vào con đường bế tắc và không tìm được lối ra như vậy?
Đương nhiên tôi hải thừa nhận rằng, do hệ thống giáo dục của chúng ta còn nhiều điểm chưa được hoàn thiện, quan niệm về pháp luật trong giới học sinh vẫn còn rất mơ hồ, nhưng tôi không thể hiểu được tại sao nhà trường lại có thể tự do thu tiền, tùy tiện chà đạp lên quyền lợi chính đáng của học sinh như vậy. Tôi cảm thấy thực sự đáng tiếc trước sự cam chịu và thỏa hiệp của bạn Quốc Phương!
Nhà trường không thể một tay che cả bầu trời. Trên nhà trường còn có Bộ giáo dục, thậm chí còn có nhiều cơ quan ngôn luận, tất cả những nơi này đều có thể giải đáp tất cả những vướng mắc của Quốc Phương. Tại sao bạn vẫn cứ im lặng không lên tiếng? Một học sinh mười lăm tuổi mà vẫn không biết đứng lên đòi quyền lợi của bản thân mình, không dám đứng lên đấu tranh vì chính nghĩa thì cho dù sau này cậu ta có học lên đến đại học thì cũng sẽ bị loại ra khỏi các cuộc cạnh tranh trong xã hội mà thôi!
Lý Quốc Phương thân mến! Không ai tin vào những giọt nước mắt suông của bạn đâu. Chính vì thế hãy đứng dậy, đi tìm những điều luật có liên quan để đấu tranh hợp pháp vì quyền lợi của mình, của bố mẹ và các bạn học sinh khác nhé!
“MỒ CÔI” TRONG VÒNG TAY CỦA MẸ
Tiểu Quyên, nữ, mười sáu tuổi, học sinh cấp ba
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, bố tôi là một người đẹp trai và phóng khoáng, còn mẹ là một phụ nữ xinh đẹp và dịu dàng. Tôi giống như một chú chim nhỏ được sinh ra trong tổ ấm bình yên, có một cuộc sống vô lo vô nghĩ. Vậy mà tôi đã không biết trân trọng cuộc sống đó.
Năm tôi mười hai tuổi, gia đình bỗng chốc nổi cơn giông tố. Con thuyền hạnh phúc của gia đình bỗng nhiên bị lật úp. Đó là vào một đêm tĩnh mịch và lạnh giá, tôi bị tiếng cãi cọ của bố mẹ đánh thức. Vẫn còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tôi đã thấy bố lao ra khỏi cửa còn mẹ thì bưng mặt khóc nức nở. Tôi sợ hãi vô cùng, ngơ ngác nhìn mẹ chăm chăm. Tôi có cảm giác một cơn sóng gió lớn đang ập đến. Lúc đó, tôi chỉ mong đây là một cơn ác mộng và nó không bao giờ có thật!
Kể từ hôm đó, bố tôi không quay về nhà. Dường như bố đã quên đi gia đình nhỏ bé này và cũng không nhớ rằng còn có đứa con gái là tôi nữa. Về sau tôi mới biết, bố đã chuyển đến làm cho một công ty tư nhân ở nơi khác. Bố vẫn gửi tiền về để mẹ nuôi tôi và kèm theo đó là một tờ đơn xin ly hôn. Mẹ không đồng ý ly hôn, còn bảo tôi viết thư khuyên bố quay về nhà. Tôi chán tất cả mọi thứ. Mẹ tôi suốt ngày khóc lóc và than khổ với mọi người. Mẹ tìm sự đồng cảm ở người khác để làm cái gì cơ chứ? Điều khiến tôi khó chịu nhất là suốt ngày mẹ kể xấu bố với tôi và kêu ca về nỗi ấm ức của mình. Thật sự trái tim tôi không thể chịu đựng được những điều này. Mà tại sao tôi phải chịu những điều này cơ chứ?
Cuối cùng thì bố mẹ cũng vẫn ly hôn. Tôi hận bố, cho rằng chính bố đã hủy hoại hạnh phúc gia đình mình, nhưng không muốn để cho mẹ biết những suy nghĩ này. Một hôm, bố gửi cho tôi một lá thư, đầu thư là mấy chữ: “Con gái yêu, cho bố xin lỗi!”. Trong phút chốc, nỗi hận trong lòng tôi hoàn toàn tan biến. Nhưng chỉ có thế, bố không nói gì thêm nữa vì trái tim của bố đã không còn ở bên tôi nữa rồi. Mặc dù tôi biết mình có quyền đòi hỏi sự yêu thương của bố, nhưng tôi không muốn làm như vậy, hơn nữa, tình yêu thương đâu phải là thứ ép buộc mà có được?
Hai mẹ con tôi vẫn dựa vào nhau mà sống. Thực ra, trong lòng tôi rất thương mẹ nhưng không hiểu sao cứ nhìn thấy mẹ là tôi lại cảm thấy chán nản. Hằng ngày phải chứng kiến bạn bè trong lớp ganh dua nhau tôi đã không thoải mái, về đến nhà muốn được nhẹ nhõm hơn thì lại nhìn thấy bộ mặt buồn bã của mẹ. Thế giới trong tôi sụp đổ hoàn toàn. Rồi một ngày, không thể chịu đựng thêm được nữa, trong phút nông nổi, tôi đã nói với mẹ rất nhiều câu quá đáng. Mẹ ngạc nhiên và đau đớn, bạt tai tôi một cái rất mạnh. Tôi thấy trong mắt mẹ bộc lộ rõ sự ngỡ ngàng và thất vọng.
Kể từ đó, giữa hai mẹ con tôi như có một khoảng cách vô hình. Mẹ không còn than van trước mặt tôi nữa. Ngày qua ngày, mẹ bận rộng với việc công ty rồi việc nhà cửa; thời gian rãnh rỗi, mẹ chỉ ngồi xem ti vi. Tối nào mẹ cũng xem đến hết các chương trình phát sóng, từ lúc có thời sự cho đến khi các cô chú dẫn chương trình nói “Tạm biệt!” mới thôi. Mỗi khi tôi học bài đến khuya, mẹ vẫn thường mang đồ ăn đêm vào cho tôi. Chỉ có điều, mẹ không còn hỏi han về mọi thứ xung quanh và càng không bao giờ kêu ca hay mắng mỏ tôi vứt đồ đạc linh tinh như trước nữa! Mẹ nhẹ nhàng đi vào phòng, đợi tôi ăn hết là lập tức đi ra.
Căn nhà của hai mẹ con tôi giờ trở nên vô cùng yên tĩnh, yên tĩnh đến mức nó không giống như một căn nhà nữa. Hai mẹ con tôi ai làm việc người nấy, không ai làm phiền ai. Mặc dù đôi khi tôi cảm thấy rất cô đơn nhưng không vì thế mà buồn lòng. Không biết từ lúc nào, tôi đã trở thành một đứa con gái ít nói, lạnh lùng và không thích giao lưu với bạn bè. Tôi tìm kiếm thế giới của mình trong tiểu thuyết, trong tạp chí, phí hoài tuổi thanh xuân của mình trong những đống bài vở khô khan. Tôi không biết đến những vui buồn của mẹ; mẹ cũng chẳng thể biết được tôi đã từng thầm thích không chỉ một người con trai. Tôi đã từng vì họ mà đau khổ đến rơi nước mắt khi nghe những bài hát buồn não lòng. Tôi thậm chí còn hiểu nhầm sự quan tâm của một thầy giáo trẻ, cho rằng mình đã yêu thầy, nhưng rồi tất cả những tình cảm ấy đều như những bông hoa mà Đại Ngọc[1] chôn xuống đất, dần dần bị vùi sâu vào quên lãng. Tôi sống và lớn dần trong tâm trạng cô đơn. Tôi đã không chỉ một lần có ý nghĩ muốn thay đổi mối quan hệ với mẹ, nhưng rốt cuộc tôi không có bất cứ hành động gì. Tôi dần dần trở thành một người nghĩ nhiều và làm ít.
[1] Nhân vật trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần.
Cuối cùng thì bố tôi cũng xuất hiện. Đó là lúc tôi thi hết cấp hai. Tôi thi không được tốt, bị thiếu mất hai điểm. Tâm trạng của tôi trở nên vô cùng tồi tệ chỉ vì hai điểm này. Tôi im lặng, không tâm sự với bất cứ một ai. Nhưng hình như mẹ hiểu tôi đang mong muốn điều gì, mẹ đã vứt bỏ sự tự tôn của mình để viết thư xin bố hãy quay về giúp tôi. Kết quả là bố tôi đã quay về.
Bằng một số tiền lớn, bố đã thay đổi vận mệnh của tôi, giúp tôi có thể đàng hoàng nhập học ở ngôi trường mà tôi mong ước. Đó là một ngôi trường ngoại trú, nói một cách khác là tôi sẽ phải xa nhà, xa mẹ. Đêm đã khuya, bên ngoài vô cùng yên tĩnh, tôi trở mình liên tục mà không sao ngủ được. Nhớ đến mẹ đã từng vất vả chăm sóc tôi như thế nào, và nhớ lại những hành động và lời nói tàn nhẫn của mình... tôi bắt đầu cảm thấy ân hận. Tôi trách bản thân mình đã lạnh nhạt với mẹ, cảm thấy mình không xứng đáng làm con gái của mẹ.
Trước ngày nhập trường, tôi đưa cho mẹ một lá thư. Bức thư chứa đầy hối hận của một đứa con gái đã trót lạnh nhạt với mẹ mình. Mẹ viết thư hồi âm lại cho tôi. Trong thư mẹ nói, mẹ không bao giờ oán trách, ngược lại, mẹ còn hiểu rất rõ rằng chính mẹ và bố đã làm mất đi đứa con gái ngây thơ và đáng yêu ngày nào. Thậm chí mẹ còn xin lỗi tôi và hy vọng tôi có thể trở lại là tôi của nhiều năm về trước. Mẹ còn nói, mẹ chờ ngày này đã lâu lắm rồi, rốt cuộc thì ngày ấy cũng đã đến nên mẹ vui mừng lắm. Mẹ nói, mẹ không những muốn làm mẹ mà còn mong có thể làm một người bạn thân của tôi nữa.
Kể từ đó, mối quan hệ của hai mẹ con tôi đã tốt hơn. Mặc dù vậy, giữa chúng tôi vẫn còn tồn tại một khoảng cách vô hình, tôi và mẹ không bao giờ có thể trở lại như trước đây được nữa. Chính sự chán ngán và lạnh nhạt đã Gi*t ૮ɦếƭ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai mẹ con tôi. Điều này sẽ làm cho tôi phải hối hận suốt cả cuộc đời. Đến bây giờ tôi mới hiểu ra rằng, tình cảm gia đình thật quan trọng, cần được trân trọng và bảo vệ.
***
Tôi vui mừng thay cho bạn đấy, Tiểu Quyên ạ! Không gì làm cho con người hạnh phúc hơn khi có thể tìm lại được những tình cảm quý báu mà mình đã đánh mất. Tôi đồng ý với Tiểu Quyên rằng: Tình cảm gia đình rất cần được trân trọng và bảo vệ. Trước mặt người thân, chúng ta thường rất vô tâm, chính vì thế dễ dàng làm cho họ bị tổn thương. Nhưng việc hàn gắn nó cũng không quá khó khăn bởi vì cho dù mẹ bạn có đau khổ đến thế nào đi chăng nữa thì trong lòng mẹ vẫn tràn đầy tình yêu dành cho bạn.
Tiểu Quyên cảm thấy mình và mẹ không thể nào trở lại như trước đây được nữa, cô bé chiếc rằng mình đã sai lầm. Thực ra, cô bé không biết rằng: Dù gì thì tình cảm giữa hai mẹ con họ giờ đây cũng không thể nào giống như khi Tiểu Quyên còn nhỏ được nữa! Khi con gái đã lớn, mẹ làm sao còn có thể chăm sóc từng li từng tí như khi bạn còn nhỏ được?
Bây giờ hai mẹ con Tiểu Quyên có thể trở thành những người bạn tốt của nhau. Con gái lớn hoàn toàn có thể là một “quân sư” cho mẹ trong cuộc sống. Chính vì thế mà tôi tin rằng. Tình cảm giữa hai mẹ con Tiểu Quyên không những không xa cách mà còn có thể gắn bó hơn xưa!
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc