Cho Anh Nhìn Về Em - Tâp 2 - Chương 02

Tác giả: Tân Di Ổ

Hai mặt của tấm gương
.Cô muốn gặp Trần Khiết Khiết một lần. Vì nhiều khi, cô bất chợt cảm giác, Trần Khiết Khiết chính là cô, cô chính là Trần Khiết Khiết, hai người là hai mặt của tấm gương, trái ngược mà lại tương thông.
Cát Niên tỉnh giấc bên gối, không còn thiêu thân, không còn bướm, không còn tiếng còi sắc lạnh buốt nhói linh hồn, không còn cảnh chen chúc đi đánh răng rửa mặt, chỉ có mùi không khí trong lành riêng có vào mỗi buổi sớm trong vườn, ánh nắng len qua lá cây hắt bóng xuống bậu cửa sổ. Cô dường như vẫn có thể cảm nhận thấy, người ấy đang đứng đợi dưới gốc cây, khẽ nhắm mắt thư thái, và có lẽ chỉ một giây sau, anh sẽ mỉm cười đẩy cửa bước vào.
Cô thấy không có gì có thể khiến cô có cảm giác khoan khoái và yên ả như lúc này.
Đánh răng rửa mặt qua loa xong, Cát Niên tới quán chú Tài lấy sữa tươi như thường ngày. Chú Tài nhìn thấy cô liền cười tươi như hoa.
“Cát Niên à, sao cả đợt này thần Cổ phiếu không tới đây nhỉ?” Chú Tài nửa đùa nửa thật hỏi, vừa như chuyện phiếm giữa những người hàng xóm, vừa như hy vọng vào mấy cổ phiếu đang có trong tay.
Cát Niên cười nói: “Anh ta sao dám đến thường xuyên chứ, nhỡ chú kiếm bộn tiền trên sàn chứng khoán thì còn tâm trí nào để mắt đến cái quán nhỏ này, lúc ấy tìm đâu ra chỗ bán sữa bò ngon nhất thành phố nữa?”
Cái cửa hiệu nhỏ này sớm đã từ người chủ đầu tiên qua tay nhiều người, ba năm trước chú Tài dọn đến mở quán sữa bò tại đây. Năm đó dưới nhát dao của Vu Vũ, Lâm Hằng Quý may mắn thoát ૮ɦếƭ, “người hại hắn” lại không có kết cục tốt đẹp như vậy, vì chuyện này mà Hằng Quý rất mãn nguyện. Có điều tuy căn nhà nhỏ của Vu Vũ đã rơi vào tay hắn nhưng hắn ta trước sau chưa từng thực sự bước vào lấy một lần. Sau khi thoát ૮ɦếƭ, Lâm Hằng Quý dần dần tin vào ma quỷ, hắn luôn cảm thấy có oan hồn lảng vảng xung quanh căn nhà, đuổi mãi không đi, chỉ cần hắn đêm khuya lại gần dường như liền có thể nhìn thấy khuôn mặt đầy máu của Vu Vũ. Dần dần, tin đồn thất thiệt về căn nhà xui xẻo có hai đời tội phạm Gi*t người không biết từ lúc nào đã được truyền đi khắp nơi, hắn ta muốn bán căn nhà lại càng khó hơn.
Nửa năm trước khi Cát Niên ra tù, cơ thể tàn tạ vừa lành trọng thương của Lâm Hằng Quý không còn chống đỡ nổi những cơn nát rượu ngày này qua ngày khác, cuối cùng trong một lần uống rượu khuya, hắn đột tử ngay trong quán rượu. Khâm liệm qua loa cho hắn xong, với danh nghĩa anh chị họ bên nội của Lâm Hằng Quý, và cũng là những người họ hàng duy nhất được biết đến của hắn, cô chú của Cát Niên được thừa kế ngôi nhà và cửa tiệm nhỏ hắn để lại. Nhà không ai dám ở, nhưng việc chuyển nhượng cửa tiệm nhỏ làm ăn phát đạt nhất khu cũng tương đối thuận lợi. Cứ như vậy, nhiều năm sau, cửa tiệm được nhượng vào tay chú Tài.
Chú Tài thuộc lớp người cao niên ở mảnh đất này, có thể nói là trông từng ngày Cát Niên và Vu Vũ trưởng thành, về sau Cát Niên rời đi theo bố mẹ, bao năm không gặp, giờ cô lại dẫn theo một đứa trẻ trở về sống tại đây. Những láng giềng trước kia người có tiền đã vào thành phố sống từ lâu, kẻ không có tiền đa số vì mưu sinh mà rời đi hết, về sau ở đây dần trở thành khu vực có mật độ người ngoại tỉnh tương đối dày đặc, những người biết chuyện bọn Cát Niên trước đây cũng không nhiều. Chú Tài là một trong số đó, chú biết rõ tính tình nham hiểm, độc ác của Lâm Hằng Quý xưa nay, trong con mắt trung thực khoan dung của chú, có thế nào cũng không nhìn ra Cát Niên có liên hệ gì với một phụ nữ ngồi tù vì tội ςướק của. Chú tin tưởng vào con mắt của nhìn người đã nửa đời người của mình, chẳng thèm đếm xỉa đến mấy thông báo đề phòng Cát Niên từ tổ dân phố, từ trước tới nay không hề nhìn cô với ánh mắt kỳ thị. Vì vậy mấy năm nay, chú Tài là người hàng xóm thân thiện nhất với hai cô cháu Cát Niên, thỉnh thoảng còn có thể huyên thuyên vài câu. Còn với những người khác, Cát Niên biết mọi người ít nhiều cũng có chút kiêng dè trước quá khứ của cô, cô cũng không muốn làm phiền đến ai, trước sau chỉ cùng Phi Minh lặng lẽ đi đi về về như cái bóng.
Cát Niên quay vào nhà, Phi Minh vẫn còn chưa tỉnh. Cô đặt chai sữa lên đầu giường, khi ngoảnh lại chợt thấy Phi Minh đang say giấc, tay vẫn còn ôm chặt một vật gì đó trong lòng. Cát Niên cúi xuống xem, ra là chiếc vợt cầu lông của Hàn Thuật tặng, sợ chiếc vợt làm Phi Minh khó chịu, cô khẽ thử rút ra đặt lên đầu giường, nhưng chiếc vợt trong lòng Phi Minh vẫn không hề nhúc nhích, con bé này ôm chặt quá thôi.
Phi Minh trân trọng món quà này là vậy, sự trân trọng vượt quá cả ý nghĩa của bản thân chiếc vợt. Đây cũng là nguyên nhân Cát Niên không bắt Phi Minh đem chiếc vợt cầu lông quý báu trả lại cho Hàn Thuật dù cô có lý do để làm như vậy, cô không muốn làm tổn thương Phi Minh vì lý do có vẻ như chính đáng ấy. Phi Minh khi nhỏ không phải là một đứa trẻ khỏe mạnh, luôn đau ốm gầy gò vì bệnh tật, khi mơ con bé thường có thói quen chau mày, thích ôm chặt chăn, gặm móng tay. Cát Niên đã thử qua nhiều cách, vẫn không có chuyển biến gì, nhưng giờ cô mới để ý khuôn mặt đang mơ của Phi Minh nhìn rất khoan khoái, thậm chí là hạnh phúc, như thể đang ở trong một giấc mơ ngọt ngào. Cát Niên cũng không nỡ đánh thức con bé dậy, nhưng Phi Minh bắt buộc phải dậy thôi, không sẽ muộn giờ mất.
Việc chuẩn bị truớc giờ đi học như một trận chiến, đầu tiên Phi Minh bới tung tủ quần áo bé xíu của mình, đứng trước gương ướm thử hồi lâu mới quyết định nổi hôm nay mặc gì, sau đó con bé còn từ chối để cô Cát Niên chải đầu vì Cát Niên chỉ biết buộc kiểu tóc đuôi ngựa đơn giản. Khi Phi Minh mặc bộ váy màu hồng phấn, trên đầu tết vô số các bím tóc nhỏ được cột lại bằng chiếc nơ bướm lấp lánh xuất hiện trước mặt Cát Niên, cô mới bắt đầu ý thức được đây có lẽ không phải là một buổi sáng bình thường, ít nhất là đối với Phi Minh.
Như bình thường, nếu phải đi làm ăn sáng, Cát Niên sẽ cùng Phi Minh ra khỏi nhà, đưa cô bé đến bến xe buýt rồi mỗi người lên một xe. Về điểm này Cát Niên buộc phải công nhận Phi Minh đã học được cách tự chăm sóc bản thân sớm hơn các bạn cùng lứa. Vì cô vừa độc thân, lại phải đi làm nuôi cả gia đình, khó tránh khỏi việc chăm sóc cô bé không chu đáo, bởi vậy ngay từ lớp Một, Phi Minh đã tự ngồi xe buýt đi học.
Kể từ lúc bước ra khỏi nhà, Phi Minh liền nôn nóng nhìn ngang nhìn ngửa, cô bé còn không giấu nổi phấn khích, mặt mũi tươi cười háo hức, mắt sáng hệt đèn pin.
“Phi Minh, hẹn với Lý Đắc cùng đi học hả?” Cát Niên hỏi đùa. Lý Đắc là bạn trai được các bạn gái thích nhất ở lớp Phi Minh, Phi Minh tuy không chịu thừa nhận nhưng có hôm Cát Niên thấy cô bé ban đêm chăm chú ngồi làm bài cho Lý Đắc, từng nét từng nét, cẩn thận hơn cả làm cho mình.
Phi Minh đỏ mặt, bĩu môi: “Cô, ý nghĩ của người lớn các cô thật tầm thường.”
Cát Niên chưa kịp đáp lời đã nghe thấy hai tiếng còi xe hơi, nhìn theo hướng âm thanh, chiếc xe đỗ ngay gần quán chú Tài chẳng phải là chiếc Subaru của Hàn Thuật sao? Hàn Thuật nhìn thấy hai cô cháu bèn ngó đầu vẫy tay cười, Phi Minh đang bắt chước người lớn giả điềm tĩnh bỗng vui mừng như chú chim hỷ tước bay thẳng tới chỗ Hàn Thuật.
Cát Niên do dự hồi lâu cũng đành phải đi theo. Cô bước tới bên chiếc xe đã thấy Phi Minh đang líu la líu lo chú Hàn Thuật thế này, chú Hàn Thuật thế kia mãi không ngớt, chiếc nơ bướm rực rỡ trên đầu đang đung đưa theo làn gió sớm. Hàn Thuật có vẻ nghe rất chăm chú, nhưng mắt bất giác lại nhìn về phía Cát Niên.
“Cô, chú Hàn Thuật nói sẽ đưa cháu tới trường!” Phi Minh vui vẻ nói lớn, giọng không giấu nổi niềm phấn khích xen lẫn tự hào. Từ khi đi học, chỉ trừ có bị ốm, trước nay chưa hề có ai đưa cô bé đi học, huống hồ lại còn là chú Thuật siêu cool lái chiếc xe siêu cool đưa tới trường nữa.
“Ừm, tôi thấy… nếu anh đưa Phi Minh đi học rồi lại quay về đi làm chắc sẽ không kịp đâu.” Cát Niên chậm rãi nói, cô vuốt vuốt chiếc nơ bướm như còn to hơn đầu Phi Minh, “Phi Minh, cảm ơn chú đi, nhưng cháu không thể làm chú Thuật bị muộn giờ được.”
Phi Minh không giấu nổi vẻ thất vọng tràn trề, Cát Niên liền nhìn đi chỗ khác.
Hàn Thuật vội vàng nói: “Yên tâm đi, sáng nay anh có chút chuyện phải ra ngoài làm, đưa Phi Minh đi học rồi mới đi, cũng vừa tiện đường, mà đúng rồi, chỗ đó rất gần chỗ em làm, lên xe đi, anh đưa em đi.”
Chỉ chờ có thế Phi Minh đã vội vàng ngồi ngay vào xe, vỗ vỗ chiếc ghế bên cạnh nói: “Cô, lên xe thôi, chúng ta cùng đi.”
“Đúng vậy, chúng ta cùng đi.” Hàn Thuật nhắc lại lời Phi Minh, “chúng ta”, “cùng đi”, nghe rất giống một gia đình ba người, cảm giác ấm áp của câu nói khiến Hàn Thuật cảm thấy vừa lạ lẫm vừa xúc động.
“Thôi, sáng nay tôi có việc phải ra ngoài làm, không thuận đường. Phi Minh, đi đường phải nghe lời đấy.” Cát Niên không lay chuyển được Phi Minh, đành nói với Hàn Thuật, “Phiền anh vậy.”
Khi nói thậm chí mắt cô không nhìn anh. Hàn Thuật thất vọng, cả cô bé trong xe dường như cũng đồng cảm với anh.
“Cô, lên đi mà, lên đi mà.”
Con bé này, cứ làm như mình là chủ chiếc xe này vậy.
Cát Niên cười vẫy tay tạm biệt Phi Minh.
“Cô, cô đi đâu chú Hàn Thuật cũng có thể đưa cô đi mà, cô ngồi xe buýt thì nhanh hơn sao?”
Cát Niên đáp: “Cô bắt tàu Thần Châu 6 cơ.”
Chiếc xe của Hàn Thuật đưa Phi Minh đi xa, cuối cùng, chỉ còn lại màu hồng của chiếc nơ bướm trên đầu Phi Minh phấp phới trong mắt Cát Niên. Trước đó, cô dường như nghe thấy tiếng Hàn Thuật lịch lãm khen Phi Minh ăn diện rất “cool”, Phi Minh nghe xong không nén nổi vui sướng. Hàn Thuật luôn biết cách để một cô gái vui lòng nguôi giận đúng lúc, sau khi trưởng thành anh đã bỏ được cái tính khí khó chịu tuổi thiếu niên, phong độ thanh cao, lại biết ăn nói, lực sát thương đối với chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi quả thực không nhỏ.
Trong tù, Cát Niên từ chối tất cả các vật phẩm người khác gửi vào, chỉ duy nhất giữ lại bức ảnh bốn người ở sân cầu lông. Bức ảnh đó đã cùng cô bầu bạn suốt ba năm đen tối nhất, mặt sau của bức ảnh là chữ viết của Hàn Thuật – “Cho anh nhìn về em, năm 1997.” Đây là điều sâu sắc nhất mà cũng vô vọng nhất người con trai ấy có thể làm.
Cát Niên đã tự hỏi mình, đối mặt với sự đeo bám của Hàn Thuật, liệu cô có từng động lòng, dù chỉ một chút thôi.
Có ư?
Không có ư?
Một cô gái đang tuổi trăng rằm, trước tình cảm của một người con trai như Hàn Thuật, lẽ nào cô có thể không động lòng. Tuy anh bá đạo ngang ngược, đeo bám lẵng nhẵng, nực cười là vậy, song cũng thuần khiết là vậy. Nếu như không có cái ký ức bẩn thỉu trong nhà nghỉ đêm hôm đó và vẻ im lặng sau này trên tòa án, liệu mỗi khi nhớ về anh, Cát Niên có thể mỉm cười? Nhưng “Cho em nhìn về anh” chẳng phải cũng chính là câu cô thường thầm nói với Tiểu hòa thượng hay sao? Hàn Thuật nhìn về phía cô, cô lại nhìn về phía Tiểu hòa thượng, làm sao để ý tới chuyện quay đầu lại? Nhưng rồi, ai mới là người Tiểu hòa thượng hướng về?
Mỗi khi Phi Minh ngủ, Cát Niên thường nhìn chăm chú khuôn mặt cô bé, cô luôn hy vọng có thể thấy hình bóng mình trông chờ từ khuôn mặt Phi Minh, nhưng hết lần này đến lần khác đều thất vọng, nỗi thất vọng càng lớn hơn theo từng ngày cô bé trưởng thành.
Phi Minh quá giống mẹ ruột.
Cô bé xinh xắn, háo thắng, dũng cảm, ngang bướng, ưa hư vinh.
Cát Niên không sao tìm được nét quen thuộc từ Phi Minh, khuôn mặt nhỏ nhắn ấy chỉ toàn hiện lên một dung nhan đẹp đẽ khác, chủ nhân của dung nhan ấy cố kìm nước mắt, cắn chặt răng nói: “Đã nói là cùng đi, anh ấy đã đồng ý rồi, không thể thay đổi được!”
Sức mạnh của di truyền thật lớn biết bao.
Đối với số phận một phạm nhân, có người đến thăm là một chuyện vừa đáng mong đợi vừa đáng e sợ, một mặt, điều này có nghĩa là có thể được gặp người thân, bạn bè, trong cuộc sống âm u không biết đến mặt trời này, điều đó như thể mưa rơi giữa sa mạc; một mặt, tới cùng với những lần thăm tù thường là những tin dữ như ૮ɦếƭ chóc, ly dị, chia tay.
Ba năm trời, Cát Niên hoàn toàn không mong có ai đến thăm. Bố mẹ chắc chắn không tới, cô biết, với vợ chồng Tạ Mậu Hoa, những gì cô đã làm là nỗi nhục cả đời không gột rửa nổi, nói thật, nếu như bố mẹ có xuất hiện trước mặt cô thật, Cát Niên không biết phải đối diện như thế nào, lúc đó chắc cô chỉ mong mình là con đà điểu có thể rúc đầu xuống cát. Gặp mặt chỉ khiến mọi người cảm thấy khó xử và đau khổ, chi bằng đừng gặp, cứ coi như cô đã ૮ɦếƭ cho rồi. Có lẽ trong lòng bố mẹ cũng đã sớm nghĩ vậy từ lâu.
Đề nghị vào thăm cô có kiểm sát viên Thái, bạn học của Hàn Thuật – Phương Chí Hòa, cô cũng nhận được một bức điện kỳ lạ, phía trên viết một số tiền kha khá, quản giáo bảo cô ký tên ủy thác cho nhà tù quản lý tạm thời, Cát Niên không ký, cũng từ chối gặp bất kỳ ai. Lần duy nhất cô tiếp nhận thăm tù là vào năm tù thứ hai, người xin thăm Cát Niên là Trần Khiết Khiết.
Cát Niên cả đêm không ngủ. Cô không muốn gặp bất kỳ ai trên đời này nữa, nhưng Trần Khiết Khiết là ngoại lệ. Bỏ qua mọi ân oán thù hận, Trần Khiết Khiết là người đã chứng kiến khoảng thời gian đó. Khi đó Cát Niên đã ở tù được hơn 700 ngày, quá khứ đen tối trôi qua như một giấc mơ, không biết bao lần cô đã giơ tay ra, nhưng tất cả những gì cô tóm được chỉ là không khí, cô cần thấy Trần Khiết Khiết bằng xương bằng thịt đứng trước mặt, chứng minh quãng thời gian ấy thực sự tồn tại. Cát Niên từng cầm chiếc kéo trong phòng đọc sách định cắt bỏ hai người còn lại trong bức ảnh bốn người, chỉ để lại cô và Vu Vũ. Nhưng cuối cùng cô đã không làm vậy, cô không cắt nổi những ánh mắt ngóng trông ấy, không cắt nổi hai bàn tay nắm chặt ở một nơi không nhìn thấy, không cắt nổi trăm tơ ngàn sợi vướng mắc đằng sau bức ảnh.
Cô muốn gặp Trần Khiết Khiết một lần. Bởi nhiều khi, cô bất chợt cảm giác, Trần Khiết Khiết chính là cô, cô chính là Trần Khiết Khiết, hai người là hai mặt của tấm gương, trái ngược mà tương thông.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay