Cây Kim Sợi Chỉ - Chương 62

Tác giả: Lan Rùa

Mợ Phượng nhìn bộ mặt đầy đăm chiêu của thằng Lập liền nhếch môi cười khẩy. Lật đổ mợ đâu có dễ thế hả Lập? Mợ đã đi trước mày một bước rồi, mày không biết ư? Ban nãy khi thầy Tài tới phòng mợ, mợ đã giao cho thầy túi hạt sen bị tẩm độc mà mợ chuẩn bị sẵn cho những trường hợp xấu xảy ra rồi quỳ xuống thưa chuyện:
- Bẩm thầy, cách đây ba tháng, tình cờ thấy con Cúc quẳng túi hạt sen bu Tuyết mua cho mợ Hân đi rồi bốc hạt sen ở chiếc túi khác để nấu canh con liền nghi ngờ. Con bốc trộm một nắm hạt sen trong chiếc túi đó đưa cho thằng Tiến đi kiểm tra thì phát hiện ra hạt sen bị tẩm thuốc, người ăn canh nấu từ loại hạt sen đó trong ba tháng sẽ bị vô sinh. Vì thương mợ Hân nên con đã lén tráo túi hạt sen của con Cúc bằng túi hạt sen khác thơm ngon và không có độc, còn túi hạt sen của con Cúc con vẫn giữ tới giờ.
- Sao lúc phát hiện ra mợ không báo tôi để tôi đuổi nó ra khỏi nhà luôn? Loại người như thế giữ lại làm gì?
Ông Tài cáu, mợ Phượng giải thích:
- Con nghĩ chắc là nó mê đắm cậu Hoan nên nhất thời bốc đồng thôi chứ không có ác ý.
- Có ý định hại người khác vô sinh không ác ý thì thế nào mới là ác ý? Con khốn nạn!
- Dạ, nhưng mới chỉ là ý định thôi, rất may con đã phát hiện ra kịp thời để tráo túi hạt sen, ngăn cản hành động bẩn thỉu của nó. Con nghĩ con người ai cũng có lúc mắc sai lầm, quan trọng là có biết sửa sai hay không… vì thế nên từ hồi đó tới giờ con luôn bóng gió nhắc nhở Cúc để nó tự cảm thấy biết lỗi mà dừng lại… chỉ tiếc…
Ông Tài khẽ thở dài. Cái ngày mợ Hân mới về làm dâu, thấy mợ Phượng nói mợ Hân là sao chổi ông biết mợ Phượng cũng có chút ganh tị với mợ Hân, nhưng suy cho cùng mợ Phượng vẫn là người lương thiện. Tính cách mợ bộc trực khá giống bà Hoa, thảo nào hồi còn sống bà rất thích mợ, luôn miệng bảo ông phải rước mợ về cho cậu Lộc. Chỉ tiếc, ngày mợ về cũng là ngày cậu đi. Mỗi khi mợ so bì với mợ Hân ông luôn nghiêm giọng mắng mỏ nhưng thực lòng ông rất thương mợ. Đàn bà con gái giường đơn gối chiếc thực sự tội nghiệp ghê lắm. Ông Tài vỗ nhẹ lên vai mợ Phượng rồi bảo:
- Có gì đứng lên nói tiếp.
Mợ Phượng không đứng lên mà chỉ cúi gằm mặt xuống đất khóc nức nở. Mợ nghẹn ngào nói:
- Vì đợi mãi không thấy Cúc hối cải nên con gọi nó đến phòng nói thẳng là con đã biết mọi chuyện, đồng thời khuyên con bé thú tội với mợ Hân. Ai ngờ nó nhất quyết không chịu, còn vênh mặt doạ con là nó sẽ tới phòng mợ Hân để lu loa lên rằng con là người đứng đằng sau giật dây nó. Con khổ quá thầy ơi!
- Cái loại… ăn cháo đá bát!
Ông Tài bức xúc thay con dâu, mợ Phượng tò mò hỏi:
- Có phải ban nãy mợ Hân mời thầy ra ngoài nói chuyện riêng là vì muốn tố cáo con không thầy? Mợ Hân chưa xem xét kỹ càng đã tin lời một con đầy tớ để vu oán giá hoạ cho chị dâu, mợ Hân hồ đồ quá.
Mợ Phượng muốn đóng vai người bị hại, nhưng thật tiếc, ông Tài đã phản bác:
- Mợ nghi oan cho mợ Hân rồi. Dạo này tôi thấy mình già rồi, bắt đầu muốn rong chơi nên mấy bữa trước tôi có đề nghị mợ Hân bắt đầu từ tháng sau bố trí thời gian để quản lý sổ sách của xưởng gỗ nhà mình…
Ông Tài chưa nói xong mợ Phượng đã ngắt lời:
- Thầy định giao cho mợ Hân quản lý mấy xưởng nhỏ?
- Đã giao thì giao tất chứ, tôi định giao cho mợ Hân quản lý cả cái xưởng lớn luôn.
- Cả xưởng lớn tức là hai chục xưởng nhỏ đấy ạ? Nhưng con đang quản lý sổ sách của năm xưởng nhỏ mà thầy.
- Thì mợ kêu đau đầu suốt ngày nên tôi mới thương mợ, định giao hết cho mợ Hân cho mợ nhẹ đầu.
Mợ Phượng kêu làm màu vậy thôi, để thầy nghĩ mợ vất vả cống hiến cho gia đình chứ mợ thích công việc đó bỏ xừ đi được. Mợ lo lắng hỏi thầy Tài:
- Vậy ra ban nãy mợ Hân gọi thầy ra nói chuyện riêng là vì chuyện đó ạ? Ý mợ ấy như nào hả thầy?
- Ừ, mợ Hân bảo có thể sắp xếp thời gian được, nhưng mợ Hân khuyên tôi không nên tự quyết một mình mà nên hỏi ý kiến của mợ nữa. Người nhà với nhau mà mợ Hân cứ khách sáo quá làm tôi cũng hơi bực. Nhưng thôi, tiện thể tôi hỏi mợ luôn, ý mợ sao? Tôi giao hết sổ sách cho mợ Hân được không?
- Thì… có gì mà không được đâu thầy… con chỉ sợ mợ Hân bận chuyện ở hiệu thuốc, ôm đồm thêm đống sổ sách lại ốm ra đấy. Với cả mợ Hân cũng chưa có kinh nghiệm gì nhiều, sợ không giải quyết được công việc.
- Ôi dào! Mợ khỏi lo bò trắng răng. Học dốt như mợ còn làm được thì đầu óc cỡ mợ Hân tôi dạy cho dăm bữa nửa tháng là quen liền. Cứ quyết thế đi nhá!
- Vâng, nhưng bây giờ mợ Hân đang bị trúng độc mà thầy, đợi mợ ấy tỉnh táo trở lại rồi con, thầy và mợ ấy cùng bàn bạc chuyện này sau được không ạ?
Mợ Phượng lựa lời khuyên nhủ, ông Tài thấy mợ nói có lý liền gật đầu đồng tình. Cứ nghĩ tới chuyện mợ Hân bị đầu độc ngay trước mắt mình ông lại thấy cay, vì chưa tìm được thủ phạm nên ông chỉ còn biết trút giận lên đầu con Cúc. Ông chửi nó tứ tung, nó không biết lỗi thì thôi còn cứ đổ cho mợ Phượng. Mợ rớt nước mắt hỏi nó:
- Cúc! Mợ đối xử với mày đâu có đến nỗi nào đâu mà sao mày lại ác với mợ như thế?
- Mợ Phượng! Sao mợ lật mặt nhanh như lật bánh tráng vậy? Mợ đừng như thế mợ ơi, con lật theo mợ sao kịp? Rõ ràng hạt sen tẩm thuốc là mợ đưa cho con, sau khi mợ Hân biết chuyện, chính mợ tuyên bố mợ sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm, sai con tới chỗ mợ Hân, thành thật khai báo là con bị mợ ép làm như thế. Mợ còn nói mợ Hân và ông Tài sẽ tha cho con vì con có công chỉ điểm.
- Tài năng bịa chuyện của mày đạt tới cảnh giới thượng thừa rồi Cúc ạ. Nếu như mợ tẩm thuốc vào hạt sen thì mợ phải chối bay chối biến chứ, mợ đâu có bị ngu đâu mà kêu mày khai báo sự thật với mợ Hân?
Ông Tài thấy mợ Phượng nói hết sức hợp lý nên buồn bực lấy cái roi mây vụt cho con Cúc vài phát rồi bảo:
- Vì mày còn nhỏ, còn tương lai tươi sáng phía trước nên ông không kiện cáo hay bắt bồi thường gì cả. Ông chỉ thay mặt thầy bu mày dạy dỗ mày chút xíu như vậy thôi. Mau về phòng dọn đồ rồi cút xéo đi cho ông!
Con Cúc uất mợ Phượng phát điên mà không làm gì được. Mọi lời nói của nó đều trở nên vô nghĩa vì chẳng có bằng chứng. Nó lủi thủi về phòng dọn đồ. Tụi người làm mọi ngày chơi thân với nó vì sợ liên luỵ nên tránh nó như tránh tà, chỉ có thằng Lập, tuy thường ngày hay khắc khẩu nhưng vẫn lấy xe máy chở nó về quê. Nhà Cúc ở một ngôi làng nhỏ cách biệt phủ của ông Tài gần mười tám cây số. Trước khi tạm biệt, Lập bảo Cúc:
- Anh biết hôm nay ông Tài phân xử chưa đúng, nhưng mày đừng nên nghĩ là mày oan Cúc ạ. Nếu như tâm địa mày không xấu thì đời mày chắc chắn sẽ không bao giờ có ngày hôm nay. Chỉ khi nào mày nhận thức được bản thân mình đã tởm lợm như nào thì mày mới có thể rũ bùn mà đứng dậy. Chúc may mắn nha em yêu!
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc