Em chuồn rồi.Uyên lùi dần ra sau, cô vẫn nhìn thẳng vào ánh mắt sắc bén của Khoa, áp lực từ anh quá lớn khiến cô sợ hãi. Từng lời anh nói vừa khó nghe, vừa lạnh lùng không chút tình cảm lại dễ dàng khiến tim cô rung lên những nhịp đập lạ kì.
Gót chân Uyên va vào chân ghế, đau đớn buốt lên tận não. Cô lùi hẳn ra sau rồi ngồi xổm xuống, khuôn mặt vùi vào vòng tay đang ôm gối. Uyên rất thản nhiên òa khóc.
– Thầy bắt nạt em, hu hu, thầy bắt nạt em.
Khoa bối rối, anh bước về phía trước rồi ngồi xuống đối diện Uyên nhưng tay chân luống cuống không biết làm thế nào cho phải. Anh có thể hơn thua chuyện cô hung dữ, có thể dùng lời nói đè bẹp miệng lưỡi đanh đá của Uyên, nhưng nước mắt của cô khiến anh thấy bản thân mang tội. Anh dịu dàng vuốt tóc Uyên:
– Ngoan, em đừng khóc.
Tiếng khóc của Uyên càng to hơn:
– Thầy bắt nạt em, thầy không tốt.
Khoa thở dài:
– Ừ, thầy không tốt.
Uyên nức nở:
– Thầy bắt nạt em, thầy sai rồi.
Khoa gật đầu:
– Ừ, thầy sai rồi.
Uyên ngẩng đầu nhìn Khoa, khuôn mặt cô còn lem nhem nước mắt nhưng đôi mắt mí lót lại sáng rỡ vẻ láu cá khi tính kế được ai, cô nhoẻn miệng cười:
– Thầy sai rồi thì xin lỗi em đi, xin lỗi xong rồi hẵng về.
Khoa sửng sốt rồi bật cười bất đắc dĩ.
– Được, xin lỗi em, giờ thì trả ví cho tôi được chưa?
Uyên dùng tay lau nước mắt rồi đứng dậy, cô lấy ví của Khoa từ túi áo khoác rồi ném nó vào người anh:
– Trả đó, giờ thầy có thể về.
Khoa cho ví vào túi rồi ngồi xuống ghế, anh tự nhiên cầm phần bánh hambuger đang để trên bàn cho vào miệng:
– Ngon thật đấy. Nhưng mà em nhận lời rồi hả?
– Ăn đi, thầy ăn cho nghẹn ngang cổ rồi đi bệnh viện cấp cứu đi.
Uyên trừng mắt với Khoa, “thằng cha” này điên rồi, vài phút trước còn hùng hổ tuyên bố sẽ theo đuổi cô, giờ thì vui mừng hỏi cô “đã nhận lời chưa”. Đôi mắt chứa nhiều thất vọng cùng buồn bã của Tùng bỗng hiện ra trước mắt Uyên, cô nhận lời rồi, không phải nhận lời yêu, là nhận lời tiếp tục làm bạn.
Cổ họng khô khốc, đắng ngắt, Uyên rót một ly nước để uống rồi nói với Khoa:
– Thầy ăn xong thì về đi, em muốn đi ngủ.
Khoa đặt bánh xuống bàn, anh nhìn đôi mắt chưa đầy tia máu của Uyên:
– Đêm qua em không ngủ?
– Thầy nghĩ em sẽ ngủ được khi trong nhà bỗng nhiều thêm một con cáo sao?
– Bạn cùng nhà với em đâu rồi?
– Về quê rồi.
– Em không về sao?
– Thầy nhiều chuyện quá đấy, đi về đi.
Khoa nhìn Uyên cười cười, anh đang có ý định chọc cô cáu lên thì điện thoại đổ chuông. Tiếng nhạc “Let it go” vang lên làm cả hai vô thức tìm kiếm. Khoa mở máy, anh chưa kịp “A lô” thì giọng chị Tâm đã vang lên khá lớn:
– Thằng kia, mày không muốn sống nữa phải không? Đi đâu cả đêm qua không về? Tới giờ đi đón ba mẹ rồi ông tướng, về ngay cho chị.
Da đầu Khoa giật giật, mày anh nhướn lên nhìn cái mím môi cố nhịn cười của Uyên:
– Em về ngay đây, chị đến sân bay trước đi, 30 phút nữa em sẽ có mặt ở đó.
Khoa vừa cúp máy thì Uyên cười hớn hở:
– Thầy về ngay đi ạ, bye bye.
Uyên kéo tay Khoa tống ra khỏi nhà rồi sập cửa thật mạnh khi anh chưa kịp quay lưng. Khoa sờ mũi rồi gọi taxi đến thẳng sân bay.
………………..
Khoa vừa tìm thấy chị Tâm trong khu vực sân bay đã nhận ngay một cú đập tay vào vai như trời giáng, sau đó mặc kệ anh rể đang nhìn, Tâm tự nhiên choàng tay qua vai kéo đầu Khoa xuống ngang tầm mình. Chị cười rất gian:
– Chú mày khai mau, có phải có bạn gái rồi không?
Khoa đưa mắt cầu cứu anh rể nhưng thất bại, anh kéo tay chị Tâm ra khỏi cổ mình, giọng khẩn khoản:
– Chị tha cho em, em biết em sai rồi.
– Sai chỗ nào?
– Em không nên qua đêm ở bên ngoài.
– Sai chỗ nào?
– Em không nên để chị gọi điện mắng.
– Sai chỗ nào?
– Em không nên không nhớ đến sân bay đón ba mẹ về.
– Sai chỗ nào?
– Dạ hết rồi.
Tâm kéo đầu Khoa xuống, cánh tay chị kẹp cứng cổ Khoa, bàn tay co lại thụi vào bụng anh:
– Tại sao có bạn gái mà không nói cho chị?
Khoa la oai oái rồi cáu lên, anh giật tay chị Tâm ra khỏi cổ rồi đứng thẳng người:
– Chị thôi đi, người ta đang nhìn kìa, em đã hai mươi bảy tuổi chứ đâu còn nhỏ nữa. Hơn nữa em chưa có bạn gái. Ok?
Tâm sửng sốt, chị suýt nữa thì quên em trai mình đã hai mươi bảy tuổi.
Một cô chị chăm sóc cậu em mình từ nhỏ đến lớn sẽ không bao giờ nhớ rằng cậu em ấy đã lớn lên.
– Nhìn mặt mũi đầy mùa xuân thế kia mà dám nói chưa có bạn gái. Hay là yêu đơn phương người ta? Hay là cưa người ta chưa đổ?
– Cưa người ta chưa đổ, được chưa? Chẳng lẽ em trai chị ưu tú như thế này lại phải yêu đơn phương.
Tâm lườm Khoa coi thường:
– Chị nói cho mày biết, trong tình yêu không có chuyện ưu tú hay không ưu tú đâu, chỉ có chuyện người ta có chịu thích mày hay không thôi.
– Chị đừng có ỷ mình đã có chồng mà lên mặt với em.
– Hai chị em đừng cãi nhau nữa, ba mẹ ra rồi kìa. – Huy không nhịn được phải chen ngang cuộc tranh cãi của vợ mình cùng em trai. Anh không tưởng tượng được hơn hai mươi năm qua hai chị em họ sống với nhau như thế nào mà mỗi lần gặp nhau là mỗi lần tranh cãi gay gắt.
Tâm quay sang cười với chồng một cái thật ngọt rồi trừng Khoa:
– Mày chờ đó, trước sau gì thì cũng dắt con bé đó về thôi.
Khoa toét miệng cười thật tươi phớt lờ cái trừng mắt cùng câu nói đầy đe dọa của chị. Người ngoài sẽ cảm thấy khó hiểu với cách chung sống của hai chị em nhưng chỉ anh và chị Tâm mới biết, tranh cãi là cách anh và chị Tâm yêu thương nhau từ lúc anh hiểu chuyện đến giờ.
Những mối quan hệ ruột thịt bao giờ cũng có cách sống chung và cách yêu thương nhau rất riêng.
Sân ga quốc tế những ngày cuối năm đông nghẹt người, dựa vào lợi thế chiều cao, Khoa dễ dàng chen qua đám đông để tìm thấy ba mẹ một cách nhanh nhất.
Ba mẹ Khoa vốn là hai người xuất khẩu lao động, gặp và yêu nhau ở nơi đất khách rồi định cư hẳn ở nước ngoài khi Khoa vừa tròn sáu tuổi. Thuở nhỏ chưa hiểu chuyện, không biết bao nhiêu lần anh trách cứ ba mẹ mình nhưng rồi bằng tình yêu và sự chăm sóc của chị Tâm, Khoa dần trưởng thành và thấu hiểu hết những hi sinh của ba mẹ dành cho hai chị em anh.
Chẳng có ba mẹ nào muốn sống xa con cái, tất cả những gì họ làm đều mong con mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khoa cảm thấy may mắn vì dù bận rộn đến đâu, đến Tết ba mẹ anh cũng trở về để sum họp cùng anh và chị Tâm.
Tết là để trở về, trở về để có một gia đình đúng nghĩa.
Khoa bỗng dưng nhớ đến cô gái của mình, anh muốn biết lí do Uyên không trở về, muốn tìm hiểu về gia đình cô, muốn nhìn rõ những góc khuất đằng sau tâm hồn tươi trẻ và hầu như lúc nào cũng lạc quan của Uyên.
Khoa mím môi cười, bắt đầu thích một ai đó là bắt đầu muốn tìm hiểu tất cả những gì thuộc về người ta.
– Ba mẹ, bọn con ở đây.
Khoa đưa tay lên cao để vẫy ba mẹ mình, môi anh nở nụ cười thật tươi để chào đón họ trở về.
Giữa dòng người đông đúc, đôi vợ chồng trung niên đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn cậu con trai của mình, nụ cười trên khuôn mặt họ mãn nguyện đầy hạnh phúc.
…………….
Sau khi tống Khoa ra khỏi cổng, Uyên khóa cửa cần thận rồi quay vào phòng để ngủ. Cô nằm xuống giường cầm lên bức ảnh trên tủ nhìn đến ngẩn người, ngón tay Uyên di nhẹ trên ảnh, như muốn khắc họa từng đường nét trên khuôn mặt tươi cười của ba mình. Mỗi một ngày, Uyên đều nhìn ba mình trong ảnh để thỏa nỗi nhớ, để không quên nụ cười hạnh phúc của ba, để nhắc bản thân mình vẫn còn một người ba để nhớ chứ không hề cô độc.
Thế nhưng, mặc kệ nỗi nhớ mong gọi được thành tên, khắc sâu vào tâm khảm của Uyên, ba cô đã mười năm không trở về. Uyên nhớ đến người mẹ xinh đẹp cùng gia đình mới của bà thì sự tủi thân trào lên khóe mắt, cô ôm bức ảnh vào lòng để nước mắt từng giọt tự nhiên rơi.
Uyên khóc, đã là lần thứ hai trong một buổi sáng, cũng là lần thứ hai trong nhiều năm qua. Lần thứ nhất là khóc vì đau, vì uất ức trước Khoa, còn lần này là khóc vì tủi thân.
Uyên là cô gái lạc quan, cô không thích khóc, mỗi lần vấp ngã hay gặp khó khăn Uyên đều động viên mình bằng những niềm vui để cố lên. Uyên sợ, nước mắt sẽ làm cô yếu đuối và lạc lòng trước những cám dỗ của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa.
Uyên cho tay vào túi áo khoác, cô lấy điện thoại và thẻ sinh viên từ túi áo ra. Thẻ sinh viên làm Uyên nhớ đến Khoa, nhớ đến những lời anh vừa nói.
Từng lời của anh cộc cằn, lạnh lùng, khó nghe nhưng so với những lời nói chân thành từ Tùng, kì lạ là nó khiến tim cô đập lên rộn ràng, hệt như chịu quá nhiều áp lực, con người ta bùng nổ. Hoặc khác hơn, những thứ dịu dàng dễ đi vào trái tim còn nhưng điều mạnh mẽ dễ làm người ta ấn tượng.
Với Tùng là dịu dàng. Với Khoa là mạnh mẽ. Hơn ai hết, Uyên hiểu trái tim mình, nó luôn đập vì những điều ấn tượng.
Điện thoại đổ chuông gọi Uyên hoàn hồn, cô mở máy, là Quỳnh gọi:
– A lô, chị về đến nhà rồi hả?
Giọng Quỳnh ở đầu dây vang lên vừa mừng vừa vội:
– Uyên ơi, chị vừa qua nhà nội em, ba em về rồi. Em về đi.
Uyên đứng bật dậy ngay trên giường, bức ảnh trên người theo phản xạ của cô rơi thẳng xuống đất rồi vỡ tan. Uyên sững sờ nhìn những đường nứt của mặt gương trên ảnh, mắt cô mờ đi, bất an bỗng tràn đầy, giọng cô ngập ngừng:
– Ba em… ông ấy có khỏe không?
– Bác ấy khỏe, em về đi…
– Thật hả chị? Em đi mua vé rồi về ngay đây.
Uyên cúp máy khi Quỳnh chưa nói hết câu. Cô thay đồ, thu dọn hành lí rồi đi đến ga để về quê trong thời gian nhanh nhất.
Mất hơn sáu tiếng đồng hồ chen lấn trong đoàn người để mua vé, cuối cùng cô cũng yên vị trên chuyến tàu xuất phát lúc bốn giờ chiều, chuyến tàu tồi tàn và chạy chậm nhất.
Uyên cắm tai phone, đắm mình trong những cảnh vật con tàu lướt qua, môi cô nở nụ cười vui vẻ, chỉ cần được về với ba là Uyên đã thấy hạnh phúc.
……….
Bảy giờ tối cùng ngày.
Lúc Uyên còn đang mệt mỏi với cơn buồn ngủ và vật vã với việc say tàu thì điện thoại đổ chuông. Mắt nhắm mắt mở, Uyên bấm mở rồi đưa lên tai:
– Ai đó?
Bên kia đâu dây, Khoa kinh ngạc nghe chất giọng đầy vẻ mệt mỏi của Uyên:
– Em đang ở đâu? Tôi mời em ăn tối.
Uyên tỉnh ngủ, cô thẳng lưng nhớ ra đây chính là “thằng cha” mới hùng hồn tuyên bố sẽ theo đuổi cô. Uyên nhếch môi cười:
– Ồ, thầy đang theo đuổi em à?
– Em nghĩ sao?
– Em chuồn rồi.