Khi về nhà vào kì nghỉ đông năm thứ nhất, tôi mới biết rằng ở nhà mẹ tôi đã thôi việc, hơn nữa bệnh bướu cổ của mẹ vẫn chưa trị khỏi. Cả nhà sợ tôi lo lắng nên không nói cho tôi biết, tiền đưa cho tôi cũng không ít hơn một đồng. Tôi biết cha mẹ đã phải góp nhặt từng xu từng hào nuôi tôi ăn học. Cứ nghĩ đến việc cha mẹ đã gần hết đời người rồi mà vẫn chưa được hưởng một ngày an nhàn thoải mái, lúc nào cũng lao tâm khổ tứ vì tôi, tôi áy náy mãi không yên. Cứ nghĩ mình đã lớn thế này rồi mà suốt ngày chỉ biết đến mình thôi, còn bản thân mình ngay đến một hào cũng chưa kiếm được, tôi cảm thấy mình thật vô sỉ, thật đáng xấu hổ, nhục nhã. Học kì hai của năm nhất, tôi hạ quyết tâm tự mình kiếm tiền. Có lẽ, mỗi một sinh viên đại học có hoàn cảnh không khá lắm đều từng có kinh nghiệm làm gia sư. Trước đây, khi chưa biết rằng việc văn có thể bán lấy tiền, tôi cũng từng làm gia sư trong một thời gian tương đối dài. Nội tình bên trong, một lời khó có thể nói hết. Tôi thích làm cô giáo, vì tôi thực sự thích nghề giáo viên, mê mẩn với việc truyền đạt tri thức và cực kì yêu thích những đứa trẻ đang trưởng thành. Sự trưởng thành lành mạnh của một đứa trẻ có quan hệ mật thiết với người thầy. Tôi đã từng thấy rất nhiều những đứa trẻ bị giáo viên huỷ hoại lòng tự tôn, sự tự tin, thậm chí là cả tương lai cuộc đời. Mọi người có thể cho là tôi đã nói quá, cũng không sao. Đó là nghề nghiệp lí tưởng của tôi, một kiểu tín ngưỡng.
Khi mới bắt đầu tìm việc gia sư thật là cực khổ. Không quen biết ai nên đành bỏ 50 tệ cho trung tâm giới thiệu việc làm, rồi mỏi mắt ngón trông, mong bọn họ có thể mang đến cho mình một công việc. Những ai đã từng đến trung tâm giới thiệu tìm việc đều biết bọn họ rất đen tối, những thủ đoạn được sử dụng là lôi kéo, lừa bịp. Ví dụ, chỉ có một thông tin nhưng họ bán cho đến mấy sinh viên, sau đó để cho các bạn tự cạnh tranh với nhau. Đã có một buổi tối, tôi đáp xe từ Vũ Xương đến Hàn Âm dạy thử hai tiếng đồng hồ, vậy mà đến một ngụm nước cũng không được uống. Cuối cùng người ta nói buổi chiều cũng có một sinh viên đến dạy thử rồi và họ còn phải suy nghĩ đã. Một mình đi khắp nơi trong đêm tìm bến xe, nhìn những chiếc xe chạy qua chạy lại trên con phố vắng vé, tôi cảm thấy mình giống như một ngọn cỏ trong cánh đồng bát ngát giữa đêm khuya, đơn độc lẻ loi. Vào cái đêm xa lạ ấy, trên góc phố xa lạ, trong cái gió mùa đông lạnh thấu xương, tôi giống như một con vật bị bỏ rơi, muốn khóc mà không ra nước mắt.
Cũng có lần tôi gặp được người tốt, đó là một gia đình ở khu bệnh viện Hiệp Hoà, học trò là một cậu bé rất lanh lợi, mẹ cậu nói rằng cậu không nghe lời nhưng tôi cảm thấy tôi và cậu bé rất hợp hau, cậu bé đó và cha của cậu rất mến tôi, tôi nghĩ lần này công việc của mình nhất định là có bến đậu rồi. Nhưng cuối cùng, mẹ cậu bé tỏ ra kiên quyết không cần tôi. Ngay lúc đó tim tôi như rơi xuống đáy vực, bỗng nhiên nước mắt vòng quanh nơi khoé mắt. Tôi không rõ tại sao mình lại kém cỏi như thế nhưng cũng hiểu rằng đồng tiền thật khó kiếm biết bao. Tôi cố giấu nước mắt và ngẩng đầu lên, trong mắt mẹ cậu bé tôi hoàn toàn không đáng tín nhiệm. Tôi lặng lẽ đứng dậy, xỏ đôi giày thể thao nhem nhuốc của mình vào rồi ra mở cẳ. Lúc đó cha cậu bé đột nhiên đứng dậy mở cửa cho tôi và kiên quyết muốn tiễn tôi. Mẹ cậu bé ngay lập tức nói: "Ơ kìa, thật ngại quá, nào lại đây, lại đây, Quả Quả, hãy cùng bố tiễn chị đi con".
Tôi biết tại sao cô ấy không cần tôi. Cô ấy không yên tâm. Nhận thức được điều này tôi bỗng nhiên muốn cười. Khi tiễn tôi ra xe cha của Quả Quả nhất thiết dúi cho tôi 30 tệ và nói: "Đây là tiền dạy thử, hơn nữa, xa như vậy, cháu đi cũng không dễ dàng, rất xin lỗi cháu!". Tôi nhất định không lấy tiền. Tôi không nghèo khổ đến mức như vậy. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, Quả Quả hét to lên với tôi rằng: "Chị, em rất thích chị". Tôi cười, thực sự rất thích thú và yên lòng. Tôi biết tôi có thể làm rất tốt.
Tôi không muốn kể tường tận những kinh nghiệm như thế. Tôi thấy dửng dưng. Khi đó, có lẽ tôi cảm thấy xót xa trong lòng, tuyệt vọng, đau khổ. Sau chuyện đó tôi mới hiểu, tất cả chẳng qua là sự từng trải, trải qua càng nhiều thì sẽ có nhiều "của cải" hơn những người bằng tuổi, chỉ cần mình giỏi tổng kết và suy xét, giỏi lựa chọn và sàng lọc. Không có gì là đáng oán trách cũng không có gì là đáng thương cả. Những điều đó chỉ có thể càng khiến tôi thêm tự tin, thêm dày dạn, kiên cường và giỏi giang. Tôi thừa nhận ông trời đã cho tôi tất cả. Vì có niềm tin nên cuối cùng ông trời cũng không xử tệ với tôi. Sau vài lần tìm việc làm gia sư không thành, trung tâm giới thiệu việc làm lại giới thiệu cho tôi mấy gia đình. Nhưng khi tôi gọi điện thoại đến hỏi thì được biết người ta vốn không cần gia sư hoặc bảo rằng họ sớm đã tìm được gia sư rồi. Tôi hiểu rằng mình bị lừa. Bọn họ chủ yếu là lấy tiền của bạn nhưng không làm việc vì bạn.
Tôi nhớ đến Chu Dữ, người đã đánh cắp thành quả lao động của tôi. Ai mà không trưởng thành trong sự tổn thương? Ai mà không học được cách tính toán sau khi bị lừa dối? Lợi hại, lợi hại. Tôi cố lấy dũng khí đến trung tâm giới thiệu việc làm. Khi đó tôi vẫn là một đứa rất nhát gan. Tôi nói: "Lúc đầu các anh đã hứa sẽ tìm cho tôi một công việc gia sư, nhưng cuối cùng tại sao lại thành thế này?". Cô gái tiếp đón tôi miệng lưỡi khéo léo, linh hoạt vô cùng, cô ấy nói một hồi, cuối cùng lại khơi mào trò chơi đẩy bóng da, cô nói: "Thế này nhé, ở đây chị có vài thông tin làm thêm, công việc là bán hàng, hay là em thử làm nhân viên bán hàng đi." Tôi vốn đã không có sự lựa chọn. Vì tôi biết thông tin việc làm gia sư của cô ta về cơ bản đều là lừa bịp, để mời chào khách hàng, bởi lẽ đa số những sinh viên tới đây tfm việc đều muốn làm gia sư. Thế là tôi miễn cưỡng đồng ý.
Tôi bán hàng trong một siêu thị ở Đường Gia Thôn, bây giờ ở gần Quốc Mỹ. Vì ở nơi Hàn Khẩu xa xôi như vậy nên tôi đã phải chuyển xe mấy lần. Tôi đã từng vô cùng sợ hãi đối với những chiếc xe buýt chạy nhanh như bay ở Vũ Hán, nhưng buổi chiều hôm đó tôi đã phải đổi từng chuyến xe, đi qua từng con đường như thế, nhìn những chiếc xe chạy nhanh như bay cứ đi đi về về như con thoi, tôi không ngừng cảm thấy kinh hoàng và vô cùng nguy hiểm, giống như ngọn cỏ trong đêm vậy. Ngày đầu tiên đi bán hàng là một ngày thứ Sáu, thời tiết tháng Năm ở Vũ Hán đã rất nóng nực. Tôi đứng trước cửa siêu thị bán một loại đồ uống mới, lại còn lúc nào cũng phải réo lên: "Sản phẩm mới tung ra thị trường, mua một tặng một đây!". Người đi qua đi lại, tiến đến gần rồi lại bỏ đi, cầm chai đồ uống lên rồi lại đặt xuống. Có người nhìn mặt chúng tôi, có người thì chỉ cúi xuống nhìn đồ uống. Tôi cảm thấy cực kì, cực kì ức chế. Tôi là một đứa không thích nói chuyện, tôi không biết mình làm thế nào để đối diện với nhiều ánh mắt như thế. Trong mắt họ, tôi cũng giống như bất kì một nhân viên bán hàng nào khác trên thương trường chứ không là một sinh viên đại học, cũng không phải là một cô bé 18 tuổi.
Đến trưa, mặt trời đã chiếu thẳng trên đỉnh đầu. Tôi luôn sợ phơi nắng, bởi vì cứ phơi nắng là tôi sẽ rất dễ bị dị ứng và còn chóng mặt nữa. Thế nên tôi đã nói với một cô gái bán hàng khác xem chúng tôi có thể đổi vị trí không: "Tôi thực sự thấy rất chóng mặt, bên chỗ cậu hình như mặt trời cũng đỡ gắt hơn một chút, tôi đứng bên đó một lát rồi sẽ đổi lại ngay". Cô ấy lạnh lùng nói: "Cậu là lá ngọc cành vàng chắc, không làm nổi thì đừng có làm nữa".
Tôi cúi đầu xuống và thu lại ánh mắt mong ngóng. Đến chiều cổ họng cũng bắt đầu nóng lên. Bao nhiêu là đồ uống xếp đầy trước mặt, vậy mà cổ họng tôi thì đang phát khóc lên. Đột nhiên tôi nhớ tới cha mẹ phải làm việc vất vả. Đột nhiên tôi hiểu ra rằng xưa nay đồng tiền thật không dễ kiếm. Tôi cảm thấy thật chua xót. Hôm đó, mãi đến bảy giờ tối, chúng tôi nhận tiền công, tôi cầm lấy 30 tệ, trừ đi tiền đi xe mất 4,8 tệ và phí giới thiệu 50 tệ, tôi vẫn lỗ 24,8 tệ. Về sau tôi không bao giờ làm những công việc như thế nữa. Bởi vì tôi phát hiện ra rằng tâm hồn tôi kiên cường hơn thân thể của tôi rất nhiều. Tôi không thể chịu đựng được, môi trường tồi tệ đã huỷ hoại thân thể tôi như cái buổi đứng dưới ánh mặt trời với cái cổ họng bỏng rát, một buổi chiều mà đã khiến một làn da trắng trẻo bị phơi nắng tới mức vừa đen vừa đỏ.
Tôi cũng không thể chịu đựng được sự áp bức, lăng nhục và ánh mắt coi thường của người khác. Tôi là một đứa yếu đuối, lại quá đa cảm, cho nên đã trở thành một đứa kiêu ngạo, tự mãn mà lại mềm yếu, không tự lo liệu được mà lại chưa sẵn sàng. Tối hôm đó, chân của tôi đau một trận thấu tim, cứ nghĩ đến việc đôi chân cả ngày phải chịu đựng trọng lượng cơ thể là tôi lại không thể chịu được, tôi thực sự cảm thấy trong lòng tôi phải kiên cường hơn rất nhiều. Phải chịu đựng bao nhiêu ức chế như vậy mà vẫn có thể mỉm cười và nói tôi chấp nhận những gì vận mệnh đã sắp đặt cho tôi.
Tất cả, không có cái gì là không lớn lên được.
Vừa khéo thời gian đó Diệp Ly không được làm công việc gia sư đầu tiên của mình, nguyên nhân là vì gia đình người ta đã tìm được một sinh viên của một trường khác tốt hơn. Tôi hỏi cô còn muốn tìm việc gia sư nữa không? Cô ấy nói: "Không tìm nữa thì sinh hoạt phí phải làm thế nào." Tôi lấy hết dũng khí nói với cô ấy: "Tớ và cậu cùng đi tìm nhé!". Cô ấy nhìn tôi hồi lâu với vẻ ngạc nhiên. Mặt tôi nóng bừng lên. Tôi cố gắng mỉm cười với cô ấy.
Từ trước đến nay tôi vốn là đứa rất nhạy cảm và tự tôn, việc tôi làm gia sư và đi làm thêm không một ai biết. Tôi không cho các bạn cùng phòng biết vì sợ họ khinh thường tôi. Bởi lẽ, trong lớp và khoa chúng tôi, con gái đều rất được chiều chuộng, trừ khi điều kiện gia đình đặc biệt khó khăn, nếu không sẽ không phải ra ngoài làm việc gì cả. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu bầu không khí kiểu như vậy, sự hư vinh như vậy của một tập thể quả thật là không bình thường. Tôi thừa nhận tôi chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường xung quanh. Bản thân tôi vốn rất thích hư vinh và lười biếng. Trong môi trường như thế, những phẩm chất của bản thân tôi như sự hư vinh cố làm ra vẻ được nuông chiều từ nhỏ đều có điều kiện phát triển nhanh chóng. Tôi trở thành một con bé bất trị. Việc làm gia sư và đi làm thêm tôi cũng không nói cho cha mẹ biết. Tôi không cho cha mẹ biết vì sợ cha mẹ đau lòng. Tôi đã bế tắc, tôi không muốn "đứt gánh giữa đường" không muốn làm một kẻ làm việc gì cũng không thành, không bỏ công sức một cách vô ích. Cho nên tôi quyết định đi tìm việc gia sư cùng Diệp Ly. Bất luận thế nào, nhất định phải tìm cho kỳ được, nhất định phải kiếm được đồng tiền đầu tiên của chính mình. Lại là một buổi chiều thứ Sáu. Chúng tôi đến trước cửa hàng sách Tân Hoa Tư Môn Khẩu.
Ở đó đã có rất nhiều sinh viên rồi, một đám hai ba người, cũng có người đứng đó một mình, có người đang tán gẫu với bạn đi cùng, có người đang cầm một cuốn sách dày cộp để đọc. Trước mặt họ đều đặt một tờ giấy rộng nửa mét vuông, bên trên viết hai chữ rất to bằng 乃út lông "Gia sư", bên dưới chú thích Văn, Toán, Anh hoặc Lí, Hoá các loại. Nếu là Đại học Vũ Hán hay Đại học Công nghiệp và Thương mại Hoa Nam còn có thể viết tên trường khá to trên tờ giấy. Tôi và Diệp Ly cũng rút từ cặp sách ra tờ giấy trắng viết hai chữ "Gia sư" đã được chúng tôi chuẩn bị trước rồi đứng đó. Chúng tôi đã trở thành một loại hàng hoá như thế đấy, một loại hàng hoá rẻ tiền bên đường, để mặc cho người ta lựa chọn, họ mua hay không mua chúng tôi đều không thể oán trách được lời nào. Lại còn phải chịu đựng sự kì thị của những "nhãn hiệu hàng hoá" khác nữa.
Tôi tự nói với mình rằng nhất định không thể lúc nào cũng mẫn cảm như thế. Tôi không ngừng nói với bản thân rằng đây không phải là việc gì đáng xấu hổ, chẳng qua là tôi muốn tự mình làm tự mình hưởng mà thôi, tôi không muốn tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ nữa, họ chu cấp cho tôi học đại học đã không dễ dàng gì. Tôi không ngừng nói với mình rằng không được tự ti, hãy nhìn xem, còn có biết bao sinh viên giống như mình, ch ẳng phải bọn họ đều vẫn rất tốt sao? Có người còn cười nói rất vui vẻ nữa cơ. Tôi tự nói với mình rằng, dùng những kiến thức mình đã được học để kiếm tiền nuôi thân là việc vẻ vang, cha mẹ có biết nhất định cũng sẽ rất vui.
Nhưng mặt tôi vẫn đỏ bừng lên. Tôi có cảm giác nhiệt độ của đôi tai mình đã vượt quá 100 độ. Tôi không dám ngẩng đầu nhìn ai. Tôi sợ gặp người quen. Tôi lớn lên ở thành phố này, tôi đã biến mình thành thứ hàng hoá để bày bán ở chốn phồn hoa của thành phố, tôi căng thẳng gấp trăm vạn lần Diệp Ly. Qua lại trên những con phố này, lúc nào tôi cũng có thể ᴆụng phải người quen. Họ có thể là bạn học tiểu học, bạn học trung học, bạn học đại học, họ hàng, người thân, đồng nghiệp của cha mẹ tôi. Chưa có ngày nào như ngày hôm đó, chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống của mình lại liên can đến nhiều người như thế, lại phải hạn chế mối "nhân duyên" với nhiều người đến thế. Nếu họ trông thấy tôi ở đây, chỉ cần một ánh mắt khinh thường của họ cũng đủ để Gi*t ૮ɦếƭ lòng tự tôn của tôi, hay cái ánh mắt trịnh thượng của họ cũng có thể khiến tâm hồn nhạy cảm của tôi tan nát. Cho dù tôi có tự khuyên nhủ mình rằng đây không phải là việc gì đáng xấu hổ, nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy bao năm qua chưa bao giờ mình bị mất mặt như vậy. Bạn có thể phê bình nhân sinh quan của tôi không đúng, bạn có thể cười nhạo tính hư vinh nực cười của tôi, bao nhiêu năm sống trong trường học, sự thông minh và xinh đẹp đã khiến tôi lúc nào cũng "rạng ngời". Nhưng ngày hôm đó tôi không thể không vứt bỏ tất cả sự tôn nghiêm và hư vinh, tôi đã biến mình thành một thứ hàng hoá vô nghĩa, lặng lẽ trưng bày ra đó để mặc người ta lựa chọn mua bán, tôi đã phải dẹp bỏ tất cả sự tự tôn... Tôi mang máng nhớ lại những cảm giác của mình lúc đó: hơi thở nhọc nhằn, toàn thân khô héo, khó chịu như là bị sốt cao vậy, cảm giác như có thể ngất đi ngay lập tức. Tâm hồn mỏng manh của tôi đã bị chọc thủng, chỉ còn sót lại một lớp vỏ bọc tinh thần. Trong những lúc như thế tôi muốn mình là một kẻ không có linh hồn, nếu có, chắc nó nhảy ra khỏi thân xác tôi rồi ôm hận mà tự sát mất.
Ở cửa hàng sách Tân Hoa Tư Môn Khẩu có rất nhiều bậc phụ huynh đưa con đi mua sách tham khảo dịp cuối tuần, ai ai cũng mong con cái thành đạt. Thật đáng thương cho nỗi lòng cha mẹ trong thiên hạ. Có phụ huynh vừa dắt đứa con đi qua vừa cúi thấp đàu nhìn từng chữ một viết trên những tờ giấy ở dưới đất. Khi bắt gặp sinh viên của Đại học Vũ Hán hay Đại học Công nghiệp và Thương mại Hoa Nam thì sẽ dừng lại bắt chuyện. Tôi nhìn vào tờ giấy của mình, trên đó viết hai chữ "Gia sư" sít vào nhau trông thật tội nghiệp. Tôi cảm thấy mình thật vô liêm sỉ. Một trường học chẳng ra sao như thế thì liệu có người đến mời chúng tôi làm gia sư không? Cuối cùng cũng có một người đàn ông khoảng 40 tuổi dắt theo một đứa trẻ 10 tuổi đi qua đi lại rồi dừng trước mặt chúng tôi. Ngay lập tức tôi lấy lại tinh thần, gượng đôi chân đang mệt mỏi rã rời đứng thẳng dậy.
Ông ấy nhìn một lát rồi hỏi: "Các cháu có thể dạy Toán, Lí, Hoá không?" Tôi và Diệp Ly nhìn nhau trong chốc lát, tôi không có kinh nghiệm, thế là Diệp Ly nói: "Chú ạ, cháu phải nói với chú thế này, chúng cháu là sinh viên ngành khoa học xã hội, phải xem con chú học lớp mấy, nếu là học sinh trung học thì chúng cháu dạy Toán, Lí, Hoá cho cậu ấy e rằng sẽ có vấn đề". Người đàn ông đó nhìn chúng tôi lắc đầu không đáp rồi đi mất. Tờ giấy trắng chữ đen im lìm nằm trước mặt chúng tôi dường như cũng đang nhìn chúng tôi một cách châm biếm.
Buổi chiều hôm đó tôi và Diệp Ly đã đứng đúng năm tiếng đồng hồ, chỉ có hai người đến hỏi chúng tôi nhưng vừa nghe chúng tôi là sinh viên ngành khoa học xã hội liền lắc đầu rồi đi mất. Tôi và Diệp Ly mỗi người đều suy nghĩ chuyện của riêng mình nên rất ít nói chuyện với nhau. Đứng mệt rồi tôi liền ngồi ngẩn ra trên bậc thang của cửa hàng sách, ngắm nghía đôi chân mọi người đi qua đi lại, người đi giày da, người đi dép, người đi giày cao gót, người xỏ giày lười, nam có, nữ có, người lớn có, trẻ em có, bao nhiêu những đôi chân như vậy, không ai giống ai, cứ đi đi lại lại như dòng nước chảy mãi không ngừng, nhìn rồi lại ngắm, trong lòng bỗng dần thấy thanh thản lại. Trên con phố đầy người qua lại, những người đi bộ bước đi vội vàng đã cho tôi thấy rõ sự nhỏ bé của bản thân mình. Có ai thèm để ý đến tôi cơ chứ? Mọi người chẳng qua chỉ là khách qua đường mà thôi. Tôi là khách qua đường của bạn, bạn là khách qua đường của tôi, chúng ta đều là khách qua đường của số mệnh. Số mệnh giống như trần ai, là khách qua đường của thời gian và không gian, hàng ngàn hàng vạn năm như dòng nước chảy mãi không ngừng.
Có cái gì mà không lớn lên được. Có cái gì mà không phải là thoảng qua như mây khói. Cuối cùng nhìn ngắm tới mức buồn ngủ díu mắt, tôi chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi chỗ này. Khi trời bắt đầu tối dần, học sinh của các trường khác cũng lần lượt thu dọn ra về. Tôi nói với Diệp Ly: "Về thôi, chúng ta về thôi." Diệp Ly nói: "Từ từ đã, còn có một vài phụ huynh và con của họ vẫn chưa ra mà, những người như vậy luôn có sự kì vọng vào con cái cao hơn hết." Tôi đành đứng lại đó. Tôi cảm thấy mình giống như một con ngốc bán khoai vậy. Khi trời đã tối hẳn, Diệp Ly mới chịu thu dọn đồ đạc ra về. Không thu hoạch được gì. Tôi uể oải nói: "Lần trước làm thế nào cậu tìm được công việc gia sư?" "Cũng tìm như thế này thôi. Chắc cậu vẫn chưa quen? Những đứa trẻ thành phố đều như vậy cả. Không sao."
Tôi sợ cô ấy sẽ tiếp tục nói, tôi không muốn người khác đề cập đến những chuyện này rồi an ủi hay tỏ ra thông cảm với tôi nên nói: "Nói linh tinh. Tớ biết rồi". Sau đó tôi nhìn ra chỗ khác, tỏ ý không muốn cô ấy nói nhiều thêm nữa. Chiếc xe buýt chạy nhanh như bay trên nhưng con đường của Vũ Hán, tôi mơ hồ không hiểu gì, một thành phố lớn như vậy, trống trải như vậy, ham muốn thì nhiều mà dường như trong lòng lại không hề hay biết. Về đến kí túc xá, không biết phải làm thế nào đây, mọi người trong phòng đều đã biết tôi và Diệp Ly đến chỗ đó tìm việc gia sư. Đó cũng là cái tài trời phú cho con gái. Vừa bước vào cửa phòng, La Nghệ Lâm đã liến thoắng lên: "Ồ đã về rồi đấy à, thế nào, có tìm được việc làm gia sư nào không? Tìm được rồi thì khao đi chứ". Tôi chẳng thèm để ý đến cô ta, chỉ cảm thấy trong câu nói của cô ta có ý châm biếm. Mặt tôi lại nóng bừng lên. Thực ra cho dù trong lòng tôi có tự an ủi mình như thế nào chăng nữa thì tôi vẫn cảm thấy đứng trên phố rồi chờ người ta đến "mua" như thế là một việc rất mất thể diện. Tôi không mang nổi bộ mặt như vậy. Từ xưa tới nay, nghèo khổ vốn không phải là việc gì vẻ vang. Ít nhất thì trong lòng tôi cho là như vậy.
Diệp Ly lạnh lùng nói một câu: "Không tìm được". La Nghệ Lâm xấu hổ, ngượng ngùng chạy sang phòng các nữ sinh khác.
Tôi nằm trên giường, thở dài nặng nề, nghĩ rằng có lẽ con người đã trưởng thành và kiên cường lên như thế chăng. Tôi lại cảm thấy, thực ra những đứa con trong những gia đình thiếu thốn ở thành phố thường lúng túng hơn nhiều so với những đứa con từ nông thôn ra. Bởi vì tuy rằng hoàn cảnh gia đình chúng không tốt nhưng thông thường từ nhỏ chúng đã không phải chịu khổ quá nhiều, mà thành phố lại ban cho chúng tôi lòng tự tôn rất nhạy cảm và tính hư vinh rất lớn. Chúng tôi muốn trốn tránh nhưng lại phát hiện ra rằng không thể nào trốn được, dù sao thì cũng không thể đối mặt một cách thản nhiên như những người con gái phải chịu khổ từ nhỏ.
Trước khi ngủ Diệp Ly hỏi tôi: "Ngày mai đi nữa không?" Tôi do dự không biết phải trả lời thế nào, đành nói: "Ngày mai hẵng hay". Sáng hôm sau, khi Diệp Ly thức dậy thì tôi đã tỉnh rồi, tôi vẫn để mắt đến cô ấy. Tôi nói: "Tớ cũng dậy rồi, hôm nay tớ vẫn sẽ đi cùng cậu." Diệp Ly mỉm cười nói: "Được thôi".
Ngày hôm đó có lẽ vì chúng tôi đến khá sớm nên vào lúc mười giờ sáng tôi đã tìm được một chỗ làm gia sư. Một phụ nữ dắt theo một cậu bé khoảng 10 tuổi đến nói muốn tìm một gia sư tiếng Anh. Bà ta hỏi về trường học, về chuyên ngành và hỏi chúng tôi học năm thứ mấy, thậm chí còn hỏi điểm thi đại học môn tiếng Anh của chúng tôi, Diệp Ly nsoi được 138 điểm, tôi 138 điểm, thực ra cả hai chúng tôi đều nói dối bà ta, tôi chỉ được có 119 điểm mà thôi. Cuối cùng bà ta đòi xem thẻ sinh viên của chúng tôi. Sau khi đã vừa ý bà ta lại làm khó chúng tôi: "Vậy ai trong hai cháu sẽ dậy đây?". Tôi bỗng phấn chấn hẳn lên. Khi đó tôi rất hi vọng bà ta sẽ chọn tôi, bởi vì tìm được công việc sớm chừng nào tôi cũng yên tâm sớm chừng ấy, nếu không cứ đứng đây cả ngày trời lại không tìm được việc, cái cảm giác khó chịu trong lòng đó thật không thể biểu đạt ra bằng ngôn ngữ.
Tôi nhìn Diệp Ly, cô ấy cười với vẻ rất khó xử, cười một cách miễn cưỡng. Tôi biết, cách nghĩ của cô ấy cũng giống tôi. Chúng tôi đều không nói gì, đợi chờ người phụ nữ đó đưa ra quyết định cuối cùng. Không biết bao nhiêu lần tôi nghĩ tới những hàng hoá bày trong tủ kính trên thị trường, cho dù hai thứ giống hệt nhau cũng luôn có những vị khách hay soi mói sẽ cầm chúng trên tay để so đi sánh lại. Người phụ nữ nói với con trai: "Con thích chị nào?" Đứa bé nhìn tôi, tôi vội vàng mỉm cười với nó. Tôi cảm thấy đau đớn thấu xương, máu trong người cũng lạnh toát, trong ngày hè vô cùng nóng nực mà hơi lạnh cứ tuôn ra ào ạt. Vì sự sinh tồn mà ngay đến một đứa bé cũng phải ra sức lấy lòng. Không có tiền khiến lòng tự tôn của con người thật rẻ mạt. Đứa bé lại nhìn Diệp Ly, Diệp Ly cũng mỉm cười với nó. Cuối cùng nó chỉ tay vào tôi và nói: "Chị này".
Tôi cười, lần này là nụ cười vui mừng nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng chứ không phải để lấy lòng ai cả. Tôi quay đầu nhìn Diệp Ly, cô ấy vẫn cười nhưng rõ ràng nụ cười của cô ấy đã đanh lại. Bỗng nhiên tôi cảm thấy hơi áy náy. Bắt đầu nói đến một vấn đề nhạy cảm là giá cả. Người phụ nữ nói: "Bình thường các cháu dạy ở ngoài bao nhiêu tiền một giờ?" Tôi nghĩ một lát rồi nói:"25 tệ hai tiếng ạ". Bà ta nói: "Đó là ở bên Hàn Khẩu, còn ở Vũ Xương này thông thường đều là 20 tệ thôi chứ? Hơn nữa nhà chúng tôi cũng gần trường các cháu". Bà ta vừa dứt lời, tôi đã nhanh chóng nhẩm tính, ngoài tiền xe đi đi về về mất 2,4 tệ, tôi dạy hai tiếng đồng hồ mà chỉ kiếm được có 17,6 tệ, đi trên đường ít nhất cũng mất một tiếng. Tôi hơi do dự, cảm thấy tiền dạy thấp quá nhưng không biết phải làm sao để thương lượng giá cả với bà ta.
Tôi lắp ba lắp bắp nói: "Điều này, điều này..."
Diệp Ly nói chen vào một câu: "Mình thấy 20 tệ được đó." Ánh mắt của người phụ nữ đó ngay lập tức hướng về cô ấy. Tôi hiểu rằng mình phải đưa ra quyết sách ngay lập tức. Thế là tôi nói: "Được, 20 tệ cũng được ạ". Diệp Ly không nói gì thêm nữa, chỉ nhìn tôi. Người phụ nữ đó ghi lại địa chỉ liên lạc, hẹn giờ học. Và cuối cùng là tạm biệt. Nhìn bóng dáng người phụ nữ đó cứ đi xa dần, tận đáy lòng tôi lại trào dâng một kiểu tâm trạng không hiểu ra sao nữa. Nghĩ tới sau này mỗi tháng đều có thu nhập 200 tệ, như vậy có thể giảm bớt một nửa gánh nặng cho cha mẹ, trong lòng cũng dần thấy vui lên. Lại một lần nữa tôi đối đầu với Diệp Ly một cách thầm lặng. Tôi cùng cô ấy chờ người tiếp theo đến. Hôm đó thật may mắn, khoảng hơn mười một giờ có một người đàn ông dắt theo một cô bé đến nhờ Diệp Ly làm gia sư. Tôi thầm cảm thấy mình đã bị thiệt, đáng nhẽ không nên nghe lời Diệp Ly, 20 tệ mà đã vội vàng đồng ý rồi.