NĂM THƯ NHẤT : NGÂY THƠ
Khi đọc cần biết một điều, bất luận các bạn trách cứ tôi, công kích tôi như thế nào chăng nữa nhưng xin đừng chê bai ngôi trường của tôi. Đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, không nên đem nó so sánh, liên hệ với thực tế.
Đối với trường đại học, chúng tôi đã từng có những khát vọng mãnh liệt biết bao, những ước mơ tươi đẹp biết bao. Tuy nhiên, từ ngày đầu tiên bước vào đại học tôi có thể dùng bốn chữ để miêu tả cảm nhận của mình: cũng chỉ thế thôi.
Bốn năm qua đi, khi ra khỏi khuôn viên trường, tôi lại một lần nữa có cảm giác bị lừa dối. Chúng tôi đã đùa cợt với cuộc sống đại học. Nhưng cuộc sống đại học cũng lừa dối chúng tôi. Sự lừa dối từ đầu đến cuối.
Khi tôi học trung học, từng có một vở kịch truyền hình có ảnh hưởng rất lớn tới những mơ tưởng tốt đẹp của tôi về cuộc sống đại học. Đó chính là vở Yêu đến cùng. Nói hơi khoa trương một chút, vở kịch này từng là một trong những động lực cho một số người vào đại học.
Cuộc sống đại học đẹp đẽ, lãng mạn xiết bao! Tất cả mọi điều tốt đẹp đều có thể tìm thấy trong trường đại học! Tuổi xuân, lý tưởng, tình yêu.
Rất hiển nhiên. Sau khi vào đại học, tôi biết mình đã phạm một sai lầm ૮ɦếƭ người là không phân biệt được sự khác biệt và mối liên hệ giữa yếu tố văn học lãng mạn với yếu tố văn học hiện thực.
Năm đó, ảnh hưởng trực tiếp của vợ kịch ấy với tôi chính là: Tôi đã lấy vẻ ngoài, cách ăn mặc, trang điểm của Văn Hụê làm hình mẫu cho chính mình. Nguyên nhân rất đơn giản, xung quanh tôi không có một nam sinh nào là không thích vai diễn này, sự thuần khiết trong sáng luôn có sức hạ gục tất cả các nam sinh. Tuy nhiên, về bản chất tôi không thật thuần khiết trong sáng, cũng không tin tưởng rằng trong thực tế cucọ sống thật sự có những nữ sinh hoàn toàn trong trắng. Những nữ sinh trong trắng theo kiểu không màng đến nhu cầu phàm tục, không có chút ham muốn vật chất, không có bất kỳ sự tự lợi cá nhân nào và không có tình dục đã gần như không còn nữa. Cứ cho là có thì cũng vì mục đích riêng, ví dụ, muốn mê hoặc một người đàn ông nào đó mới tạm thời tỏ ra như vậy. Trong trắng tạm thời không khó, trong trắng cả đời mới khó.
Tất nhiên, tôi không có vẻ đẹp của Văn Huệ. Hi hi...! Đó là sự thực không thể chối cãi. Dưới đây, tôi phải viết thật chi tiết về cuộc sống đại học vô cùng tồi tệ của mình như ghi nợ.
Ở trường đại học, tôi không phải là một sinh viên tốt, cũng chẳng xấu. Cũng giống như đa số các sinh viên đại học khác, cuộc sống đại học chẳng có gì hay ho đáng nói - một cuộc sống khá là khó chịu. Khi học trung học, không thể chịu nổi những kỳ thi và xếp thứ vô cùng vô tận, mong ước vào đại học để có thể có một trời tự do. Vào đại học rồi, tự do nhiều đến nỗi có những lúc nhàn rỗi không thể chịu được cái hư không: không tiền, không người yêu, không việc làm, muốn làm cũng không có nghị lực. Thế là lại mơ ước rằng tốt nghiệp thì có thể kiếm tiền, nổi dang và sống cuộc sống như mọi người.
Không nhẫn nhịn, cũng không cam tâm. Tôi đã có tâm lý này từ ngày đầu tiên bước vào đại học. Vì một chút hồ đồ, thế nào tôi lại chui vào trong ngôi trường này? Thế nào tôi lại không thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh? Thật đen đủi, làm sao tôi lại bị cảm nắng đúng lúc thi đại học cơ chứ? Tôi không cam chịu. Bứt rứt không yên. Tự cao tự đại. Tôi nghĩ, có lẽ mình sẽ không tìm thấy đối thủ ở ngôi trường này. Cảm thấy không gian của trường học khiến tôi phiền muộn, khiến tôi ngột ngạt không chịu được.
Xin nói rõ một chút về trường chúng tôi. Trường chúng tôi cũng không phải là ghê gớm lắm, vì ít ra thì ở tỉnh Hồ Bắc, nó cũng không được coi là một trường đại học trọng điểm phải kể đến đầu tiên. Tôi hoàn toàn không có ý chê bai ngôi trường của mình. Một chút cũng không! Đối với ngôi trường đại học của mình, tôi cũng chỉ giới thiệu như thế thôi. Cứ cho là tôi có thể trách cứ trường học của mình, nhưng các bạn thì không, bởi vì đó là trường của tôi.
Không nên đoán xem tôi học trường nào, không nên, bởi vì khi tôi viết về một số mặt tối trong trường đại học thì đã là chê bai chính ngôi trường của tôi. Cho dù nó có tồi tệ đến thế nào đi nữa thì nó cũng là trường của tôi, những ngày tháng tươi đẹp nhất tuổi thanh xuân của tôi đã trôi qua ở đó; cứ cho là những ngày tháng đó không đẹp lắm thì cũng không thể trách cứ ngôi trường, mà chỉ nên trách chính bản thân tôi.
Ở bất cứ một trường học nào, những sinh viên bình thường thì đều giống nhau, còn những sinh viên nổi trội thì mỗi người một vẻ rực rỡ huy hoàng. Tôi chỉ là một sinh viên bình thường; chính ngôi trường của tôi đã cưu mang và khuôn đúc ra tôi như thế. Không có gì đáng nói.
Khuôn viên trường đại học là một sân khấu. Mỗi một sinh viên là một khán giả và cũng là một diễn viên, luôn luôn tỉnh táo trong câu chuyện của người khác nhưng lại mù quáng trong câu chuyện của chính mình.
Cuộc sống đại học là thứ quả được bọc một vỏ ngoài tươi non, nhưng rất nhiều phần thịt quả lại hỏng nát, tất cả những người con Trung Quốc đều phải dựa vào nỗ lực của chính mình để hái được thứ quả này. Khi hái được quả và bóc vỏ mới biết được phần htịt quả đã hỏng nát. Kể cả những quả nhìn có vẻ đẹp đẽ mê hồn.
Năm 2000, tôi đến trường đại học này mang theo cả sự nuối tiếc của kỳ thi đại học. Tôi không cam tâm. Người con trai tôi thích đã đến Đại học Thanh Hoa. Khi cậu ấy đi tôi không biết phải tạm biệt thế nào. Cậu ấy là người cuối cùng khép lại những tình cảm chân thành, trong sáng thời trung học của tôi, từ đó mỗi người mỗi ngả. Tôi viết về cuộc sống đại học mà từ đầu đã nhắc đến cậu ta sở dĩ là vì:
1. Nếu không vì cậu ta thì tôi đã không phải thi vào một trường đại học mà tôi không hài lòng thế này. Chắc chắn có người sẽ nói rằng tôi lấy cớ thật vô liêm sỉ. Không đâu đã đỗ một trường đại học tốt, lại còn trách người khác. Đúng vậy, tôi là kẻ thích mượn cớ cho sự thất bại, hèn yếu và hư vinh của bản thân. Những cái cớ thành hay không thành đều khiến cuộc sống của tôi trở nên nhẹ nhàng hơn một chút, gánh nặng trong lòng cũng bớt đi một chút. Kiếm cớ đã thành một trong những nguyên tắc sống của tôi. Trong cuốn tiểu thuyết này, tôi còn có thể không ngừng kiếm cớ cho những việc mình đã làm sai, nếu như bạn thấy khó chịu thì đừng đọc tiếp. Còn về việc, tại sao vì cậu ta mà tôi bị đẩy đến ngôi trường này, chương sau sẽ kể.
2. Không vì cậu ta thì tôi cũng không đến nỗi phải đợi đến năm thứ hai mới bắt đầu tình yêu thời đại học của mình. Vậy là tình yêu thuở đại học của tôi kém một tuổi so với người khác. Nói như vậy chắc bạn cũng hiểu. Cũng có nghĩa là, khi học trung học tôi thích cậu ta, đến năm thứ nhất tôi vẫn thích cậu ta, năm thứ hai thì không thích nữa. Còn tại sao lại như vậy, chương sau sẽ rõ.
Thực ra hai lý do trên đều là tôi đang mượn cớ. Cô giáo ngữ văn nói với chúng tôi rằng khi viết văn phải xoay quanh chủ đề, không được lệch khỏi trung tâm. Tôi muốn viết về cậu ta nhưng lại cảm thấy nó lệch lạc với chủ đề cuộc sống đại học này. Cho nên ở trên tôi đã nhắc đến hai lí do. Đây là cuốn sách đầu tiên của tôi, tôi đưa cậu ta vào là để hồi tưởng về một người mà tôi đã từng yêu sâu sắc, hồi tưởng về một người tôi thích nhưng lại không thích tôi.
Trong cuốn Biên thành có một đoạn như sau: "Nhà thơ có thể viết một bài thơ hay cả một tập thơ dựa trên một chuyện nhỏ, nhà điêu khắc có thể tạc một tảng đá thành tượng người sống động như thật, hoạ sĩ lại bằng từng nét xanh, nét hồng, nét xám vẽ ra từng bức tranh đầy màu sắc hấp dẫn, có ai mà không muốn nhớ về một hình ảnh tươi vui hay là một cái nhíu mày ra hiệu." Đây là câu chuyện dài đầu tiên tôi viết nên không thể không đưa cậu ta vào. Để không quá đột ngột nên tôi đã tìm ra hai cái cớ ở trên.
Tại sao cậu ta không thích tôi? Nói rõ tại đây hình như là hơi sớm.
Nhưng tôi tin rằng, có một phần mà khi mọi người đọc đến đó nhất định sẽ có sự phỏng đoán như thế, tôi, Dịch Phấn Hàn cũng áy náy trong lòng lắm.
Do đó, tôi cần phải thanh minh một chút, tôi khẳng định là mình không xấu, tôi lấy tư cách cá nhân đảm bảo điều đó. Nói tôi là cô gái đẹp cũng không phải là nói quá. Hiện tại tôi và cậu ấy không ở bên nhau, tôi đã giải thích hợp lý rằng: thời trung học, tình yêu là thứ xa xỉ, rất ít người có được. Lên đại học, tình yêu là thứ bình thường, không có gì ghê gớm cả.
Bạn xem, tôi lại đang mượn cớ cho việc cậu ta không yêu tôi. Cậu ta không yêu tôi, không phải vì tôi không đủ ưu tú, mà vì thời trung học chúng tôi không có dũng khí và tiền bạc để có được thứ xa xỉ đó.