— Còi, bố mày đâu rồi..?
Con bé với mái tóc buộc hai ngoe như cặp sừng trâu đang ngồi một mình chơi giữa nền sân gạch, nó đang đếm những viên sỏi rồi đặt vào từng ô ăn quan. Nghe thấy giọng tôi nó quay lại cười toe toét, bố nó chứ, cứ mỗi lần nó cười là tôi lại quắn cả ruột bởi hai cái răng cửa của nó đã sún hết. Nói đến sún răng chắc ai cũng nghĩ do con bé ăn nhiều kẹo, nghĩ khổ thân, đến cơm còn bữa no bữa đói thì lấy đâu ra kẹo mà ăn. Nó bỏ nắm đá sỏi trong bàn tay nhỏ xuống đất rồi đứng dậy chạy đến chỗ tôi, vừa chạy nó vừa chỉ tay ra phía ngoài vườn :
— Chú Dương, bố cháu ở ngoài vườn kia kìa, bố ơi, chú Dương sang đây này.
Người nó thì còi mà cái giọng nó khỏe thế hả giời, nhưng cũng may là nó luôn luôn thừa năng lượng như vậy để tôi còn biết được là nó khỏe mạnh. Đưa cho nó gói bánh xốp tôi bảo nó :
— Rửa tay xong hẵng ăn nhé, mà chiều rồi không chơi nữa, xem còn phụ bố nấu cơm chứ hả Còi..?
Con bé cầm gói bánh xốp mà mắt nó long lanh ra điều thích thú lắm. Nó vâng dạ rồi lại tiếp tục chạy đến bể nước rồi múc nước rửa tay chân như lời tôi nói. Tôi mở hàng rào tre bước vào vườn, anh Luân đang cuốc đất trồng rau. Tôi cất lời chào :
— Chủ nhật được nghỉ sao không nghỉ ngơi mà lại làm vườn thế này..? Xong chưa anh, lát em mang đồ sang anh em mình nhậu lai rai một bữa.?
Anh Luân lấy vạt áo lau mồ hôi rồi ngước lên nhìn tôi cười :
— Thôi, phiền chú quá….Với lại mẹ anh đi chợ cũng sắp về rồi.
Tôi cười :
— Em biết rồi, nãy em có gặp bác trên chợ. Em cũng dặn bác hôm nay chỉ nấu nồi cơm thôi, còn đồ ăn tí em mang sang. Lâu lâu anh em ngồi nhâm nhi tí cho vui hầy, hàng xóm láng giềng mà anh cứ khách khí quá, ngày trước anh có cũng mua đồ mua đạc, rồi đợt mẹ em ốm không có anh chở đi viện thì giờ….
Anh Luân ngắt lời tôi :
— Chậc, cái thằng này….toàn nói chuyện không vui, thôi được rồi, vậy chú mang đồ nhậu còn anh có nửa chai rượu thửa lát anh em mình uống. Từ sau đừng có nhắc đến mấy chuyện đó nữa, hàng xóm với nhau không giúp đỡ những lúc như thế thì còn đợi đến lúc nào.
Tôi cười phá lên :
— Ha ha, thì đấy, anh mà không khách sáo thì em đâu cần phải kể lể làm gì, cứ phải để em nói nhiều.
Anh Luân lắc đầu chịu thua :
— Thằng quỷ, mày lắm trò lắm, cái miệng mày không ai cãi được. Thế có cần làm gì không, đợi anh xới nốt luống này rồi anh sang anh phụ.
Tôi đáp :
— Em mua vịt quay người ta chặn sẵn rồi, với lại có ít mực khô bạn em cho, lát nướng mấy con là xong, à hôm qua mẹ em còn nấu cả nồi thịt kho tàu, lát em bê sang ăn cơm luôn.
Anh Luân hỏi :
— Ơ, thế bác đâu….?
Tôi trả lời :
— Ôi dào, mẹ em đi ăn cúng bái gì với mấy bà bác rồi. Thế nhá, giờ em về sắp đồ lát bê cả mâm sang đây luôn.
Hai anh em đang nói chuyện thì cái Còi từ đâu xuất hiện, nó hỏi bố :
— Hôm nay ăn vịt hả bố..? Con thích nhất món vịt, lát bố cho con cái đùi nhé….nhé…!!
Anh Luân nhìn tôi cười ngượng ngùng, tôi bẹo má con bé rồi nói :
— Được, lát chú cho mày cả hai cái đùi vịt luôn, giờ Còi mày lấy rổ rồi xem ở vườn có rau lộc, rau thơm gì hái một ít cho bố với chú ăn được không..?
Cái Còi vỗ tay cười toe toét :
— Dạ được, mà chú Dương ngoắc tay đi đã, ngoắc tay tí nữa cho cháu hai cái đùi vịt.
Sư bố nhà nó, không biết học ở đâu cái tính chắc nép mà phải móc tay, đúng là trẻ con bây giờ ranh ma thật. Tất nhiên đã nói là phải làm, tôi với con bé móc tay giao kèo nó đi hái rau còn tôi phải trả công 2 cái đùi vịt.
Nhà mà tôi vừa đi sang là nhà anh Luân các bạn ạ, nhà có ba người, nói đến ba người mà có đứa trẻ con chắc ai cũng nghĩ là vợ chồng anh Luân và cái Còi, nhưng không phải. Ngôi nhà cấp 4 nhưng khá cao này chỉ có bố con anh Luân và bác Xoan, mẹ của anh Luân. Chắc các bạn sẽ thắc mắc vợ anh Luân đâu, nếu theo như lời anh Luân nói với con gái thì là mẹ nó đã chết. Còn với những người lớn trong xóm như tôi thì không phải vậy. Vợ anh Luân chẳng những không chết mà hầu như ai trong làng này cũng đều biết chị ta là một con đàn bà lăng loàn, chết ư..? Quả thật nực cười khi mà nói một người còn sống đã chết. Nhưng thà như thế còn hơn phải nói với một đứa trẻ con năm nay mới 6 tuổi sự thật :
“ Mẹ nó đã bỏ nhà theo trai. “
Công, dung, ngôn, hạnh – Tam tòng, tứ đức, những thứ mà theo quan niệm của các cụ ngày xưa thì một người phụ nữ cần phải có, vào thời phong kiến thì những điều đó gần như là bắt buộc cho một người phụ nữ bước chân về nhà chồng. Nói thế không phải tôi áp đặt hay mong muốn phụ nữ thời nay cũng phải thế. Cái tôi muốn nói ở đây nếu như không đủ công dung, không đủ ngôn hạnh, không cần tam tòng, bỏ qua tứ đức thì ít nhất cũng nên phải chung thủy, phải yêu thương lấy người đàn ông mà họ lựa chọn, hoặc chí ít cũng phải thương đứa con do mình đứt ruột đẻ ra.
Nếu như anh Luân là kẻ trăng hoa, ong bướm, cặp bồ, cặp bịch thì tôi không nói. Nhưng lớn lên cùng anh từ những ngày còn cởi truồng tắm mưa, anh Luân hơn tôi 6 tuổi. Chẳng phải vì anh là hàng xóm thân quen với nhà tôi mà tôi nói đỡ cho anh, mà bởi vì anh là một người đàn ông chân thật, chất phác, hiền lành…..thế cho nên anh Khổ.
Ngày còn bé so với tất cả người trong làng thì gia đình anh Luân thuộc dạng khá giả, có của ăn của để, bố mẹ anh Luân có lò bánh mỳ, ngoài bánh mỳ thì hai bác còn làm cả kẹo ngọt để bán. Ngôi nhà cấp 4 cao vống lên khi ấy nhiều khi hai anh em lên trên đồi đào trộm khoai sắn của người ta đem nướng, đứng trên quả đồi nhìn về phía làng xóm thì điều đầu tiên hai anh em tôi thấy là ngôi nhà của bố mẹ anh Luân. Ngày bé anh Luân sướng lắm, ăn ngon mặc đẹp theo đúng nghĩa, quần áo của anh không mặc được tất cả đều cho tôi, mà toàn quần áo đẹp. Năm anh Luân học lớp 7 là bố mẹ đã mua cho con xe đạp nhỏ nhỏ, cũng tội giời nhờ hưởng sái của anh Luân mà tôi từ bé đi học đã được ngồi xe đạp. Phải nói nhà anh Luân ai cũng tốt, bố mẹ anh Luân chẳng hiểu sao cũng chỉ đẻ được mỗi mình anh Luân. Nhưng rồi năm anh Luân vào cấp 3 cũng là lúc bố anh Luân bị bệnh rồi qua đời. Đám ma bố anh mà tôi với anh ôm nhau khóc như thể hai anh em ruột. Bác Xoan, một người phụ nữ nghị lực đã một mình ở vậy nuôi anh ăn học hết cấp 3, nhưng nhà không có tiền cho anh học đai học nên học xong lớp 12, anh Luân ở nhà xin đi làm đủ mọi nghề để phụ giúp đỡ đần cho mẹ.
Trời xanh không có mắt, cũng thời gian đó mẹ anh Luân cũng lại ốm đau, bệnh tật liên miên. Đi làm thời vụ mấy năm không ổn định bởi tay nghề không có, mà số anh Luân cũng đen hay do anh hiền lành nên đi đâu làm cũng bị người ta bắt nạt. Tôi nhớ anh xin đi làm bảo vệ cho một công ty, đang trong thời gian thử việc, có hai ông làm trong tổ điện trước giờ tan ca đem một cái balo bảo để nhờ. Tin người nên anh Luân đồng ý, cuối cùng công ty báo mất đồ, soi camera họ bắt được hai gã kia. Nhưng hai thằng khốn nạn lại đổ vấy hết tội cho anh Luân, tình ngay lý gian, cái balo chứa toàn linh kiện đồ điện được tìm thấy trong bốt bảo vệ nơi anh Luân đang trực và anh bị đuổi việc cũng chỉ bởi do anh là newbie, lời nói không có trọng lượng.
Khốn nạn thân anh, cả đời chưa bao giờ biết ăn cắp là gì, cuối cùng đi làm lại bị vu cho cái tội danh chôm chỉa. Từ một người sống trong sung sướng, anh Luân ra đời làm đủ mọi nghề, phụ vữa, nhôm kính….thậm chí là ra bến bãi bốc vác thuê cho người ta. Cũng phải nói anh Luân bản lĩnh và gai góc, nhìn bên ngoài anh nhu mì nhưng không công việc gì mà anh ngại khó, ngại khổ. Mấy năm lăn lộn kiếm ăn khiến cho nước da anh đen xạm, tuy nhiên đổi lại anh lại rắn chắc, cứng cỏi hơn rất nhiều. Năm 25 tuổi anh Luân thông báo cưới vợ, cưới nhau xong sau này anh Luân mới tâm sự là “ Nhỡ “ nên phải cưới.
Nhỡ hay gì đi chăng nữa thì việc anh Luân lấy vợ người vui nhất chính là bác Xoan, người mẹ già nua, đau ốm khóc hết nước mắt trong ngày cưới của con, bác Xoan khóc không phải vì buồn, mà bác Xoan khóc trong sự sung sướng. Thắp hương cho chồng mà bác Xoan luôn miệng nói :
“ Ông ơi, con mình nó lấy vợ rồi….Tôi sắp được bế cháu rồi ông ơi, ông ở trên cao chắc cũng mừng lắm, ông nhớ phù hộ độ trì cho các con, các cháu nghe ông..’’
Và đúng như thế, 5 tháng sau chị Liên hạ sinh cái Còi trong một đêm mưa tầm tã. Tôi nhớ như in cái đêm hôm đó, 11h tối, anh Luân bật cả tường rào sang nhà tôi rồi đập cửa ầm ỹ. Tôi chở, chị Liên ngồi giữa còn anh Luân ngồi sau ôm rồi che áo mưa cho vợ. Cũng may là bệnh xá cách nhà không quá xa, đường thì trơn, mưa thì ướt…nghĩ lại thì tôi cũng liều, nhỡ may trên đường có làm sao thì chắc ôm hận. Nhưng ông trời thương xót nên cả hai anh em đưa chị Liên đến bệnh xá một cách an toàn. Ngay sau đó là mẹ anh Luân với mẹ tôi đem quần áo, chăn bông, phích nước nóng theo sau đi vào.
Cả nhà đợi bên ngoài vừa run bởi nước mưa ngấm vào người trong tiết thu tháng 8, nhưng cũng vừa hồi hộp không biết bên trong chị Liên sinh đẻ thế nào.
2h sáng, từ bên trong phòng vang lên tiếng khóc oe oe….Một cô y tá đi ra hớn hở thông báo :
— Chúc mừng anh, chị nhà sinh cháu gái….Tuy thiếu tháng nhưng cháu vẫn khỏe lắm.
Tôi vỗ vai anh cười chung vui :
— Tất nhiên là khỏe rồi, nó khóc to thế cơ mà.
Anh Luân sướng run hết cả người, anh lắp bắp nói không thành câu. Bác Xoan cũng mừng rỡ không giấu đâu cho hết. Tất cả ôm chầm lấy cô y tá cảm ơn rối rít…..Khi ấy mẹ tôi còn bảo :
— Đấy, mày xem sau này cũng cưới vợ sớm đi cho tao có cháu bế. Lấy vợ xong thì mới tu chí mà làm ăn được. Nhìn anh Luân mà học tập, anh ấy bươn chải đủ mọi nghề, sống là phải chăm chỉ con ạ.
Sau cái đêm mưa gió ấy, 6 tháng sau chị Liên bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt, không một mảnh giấy nhắn lại vài câu…….Cái Còi khát sữa mẹ khóc ròng rã cả ngày cả đêm, còn anh Luân đau đớn cùng cực tưởng chừng như lúc đó anh đã chết rồi…..