Bắc Kinh thời này vẫn chưa ô nhiễm vì khói bụi, bầu trời xanh ngắt trong trẻo, màu sắc đơn giản nhưng đầy đặn, khác nào một bức thủy họa thanh tân. Gió xoay tròn tung tẩy trên không, thi thoảng có thể nghe tiếng nó cười khúc khích khi đùa trong rừng, giỡn cợt với đám chồi non. Chồi non mới nhú chưa lâu, ánh lên óng mướt dưới nắng, mướt đến mát mắt, mướt đến mức tưởng chừng có thể thắp sáng trái tim người nhìn.
Tháng tư là mùa đinh hương, những bông hoa tím bé xíu với đủ sắc đậm nhạt đơm chi chít đến trĩu cả đầu cành, hương thơm lan tỏa rất xa. Nhược Hi đang cầm giỏ trúc hái hoa. Phơi khô rồi, có thể cho vào thức ăn làm gia vị, không thì đem pha nước tắm rửa, trị ngứa rất tốt. Nhưng hoa đinh hương nhỏ, lại phải chọn lúc nở rộ nhất, loại hết những bông còn he hé hoặc đã gần tàn, mất cả buổi sáng mới được lưng lửng giỏ, Nhược Hi đứng mãi đã thấy ê ẩm cả người, mồ hôi lấm tấm đầy trán.
Nàng đang cầm khăn tay thấm thấm thì thấy Thập a ca và Thập tứ a ca đi đến, bèn cúi mình thỉnh an. Hai người cùng ngó đinh hương trong giỏ, Thập a ca hỏi:
- Việc này mà cũng tự làm à? Bảo bọn tiểu thái giám đi hái là được mà. Mặt cháy nắng hết rồi!
Nhược Hi bật cười:
- Để họ làm, họ chỉ nhồi hoa vào làn thôi, có phân biệt gì hoa tốt hoa xấu. Tôi không yên tâm.
Thập tứ than:
- Mỗi mình cô cầu kỳ thế!
Nhược Hi mỉm cười, không nói gì. Lát sau, thấy hai người không có ý định đi, nàng hỏi:
- Hôm nay các anh nhàn rỗi nhỉ? Định xem tôi hái hoa chăng?
- Chủ ý đến tìm cô mà – Thập a ca nói – Ngọc Đàn bảo cô đi hái đinh hương, bọn ta nghĩ mãi, đoán chỉ ở đây có hoa này thôi.
Thập tứ ngó vạt đinh hương sau lưng Nhược Hi:
- Mấy cây kia là do Hiếu Trang Văn hoàng hậu tự tay trồng đấy.
Nhược Hi “A” một tiếng, không đừng được phải ngoảnh lại nhìn. Đại Ngọc Nhi, mỹ nhân truyền kỳ của thảo nguyên! Tự dưng lòng nàng man mác “người đi theo gió mất rồi, đinh hương vẻ cũ còn cười gió xuân”.
Một lúc thôi xúc cảm, nàng mới hỏi:
- Chủ ý đến tìm tôi? Vì việc gì?
Thập tứ bảo Thập a ca:
- Em nói cấm có sai. Cô ấy quên rồi!
Thập a ca gật đầu:
- Ngày sinh người khác thì nhớ nằm lòng, chỉ xao lãng ngày sinh của mình thôi.
Nhược Hi nghe vậy sực nhớ, ba hôm nữa là sinh nhật nàng. Sinh nhật thứ mười tám của Mã Nhi Thái Nhược Hi, cũng là sinh nhật thứ ba mươi của Trương Tiểu Văn. Kể ra thật trùng hợp vì Nhược Hi và Tiểu Văn lại sinh cùng ngày. Chưa biết chừng sự trùng hợp ấy chính là nguyên nhân khiến nàng về đây.
Lòng bỗng bùi ngùi, Nhược Hi than:
- Có cô gái nào muốn nhớ ngày sinh của mình đâu? Năm qua năm, chỉ để nhắc rằng mình lại già một tuổi.
Thập tứ cười bảo Thập a ca:
- Nghe kìa! Thành ra lỗi của chúng ta.
Thập a ca cũng cười, rồi hỏi:
- Già hay trẻ hẵng mặc kệ nó đấy. Cô có thích món gì đặc biệt không?
- Mua ít đồ lặt vặt cho tôi như mọi năm là được.
- Mấy năm cùng một kiểu không chán à?
- Thứ thật sự muốn thì ngoài tầm tay. Cứ ra ngoài cung mua đồ chơi gì mơi mới hay hay cho tôi là xong.
Nghe đến đây, Thập a ca và Thập tứ đưa mắt nhìn nhau. Rồi Thập tứ chăm chú nhìn Nhược Hi, giọng chân thành:
- Cô cứ nói xem, được hay không tính sau.
Thập a ca cũng trân trân nhìn Nhược Hi. Nàng quay mặt đi, ngẫm nghĩ. Từ ngày vào cung, tuy mỗi dịp tết nhất đều được gặp Nhược Lan, nhưng chỉ thăm hỏi qua loa, không được cùng nàng tâm tình thủ thỉ. Nếu sinh nhật mà có Nhược Lan ở bên thì thực là một món quà tuyệt diệu. Khổ nỗi quy định trong cung rất ngặt nghèo, đâu cho phép chị em nàng tán gẫu chuyện nhà chuyện cửa. Chưa kể so với những người mà gặp gỡ thân nhân còn khó hơn lên trời, Nhược Hi đã là may mắn lắm. Lại nói, sóng gió thái tử mới yên chưa bao lâu, bản thân Bát a ca còn ít xuất hiện trong cung, đến giờ nàng vẫn chưa gặp chàng, hà tất vì một mong ước cá nhân, nàng lại chuốc thêm miệng tiếng người đời cho chàng chứ.
Bởi vậy nàng quay lại mỉm cười:
- Sinh nhật thôi mà, các anh cứ tặng tôi món gì hay hay ấy!
Thập a ca và Thập tứ đều im lặng. Thập tứ đăm đăm nhìn nàng:
- Cô ở trong cung lâu ngày, bắt đầu học được cái thói nói năng lấp lửng rồi, không còn thẳng thắn như xưa nữa.
Nhược Hi nghĩ bụng, hoàng cung là nơi nào? Người xốc nổi đến đâu, vào cung cũng biến thành cẩn thận cả. Nhưng không muốn giải thích, nàng chỉ lấy giọng nghiêm túc bảo Thập tứ:
- Sinh nhật thì có gì mà phải rầm rĩ? Các anh bình an vô sự, mọi người chúng ta đều bình an vô sự, đấy mới là điều quan trọng nhất.
Thập tứ nghe vậy, mặt lộ vẻ tư lự, lẳng lặng nhìn nàng. Thập a ca hình như cũng nhớ lại cơn phong ba vừa qua, sắc diện trầm mặc hẳn đi, đứng yên một bên không nói không rằng.
Từ sau vụ xử phạt, Nhược Hi đã gặp hai người này hai lần, nhưng đôi bên đều giả vờ như chưa từng xảy ra chuyện gì, chỉ chào hỏi đối đáp bình thường, không một lần nhắc đến tai vạ. Hôm nay, vì một câu nói nóng nảy của Nhược Hi, bọn họ lại thành u ám.
Nhược Hi gắng xua đuổi mối thương cảm trong lòng, mỉm cười bảo:
- Các anh không đi thì tôi mặc kệ nhé! Tôi còn phải hái hoa, dạo này đương rảnh rỗi, tranh thủ hái ít nhiều, bằng không lỡ dịp là phải đợi sang năm kia đấy.
Thập a ca cười xòa:
- Thế thì đi thôi, không làm mất thời gian của cô nữa.
Thập tứ vẫn cứ thần người ra, im lìm ngó Nhược Hi mãi, khiến hai người kia phải đưa mắt nhìn nhau. Thập a ca vỗ vai gã hỏi:
- Nghĩ gì em?
Bấy giờ Thập tứ mới bừng tỉnh:
- Không có gì, nhớ lại một bài thơ thôi mà.
Thập a ca giễu:
- Lũ mọt sách các người, bạ lúc nào cũng sợ thiên hạ không biết các người có học. Nhớ bài gì?
Thập tứ tủm tỉm nhìn Nhược Hi, chậm rãi ngâm:
- Khuyên người chớ tiếc áo tơ vàng, Khuyên người hãy tiếc lúc xuân sang, Hoa đương thì hái người mau hái, Chớ đợi hoa phai luống bẽ bàng.
Nhược Hi yên lặng nghe hết, mỉm cười không đáp lại. Thập a ca thì có vẻ động tâm, ngơ ngẩn nhìn Nhược Hi một lúc rồi khe khẽ thở dài. Nhược Hi cúi mình chào cả hai, quay đi tiếp tục hái hoa, không để ý đến bọn họ nữa.
Hai người đi rồi, nụ cười đọng nơi khóe miệng nàng nhạt dần, miệng cảm thấy đắng ngắt. Tuổi của nàng, bất kể cổ đại hay hiện đại, đều đã quá lứa gả chồng. Nàng vừa hái hoa, vừa thầm khấn, tôi không muốn trở thành truyền kỳ, tôi chỉ muốn làm một cô gái bình thường, dẫu từng tổn thương, phải giấu trái tim mình vào nơi sâu kín nhất, song vẫn nuôi hi vọng sẽ có một người sẵn lòng dùng tấm chân tình khêu cái nhụy vàng ẩn dưới lớp lớp cánh hoa ra. Nhưng con người đáng mặt gửi gắm ấy, giờ đang ở đâu?
Vừa ngắm dung nhan mình trong chiếc gương lăng tiêu, Nhược Hi vừa đưa ngón tay rờ nhẹ qua mặt. Làn da còn mịn màng trắng trẻo, đôi mắt còn trong sáng long lanh, bờ môi còn thắm tươi mơn mởn. Đây vẫn là một khuôn mặt trẻ trung, nhưng trái tim thì già nua rồi, già vì những lắng cặn bi thương.
Hôm nay Nhược Hi không phải đi làm, nàng nên kỷ niệm sinh nhật thế nào nhỉ? Bánh ga tô chăng? Hồi ở Bắc Kinh, năm nào mẹ cũng mua một chiếc bánh cho nàng, sau nàng chuyển đến Thâm Quyến, mẹ lại gửi lời chúc và tình yêu bằng cách nhờ anh trai nàng đặt bánh sinh nhật qua mạng. Nằm sấp mình trên bàn, Nhược Hi không muốn gượng dậy nữa. Bốn năm đã qua, đôi chút hi vọng quay về cũng tiêu tan từ lâu. Xem ra đời này kiếp này nàng đành an phận làm Mã Nhi Thái tiểu thư thôi.
Cứ nghĩ sinh nhật là ngày mẹ sinh hạ mình, lòng lại trào lên nỗi buồn đau khôn cưỡng, Nhược Hi không muốn nhớ nhung ngày này làm gì nữa, bèn đứng dậy vớ bừa một cuốn sách trên giá, ngồi nghiêng trên sập đọc.
Xem bìa da thì là một cuốn Đường thi, nhưng nàng cũng chẳng bận tâm. Lật ngẫu một trang lại đúng vào bài Du tử ngâm của Mạnh Giao, nàng liền ném bẹt cuốn sách xuống bàn, vậy mà lời thơ vẫn vọng vang trong tâm tưởng:
Sợi chỉ nơi tay mẹ, trên áo con đi xa
Lên đường mẹ khâu kỹ, lo nỗi muộn về nhà
Ai bảo lòng tấc cỏ, báo được ánh xuân qua.
Nhược Hi thở dài, ngả mình ra sập, nhắm mắt lại.
Đương lúc thương thân, chợt nghe có tiếng gõ cửa, nàng ngồi bật dậy, sửa sang y phục rồi nói:
- Vào đi!
Một cung nữ lạ mặt tươi tỉnh đẩy cửa đi vào. Nhược Hi ngạc nhiên, vội vã đứng dậy. Cung nữ nọ nhún gối chào:
- Nhược Hi cô nương cát tường! Nô tỳ là Thái Hà, cung nữ hầu hạ Lương chủ tử.
Nhược Hi khẽ “Ồ” một tiếng. Thái Hà tiếp:
- Chủ tử nói vô tình trông thấy mẫu hoa rất đặc biệt trên khăn tay của một cung nữ, hỏi ra mới biết là do cô nương vẽ, nên muốn mời cô qua bên người, giúp họa mấy mẫu hoa.
Nhược Hi tần ngần, rồi đáp: “Được!”
Thái Hà đi trước dẫn đường, Nhược Hi theo sau. Trước nay nàng gặp Lương phi cũng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu kể từ ngày vào cung nàng tới chỗ bà ở. Lương phi là mẹ Bát a ca, với nàng còn có quan hệ bắc cầu là Nhược Lan, nhưng chạm mặt Nhược Hi, bà luôn lạnh nhạt, Nhược Hi cũng chỉ cúi mình hành lễ cho phải phép. Trong khi đó, bốn năm nay, thái độ của các nương nương khác đối với nàng mỗi ngày một cải thiện, thoạt đầu lãnh đạm hồ nghi, bây giờ hòa nhã thâи áι, bởi dẫu sao thì ngoài Lý Đức Toàn, Nhược Hi cũng là người được Khang Hy tín nhiệm nhất trong số hầu cận. Ngay trong vụ thái tử bị phế, ai cũng tưởng Nhược Hi sẽ bị ảnh hưởng vì là người bên “phe Bát gia”, sau lại thấy Khang Hy vẫn đối xử với nàng như cũ, người trong cung càng thêm vì nể.
Thái Hà vén rèm giúp:
- Cô nương tự vào nhé!
Nhược Hi gật đầu, bước vào nhà. Sảnh giữa vắng tanh, nghe từ chái sảnh có tiếng chuyện trò vẳng sang, nàng bèn bước sang bên ấy. Cung nữ Thái Cầm đứng sau rèm châu trông thấy nàng, vội vén rèm lên. Thái Cầm là nữ quan có phẩm trật cao nhất trong cung Lương phi, lại rất được Lương phi xem trọng. Nhược Hi tới gần, mỉm cười nói khẽ:
- Phiền chị quá!
Thái Cầm mỉm cười đáp lễ, không nói năng gì, chỉ đưa tay mời.
Vào tới nơi, Nhược Hi trông thấy ngay Lương phi đang ngồi nghiêng trên sập. Ngồi chếch bên dưới là Nhược Lan, mình bận cung trang. Nhược Hi xao xuyến cả người, liền nhún gối thỉnh an:
- Lương phi nương nương cát tường! Phúc tấn cát tường!
Lương phi cất tay, cho nàng đứng dậy, điềm đạm bảo:
- Thấy hoa ngươi vẽ ưa nhìn, nên cho người gọi ngươi sang vẽ giúp vài bông.
Nhược Hi cười đáp:
- Nương nương thấy vừa mắt, là vinh hạnh của nô tỳ.
Lương phi sai cung nữ bê cẩm đôn lại cho Nhược Hi ngồi. Nàng vội từ tạ, Lương phi bèn bảo:
- Thế ngươi định lát nữa vừa đứng vừa vẽ hay sao?
Nhược Hi thấy trong nhà ngoài Nhược Lan, Lương phi, cũng chỉ có cung nữ Thái Cầm đang đứng chực bên rèm, bởi vậy bèn vâng lời ngồi xuống, rồi quay về phía Nhược Lan cười, Nhược Lan cũng tủm tỉm đáp lại.