Ngày lại ngày trôi đi, Nhược Hi cảm thấy cuộc sống buồn chán quá đỗi, quanh đi quẩn lại chỉ ngần ấy việc làm, Nhược Lan thì vẫn nhạt nhẽo lãnh đạm. Mọi chỗ có thể đi được trong Bối lặc phủ, Nhược Hi đều đã dạo qua không biết bao lần. Cô bắt đầu nhớ tiếc những lúc bù khú nhậu nhẹt, chén chú chén anh, sa đọa trác táng ở Thâm Quyến. Về đây thì chỉ có đàn ông mới được hưởng thụ thôi. Nhược Hi ngồi trên tảng đá, mặt quay ra hồ:
…
- Ài
- Ài!
- Ài!
…
Chợt nghe tiếng Thập tứ a ca vang lên đằng sau: “Em thắng rồi!”, Nhược Hi ngoái lại thì thấy Cửu, Thập và Thập tứ a ca đang đứng sau lưng, liền lập cập nhỏm dậy thỉnh an. Thập a ca kêu lên:
- Sao cô cứ thở dài không ngớt thế? Vì mấy tiếng thở dài của cô mà ta mất hai mươi lượng bạc đây này.
Cửu a ca thêm:
- Ta cũng mất hai mươi lượng nữa.
Thập tứ a ca thì cười sằng sặc, Nhược Hi thắc mắc ngó gã. Gã giải thích:
- Mấy anh em cá nhau, xem rốt cục cô thở dài bao lần. Cửu ca cá không quá hai mươi lần, Thập ca bảo không quá bốn mươi lần, ta khẳng định phải hơn bốn mươi lần.
Nhược Hi ngẫm nghĩ, rồi hỏi:
- Tôi thở dài nhiều thế cơ à?
- Lại còn không? – Ba người đồng thanh.
Nhược Hi dẩu dẩu môi, không nói năng gì. Thập a ca lại hỏi:
- Sao mà thở dài?
Nhược Hi định đáp, Thập tứ đã át đi:
- Đừng nói vội, để chúng ta đoán nữa xem, tiền cược vẫn là hai mươi lượng.
Nhược Hi bật cười:
- Máu me cờ bạc quá đấy!
Thập tứ giục:
- Cửu ca đoán trước đi!
Cửu a ca xua tay:
- Không đoán được, hai em chơi thôi.
Thập a ca chăm chú nhìn Nhược Hi, đoán:
- Tại buồn chán.
Thập tứ cười bảo:
- Xem ra hôm nay chỉ kiếm được bốn mươi lượng này. Em cũng đoán là do buồn chán.
Nhược Hi vênh mặt lắc lắc đầu:
- Không phải đâu.
Hai người cùng ngẩn ra, nghi hoặc nhìn cô gái, Thập a ca hỏi:
- Thế là tại làm sao?
- Là tại cực kỳ, cực kỳ, cực kỳ buồn chán – Nhược Hi nghiêm nghị đáp. Bốn người cùng phá lên cười.
Thập tứ a ca an ủi:
- Đừng chán nữa. Sắp Trung thu rồi, trong cung sẽ có đại yến.
Nhược Hi tính ngày, nói:
- Thế là sắp Trung thu! – đoạn hỏi – Các anh đến gặp Bối lặc gia à?
- Ừ – Thập a ca đáp – Nhưng Diêu thị lang cũng đang ở thư phòng. Ta không muốn gặp lão già lắm mồm ấy, nên đi lòng vòng trong vườn đợi.
Nhược Hi nghĩ một lát, lại hỏi:
- Chốc nữa tôi theo các anh vào thỉnh an Bối lặc gia, được không?
Thập tứ a ca nhướng mày:
- Tự nhiên tử tế, chẳng đểu cũng gian!
Nhược Hi trừng mắt lườm gã, nhưng không phân trần gì.
oOo
Cả bọn vào tới thư phòng. Thấy Nhược Hi đi cùng ba a ca, Bát a ca cũng không tỏ thái độ khác lạ, chỉ mỉm cười ban ngồi. Nhược Hi tươi tỉnh thưa:
- Em nói nhanh thôi, nói xong đi liền, đứng là được rồi.
Bát a ca tựa mình ra lưng ghế, tay vẩn vơ nghịch chiếc đê ngọc, khóe miệng nhích một nụ cười:
- Việc của em ta không giúp được đâu. Ai buộc người ấy phải cởi chứ.
Nhược Hi sững người, đoạn ảo não vái một vái:
- Vậy Nhược Hi xin cáo lui.
Bát a ca tủm tỉm:
- Ừ, đi đi!
Nhược Hi quay mình ra khỏi thư phòng, vừa đi vừa nghĩ, không gọi được viện binh, xem ra phải tự lực cánh sinh vậy. Lúc cô về tới nhà, Nhược Lan vẫn đang tụng kinh trong phòng tu, Nhược Hi rảo tới rảo lui, cân nhắc xem nên ăn nói sao đây? Cô đang mải nghĩ thì Nhược Lan đi sang, trông thấy em gái quanh quẩn bước dồn cũng không màng hỏi han, tiến thẳng lại sập nghiêng người xuống nghỉ. Nhược Hi vội chạy theo, ngồi xuống cạnh, một lúc lâu sau mới buồn rầu nói:
- Em ra đời không được thấy mặt ngạch nương. Từ nhỏ tới lớn toàn nghe a ma chê em là “ᴆụng đâu hỏng đấy”, di nương thì ghét em ngỗ ngược, các anh chị em khác tuy cũng có người ân cần, nhưng suy đi tính lại vẫn không cùng mẹ sinh. Chỉ có chị là liền khúc ruột với em, xưa nay lại thương chiều em vô ngần. Em có điều lầm lỗi, chị đánh cũng được, mắng cũng xong, em xin vâng hết. Nhưng chị cứ phớt lờ em đi, thì em…
Nói đến đây, nhớ ra là chẳng bao giờ còn gặp được cha mẹ, lại buồn thối ruột vì nỗi lạnh nhạt của Nhược Lan mấy ngày này, Nhược Hi trào nước mắt, khóc nghẹn cả lời. Nhược Lan nghe vậy, lệ cũng tuôn ròng ròng, ngồi thẳng dậy ôm chầm lấy em, hai người áp vào nhau mà khóc, Xảo Tuệ, Đông Vân khuyên giải mãi họ mới nguôi ngoai.
Nhược Lan vừa đưa khăn chấm nước mắt, vừa răn:
- Sau này em phải sửa cái tính hung tợn ấy đi, nếu không mất mạng lúc nào cũng chẳng biết được đâu – Ngừng một lát, nàng lại bảo – Em tưởng đánh Minh Ngọc cách cách nhà Quách Lạc La là chuyện nhỏ hả? Vừa rồi nếu không có Bối lặc gia đứng ra nhận trách nhiệm thay cho em, thì cả đích phúc tấn lẫn phò mã phủ đều không chịu bỏ qua đâu.
Nhược Hi nghe xong, thấy Nhược Lan buồn quá đỗi, chỉ biết gật đầu vâng dạ.
Sau lần hai chị em ôm nhau khóc lóc giãi bày, Nhược Lan mới coi như hết giận, lại đối xử với Nhược Hi chu đáo dịu dàng. Sắp tới tết Trung thu, đích phúc tấn đang lúc bận mình, việc soạn sửa cỗ bàn đều do một tay Nhược Lan thu vén, thành thử ngày nào cũng bận tối mắt tối mũi, Nhược Hi không còn vướng mắc trong lòng, tâm trạng nhẹ nhõm đi nhiều, tiếp tục làm một người nhàn tản trong cảnh phú quý. Việc khiến Nhược Hi vui vẻ nhất là từ bữa nghe cô than buồn chán, Thập a ca và Thập tứ a ca thường xuyên sai người đưa đồ chơi mới lạ sang, giúp cô giải khuây, và cũng khiến cô bận trí với việc phỏng đoán về đồ chơi lần tới, khiến bọn a hoàn sôi nổi theo, trong nhà tiếng cười đùa tối ngày không dứt.
Chớp mắt đã sắp tới Trung thu, không khí trong phủ rộn ràng nô nức. Bởi phải vào cung dự yến, chỉ sợ cô em quen thói hành xử quá trớn ngày thường nên hôm nào Nhược Lan cũng đem phép tắc ra giảng đi giảng lại, hết chỗ thay áo, chỗ an tọa, chỗ nhận lễ, chỗ dự tiệc đến chỗ nghỉ ngơi, bắt Nhược Hi phải học cho thuộc.
Chiều ngày Rằm tháng Tám, Bối lặc gia và Nhược Lan đều ăn vận chỉnh tề, Nhược Hi cũng chuẩn bị xong xuôi, mỗi người lên một kiệu riêng để vào Tử Cấm thành. Hồi đại học, Tiểu Văn đã từng đến Cố cung, nhưng một là vì Cố cung quá rộng, hai là vì cô đến chỉ để xem các triển lãm hay mở ở đây coi như ngoại khóa cho môn tự chọn Lịch sử thư họa, nên chủ yếu là thăm thú loanh quanh khu trưng bày tranh chứ chưa bao giờ tham quan cho khắp. Hôm nay sắp được mục kích khung cảnh đương hồi thịnh vượng của cung điện, bảo không phấn khích là nói dối.
Hết cửa nọ đến cửa kia, hết bàn lễ này đến bàn lễ khác, hết cấm vệ ngoài vào cấm vệ trong, Nhược Hi hoa cả mắt, tâm trạng bắt đầu căng thẳng, chỉ tập trung cư xử sao cho khỏi sơ sót nên cũng chẳng lòng dạ nào mà ngắm nghía xung quanh. Bấy giờ mới thấy mừng vì Nhược Lan dạy dỗ thật chu đáo. Vất vả mãi, đến lúc được ngồi thì hai chân đã bủn rủn, tới khi trấn tĩnh mới bắt đầu quan sát tứ bề. Đèn giăng muôn ngọn, sáng tựa ban ngày, bạc tuôn ngàn ánh, châu báu lung lay, đỉnh trầm đàn hương tỏa sực, độc bình vạn tuế khoe tươi. Nhược Hi không khỏi cảm thán, đúng là khí phái hoàng gia, phim truyền hình hiện đại không tài nào chuyển tải nổi lấy một phần.
Các phi tần, a ca, phúc tấn, cách cách lục tục tới đủ, ai nấy về chỗ ngồi. Lát sau, một tốp thái giám rảo bước vào, đứng quay mặt về một hướng, đằng xa vọng lại tiếng hô:
- Hoàng thượng giá lâm!
Mọi người đứng cả dậy, vài tích tắc trôi qua, rồi một người đàn ông tầm thước độ tuổi trung niên, mình vận hoàng bào đầu đội mũ ngọc, tướng mạo bình dị, miệng mỉm cười ung dung đi vào. Ai nấy rạp mình xuống sát đất, Nhược Hi thầm nghĩ, đây đế vương thiên cổ, Khang Hy gia!
Ngần ấy người quỳ lạy mà không một tiếng thở mạnh. Đợi Khang Hy an tọa rồi, thái giám bên cạnh cao giọng hô: “Bình thân!”, bấy giờ ai nấy mới răm rắp đứng dậy. Khang Hy tủm tỉm nhìn xuống một vòng, phán:
- Ngồi cả đi! Chẳng mấy khi họp mặt, nên thoải mái tự nhiên!
Mọi người đồng thanh: “Vâng!” rồi theo thứ tự ngồi xuống. Vâng là vâng thế thôi, chứ phép tắc ra sao người ta vẫn tuân thủ đầy đủ, không sai sót một li. Nhược Hi nhìn thấy mà không nén được than thầm, đúng là uy nghiêm của bậc đế vương nhất thống thiên hạ.
Sau ba tuần rượu, không khí bữa tiệc mới sôi nổi hơn lên. Mấy tiểu a ca bắt đầu tào lao chi khươn, hùa nhau nâng chén, tiếng hò la của Thập a ca là ầm ĩ nhất. Thái tử gia, Tứ a ca và Bát a ca cũng chuyện trò uống rượu. Nhược Hi đưa mắt nhìn quanh, vô tình chạm phải ánh mắt Minh Ngọc cách cách, Minh Ngọc liền hằn học nhìn trả. Nhược Hi lập tức nhoẻn cười tươi tắn, thầm rủa, cho cô tức ૮ɦếƭ đi! Minh Ngọc trừng mắt, càng thêm hậm hực, rồi đột nhiên như nghĩ ra điều gì, khóe miệng cô ta tươi lên, mỉm một nụ cười rất chi quyến rũ, đoạn quay mặt đi. Nhược Hi bỗng thấy toàn thân ớn lạnh, không khỏi rùng mình, bụng bảo dạ, quả nhiên cái kiểu ngoài mặt thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm Gi*t người không dao mới là đáng sợ nhất.
Ăn rồi uống, uống rồi nghỉ, cười cười nhìn quanh, tuy không được ai để ý đến, Nhược Hi cũng vẫn tự tìm lấy niềm vui. Chả mấy khi gặp buổi yến ẩm linh đình, cớ gì không mặc tình hưởng thụ? Cô đang cúi đầu nhâm nhi, tự nhiên thấy xung quanh im bặt, liền ngẩng đầu lên xem thì nhận ra mọi người đang đổ dồn mắt vào mình, thái giám nhắc:
- Mã Nhi Thái Nhược Hi, tiến lên yết kiến!
Nhược Hi giật thót, nhất thời không nói năng được gì, rồi thình lình sực tỉnh, vội vã đứng lên, rời bàn tiệc, tiến ra quỳ xuống, cúi đầu rành rọt thưa:
- Hoàng thượng cát tường!
Khang Hy truyền:
- Đứng dậy nói!
Nhược Hi vừa đứng dậy vừa nghĩ, chuyện gì nhỉ? Khang Hy cười hỏi:
- Nàng Liều đây phải không?
Một phi tử bên cạnh ngọt nhạt:
- Thật không ngờ lại là một cô bé xinh xẻo!
Cử tọa chăm chú theo dõi, Nhược Hi căng thẳng tột độ. Khang Hy nhìn cô, cười hỏi:
- Gặp trẫm hồi hộp lắm à?
Nhược Hi cảm thấy tiếp tục im lặng thì không ổn, đành đáp:
- Vâng!
Khang Hy có vẻ thú vị, lại hỏi:
- Vì sao?
Nhược Hi ngẫm nghĩ, rồi thưa:
- Lần đầu diện kiến thiên nhan, cảm thấy uy nghi vô vàn, bởi vậy hồi hộp.
Khang Hy “hừm” một tiếng, hỏi tiếp:
- Ngươi cảm thấy trẫm rất uy nghi à?
Trời ơi, Nhược Hi nghĩ bụng, còn chưa xong ư? Rồi vắt óc xem nên trả lời ra sao, đối đáp không thỏa đáng thì chỉ e lại dằng dai thêm.
Thấy Nhược Hi không lên tiếng ngay, Khang Hy lại cười:
- Ngươi sợ trẫm chăng?
Nhược Hi tự nhủ, chỉ có bạo chúa mới thích người ta sợ mình, tự cổ chí kim, minh quân luôn muốn thiên hạ tâm phục. Nghĩ vậy, cô không dám chần chừ nữa, vội vàng đáp:
- Không ạ, hoàng thượng là thánh quân một thời, làm sao nô tỳ lại sợ? Chỉ hiềm nô tỳ lần đầu vào cung, cảm thấy không khí nhà trời tôn nghiêm nên tâm trạng hơi căng thẳng.
Khang Hy hỏi:
- Thánh quân một thời? Ngươi dựa vào đâu mà cho rằng trẫm là thánh quân một thời?
Khổ ghê! Vì sao đây? Lịch sử có đánh giá, nhưng Nhược Hi không dám lặp lại những tích tám tuổi đăng cơ, bắt Ngao Bái, bình phiên vương, thu Đài Loan, dẹp loạn Cát Nhĩ Đan…, bởi vì đấy là những chiến công Khang Hy tự luận về mình vào lúc cuối đời, Nhược Hi không dám tranh lấy lời lẽ của ông ta. Cô suy nghĩ rất lung, điểm nhanh vài đáp án, chợt nhớ đến bài từ Tuyết theo điệu Thấm viên xuân trong sách giáo khoa hồi trung học, cảm thấy rất hợp tình hợp cảnh, bèn không lưỡng lự nữa, cứu mạng là quan trọng, nên cất giọng mạch lạc:
Tiếc Tần Hoàng Hán Võ
Vẫn thua tư thái,
Đường Tông Tống Tổ
Còn kém phong oai,
Khét tiếng một thời
Thành Cát Tư Hãn,
Chỉ biết giương cung bắn đại điêu.
Qua hết cả,
Những phong lưu nhân vật,
Lại ngắm ban mai.
Nghe đoạn, Khang Hy gật gù cười:
- Quen tai toàn Nghiêu Thuấn Vũ Thang, hôm nay được lời này, quả thật mới mẻ!
Nhược Hi thầm tiếc, sao lại quên béng Nghiêu Thuấn Vũ Thang nhỉ? Có điều nhìn lại hiệu quả cũng không tệ, bợ đỡ rất khéo! Khang Hy nói:
- Xem ra ngươi không chỉ biết có “liều” đâu! – rồi bảo thái giám bên cạnh – Thưởng!
Nhược Hi vội quỳ xuống, nhận thưởng xong thì lui về. Ngồi vào chỗ rồi mới phát hiện ra hai lòng bàn tay đã ướt đẫm. Khi ngẩng lên, cô bắt gặp Thái tử gia và Tứ a ca đang chăm chú quan sát mình, lại vội vàng cúi mặt xuống.
Nghe từ xong, Khang Hy có vẻ rất vui, các vị phi tần ngồi quanh lại được thể cười nói bàn tán, các a ca theo nhau lên kính rượu Khang Hy, dâng lời đẹp ý lành. Cửu a ca chúc xong về chỗ, đến lượt Thập a ca tiến ra, nâng rượu thưa:
- Hoàng a ma, lời hay ý đẹp thì các ca ca đã dùng hết cả rồi, con không còn gì thú vị để nói nữa, chỉ mong Hoàng a ma khỏe mạnh thôi – Nói đoạn, gã ngửa cổ lên uống rượu.
Khang Hy lắc lắc đầu:
- Quên hết câu cú văn vẻ, chỉ biết nói những lời thô lậu.
Một phi tử dung mạo kiều diễm ngồi cạnh cười thưa:
- Tuy thô lậu, nhưng đều là chân tình!
Khang Hy gật đầu, trầm ngâm nhìn Thập a ca, bảo:
- Mười bảy rồi đấy!
Phi tử nọ lại cười mơn:
- Bằng tuổi này Cửu a ca đã lập phúc tấn, cũng nên lập phúc tấn cho Thập a ca thôi!