Trúc Vỹ ngoan ngoãn đi vào nhà.
Bảo Lâm cúi xuống, một tay ôm lấy chậu Hoa kim trản, tay kia ôm chậu Nhạn lai hồng. Nàng bước vào phòng khách. Vú Ngô và nội của Trúc Vỹ đều ở cả trên lầu. Phòng khách vắng lặng, Bảo Lâm đi thẳng đến thư phòng của luật sư Thắng. Nàng không gõ cửa mà đẩy mạnh bước vào. Ông luật sư như đang gọi dây nói cho ai. Ông có vẻ kinh ngạc khi thấy Bảo Lâm ôm mấy chậu kiểng bước vào. Ông không hiểu Bảo Lâm định làm gì, chỉ thấy nàng đặt chậu hoa lên bàn như chờ đợi.
Tạ Thắng gác máy nói, bước tới hỏi:
- Cô làm gì đấy?
Bảo Lâm chỉ vào chậu kim trản hoa hỏi:
- Ông biết đây là loại hoa gì không?
Ông Thắng không do dự nói:
- Hoa cúc.
- Còn cái này?
- Hồng diệp!
Ông Thắng đáp, vẫn không rời mắt Bảo Lâm.
- Rồi sao? Cô định làm gì thế?
- Đây không phải là hoa cúc mà là kim trản hoa. Còn đây cũng không phải là hoa hồng diệp mà là nhạn lai hồng.
Bảo Lâm nói nhanh làm ông Thắng phải nâng cặp mắt kính lên nhìn một cách lạ lùng:
- Nhưng mà nó là gì cũng được, cũng chỉ là hoa thôi, cái đó liên hệ gì đến tôi chứ? Không cần biết tên ta vẫn có thể thưởng thức nó được cơ mà?
- Ông và cả tôi, chúng ta đều không biết tên những loài hoa này, ngay cả Tú Mẫn, bà Trúc Vũ và ✓ú Ngô cũng thế. Trong nhà này, không ai biết hoa cỏ gì cả ngoại trừ một người, đó là Trúc Vỹ.
- Ồ!
Ông Tạ Thắng chau mày nhìn Bảo Lâm.
- Trúc Vỹ không những biết được tên của hai loại hoa này, mà còn biết rõ tên các loài hoa khác, lúc nào gieo trồng, bao giờ bón phân, bao giờ ra hoa kết hạt. Vỹ biết rất rành những kiến thức chuyên môn làm vườn. Và ông, ông cũng không hề cho tôi biết là... cả khu vườn của ông là do một tay của Vỹ vun trồng nên.
Ông luật sư thắc mắc:
- Chuyện đó có quan trọng gì đâu? Vỹ nó thích trồng hoa, nuôi thú ngay từ nhỏ. Tôi nghĩ đó là bản năng của phụ nữ thôi.
Bảo Lâm lắc đầu nói:
- Không phải bất cứ một cô gái nào cũng thích việc làm đó. Điều mà tôi muốn nói với ông ở đây là Trúc Vỹ không thuộc lấy một chữ quốc văn, lịch sử, nhưng cô ấy lại phân biệt một cách rõ ràng sự khác biệt của từng cây, từng loại hoa. Cô ấy như vậy mà ông là cha, ông không hiểu gì về con cả. Ông lại cứ bắt Vỹ phải thi vào văn khoa là thế nào?
Ông Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm, ông có vẻ hiểu đôi chút điều Bảo Lâm muốn nói:
- Khá lắm, cô đã tìm ra sở trường của Trúc Vỹ. Đúng ra nó nên thi vào ngành sinh hóa để học môn thực vật học. Không biết bây giờ có kịp đổi không?
Bảo Lâm nói ngay:
- Ông sai rồi! Dù cho Vỹ có thi ngành nào thì các môn thi như văn, ngoại ngữ, toán... cô ấy sẽ không làm được hết, vì vậy, không thi tốt hơn. Riêng về khoảng kiến thức về cây cỏ, có cái cô ấy rành hơn cả một sinh viên nông lâm. Nếu ông không tin, ngày mai tôi sẽ mượn một sinh viên nông lâm đến ngay để ông thấy.
- Ý cô muốn nói là…
- Tôi biết ông hoàn toàn hiểu ý tôi. Tôi đã từng nói với ông nhiều lần là Trúc Vỹ không cần phải vào đại học. Chưa hẳn mọi kiến thức mà chúng ta cần có đều phải vào đại học hết. Ông thử đoán xem những hiểu biết của Vỹ về cây cỏ kia là ở đâu Vỹ có? Chỉ từ một ông thợ làm vườn, và tôi dám đoán chắc với ông là mấy ông thợ làm vườn kia cũng chưa hề đặt chân vào đại học. Thế mà họ cũng có một lĩnh vực chuyên môn đấy chứ.
Tạ Thắng trừng mắt nhìn Bảo Lâm:
- Tại sao cô cứ tìm mọi cách để tôi bỏ ý định bắt con Vỹ thi vào đại học vậy?
Bảo Lâm nhìn ông luật sư với ánh mắt thành khẩn và nói:
- Bởi vì tôi thích cô bé ấy. Tôi không muốn thấy cảnh Vỹ cứ thất bại trong thi cử, ông luật sư ạ. Cuộc đời của ông là một chuỗi thành công, ông chưa hề nếm qua nỗi đau của thất bại. Ông có biết là nó chua chát lắm, thất vọng lắm. Ông muốn Vỹ phải thi vào đại học chẳng qua để thỏa mãn cái cảm giác hư vinh của ông mà thôi.
Luật sư Thắng liếc nhanh Bảo Lâm:
- Cô đã từng thất bại? Thất bại bao giờ mà biết được cái vị đắng của nó? Diễn tả nó rành rọt như vậy?
Bảo Lâm ngẩng lên, đôi mắt tối hẳn:
- Tôi ư? Tôi đã từng thất bại.
- Bao giờ?
Bảo Lâm nói:
- Tôi đã kể với ông rồi mà! Tôi đã từng có một vị hôn phu. Ông ấy bây giờ đã có người yêu khác.
Luật sư Thắng giật mình nhìn Bảo Lâm:
- Cái đó gọi thất tình chứ đâu phải là thất bại, mà hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Thất bại là do ta, ta không làm hết sức mình, không lường trước những khó khăn. Còn thất tình thuộc tiếng nói của con tim, dù ta muốn, đôi khi ta cũng không ngăn cản được.
Bảo Lâm nói, mắt như phủ màn sương mỏng:
- Không chỉ là thất tình mà là thất bại. Cái đó đã khiến tôi mất cả tự tin. Tôi có cảm tưởng mình trở nên thật già. Tôi không còn dám tin vào tình yêu, dám yêu đương, cũng như dám nghĩ là có người yêu tôi nữa!
Bảo Lâm thở dài rồi tiếp:
- Tôi cảm thấy mình xấu đi, già đi, và mất đi cái thơ ngây ngày nào. Đôi lúc tôi như con chim lỡ một lần suýt ૮ɦếƭ, đâu đâu tôi cũng chỉ thấy tên, gươm.
- Cô lầm rồi!
Ông Thắng nói, bất giác bước tới cạnh Bảo Lâm:
- Cô sai rồi. Đối với tôi, cô giống như một đóa hoa, một đóa hoa vàng. Cô có vẻ yếu đuối của hoa cúc, dáng cao quí như hoa lan, thâm trầm và mỏng manh như hoa quỳnh. Ngay từ đầu, Bảo Lâm đã thu hút tôi làm tôi ngẩn ngơ...
Luật sư Thắng không nói hết lời vì chợt nhiên, như có một sức mạnh nào đó lôi cuốn làm ông không thể kiềm chế được lòng mình. Ánh mắt buồn buồn kia, chiếc miệng nhỏ nhắn kia... Và ông đột nhiên vòng tay qua vai kéo lấy Bảo Lâm vào lòng mình, đặt môi lên môi Bảo Lâm.
Thời gian như ngừng đọng. Trời đất quay tròn. Trong vòng tay người đàn ông, cái hôn nóng bỏng, sự tiếp xúc của da thịt, bản năng phản kháng kêu gào... Tất cả làm cho tâm trí Bảo Lâm như bấn loạn. Lâu, đúng, lâu lắm rồi, từ khi La Dũng là của người khác, Bảo Lâm mới hụt hẫng trong cái cảm giác ngây dại như thế này. Nàng thấy tâm trí mình trôi bồng bềnh, bồng bềnh như thời mới lớn khi đón nhận nụ hôn đầu.
Chợt ý thức chống đối của nàng vươn dậy. Thế này là không đúng, không đúng... Nhưng không hiểu sao, Bảo Lâm không vùng vẫy để thoát ra khỏi vòng tay của Tạ Thắng. Hình như mọi phản ứng của nàng đều bị tê liệt hẳn.
Khi Tạ Thắng ngẩng lên, ông vẫn không buông Bảo Lâm ra. Ông thấy hai hàng nước mắt đang chảy dài trên má Bảo Lâm.
Nhưng rồi Bảo Lâm cũng tỉnh hẳn. Sao ta lại làm như vậy? Sao ta dễ dàng chấp nhận như vậy? Không khéo ông ta coi thường ta, xem ta như bao cô gái khác. Đây là Tạ Thắng, một luật sư tên tuổi lẫy lừng. Một con người biết bao nhiêu người đàn bà sẵn sàng dâng hiến. Đàn bà đối với ông ta như một món đồ chơi. Không! Không thể được! Ông ấy không hề yêu ta, ông ấy có cả tình nhân Lynh và nhiều người đàn bà khác nữa. Tạ Thắng hôn ta, một sự thương hại, lợi dụng, đùa giỡn. Hèn gì ông ta chẳng tự tin, chẳng bình thản như thế.
Bảo Lâm ơi, mi rõ ngu quá. Mi đã một lần thất bại, nếu mi còn ngu xuẩn, cả tin một lần nữa thì rõ ràng mi sắp sa xuống địa ngục. Mi ngu xuẩn, dại dột và hèn hạ quá. Đột nhiên, Bảo Lâm dồn hết sức mạnh đẩy Tạ Thắng ra. Nàng quay người bỏ chạy ra cửa, nhưng Tạ Thắng đuổi theo, chụp lấy tay Bảo Lâm.
- Em... Em làm gì vậy?
Nước mắt vờn quanh mi, Bảo Lâm nói:
- Hãy buông tôi ra! Cho tôi đi!
- Tại sao?
Bảo Lâm nghiến răng nói:
- Mặc dù tôi nhỏ nhoi, nghèo khổ, nhưng tôi không muốn trở thành trò chơi của ông đâu!
- Tại sao Bảo Lâm nghĩ vậy?
Tạ Thắng chau mày định nói thêm thì chợt nhiên ông thấy có bóng dáng người thoáng hiện nơi khung cửa sổ. Vậy là có người lén nghe trộm bên ngoài. Ông lớn tiếng hỏi:
- Ai đó?
Rồi ông bước nhanh ra, mở rộng cửa sổ. Bảo Lâm đã trông thấy anh ta: Không ai khác hơn là Tú Mẫn. Hắn đang rình bên ngoài cửa. Có lẽ hắn cũng nghĩ rằng Bảo Lâm cũng thường tình như bao nhiêu người đàn bà khác, cũng tham tiền của, danh vọng, Bảo Lâm tự động hiến thân cho luật sư Thắng. Nếu không phải là cô giáo dạy kèm cho Trúc Vỹ, sao lại vào phòng sách riêng của ông Tạ Thắng làm gì? Sự xấu hổ làm đôi má Bảo Lâm đỏ gay. Nàng vội mở cửa, chạy bay ra ngoài. Nàng chạy hớt hải như bị ma đuổi.
- Bảo Lâm!
Tiếng của ông Tạ Thắng đuổi theo phía sau, nhưng Bảo Lâm đã chạy ra khỏi phòng khách, vườn hoa và đã đến bên ngoài cổng ngôi biệt thự. Nàng vẫy tay đón một chiếc taxi.
Gieo mình xuống nệm xe, Bảo Lâm thấy đầu óc mình quay cuồng, cảnh vật bên ngoài như nhòa dần, nhòa dần. Nàng cảm thấy xấu hổ và thầm tự trách mình sao quá yếu đuối. Phải chi lúc nãy ta đủ tỉnh táo để tát Tạ Thắng một tát thì có lẽ giờ đây ta không khổ sở như thế này. Nhưng dù sao hương vị của nụ hôn bất ngờ, rõ ràng ta không thể giấu lòng mình, nó cũng gây cho ta một ít xôn xao.
Suốt đêm, Tạ Thắng không ngủ được. Ngồi trong thư phòng, ông như đắm mình trong suy nghĩ. Đối diện với hai chậu hoa, lần đầu tiên sau ngày vợ mất, Thắng mới có dịp nhìn lại, phân tích tình cảm bản thân mình. Mấy năm rồi, Thắng nghĩ lòng mình đã ૮ɦếƭ, nhưng trên đời làm gì có người đàn ông lại "tắt lửa lòng" ở vào cái tuổi này. Mười mấy năm lăn lộn trên trường đời, bao nhiêu người đàn bà ở khắp mọi lứa tuổi đã qua tay, đúng hơn phải nói là từ hai mươi đến bốn mươi. Luật sư Thắng có mọi điều kiện để thuyết phục, hấp dẫn người khác, và ít có người đàn bà nào thoát khỏi sự lôi cuốn của luật sư Thắng. Tự ông, ông cũng biết cái sở trường đó của mình. Phóng khoáng, khẳng khái, hoạt bát, giàu có, những yếu tố hấp dẫn của đàn ông, ông đều có đủ, làm sao các cô lại không ૮ɦếƭ mê, ૮ɦếƭ mệt được. Nhưng những người đàn bà đã bước qua đời ông, họ thuộc thành phần nào? Luật sư Thắng chợt nghĩ đến Lynh, đến La La, đến cả cô gái chỉ hơn tuổi con gái ông một ít, Vân Nga, rồi đột nhiên ông lại nghĩ đến Bảo Lâm. Đóa hoa vàng ánh, một cảm giác ngẩn ngơ kỳ lạ. Phải chăng vì mấy năm qua, ta chỉ sống hưởng thụ vật chất, thiếu đi tình cảm, thiếu đi những nét rung động thật sự? Phải chăng vì chưa tìm được đối tượng để yêu? Ông chợt nhớ đến lời nói của Bảo Lâm khi chạy ra cửa:
- Mặc dù tôi thấp hèn, nghèo khổ, nhưng tôi không muốn trở thành một thứ đồ chơi của ông!
Một Bảo Lâm cao ngạo, tự trọng, thông minh. Nàng như một cánh hạc bay trên trời xanh, không nhuốm bụi trần. Thắng lại nhớ đến lần gặp Bảo Lâm ngày đầu tiên. Những lời đối thoại sắc bén là những ấn tượng đầu tiên mà ông có được khi tiếp xúc với Bảo Lâm. Một con người đặc biệt.
Tạ Thắng ngồi đấy suy nghĩ. Khuôn mặt của Bảo Lâm như hiện dần ra trước mắt, thái độ, phong cách, dáng đi, lời nóị Ta bị chinh phục vì thái độ phản kháng chống đối của Bảo Lâm chăng? Tạ Thắng thở dài. Chỉ có một nụ hôn mà đã bị Bảo Lâm phản kháng như vậy, nhưng không có gì đáng trách. Bảo Lâm không phải là Lynh, không phải La La, cũng không phải là những con người sống buông thả, bất cần.
Ông đốt thêm một điếu thuốc, nhả khói, rồi nhìn màn khói tỏa rộng. Lâu lắm rồi ta không có cơ hội nhìn lại mình, càng nghĩ Thắng càng thấy hổ thẹn. Thắng tự nhủ, trừ khi ta thật sự bằng lòng, không thì đừng bao giờ ᴆụng đến cô ấy.
Cảm giác bức rứt pha lẫn một chút hối hận lúc này đang ngự chiếm trong lòng ông. Hành động không suy nghĩ tối qua đã khiến Bảo Lâm hoảng sợ. Từ đây, Bảo Lâm sẽ không còn đến nữa vì tự ái, tự trọng của nàng đã bị tổn thương. Trừ phi Thắng chấp nhận một điều, đấy là đích thân đến mời Bảo Lâm trở lại, không phải để tiếp tục vai trò một cô giáo dạy kèm mà là một vai trò khác, vai trò một kế mẫu của Trúc Vỹ.
Cái ý nghĩ đó vừa lóe trong đầu và tim ông Thắng giật thót. Bao nhieu năm sống quen cảnh độc thân không bị sự ràng buộc của gia đình, lẽ nào ta lại thay đổi? Còn bổn phận với con và mẹ già? Con cái đã lớn nên giờ giấc đối với ông không có gì là phải gò bó. Ông tha hồ đi lại với bao nhiêu cô gái mà không phải ngại ngùng. Bây giờ? Cuộc sống buông thả mà ông đã ngán đến tận cổ kia đã sắp phải kết thúc rồi ư?
Bảo Lâm! Một cô gái trẻ, một giáo viên trung học rất đỗi bình thường. Nếp sống của cả hai khác hẳn, thời gian quen cũng chưa lâu. Vậy thì quyết định như vậy có quá vội vã không?
Ông Tạ Thắng lại đốt một điếu thuốc khác. Chiếc gạt tàn trên bàn đã vun đầy những đầu thuốc lá. Ông đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, lòng vẫn không dứt khoát nên phải thế nào.
Sau đấy ông nghe có tiếng động bên ngoài. Vú Ngô đã thức dậy và đang quét dọn. Kế đến ông nghe có tiếng xì xào, tiếng nói chuyện của mẹ ông và Vú Ngô, rồi tiếng chân của Trúc Vỹ xuống cầu thang.
- Nội ơi, hôm qua nội có thấy cô giáo đâu không?
- Không, bác tài không hiểu có mang xe tới rước cô ấy không?
- Có, cô ấy đã đến đây, bảo con lên lầu chờ trước nhưng rồi sau đấy con không thấy cô lên. Con không biết là...
Giọng của Trúc Vỹ có vẻ lo lắng:
- Con có làm điều gì khiến cô ấy buồn lòng không mà cô ấy bỏ về không nói với con một tiếng.
Tiếng bà cụ:
- Nhưng con thuộc bài chưa? Có lẽ tại con chưa làm bài, lại không chú tâm đến bài vở, nên cô ấy giận chứ gì?
Trúc Vỹ thở dài:
- À! Nội biết không, bài học khó ghê lắm, mấy người thời xưa họ nói chuyện không giống chúng ta. Họ nói mà lưỡi như uốn cong lại, chữ nghĩa thì rắc rối đầy những điển tích, điển cố.
- Uốn cong làm sao?
- Nội nghĩ xem chúng ta bây giờ nghĩ gì là nói nấy, còn đọc sách xưa nội thấy đó, ᴆụng tí là họ viết là: Ai ai! hoạc hề... hỡi ơi!... Tử viết, Tôn viết...
- Ồ, kỳ thật!
Ông Tạ Thắng ngồi trong phòng nghe Trúc Vỹ nói chuyện mà buồn cười. Ông đi ra cửa còn nghe bà cụ nói:
- Trúc Vỹ, vậy cha con muốn con thi vào đại học là để học cách nói chuyện của người xưa đấy ư?
Trúc Vỹ nói:
- Vâng! Theo lời cô giáo thì vào học ở Văn khoa, môn cổ văn học toàn những thứ như vậy. Chắc con mà đậu vào đó được thì con cũng phải... Hỡi ơi thôi!
- Nếu vậy tốt hơn con ở nhà đi, thi vào đại học mà làm gì? Ở nhà trồng hoa, nuôi chim thú còn hay hơn. Chờ một thời gian nữa là lấy chồng, đẻ con rồi, cần gì phải học chứ?
Trúc Vỹ có vẻ thẹn thùng, bẽn lẽn:
- Sao nội lại nói như vậy? Con không lấy chồng đâu! Ai lại lấy chồng...
Bà cụ cười nói:
- Nói chuyện lạ không! Con gái lớn lên phải lấy chồng, đó là chuyện tự nhiên mà. Cha con đúng là điên rồi, tại nó không có con trai nên muốn con đóng thế vai đấy. Nếu nó chịu khó suy nghĩ một chút, chắc không bắt con học đâu, mà là lo kiếm cho con một tấm chồng xứng đáng. Ngay cả nó nữa, nó cũng còn trẻ cơ mà. Sao không cưới vợ để kiếm chút con trai nối dõi tông đường chứ?
Trúc Vỹ cười, nói nho nhỏ:
- Nội biết không, con nghe anh Mẫn nói cha có bồ rồi đó!
Bà cụ có vẻ vui:
- Thật không? Đâu con gọi thằng Mẫn đến đây để nội hỏi nó coi.
Bậy quá! Một chút mềm yếu mà hư hết bột đường. Càng lúc càng rắc rối! Ông Tạ Thắng lập tức mở cửa bước ra. Sự xuất hiện của ông làm mọi người giật mình.
Bà cụ giả lả:
- Ủa, sao con dậy sớm thế? Con ở trong đó từ lúc nào mà chẳng ai hay vậy?
Ông Tạ Thắng cười nhẹ:
- Mẹ! Mẹ đừng nghe người ta đồn bậy nhé. Con chưa có gì đâu.
Quay sang Trúc Vỹ, ông nói như ra lệnh:
- Trúc Vỹ, con vào thư phòng ngay, cha có việc cần nói với con đây.
Trúc Vỹ sợ hãi nhìn cha. Ban nãy lỡ nói lén, thế này có lẽ cha đã nghe hết rồi, chắc là sẽ bị luộc thôi. Cô bé vội quay sang nội cầu cứu.
Bà cụ vội can thiệp:
- Tạ Thắng, nãy giờ mẹ với Trúc Vỹ nói đùa nhé, con đừng nghĩ là nó hỗn. Nó không có lỗi gì đâu!
Tạ Thắng tức cười nói:
- Mẹ yên tâm! Có mẹ đỡ đầu, con làm sao dạy nó được?
Rồi quay sang Trúc Vỹ, ông nói:
- Nào vô đây!
Trúc Vỹ cúi đầu, cắn nhẹ môi, lầm lũi bước vào cửa như một kẻ phạm tội chuẩn bị ra đứng trước vành móng ngựa. Mùi thuốc lá còn lẩn khuất trong phòng xông lên mũi nồng nặc khiến Trúc Vỹ ho sặc sụa. Trúc Vỹ nhìn lên bàn, chiếc gạt tàn đầy ắp tàn thuốc. Trên bàn còn hai chậu hoa: Kim trản hoa và Nhạn lai hồng. Chúng đều có vẻ kém tươi.
Trúc Vỹ giật mình hỏi:
- Ồ cha, cha mang chúng vào đây làm gì? Hoa nó cần sương, cần nắng mới tươi, chứ cha ủ bằng thuốc lá thế này nó sẽ héo cả, không khéo nay mai nó ૮ɦếƭ mất.
Ông Tạ Thắng khép cửa, rồi bước tới ghế ngồi xuống, nhìn Trúc Vỹ với hai chậu hoa:
- Cái này là do cô giáo của con mang vào đấy.
- Vậy ư?
Trúc Vỹ mở mắt to nhìn cha. Ông Tạ Thắng đánh tiếng thăm dò:
- Không phải tối qua con đứng ngoài cửa sổ nhìn vào thấy cả rồi ư?
- Dạ không có, con ở trên lầu cơ mà. Con ngồi đợi cô, đợi hoài không thấy cô vào.
Trúc Vỹ nói với thái độ lo lắng:
- Hay là cha đã đuổi cô giáo? Cô Lâm dạy rất hay, con không biết bài, cô ấy vẫn kiên nhẫn giảng, không mắng chửi con là ngu như cô Nga. Cô Lâm còn khuyến khích, an ủi, vỗ về con, bảo con đừng lo lắng, từ từ rồi sẽ hiểu. Cô ấy đúng là một người thầy, một người bạn rất cảm thông, chia sẻ với con từng niềm vui, nỗi buồn. Trước giờ con chưa gặp ai dễ mến như vậy.
Rồi Trúc Vỹ ngẩng lên nhìn cha:
- Tất cả lỗi tại con cả, con cố học mà học hoài không nhớ. Nhưng mà... cha đã nói gì mà cô Lâm không dạy con nữa vậy?
- À!
Ông Tạ Thắng thấy lúng túng, đôi mắt ngây thơ của con gái làm ông thấy hổ thẹn. Phải đốt thêm điếu thuốc, ông mới đủ can đảm nói tiếp:
- Không có gì cả, con ạ. Cha không hề nói gì cô giáo con cả.
Trúc Vỹ thấy cha đốt thuốc, vội chạy ngay đến mở rộng cửa sổ ra.
Cô cười với cha:
- Cây cỏ không những sợ khói thuốc mà nó còn sợ cả máy điều hòa nhiệt độ. Con đặt hai chậu hoa này lên bệ cửa. Trông vẫn đẹp, được không cha?
Ông Tạ Thắng gật đầu, yên lặng nhìn con gái, rồi nghĩ đến lời của Bảo Lâm, ông chợt thấy thẹn. Rõ ràng là ông không hiểu rõ con gái ông bằng Bảo Lâm.
Ông hỏi:
- Trúc Vỹ, ba hỏi thật lòng con, con có thích cô giáo con không?
Trúc Vỹ thành thật nói:
- Thích chứ! Ngay từ nhỏ, con đã được cha mướn cô giáo đến dạy, nhưng chưa có cô nào dễ gần như cô Lâm. Cô ấy không những chỉ dạy chữ cho con mà còn hiểu con, thương con. Ngay trong những lúc con không thuộc bài, cô ấy cũng chỉ nói: "Không trách em được vì những thứ ấy quá khó đối với em".
Rồi Trúc Vỹ chau mày, giọng ấp úng như cố tìm kiếm cách diễn tả cho thích hợp. Nàng nói tiếp:
- Có thể nói thế này, các cô giáo khác dùng "trí thức" để dạy con, còn cô Lâm? Cô ấy dạy con bằng tấm lòng. Thật đấy, cha ạ, vì vậy như con nói lúc nãy, con rất yêu quý cô Lâm.
Tạ Thắng yên lặng nhìn Trúc Vỹ. Ông hiểu điều Trúc Vỹ muốn nói:
- Con có biết là tối qua, cô giáo Lâm đã đến đây xin giùm con.
- Xin cái gì thế cha?
- Cô ấy nói, đại học chưa hẳn có điều con muốn học, và cô ta nghĩ là con không cần phải thi vào đại học làm gì.
- À!
Trúc Vỹ nhìn cha với đôi mắt sáng:
- Rồi sao nữa cha? Rồi cha nói sao?
Ông Tạ Thắng lớn tiếng:
- Vì vậy, từ đây về sau, cô Lâm và cả cô Nga đều không cần phải đến đây để dạy con nữa. Con cũng được miễn thi vào đại học. Nhưng mà, hãy nghe này. Mảnh đất ở sau vườn trúc, cỏ dại nhiều quá. Cha giao mảnh đất đó cho con đấy. Nếu con không muốn học nữa thì cũng không có quyền ngồi không, con phải lao động.
Ông Tạ Thắng quắc mắt về phía khung cửa sổ rồi nói tiếp:
- Con phải biến mảnh đất đó thành một vườn hoa, một vườn hoa thật đẹp, nghe không?
Trúc Vỹ như nín thở, mắt mở to mà không dám tin những gì vừa nghe. Có thật như vậy không? Tuyệt quá.
Ông Tạ Thắng nói:
- Con có nghe rõ không chứ? Cha tha chuyện thi đại học cho con, nhưng cái vườn hoa thì con phải chăm sóc cho thật tốt.
Trúc Vỹ bây giờ xác định đúng lời cha nói là sự thật. Nàng chạy như bay đến bá lấy cổ cha, cảm động với những giọt nước mắt sung sướng:
- Cha ơi, cha! Cha dễ thương quá! Con yêu cha vô cùng!
Ông Tạ Thắng cũng thật sự xúc động. Lâu lắm rồi, hai cha con không có được phút giây thân mật thế này. Ông yên lặng tận hưởng những gì đang có. Trúc Vỹ giống như cánh bướm, hôn lên trán cha xong, nó bay ra khỏi phòng.
- Nội ơi, nội! Cha bảo là con không cần thi đại học nữa, con khỏi phải sợ chuyện thi rớt nữa rồi.
Ông Tạ Thắng tựa người vào ghế. Thật không ngờ con gái ông lại sợ thi rớt như vậy. Bất giác, ông nhớ tới lời nói của Bảo Lâm mấy tháng trước đã nói với ông:
-... Mặc dù cô ấy không thích học nhưng vẫn phải học vì ông, không muốn thi vẫn phải thi vì ông. Cô ấy có đủ cá tính riêng nhưng vì ông mà không dám nghĩ đến, không phát huy được tính độc lập của mình.
Bảo Lâm! Bảo Lâm! Người con gái yếu đuối kia lại có một nhận xét nhạy bén. Còn ông? Một luật sư tiếng tăm lừng lẫy lại quá vô tình.
Bảo Lâm! Bảo Lâm! Ông Tạ Thắng vội lật quyển sổ tay ra tìm chỗ ghi gia cảnh Bảo Lâm. May quá, nhà cô ấy có điện thoại. Lúc đầu, Tạ Thắng nghĩ là nhà Bảo Lâm nghèo đến độ không gắn được máy điện thoại. Ông quay số... Vừa được hai số là chựng lại. Ta sẽ nói gì đây? Sau chuyện hôm qua xảy ra, nói gì cho Bảo Lâm hiểu? Không khéo lại thêm rắc rối nữa! Lạ thật, ta chưa bao giờ lúng túng trước một cô gái như đối với Bảo Lâm. Ông Tạ Thắng đặt ống nói xuống, đứng dậy đi thay áo rồi tìm bác tài xế.
Tú Mẫn vội bước vào. Bình thường đến văn phòng, Mẫn vẫn cùng đi với ông Thắng. Mặc dù chàng có xe riêng, nhưng đi chung như vậy để ông Thắng dễ dặn dò công việc. Hôm nay, không hiểu sao ông Thắng lại bảo: