- 43 -
CẢM XÚC LÀ NỀN TẢNG CHO CƠ CHẾ HOẠT ÐỘNG CỦA NÃO BỘ CON NGƯỜI
Theo lý thuyết về phân tâm học của Sigmund Freud, các hoạt động tinh thần của chúng ta được tạo nên từ ba thể riêng biệt: Một là cái vô thức Tự Ngã (id), hai là cái Bản Ngã (ego) và thứ ba là cái siêu ngã - tôi (super-ego). Cái vô thức Tự Ngã chính là các bản năng thú tính, là nhu cầu được thỏa mãn bất chấp mọi thứ. Thể thứ hai là Bản Ngã được tạo ra trong quá trình sống, học hỏi và trải nghiệm. Cái Bản Ngã có chức năng kiểm soát và ngăn chăn cái Tự Ngã, không cho cái Tự Ngã làm những chuyện sai trái. Cuộc đấu tranh giữa cái Tự Ngã và Bãn Ngã có thể sẽ tạo ra các dồn nén về tinh thần và tạo ra các loại bệnh tâm thần. Sau cùng là cái Siêu Ngã được tạo nên trong quá trình sống và trải nghiệm. Freud định nghĩa cái Siêu Ngã cũng tương tự như lương tâm của con người. Các lý thuyết của Freud được bắt nguồn từ công việc chữa trị cho những người bị bệnh tâm thần. Do vậy, các phát hiện của Freud về sự dồn nén của tính dục là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bệnh lý về thần kinh. Bởi chỉ quan sát trong phạm vi hẹp toàn là những người bệnh nên Freud đã đưa ra cái luận thuyết rất khó chấp nhận rằng mọi hành vi của con người đều bắt nguồn từ tình dục. Lý thuyết này đã giúp giải thích được một số trường hợp bệnh lý và tâm lý nhất định, nhưng những nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho các trường hợp được nêu ra đều rất chủ quan, khó hiểu và không thể chứng minh một cách khoa học, không thể phân tích có hệ thống được.
Tuy có những lệch lạc, nhưng ở một góc độ khác, lý thuyết của Freud giúp phát hiện ra phần vô thức của con người từ việc giải thích về những giấc mơ.
Trên thực tế, hành vi của con người luôn bắt nguồn từ các nhu cầu xuất phát từ tác động của cảm xúc lên não bộ và dựa trên các bản năng cơ bản của con người.
Dưới góc độ bản năng sống của con người là dựa trên các cảm xúc, cơ chế hoạt động của não bộ hoàn toàn khác với Freud.
Bộ não của chúng ta là một hệ thống hoàn hảo thống nhất với nhiều cơ quan khác nhau. Hành vi con người được tạo nên từ năm cơ chế riêng biệt của bộ não. Quan trọng nhất là bộ não trung tâm đã được thiên nhiên lập trình sẵn, hình thành dựa trên các bản năng, luôn hoạt động liên tục dựa trên một cơ chế sinh học tự động để duy trì nhịp tim, nhịp thở và các hoạt động của tất cả các cơ quan khác. Phần thứ hai là bộ nhớ lưu trữ cách mã hoá sinh học đặc biệt, sắp xếp và ghi nhớ các kinh nghiệm, kiến thức, các niềm tin, định nghĩa, khái niệm. Phần thứ ba là trung tâm tưởng tượng sẽ sắp xếp trình bày các dữ liệu đang thu nhận được từ môi trường và cả các dữ liệu khôi phục từ bộ nhớ lưu trữ theo lệnh của bộ não trung tâm. Cơ chế này giống như một máy chiếu phim, nó giúp chúng ta dùng khả năng sắp xếp dữ kiện của bộ não trung tâm để tạo thành các kịch bản với hình ảnh, âm thanh và qua đó tạo ra các xúc cảm như thật. Phần thứ tư là trung tâm thần kinh cảm nhận. Trung tâm này sẽ tiếp nhận tất cả các tác động từ môi trường bên ngoài qua các giác quan và chuyển nó thành các cảm giác. Phần thứ năm chính là bộ chỉ huy hành động, được tạo nên từ các đầu mối dây thần kinh hành động dẫn tới các cơ quan vận động chủ động, có nhiệm vụ chuyển các tín hiệu thần kinh từ những phản ứng của bộ não trung tâm thành những hành động của cơ thể.
Qui tắc hoạt động của não bộ cũng tương tự quy tắc hoạt động của bộ máy vi tính (Personal Computer): Bộ não trung tâm tương đương với bộ tính toán vi xử lý CPU, bộ nhớ trung tâm tương đương với bộ nhớ RAM, cơ chế dẫn truyền thân kinh là các qui trình truy xuất dữ liệu, trung tâm thần kinh cảm nhận tương đương với bàn phím - và trung tâm tưởng tượng chính là màn hình thể hiện mọi thứ ra một cách rõ ràng và cụ thể.
Cơ chế hoạt động của não bộ nằm trong hai trường hợp cơ bản sau:
Trường hợp 1 - Từ các tác nhân bên ngoài:
Ðây là tình huống cá nhân ở thế bị động. Bộ não sẽ tiếp nhận các thông tin có được thông qua trung tâm thần kinh cảm nhận. Các thông tin này sẽ được biên dịch thành các cảm giác và tác động bộ não trung tâm, kích hoạt cơ chế xử lý thông tin. Ở bước một, thông qua các thẻ nhớ - mà bản chất là một cơ chế ghi nhớ các cảm giác đơn lẻ hoặc một tổ hợp cảm giác, được tạo nên từ âm thanh, hình ảnh, mùi, vị, đặc tính (nóng lạnh, sần sùi, đặc lỏng,...) hay một trạng thái tinh thần (tức tác động của một trường nhân điện xác định) - Bộ não trung tâm sẽ tìm kiếm và khôi phục lại các cảm xúc tương đương được lưu trữ trong bộ nhớ. Nếu cảm xúc đạt được ở mức quá thấp, hoặc giống như các cảm xúc quen thuộc - tức sự việc này không có gì nguy hiểm tới cá nhân, não bộ sẽ không bị ảnh hưởng hoặc bỏ qua. Nếu cảm xúc có được ở mức cao vượt ngưỡng kiểm soát, ngay tức khắc não bộ trung tâm hoặc sẽ kích hoạt cá nhân phản ứng lại theo một phản ứng bản năng, một chương trình đã có sẵn trong bộ nhớ, hoặc não bộ sẽ bị tê liệt nếu không tìm được cách đối phó.
Ở bước hai, trên nền tảng cảm xúc mới có được, bộ não trung tâm, thông qua các thẻ nhớ, sẽ tìm kiếm trong bộ nhớ lưu trữ các kinh nghiệm đối ứng có liên quan với vấn đề. Bộ não trung tâm sẽ dựa trên sẽ thực hiện việc so sánh và phân tích vấn đề đã xảy ra tại Trung tâm tưởng tượng, sẽ dựa trên các kinh nghiệm đã có để đánh giá mức độ hiệu quả (tức có lợi hay có hại cho cá nhân). Não bộ sẽ tiếp tục dùng Trung tâm tưởng tượng để trình chiếu các giải pháp có thể xảy ra, xem xét và so sánh hiệu quả của các giải pháp được nghĩ ra. Bộ não trung tâm sẽ chọn ra cách giải quyết nào cho cảm xúc tốt nhất, dựa trên qui luật về cảm xúc và kinh nghiệm đối ứng (tức các niềm tin) của cá nhân.
Tất cả những thứ được trình chiếu ở trung tâm tưởng tượng là các yếu tố tạo nên phần Ý THỨC của con người.
Kết quả của quá trình so sánh này sẽ làm thay đổi các thành phần các chất khác nhau trong não bộ và liên tục tạo ra các cảm xúc mới. Các cảm xúc sẽ kích hoạt bộ chỉ huy hành động ra lệnh cho các cơ quan của cơ thể để tạo ra những hành động tương ứng.
Toàn bộ quá trình suy luận và so sánh đều được bộ não trung tâm cảm nhận bằng các cảm xúc nhận được từ các hoạt động của hệ thần kinh.
Các cơ chế phản ứng là tự động, được lập trình trước theo bản năng và luôn bị ảnh hưởng rất mạnh bởi các niềm tin của cá nhân. Ðây cũng chính là cái tạo nên khái niệm vô thức của con người. Nói một cách khác: phần VÔ THỨC chính là các luồng thần kinh chạy bên trong của bộ não trung tâm và không được trình chiếu ở trung tâm tưởng tượng.
Nếu cảm xúc ở mức vừa đủ mạnh, cá nhân sẽ tiếp tục tìm và so sánh với các dữ liệu, kinh nghiệm, kiến thức hay khái niệm có liên quan đến vấn đề, được lưu trong phần bộ nhớ lưu trữ. Khi tìm được một kinh nghiệm giải quyết tình huống tương tự, não sẽ tự động kích hoạt cơ chế phản ứng theo kịch bản đã có sẵn.
Trong trường hợp: nếu trong bộ nhớ không có kinh nghiệm nào để giải quyết vấn đề đang xảy ra thì bộ não trung tâm sẽ kích hoạt một chương trình tìm kiếm mở rộ, tìm cách lấy thêm thông tin từ các nguồn bên ngoài như lời khuyên, sách vở, các thông tin, các sự kiện khác. Sau đó não bộ sẽ sắp xếp các dữ liệu có được và so sánh với các kinh nghiệm tương tự, gần giống với vấn đề.
Nếu không thể tìm được các kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Bộ não trung tâm sẽ tự kích hoạt cơ chế phản ứng theo bản năng hoặc sẽ bị bế tắc, tạo nên hiện tượng stress.
Theo James W. Young trong cuốn sách “Kỹ thuật tạo ra ý tưởng” (Technique for Producing Ideas), qui trình sắp xếp các dữ liệu này được gọi là qui trình sáng tạo của cá nhân.
Kết quả của quá trình so sánh, suy luận và sắp xếp sẽ cho ra nhiều giải pháp khác nhau. Cơ chế tưởng tượng sẽ dùng các giải pháp này để dựng thành những kịch bản và những tình huống khác nhau. Cơ chế tưởng tượng sẽ giúp bộ não trung tâm thấy được các bước tiếp theo tùy vào mỗi giải pháp. Qua đó, não bộ sẽ đánh giá lại và lựa chọn ra một giải pháp có thể tạo cho cá nhân một cảm xúc tối ưu. Khi đã có giải pháp, não bộ sẽ kích hoạt bộ chỉ huy hành động của cá nhân.
Trường hợp 2 - Từ các tác nhân bên trong:
Tùy theo thời điểm, các tình trạng hoạt động của cơ thể sẽ tạo ra những luồng thần kinh ảnh hưởng lên trung tâm thần kinh cảm nhận. Các nội tiết tố (tức hoóc môn) tương ứng được sẽ tạo ra một kích thích vào bộ não trung tâm, buộc bộ não trung tâm phải có phản ứng để xử lý tình huống. Ðây là một cơ chế vô thức đã được lập trình theo bản năng.
Tùy theo sự hiện diện thừa hay thiếu hụt của các nội tiết tố, tùy theo hàm lượng các chất sinh hóa vào từng thời điểm mà não bộ sẽ có những cảm xúc khác nhau. Cảm xúc có được sẽ tác động vào não bộ. Phần bộ não trung tâm sẽ tác động để nhớ lại các kinh nghiệm tương tự có lưu trữ trong bộ nhớ, tìm ra một giải pháp thích hợp nhất để có thể thiết lập nên sự cân bằng lượng hoóc môn hay hoạt chất cần thiết.
Bước tiếp theo sẽ diễn ra giống như ở bước hai trong trường hợp một đã nêu trên.
Khi chúng ta mới sinh ra, phần bộ nhớ sẽ hầu như trống rỗng vì chưa có các kinh nghiệm sống nào. Tất cả các phản xạ của trẻ sơ sinh (hoặc của thai nhi) hoàn toàn là các phản xạ theo bản năng. Thường là khóc, la to lên để tạo sự chú ý của người lớn. (Trên thực tế các nhà khoa học bằng các phương pháp hiện đại, quan sát thấy rằng thai nhi tháng thứ bảy đã có tiếp nhận và phản ứng với âm thanh và ánh sáng từ môi trường bên ngoài).
Trong quá trình sống và lớn lên, em bé sẽ được luyện tập kỹ lưỡng từng chút một để tạo nên các phản xạ có điều kiện theo những qui định của xã hội. Các cảm xúc có được kèm theo những hành động sẽ giúp cho bé biết được điều gì nên và điều gì không nên. Ðây là quá trình xây dựng nên vốn kinh nghiệm sống và hệ thống niềm tin của trẻ, qua đó tạo nên các thói quen của các em sau này.
Nếu trẻ em không được đi học, không được giáo dục thì, không được tiếp cận với xã hội loài người thì trẻ sẽ hành xử hoàn toàn theo bản năng của loài vật: không biết nói, không thể giao tiếp được với người khác tuy vẫn có thể biểu lộ các cảm xúc bằng ngôn ngữ cơ thể. Ðiều này đã được chứng minh khi một số người rừng được phát hiện ra.
Ðiểm khác biệt lớn giữa bộ não với chiếc máy vi tính, hoặc một người máy, nằm ở chỗ con người là một thực thể sống. Con người luôn không ngừng học hỏi, tự cập nhật, lựa chọn, xử lý các thông tin cảm nhận thông qua ngôn ngữ nền tảng là cảm xúc, liên tục thay đổi các dữ liệu nền tảng là các niềm tin, làm cơ sở cho các quyết định của cá nhân. Do vậy, với cùng một tác động nhưng vào những thời điểm khác nhau, cá nhân sẽ có các quyết định khác nhau.
Vì các tiêu chí để so sánh luôn được cập nhật và thay đổi nên các nguyên tắc và các niềm tin của chúng ta cũng dễ bị thay đổi. Do vậy, bộ não sẽ tạo nên các cảm xúc khác nhau vào những thời điểm khác nhau trước những tác nhân giống nhau. Vì vậy, con người sẽ có những hành vi bất thường rất khó đoán trước.
Tuy nhiên, các qui luật và định luật về cảm xúc sẽ là những cơ sở nền tảng để các cá nhân dựa vào đó mà hành xử trong cuộc sống. Cũng như các qui luật khác của thiên nhiên, qui luật và định luật về cảm xúc sẽ giúp chúng ta kiểm soát và tác động vào các qui trình đang xảy ra trong xã hội con người. Các qui luật về cảm xúc sẽ giúp chúng ta dự đoán và tác động vào quá trình ra quyết định của con người.
- - -
GIẢI THÍCH VỀ CÁC GIẤC MƠ
Khi chúng ta ngủ, Trung tâm thần kinh cảm nhận được nghỉ ngơi và duy trì hoạt động ở một mức độ rất thấp, vì vậy, các giác quan của chúng ta trở nên rất kém nhạy cảm.
Do hầu như không còn các tác động từ môi trường bên ngoài nên bộ não trung tâm không bị kích hoạt, không tạo ra các phản ứng đáp lại. Nhờ vậy, bộ nhớ lưu trữ, trung tâm tưởng tượng và bộ chỉ huy hành động cũng được nghỉ ngơi vì không có việc để làm.
Mặc dù tất cả các cơ quan của não bộ đều giảm mức độ hoạt động xuống rất thấp trong trạng thái ngủ, nhưng bộ não trung tâm vẫn bị kích hoạt từ các tác nhân tạo cảm xúc từ bên trong. Các cơ chế phản ứng sẽ tương tự như ở trường hợp hai, nhưng các phản ứng không còn chính xác như khi cơ thể tỉnh táo.
Trong giấc ngủ, các tác nhân bên trong thường do những nhu cầu thiếu hụt cảm xúc tốt, hoặc do những cảm xúc xấu ở dạng stress hoặc sốc cảm xúc tạo ra. Do các luồng thần kinh được bộ não trung tâm tạo ra trong trạng thái thụ động nên các cảm xúc được tạo ra không còn chính xác và gây ra những sai lệch, chọn không đúng các thẻ nhớ cần thiết. Vì vậy các dữ liệu, các kinh nghiệm đối ứng được truy cập từ Bộ nhớ lưu trữ cũng sẽ bị lỗi và các hình ảnh được khôi phục tại Trung tâm tưởng tượng thường rất lộn xộn, sẽ là các kịch bản rất ngộ nghĩnh, kỳ dị và khác với thực tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp những tác nhân bên trong đủ mạnh và rõ ràng thì các giấc mơ được trình chiếu sẽ rõ ràng, thậm chí còn có vẻ hợp lý và tạo cho cá nhân cảm nhận y như đang chứng kiến những chuyện xảy ra trong đời thật – tức giống y như các cảm nhận có từ phần ý thức của não bộ.
- - -
Trong một tương lai không xa, con người sẽ tạo ra được những trí thông minh nhân tạo có khả năng hiểu và có các khả năng đưa ra những phản ứng tương tự như phản ứng dựa trên cảm xúc của con người. Nhưng chắc chắn đó chỉ là một trạng thái của máy móc đã được lập trình sẵn. Ngoại trừ trường hợp con người có thể phát minh ra cách kết hợp máy móc với bộ não của con người (như câu chuyện trong bộ phim viễn tưởng RoboCop của Hollywood), máy móc sẽ mãi là máy móc.
Cảm xúc chỉ có được ở các cơ thể sống, bởi máy không thể sống, không cảm được và không thể có được một trường nhân điện tương tự như của con người.