- 22 -
TRẠNG THÁI BÃO HÒA CẢM XÚC
Khi các nhu cầu được đáp ứng đầy đủ, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng.
Khi các cảm xúc đã đầy đủ: bạn đã quá vui, bạn ăn quá ngon, bạn quá hài lòng đây cũng là lúc bạn đã đạt tới điểm "Bão hòa cảm xúc". Ở tình trạng bão hòa cảm xúc, tất cả tác nhân tạo cảm xúc tiếp theo sau đều bị giảm giá trị đáng kể, nếu chúng ta không thể nói là chúng trở nên vô nghĩa.
Giống như khi bạn đã ăn rất no, nếu có ai mời bạn đi ăn tối thì bữa ăn đó rõ ràng là kém giá trị, và đôi khi bạn đi ăn chỉ vì muốn có một buổi nói chuyện vui vẻ hơn là món ăn.
Nhưng nếu bạn đã có đủ các cảm xúc tốt cần thiết mà nguồn cung ứng cảm xúc vẫn liên tục tác động vào bạn. Trong thời điểm này, sự thừa mứa các cảm xúc quá mức cần thiết - mà trên thực tế là sự dư thừa các chất nội tiết tố trong bộ não - vượt khỏi ngưỡng kiểm soát và khả năng hóa giải của não bộ.
Trạng thái này sẽ làm não bộ của bạn bị bội thực thừa cảm xúc. Các kích thích tạo cảm xúc tốt lúc ban đầu, lúc này lại trở thành tác nhân gây ra sự khó chịu, trở thành sự độc hại cho bộ não của bạn.
Khi vượt qua khỏi ngưỡng giới hạn tình trạng "bão hòa cảm xúc", sự dư thừa quá mức cần thiết các nội tiết tố sẽ biến những cảm xúc thừa thành một loại tác động có hại cho não bộ.
Trong nhiều trường hợp bạn không ý thức về nhu cầu của người khác. Khi nhu cầu của họ đã được đáp ứng, hoặc họ hoàn toàn không có nhu cầu, nhưng bạn vẫn cố ý ép họ phải nhận cái mà bạn muốn cho họ, thực chất là bạn đang tạo cho họ một cảm xúc xấu chứ không phải một cảm xúc tốt như bạn tưởng.
Sự bão hòa cảm xúc chính là hiện tượng thích nghi cảm xúc toàn phần. Ðây chính là nguyên nhân tạo ra những cơ hội mới và cả những vấn đề mới cho xã hội.
- 23 -
SỰ SO SÁNH HƠN THUA GIỮA CÁC CÁ NHÂN VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA HỆ QUI CHIẾU CẢM XÚC
Sống ở một xã hội mà sự ganh đua và cạnh tranh ngày càng gay gắt, chúng ta luôn tự làm khó mình trong việc tạo ra cách cảm xúc tốt cho bản thân bằng những phản xạ có điều kiện. Nói cách khác, chúng ta đang là nô lệ tinh thần cho các thói quen, các phản xạ có điều kiện của mình, trong chính cái xã hội mà ta đang sống.
Chúng ta sống theo ý muốn của những người giàu có, chúng ta cố bắt chước họ trong mọi thứ bởi cuộc sống đầy đủ vật chất của họ chính là thứ mà mọi người ao ước. Người giàu có luôn bỏ tiền ra để mua những thứ "hàng hiếm", "đồ xịn" với giá trên trời và làm cho mọi người phải ngưỡng mộ. Cuộc sống vật chất làm đa số trong chúng ta bị choáng và không ý thức được những giá trị đích thực của sự vật.
Rất nhiều người sống tại các nước đã phát triển, với mức thu nhập vài ngàn đô la mỗi tháng mà vẫn than thở về các khó khăn, các vấn đề bức xúc trong cuộc sống tinh thần của họ. Họ cũng khổ sở, chật vật về tinh thần chẳng kém gì với hoàn cảnh đời sống tinh thần của chúng ta - là những người ở các nước đang phát triển với mức thu nhập ít hơn vài chục lần.
Ðiều làm cho hầu hết mọi người hạnh phúc chính là cảm giác "được hơn" người ở bên cạnh: Nhà mình đẹp hơn nhà hàng xóm, con tôi học giỏi hơn con người khác, tôi có giàu hơn người khác, tôi "bảnh" hơn người khác
Vấn đề cốt lõi là tôi có được cái mà người khác không có và tôi muốn mọi người trầm trồ về điều này.
Các cảm xúc của cá nhân được tạo ra dựa trên sự so sánh theo một hệ qui chiếu mà cá nhân tự định ra. Nếu mức sống năm triệu đồng mỗi tháng chả có ấn tượng gì đối với một anh chủ doanh nghiệp thì đó lại là cả một gia tài của người công nhân bình thường.
QUI LUẬT VỀ HỆ QUI CHIẾU CẢM XÚC
Cảm xúc sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi hệ qui chiếu cảm xúc mình. Tùy theo hệ qui chiếu cảm xúc của cá nhân mà cảm xúc được tạo ra sẽ tốt hơn nếu hệ qui chiếu thấp hơn, hay xấu hơn khi hệ qui chiếu cao hơn so với tác nhân tạo cảm xúc.
Xem một câu chuyện nhỏ sau đây:
"Trong quán nhỏ có một thanh niên ngồi uống nước và đau khổ gặm nhấm cuộc đời. Anh chàng Quy này cảm thấy cuộc đời thật bất công. Cũng tốt nghiệp đại học loại tầm tầm, chạy khắp nơi mới xin được một chỗ làm với mức lương khiêm tốn một triệu rưỡi mỗi tháng. Phải chi tiêu bao nhiêu món nên lúc nào cũng thiếu. Nhu cầu thì mênh mang mà thu nhập lại quá eo hẹp. Nhìn sang quán nhậu bên cạnh thấy một đám doanh gia cụng ly, dô dô mà thấy sao đời khổ quá.
Một tiếng "ầm" bất chợt nổi lên phá vỡ bầu không gian náo nhiệt.
Mái hiên che mưa bằng bê-tông của quán bên cạnh sập xuống. Trước sự sững sờ của mọi người, toàn bộ bàn nhậu của đám dân kinh doanh bị đè bẹp. Không một tiếng động hay dấu hiệu nào của những người bị mái hiên đè lên. Quy rùng mình. May mà không phải là mình ngồi ở đó. Ngẫm đi ngẫm lại, Quy thấy mình còn quá may mắn. Dù gì thì mọi thứ cũng ổn định. Số phận con người biết thế nào là đủ. So với mấy người bị tai nạn thì Quy còn may mắn hơn rất nhiều."
Câu chuyện ở đây cho thấy rằng: sướng hay khổ đều là do cách chọn hệ qui chiếu cảm xúc để bạn so sánh bản thân với các cá nhân khác. Lúc đầu hệ qui chiếu của Quy là cuộc sống dư thừa tiền bạc của người khác và Quy cảm thấy đau khổ vì không được như họ. Ngay sau đó, hệ qui chiếu được thay đổi thành chuyện sống hay ૮ɦếƭ và Quy cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều bởi thấy rằng mình vẫn còn sống khỏe mạnh, không bị ૮ɦếƭ thảm như mấy người ngồi bên cạnh.
Theo quan niệm của Phật giáo: "Tham - Sân - Si là bể khổ của cuộc đời". Ða số chúng ta đều đem những điều kiện của một số người hơn chúng ta, hoặc những người nổi tiếng, giàu có ra làm hệ qui chiếu để so sánh. Việc so sánh này tạo cho chúng ta lòng "tham" tức sự ham muốn có những thứ mà mình không thể có được vào lúc này.
Từ lòng tham sẽ đưa đến sự ganh tị (tức sân), sự ganh tị khi lên đến cao độ sẽ trở thành sự mê muội, mù quáng (tức si). Trong tình trạng này, con người sẽ không thấy được điều gì khác ngoài ý muốn duy nhất là phải có được cái mình muốn bằng mọi giá. Khi đã có được thứ mình cần, sự so sánh lại làm phát sinh ra lòng tham mới và đẩy con người vào một vòng luẩn quẩn không bao giờ thoát ra được. Vì vậy cuộc đời của những người rơi vào vòng "tham-sân-si" chắc chắn sẽ là một bể khổ không có đáy.
Cách tốt nhất để tránh rơi vào bể khổ đau là hãy ý thức về giá trị nội tại của bạn. Tùy theo sự tự so sánh của bạn với những tiêu chí - những hệ qui chiếu mà bạn chọn sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc hay đau khổ, sẽ hài lòng hay bực bội.
Luôn có nhiều điều mà bạn có thể tự hào về bản thân mình. Có rất nhiều điều bạn có thể làm được nhưng lại không dám bởi không có đủ sự tỉnh táo để nhận định lại hoàn cảnh.
Ða số chúng ta đều đưa ra những mục tiêu cho sự phấn đấu và sự khát khao của mình. Việc khao khát đạt được những ước muốn sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn, những cảm nhận về sự thua kém sẽ tạo cho chúng ta các cảm xúc xấu. Sự ghen tỵ ở mức độ cao sẽ tạo cảm xúc rất xấu như tức tối, không hài lòng, bực dọc mà kết quả sẽ gây cho chúng ta hàng loạt những tổn hại về thể chất cũng như về tinh thần.
Cách tốt nhất để giải tỏa các cảm xúc xấu này thật đơn giản: Hãy sống thanh thản với thực tế và tự tin, nỗ lực hướng tới tương lai, đừng ganh tị và hãy chọn những đối tượng phù hợp với mình để so sánh. Hoặc bạn có thể so sánh ở diện rộng hơn, với tất cả mọi người tại nơi mình sống, với tất cả các quốc gia khác, với hàng trăm triệu người đang sống rất cực khổ và chật vật trên thế giới này. Ðây chính là cách mà các thánh nhân luôn ý thức thực hiện.
Nên tự ý thức về các giá trị tinh thần của bạn. Hãy tin tưởng vào năng lực của bản thân rằng chúng ta không phải là một người bỏ đi, để mình có thể ngẩng mặt lên tự hào với những gì đã đạt được trong cuộc sống.
- 24 -
TIỀN, QUYỀN VÀ SỰ LẠC LỐI VỀ CẢM XÚC
Thông thường thì mục tiêu của hầu hết mọi người trong cuộc sống là "tiền" và "quyền". Có tiền ta sẽ dễ dàng mua được nhiều thứ để thỏa mãn nhu cầu và từ đó sẽ có được các cảm xúc tốt, để được "hạnh phúc".
Khi có quyền ta cũng sẽ dễ dàng ra lệnh hoặc được người khác phục vụ, đáp ứng những yêu cầu, những nhu cầu của chúng ta và cho ta các cảm xúc tốt.
Tiền và quyền thực chất chỉ là những công cụ cần thiết để chúng ta tạo ra được những cảm xúc tốt và loại trừ cảm xúc xấu.
Nhiều người thường cho rằng phải có nhiều tiền thì mới có hạnh phúc. Có nhiều tiền thì chúng ta sẽ mua được nhiều cảm xúc tốt. Nhưng cuộc sống có nhiều tiền chưa hẳn sẽ là tốt, khi mà bạn không hiểu biết về cảm xúc.
Bạn hãy thử đặt mình vào trường hợp là một người vừa trúng số bạc tỉ và trở nên giàu có. Cách bạn xử sự với những người xung quanh sẽ làm cho bạn trở nên hạnh phúc hay đau khổ cùng cực, chứ không phải vì đống tiền mà bạn mới có được.
Nếu bạn lo sợ phải chia tiền với người thân, với họ hàng thì đó quả là tai họa. Bà con họ hàng và bạn bè có thể sẽ nhờ vả, muốn bạn giúp đỡ, con cái trong nhà sẽ xin bạn mua cái này, cái khác, bản thân bạn sẽ phải thay đổi cách sống, khi bạn nghĩ mình đã giàu rồi. Bạn từ chối không muốn cho mọi người vay tiền, bạn sẽ né tránh bạn bè vì không muốn bỏ tiền ra đãi họ thường xuyên, và bạn còn gặp rất nhiều trường hợp phiền toái khác. Cảm giác sung sướng vì trúng số sẽ qua đi rất nhanh và bạn cần phải đối mặt với nhiều trách nhiệm và nhiều vấn đề mới từ cuộc sống của một người giàu có.
Chuyện tương tự khi bạn có quyền lực do đang giữ một chức vụ cao cấp nào đó. Tất nhiên bạn sẽ có được những đặc quyền đặc lợi và người khác phải chăm sóc, phục vụ bạn. Ðiều này sẽ mang lại cho bạn cảm xúc tốt trong những chừng mực nhất định. Theo định luật về sự thích nghi, những điều kiện tạo ra cảm xúc tốt mà bạn có được sẽ nhanh chóng trở thành chuyện thường tình, chả có gì đặc sắc. Bạn sẽ phải đối mặt với những trách nhiệm nặng nề trong quyền hạn của mình.
Khi đã thích nghi với hoàn cảnh, bạn sẽ mong muốn có những thứ khác hơn thế nữa.
Thực tế cái mà chúng ta cần chính là có thêm nhiều cảm xúc tốt và tránh né, giảm thiểu các cảm xúc xấu. Tiền bạc hay quyền lực chỉ là các công cụ để giúp chúng ta đạt được điều đó.
Sống trong sự tương tác liên tục giữa cá nhân và môi trường bên ngoài, chuỗi cảm xúc của chúng ta được tạo nên khi chúng ta phản ứng lại những tác động từ môi trường, đặc biệt là từ quan hệ của chúng ta với các cá nhân và các tổ chức. Do nhu cầu có được cảm xúc tốt nhưng lại không nắm được bản chất của các nhu cầu, đa số mọi người đều nỗ lực nhắm tới những mục tiêu như có tiền, có quyền chức - là những thứ mà mọi người tưởng rằng sẽ đáp ứng cho chúng ta tất cả các nhu cầu trong cuộc sống.
"Tiền" hay là những cảm xúc tốt mà tiền có thể mua được? "Tiền" hay những vấn đề tai hại, những ràng buộc do tiền gây ra?
"Quyền lực" hay là những cảm xúc dễ chịu mà những người dưới quyền sẽ phải cung phụng cho? Quyền lực hay những trách nhiệm nặng nề và những ràng buộc chặt chẽ mà người có quyền sẽ phải tuân thủ?
Khi được sử dụng với những tiêu chí tốt, với ý thức tự chủ của người nắm giữ tiền, nắm giữ quyền chức - hai công cụ này sẽ mang lại nhiều cảm xúc tốt cho những người nằm trong tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, do bản tính yếu đuối, thiếu bản lĩnh và thiếu hiểu biết của con người nên trong hầu hết các trường hợp, tiền hay quyền không tạo được nhiều niềm vui mà chỉ mang lại những chuyện nhức đầu, tạo ra rất nhiều các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống.
Tỷ phú Mỹ là Donald Trump đã nêu lên nhận xét từ kinh nghiệm sống của một người nắm giữ nhiều tiền và quyền lực trong tay: "Nguyên nhân tạo ra các vấn đề của cuộc đời là do chúng ta có nhiều tiền hơn mức cần thiết".
Mỗi ngày bạn chỉ cần một ít thực phẩm và vài bộ quần áo để có thể sống tốt. Nhưng các nhu cầu về tinh thần, nhu cầu về những món ăn cảm xúc cho não bộ thì hầu như vô tận. "Ðược voi, đòi tiên" - chính điều này đã thúc đẩy chúng ta, đã tạo cho chúng ta những ước mơ, những khát khao. Trong nhiều trường hợp, viễn cảnh choáng ngợp về những thứ mà ta nghĩ rằng sẽ có được khi có tiền, có quyền làm chúng ta mờ mắt và thúc đẩy ta có những hành động thiếu suy nghĩ. Ðây cũng chính là lý do tạo nên rất nhiều các bi kịch của cuộc đời.
Ðể tạo ra được nhiều tiền hay nắm giữ được nhiều quyền thường là rất khó, nhưng biết cách dùng tiền và quyền để tạo ra các cảm xúc tốt thực sự cũng là điều khó không kém.
- 25 -
MÓN NỢ VÔ GIÁ 200 NGÀN ÐỒNG VÀ MỐI THÙ MỘT TRIỆU - GIÁ TRỊ VẬT CHẤT VÀ GIÁ TRỊ TINH THẦN
Một người quen thân đến năn nỉ bạn cho họ mượn một triệu đồng vì hắn mới thua bài bạc.
Giải pháp 1:
Bạn vô cùng bực bội với một người như vậy. Nhưng bởi hắn là một người bạn lâu năm có giúp bạn đôi lần và không làm điều gì xấu đối với bạn. Bạn quăng ra một triệu đồng trước mặt hắn, lớn tiếng cho hắn biết rằng đây là lần cuối cùng bạn giúp hắn bởi hắn quá tồi tệ và không đáng được bạn giúp đỡ. Người quen của bạn sẽ ra về không phải với sự biết ơn vì bạn đã giúp đỡ. Thay vào đó có thể sẽ là một mối hận thù với ý nghĩ căm giận rằng ngay khi có cơ hội, anh ta sẽ thảy vào mặt bạn số tiền mà bạn đã cho mượn vì bạn đã nhục mạ hắn. Thay vào sự biết ơn sẽ là mối thù có tên "Một triệu đồng".
Giải pháp 2:
Bạn không hài lòng, nhưng tự nhủ là thật tội nghiệp cho những kẻ thiếu ý chí như hắn. Bởi cuộc sống tinh thần của hắn quá ít cảm xúc tốt, mặt khác, hắn là người vô học về cảm xúc nên hắn chọn cách bài bạc để tìm cảm giác ăn thua như một cách kích thích hưng phấn, đáp ứng những thiếu thốn về cảm xúc. Bạn đưa ra hai trăm ngàn đồng và ân cần hỏi thăm, chia sẻ những nỗi khổ của hắn. Bạn cùng hắn gọi điện thoại cho vài người quen biết để nhờ họ giúp đỡ hắn. Bạn tiễn hắn ra về sau khi đã chia sẻ, an ủi, khuyên bảo với ý mong muốn giúp hắn khắc phục những vấn đề và sẽ có được nhiều điều tốt. Hai trăm ngàn đồng trong trường hợp này có thể không nhiều, nhưng đây là một món nợ vô giá.
Cảm xúc một lần nữa lại đóng vai chính trong các trường hợp này.
Trong thế giới chúng ta đang sống, mọi người vẫn thường đánh giá mọi thứ qua các con số, qua những cách định lượng rất cụ thể, đó là các giá trị vật chất. Tuy nhiên trong xã hội loài người lại luôn tồn tại một khái niệm giá trị vô hình khác bên cạnh những thứ mà chúng ta thấy được - đó là các giá trị về tinh thần.
Mọi sự vật trong xã hội luôn được định giá từ hai phần: Giá trị vật chất - hữu hình và giá trị tinh thần - vô hình.
[Tổng giá trị một vật] = [Giá trị vật chất] +/- [Giá trị tinh thần]
Trong đó Giá trị tinh thần: là (+) với cảm xúc tốt, là (-) với cảm xúc xấu.
Với chất lượng như nhau, bạn có thể uống một ly cà phê ngoài quán vỉa hè có giá ba ngàn đồng, bạn có thể thưởng thức một ly cà phê tương tự trong khách sạn năm sao với giá năm mươi ngàn đồng.
Vậy sự khác biệt rất lớn ở đây là gì?
Một lần nữa chúng ta phải ý thức đến các giá trị tinh thần. Giá thực tế một ly cà phê = giá trị thực của cà phê + giá trị tinh thần. Phần chênh lệch rất lớn ở đây không có gì khác hơn là phần "cảm xúc cao cấp" từ chỗ ngồi sang trọng mà bạn có được.
Một chiếc nhẫn bằng đồng đơn giản sẽ chẳng có giá trị gì đối với bạn và mọi người, nhưng nếu trong trường hợp đây là một chiếc nhẫn hứa hôn, là kỷ vật của một anh thanh niên cho một cô gái thì chiếc nhẫn bằng đồng rẻ tiền đó sẽ trở thành một vật vô giá đối với cô gái. Một bức tranh với những bệt màu nguệch ngoạc hầu như chẳng có mấy tí giá trị, nhưng nếu đó là tranh của Van Goh thì có thể giá sẽ lên tới hàng chục triệu Ðô-la Mỹ. Một tấm vải gai được thấm một chút máu của ai đó sẽ bị coi là ghê bẩn, nhưng nếu mọi người bảo đó chính là tấm vải liệm của Chúa thì giá trị của tấm vải sẽ rất khác. Sẽ có những người sẵn sàng hy sinh tính mạng để có nó.
Tùy cảm xúc sâu sắc tới mức độ nào mà giá trị của vật đó sẽ cao hay thấp.
Tất cả chúng ta đều cảm nhận mọi thứ thông qua các cảm xúc. Có một số cơ chế để chúng ta có thể làm tăng mức độ cảm xúc lên nhanh chóng. Nếu hiểu biết và áp dụng đúng cách, ta có thể làm tăng giá trị vô hình lên nhiều lần một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Trong trường hợp ngược lại, không những chúng ta không làm tăng được thêm chút giá trị nào mà còn chuyển các cảm xúc tốt thành cảm xúc xấu, tức bị "thiếu nợ" cảm xúc với người khác, nếu chúng ta dùng một cơ chế sai lầm.
Mọi vật đều được định giá dựa theo những giá trị chủ quan mà ta cảm nhận được, hoặc ta dựa theo ý kiến của người khác nếu chúng ta không có một tiêu chí nào để định giá. Giá trị thực sẽ bằng tổng của những giá trị hữu hình và giá trị vô hình - tức giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
Thái độ mà bạn đối xử với người khác sẽ làm cho giá trị của một vật tăng lên rất nhiều hoặc giảm xuống rất nhiều, thậm chí có thể trở thành một giá trị âm nếu bạn đã tạo cho anh ta một cảm xúc thật tệ hại.
Các giá trị vô hình mà chúng ta được hay mất thực chất chính là các cảm xúc tốt hay xấu mà chúng ta tạo ra cho người khác.
* * *
CÁC ÐẶC ÐIỂM CỦA CẢM XÚC
- 26 -
CẢM XÚC LÀ LOẠI VI RÚT CỦA TINH THẦN
Bảy giờ sáng. Bạn bị bà xã cằn nhằn, bực dọc vì việc không chịu dậy sớm làm việc nhà. Con trai của bạn không chịu ăn bữa sáng, đang è è khóc đòi phải ăn thức khác.
Do không chịu đựng được cử chỉ hư hỏng khó dạy của cậu ấm, bạn quất một cái thật đau làm hắn khóc toáng lên. Vợ bạn giận dữ xô bạn ra để bênh thằng cu và to tiếng la lối chỉ trích bạn. Chịu hết nổi, bạn xô cửa đẩy xe, nổ máy vọt ra đường đi làm.
Do phóng xe đi quá nhanh, bạn tông vào làm đổ xe bán hủ tiếu đầu hẻm. Cãi vã um xùm với bà bán hủ tiếu về chuyện tiền bồi thường. Bạn đành chấp nhận ra đi với một trăm ngàn đồng ở lại.
Ðang miên man suy nghĩ về các sự kiện tồi tệ mới xảy ra, bạn bị anh cảnh sát giao thông huýt còi vì tội vượt đèn đỏ. Thay vì nhã nhặn, nhỏ nhẹ giải trình, bạn lại nổi xung thiên ra sức cãi là mình mới chỉ vượt đèn vàng. Sự việc kết thúc với tờ biên bản trong tay sau khi đã để lại giấy tờ xe.
Là một trưởng bộ phận với mười hai nhân viên dưới quyền, bạn bước vào văn phòng với vẻ mặt của một hung thần. Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra tại nơi làm việc của bạn?
Có thể bạn sẽ đổ cảm xúc tồi tệ của mình cho một vài nhân viên dưới quyền, hay một vài nhà cung ứng tội nghiệp, hay một vài thứ gì đó xui xẻo lọt vào tầm tay của bạn. Toàn bộ nhân viên sẽ hiểu rằng hôm nay là ngày rất xấu. Các nhân viên bị bạn tác động sẽ rất bức xúc, không hài lòng với công việc. Một số lỗi xuất hiện do sự sai sót và chểnh mảng của nhân viên. Bạn bị các bộ phận khác than phiền về sự sai sót của nhân viên. Bạn kêu nhân viên vào trút giận lên cô nàng đã gây ra vấn đề. Cô nàng bị bạn la mắng chịu không nổi, khóc oà lên và bỏ về.,
Các cảm xúc xấu sẽ tiếp tục lan truyền theo những tác động trực tiếp hay gián tiếp từ một cảm xúc xấu của bạn.
Có thể từ một cảm xúc xấu của mình, bạn sẽ tạo nên cả một ngày tồi tệ của rất nhiều người, thậm chí cả những tai họa khôn lường nếu trong trường hợp anh cảnh sát giao thông quá bức xúc sau khi cãi nhau với bạn và không điều phối tốt các tín hiệu giao thông.
Cảm xúc luôn lan tỏa nhanh và mạnh chẳng kém gì những cơn đại dịch.
Cảm xúc tạo nên những ảnh hưởng rất lớn đến mọi người. Bạn khó ૮ɦếƭ vì bệnh nhưng bạn dễ "૮ɦếƭ" vì sự lây nhiễm cảm xúc. Hãy ý thức về sự lây nhiễm tập thể như mê tín dị đoan, tin đồn thất thiệt, sự a-dua, bắt chước, đua đòi.
Dựa theo lý thuyết về hiệu ứng "Ðiểm bùng nổ" (The Tipping Point) của Malcolm Gladwell, chúng ta có thể lên kế hoạch để kích hoạt tất cả mọi người chỉ bằng một cảm xúc đơn lẻ.
Rất nhiều người trong chúng ta hoàn toàn không ý thức được điều này và tự làm cho tình hình tồi tệ hơn. Chúng ta đem chuyện nhức đầu ở nhà đổ ra công ty, đem chuyện nhức đầu ở công ty đổ về nhà, hay đổ ra cho bạn bè, người quen và kết quả chính chúng ta lại phải hứng chịu những hậu quả khôn lường của sự vụ.
Có thể tưởng tượng rằng cuộc sống tinh thần của chúng ta có rất nhiều ngăn: ngăn cho công việc, ngăn cho bạn bè, ngăn cho gia đình, ngăn cho các thú vui, ngăn cho con cái,… Khi cảm xúc xấu xảy ra ở một ngăn nào đó, thay vì khóa, nhốt các cảm xúc xấu lại trong ngăn của nó thì chúng ta lại tự ý đổ nó sang những ngăn khác. Kết cục là cuộc sống tinh thần của chúng ta bị đầu độc hoàn toàn đôi khi chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ.
Ở một thái cực khác, khi bạn tạo ra các cảm xúc tốt mọi việc sẽ vô cùng tốt đẹp.
Hãy ví dụ vào buổi sáng sớm bạn nhận được tin thông báo khách hàng đồng ý ký một hợp đồng rất lớn. Bạn vui vẻ chia sẻ thông tin với bà xã, khen nịnh bà xã một câu và chủ động vui đùa với con trai. Cậu ấm bi bô thích thú và nhanh chóng kết thúc bữa sáng. Hai mẹ con rất vui vẻ tiễn bạn đi làm. Bạn nhiệt tình nhắc nhở một anh chàng chạy xe mà quên gạt chống lên. Vào cơ quan bạn vui vẻ bắt chuyện với mọi người, đùa giỡn với đồng nghiệp, nhắc nhở thay vì la mắng các nhân viên phạm lỗi. Bạn hào hứng xuất tiền đãi nhân viên một chầu bánh ngọt. Bạn gọi điện tới thăm hỏi khách hàng và khen ngợi nhà cung ứng. Bạn duyệt hàng loạt công văn một cách nhanh chóng và dễ chịu. Mọi người đều rất vui, tất cả đều làm việc năng động và đầy khí thế.,
Theo lý thuyết Hiệu ứng con bướm (The Butterfly Effect) của nhà khí tượng học Edward Lorenz: "Một cái vỗ cánh của con bướm ở Bra-zin có thể tạo nên một cơn giông bão tại Arizona" - Cảm xúc cũng vậy, từ một cảm xúc xấu đơn lẻ có thể tạo nên cả một cuộc chiến tranh thế giới. Và ngược lại, một cảm xúc tốt có thể tạo ra những tài sản khổng lồ.
Cảm xúc là loại virus của tinh thần và chúng ta chính là những người tạo ra nó, bị lây nhiễm và chịu tác động bởi nó.