- 17 -LĂNG KÍNH CẢM XÚC - BỘ LỌC VÀ CHÌA KHÓA CỦA CÁC XÚC CẢM
Tuy các cảm xúc luôn là những trạng thái nhất thời và không bền vững, nhưng cảm xúc lại là nguyên nhân ảnh hưởng tới cách mà chúng ta sẽ nhìn nhận cuộc đời.
Khi có cảm tình với ai, bạn sẽ thường chỉ chú ý vào các mặt tốt của họ và bỏ qua những khuyết điểm. Ngược lại, khi đã không ưa người ta thì bất kỳ ưu điểm nào của họ cũng bị bỏ qua, bạn chỉ còn thấy toàn là những khuyết điểm của họ.
Cảm xúc của chúng ta là một trạng thái nhất thời của não bộ. Chỉ cần một tác động nhỏ kích hoạt từ bên ngoài là cảm xúc có thể thay đổi nhanh chóng. Từ xưa ông bà ta đã có câu "thương thì củ ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo" cũng là để đúc kết kinh nghiệm về sự ảnh hưởng của cảm xúc tới thực tế, tạo cho chúng ta những nhìn nhận luôn sai lệch với những gì đang thực sự xảy ra.
Theo luật kinh nghiệm đối ứng, trong thực tế cuộc sống, chúng ta luôn đánh giá sự việc dựa trên các kinh nghiệm, những cảm nhận mà mình đã có trước đó.
Ðây chính là những phản ứng theo bản năng của động vật cao cấp nhằm bảo đảm và duy trì sự sống còn của cá thể.
Khi một em bé bị cay phát khóc lên vì ăn nhằm một miếng ớt, em bé sẽ ghét và sợ hãi tất cả những món ăn nào có hình dạng hay mùi vị tương tự miếng ớt đó. Khi một chàng được các cô gái khen ngợi là đàn ông lịch lãm vì một cử chỉ ga-lăng phụ nữ, anh chàng sẽ rất hãnh diện và bất cứ khi nào có cơ hội thì chàng cũng sẵn sàng thể hiện bản lĩnh đàn ông và cử chỉ nghĩa hiệp một lần nữa.
Các điều kiện tạo ra cảm xúc rất tốt - hay rất xấu - sẽ ghi dấu ấn vào bộ não và sẽ được lưu trữ lại thành một kinh nghiệm. Chính mối liên hệ lặp đi lặp lại nhiều lần những kinh nghiệm tốt - hay xấu - của cá nhân gắn với một sự vật, sự kiện hoặc một người nào đó sẽ trở thành một định nghĩa và chúng ta sẽ mặc nhiên mà gắn nhãn cho sự vật, sự kiện, hay cho người đó. Ðiều này có nghĩa rằng mỗi khi chúng ta gặp lại sự vật, tình huống, hoặc tiếp xúc với người đó thì những kinh nghiệm cũ sẽ xuất hiện trở lại trong bộ não.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, cá nhân mọi người sẽ đánh giá đối tượng theo khía cạnh mà kinh nghiệm đã chỉ ra. Nếu kinh nghiệm cũ là tốt thì ta chỉ chú ý tới những đặc tính, những khía cạnh tốt của đối tượng mà bỏ qua hay xem nhẹ những khía cạnh tiêu cực. Ở trường hợp ngược lại, chúng ta sẽ chỉ chăm chú vào những đặc điểm xấu, những khía cạnh xấu hay những đức tính xấu và bỏ qua hay không tin vào những tính tốt của sự việc hay đối tượng.
Ca dao có câu "thương nhau, thương cả dáng đi - ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng".
Xu hướng qui kết theo cảm tính của mọi người sẽ tạo nên một BỘ LỌC CẢM XÚC. Ðây là nguyên nhân cho những vấn đề, những sai lầm của cá nhân khi đánh giá con người hay sự việc.
Trong các mối quan hệ, với những kinh nghiệm đối ứng khác nhau, các cá nhân và đối tác của họ sẽ có cách nhìn nhận một vấn đề theo những cách khác nhau. Việc khác quan điểm sẽ đẩy tới những bất đồng. Khi vợ cãi nhau với chồng, đối tác tranh luận với nhau, nhân viên nêu lý luận với xếp, luôn dễ tạo ra những sự bất đồng quan điểm, tạo ra các cảm xúc xấu cho cả hai bên. Nếu sự việc được lặp đi, lặp lại, các cảm xúc xấu mà cá nhân phải chịu đựng sẽ tạo cho cá nhân một thành kiến. Các thành kiến sẽ làm chúng ta chỉ tập trung chú ý vào khía cạnh xấu của vấn đề - và bộ lọc cảm xúc được hình thành.
Khi bạn ghét ai đó, bạn sẽ không tin vào mặt tốt của đối tượng. Bạn luôn nhìn vào mặt xấu của của hắn và tìm cách trả lời cho các câu hỏi tiêu cực như: người đó sẽ có hành động, hay âm mưu gì xấu đối với mình không? Hắn có lợi dụng mình không? Hắn "giả bộ tốt" như vậy để làm gì?.
Kết quả của sự đánh giá sai lầm này thường sẽ dẫn tới những phản ứng sai lầm và tạo ra những vấn đề lớn hơn, nghiêm trọng hơn cho cá nhân như sự thù địch, khủng hoảng, ly dị.
Trong trường hợp mà các kinh nghiệm tốt hay xấu tác động vào bạn ở mức độ cao, bạn sẽ khắc sâu vào bộ nhớ và vào cơ chế nhận diện của mình về đối tượng này là hoàn toàn tốt - hay hoàn toàn xấu - và biến điều này trở thành mặc định.
Ðây là cơ chế hình thành nên những cái "KHÓA CẢM XÚC" - tức là làm cho bạn tin rằng chỉ có thể cảm nhận đối tượng theo một hướng duy nhất là tất cả mọi việc đều tốt hết, hay tất cả đều xấu hết.
Ðể gỡ bỏ những cái khóa cảm xúc - mà chúng ta thường gọi là "thiện cảm" hay "ác cảm" - đòi hỏi phải có những điều kiện đặc biệt và trong những khoảng thời gian đủ lâu. Cách làm hiệu quả nhất thường là áp dụng các biện pháp tạo nên những cảm xúc có hiệu quả tác động ngược lại với cảm nhận "ác cảm" - hay "thiện cảm" - của cá nhân.
- 18 -CUỘC ÐỜI LÀ SỰ TRAO ÐỔI VÀ MUA BÁN CÁC CẢM XÚC
Bạn có được những lợi ích gì khi mua một chiếc xe gắn máy loại xịn một trăm triệu đồng để thay cho chiếc xe cũ mười lăm triệu đồng?
Tại sao các bà các cô lại ưa chuộng một cây son hàng hiệu giá một trăm năm mươi đô-la hơn là loại bình thường với giá mười đô-la?
Có rất nhiều lý do để trả lời, nhưng điều cơ bản ở những thứ chúng ta cần đó là một cảm giác? Được? Hơn hẳn những người xung quanh, được có cái mà người khác phải ghen tỵ, được sở hữu cái mà chỉ những người ở đẳng cấp cao mới có - tóm lại là sự ngưỡng mộ của người khác.
Trong trường hợp bạn mua một chiếc xe máy thời thượng hay một vật đắt tiền, cái bạn cần thực sự không phải là cái xe, mà chính là "cảm xúc hể hả, hài lòng" bạn sẽ được hưởng khi đạt được ý muốn.
Ðể làm quen với một cô gái, các chàng trai luôn có những nỗ lực phi thường, không ngại tốn kém chi phí, thời gian và công sức mong "lấy lòng" người đẹp. Mục đích duy nhất mà các chàng ước mơ là một chút "cảm xúc tình yêu" mà nàng sẽ trả lại cho những nỗ lực của chàng, hay là những cảm xúc tốt từ sự quan tâm, yêu thương mà nàng sẽ dành cho!
Trong nhiều trường hợp trên thực tế, các đại gia sẵn sàng chi ra những khoản tiền rất lớn để mua chút "tình cảm". Ngược lại, các bà cũng sẵn lòng chi cả núi tiền cho những món trang sức xa xỉ, đắt tiền nhằm thỏa mãn cho "nhu cầu hàng hiệu" của mình.
Bạn có thể nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua những món hàng "xịn" với ý nghĩ rằng ta sẽ rất hạnh phúc khi sở hữu những thứ đó. Từ những việc đang xảy ra hàng ngày, điều mà bạn đang làm là bỏ tiền bạc, bỏ thời gian hay sức lực ra để mua, để đổi lấy những cảm xúc tốt, hay để tránh các cảm xúc xấu.
Bạn cho tiền một người ăn xin để họ khỏi quấy rầy, bạn mua một cái áo mưa để khỏi bị ướt khi đi mưa, gắn hệ thống báo cháy để có cảm xúc "an toàn" tránh hỏa hoạn. Tất cả đều vì mục đích có được những cảm xúc mong muốn.
Ở những khía cạnh khác về tinh thần, sự tương tác giữa người với người thực chất cũng không có gì khác ngoài mục đích khát khao có được những cảm xúc tốt và loại bỏ được những cảm xúc xấu.
Trong các bài giảng về chủ đề "Quản lý con người", tác giả có một bài tập dành cho học viên:
Làm thế nào để sở hữu một căn nhà năm trăm cây vàng khi bạn chỉ có năm cây vàng?
Trong buổi đi dã ngoại tại Bình Dương, có một nhóm doanh nhân tới thăm nhà chú Tư nằm trên bờ sông Sài Gòn. Căn nhà tường sáu mươi tư mét vuông nằm trong khu vườn ba trăm mét vuông có một thảm cỏ rất đẹp dọc bờ sông. Ðây là một vị trí lý tưởng để ngồi thư giãn vào dịp cuối tuần. Chú Tư lại là người rất dễ mến và vui tính. Khi khách ngỏ ý hỏi giá mua nhà, chú Tư không muốn bán, nhưng trước sự nài nỉ của khách, chú Tư ra giá năm trăm cây vàng.
Ðây là mức giá quá cao để có thể mua. Vậy liệu có cách nào thật công bằng để sở hữu căn nhà chỉ với năm cây vàng mà cả chú Tư và bạn đều hài lòng?
Liệu bạn có cách nào để giải bài toán này? Bạn hãy thử suy nghĩ vài phút trước khi đọc lời giải.
* * * Lời giải lý thuyết * * *
Bằng cách tính thông thường, bài toán sẽ không thể giải được.
Lời giải cho bài toán là "mua" sự sở hữu của ngôi nhà bằng cách dùng các "cảm xúc tốt".
Từ các giả thiết trong đề bài. Chúng ta hoàn toàn có thể đề nghị chú Tư cho phép được đến chơi vào dịp cuối tuần trong khuôn viên của ngôi nhà. Ðổi lại, chúng ta có thể dùng một phần trong số năm cây vàng để sửa sang lại ngôi nhà, dọn dẹp sân vườn và quà cáp cho gia đình chú Tư. Bằng tiêu chí "mọi người đều có lợi", chúng ta sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ chú Tư và cả gia đình chú mỗi khi có dịp: Cho xe đưa đón chú Tư khi chú lên Sài Gòn, mời chú ghé qua thăm công ty, giúp đỡ người nhà chú Tư có việc làm ở thành phố, đề nghị chú và gia đình sử dụng nhà của bạn tại Sài Gòn như nhà mình trong những trường hợp cần thiết, giúp ý kiến cho chú Tư giải quyết các sự việc trong gia đình.
Qua thời gian, mối quan hệ thân thiết sẽ được xác lập. Bằng cách cam kết luôn giúp đỡ và tạo các cảm xúc tốt cho chú Tư và gia đình, bạn sẽ trở thành một người thân thiết của chú và gia đình.
Khi mối quan hệ đã được xác lập, bạn có thể mời bạn bè về chơi "nhà của ông chú" ở Bình Dương.
Như vậy, về căn bản bài toán đã được giải với các cảm xúc tốt có từ sự cam kết của bạn. Tuy tên của bạn không nằm trong giấy chứng nhận sở hữu chủ của căn nhà, nhưng trên thực tế, bạn còn sở hữu rất nhiều thứ khác lớn hơn. Bạn được cả một gia đình mới, được sử dụng một căn nhà mới, được tất cả những bạn bè và những mối quan hệ của họ.
Làm sao để biến một "ao nước lã" thành "giọt máu đào"?
Ông bà ta có câu "một giọt máu đào hơn ao nước lã".
Người Trung Hoa thường áp dụng cách thức cắt máu ăn thề để mong muốn biến người khác dòng máu trở thành anh em một nhà. Thực chất đây chính là cách mà bạn cam kết luôn tạo ra các cảm xúc tốt cho người khác.
Cam kết luôn là nguồn tạo cảm xúc tốt cho người khác chính là cách mà bạn có thể biến các "ao nước lã" thành những "giọt máu đào".
- 19 -QUI LUẬT CÂN BẰNG CẢM XÚC - CÓ VAY CÓ TRẢ.
Song song với các sự việc trên đây, chúng ta có thể thấy thêm một khía cạnh nữa của cảm xúc: Mọi người đều mong muốn xác lập sự bình đẳng trong tất cả các trường hợp.
Bắt nguồn từ các phản ứng bản năng là sự tự vệ để duy trì sự tồn tại của bản thân, mỗi cá nhân sẽ có một phản xạ thích hợp trong các tình huống nhằm tạo nên lợi thế tốt nhất để có thể tồn tại.
Theo thuyết tiến hoá của Darwin, các loài sẽ phát triển theo hướng bảo vệ sự sinh tồn và gia tăng số lượng cá thể trong loài của mình càng nhiều càng tốt.
Trong một bầy thú rừng, khi một con thú bị thương, bị tai nạn thì nó sẽ nhận được sự hỗ trợ của đồng loại. Khi một cá thể nhận được sự giúp đỡ, tức nhận được một cảm xúc tốt từ một cá thể khác, nó sẽ hiểu rằng đây là "phe ta", và bản năng sẽ thôi thúc nó đáp lại bằng một phản ứng tương tự - tức làm một điều tốt tương tự, để giúp cho bầy đàn của "phe ta" mạnh hơn, giúp duy trì giống nòi tốt hơn. Ở trường hợp ngược lại, khi cá thể bị một kẻ thù gây ra một cảm xúc xấu bằng cách tấn công hay làm tổn thương. Bằng bản năng, nó cũng sẽ đáp trả lại một hành động tương tự để làm đối thủ bị suy yếu hoặc bị tiêu diệt.
Do nguồn gốc của chúng ta là một loài động vật cao cấp nên con người cũng có các phản ứng theo bản năng như vậy. Trong quá trình tiến hoá, xã hội loài người đã phát triển ở mức rất cao.
Trí tuệ của con người phát triển rất sâu sắc và tương ứng, tạo ra các loại cảm xúc rất tinh tế và phức tạp trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với xã hội. Các phản ứng ăn miếng trả miếng theo bản năng được biến chuyển thành một khái niệm gọi là "SỰ CÔNG BẰNG". Trong mỗi xã hội khác nhau, mức độ công bằng cũng được định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên cơ chế có vay có trả - tức ăn miếng trả miếng thì luôn tồn tại và tạo thành một qui luật.
QUI LUẬT CÂN BẰNG CẢM XÚC:
Ðối với người bình thường, khi người khác có tác động tạo cho cá nhân một cảm xúc tốt hay xấu thì cá nhân sẽ tìm cách đáp trả lại cho người đó một cảm xúc tốt hay xấu tương tự để xác lập lại sự cân bằng về cảm xúc.
Trong mỗi việc chúng ta làm, trong mỗi người hay vật mà chúng ta tác động tới đều tạo ra những giá trị cảm xúc khác nhau. Khối giá trị vô hình này cao hay thấp, có giá trị dương (+) tức cảm xúc tốt - hay giá trị âm (-) tức cảm xúc xấu - sẽ đều phụ thuộc vào cảm nhận của người bị tác động.
Tương tự như tiền bạc và vật chất, khi ai đó cho chúng ta mượn, giúp đỡ ta thì nghĩa vụ của chúng ta là phải đền đáp, phải trả lại đầy đủ. Khi ai đó lấy mất của chúng ta tiền bạc hay vật chất thì chúng ta cũng sẽ tìm cách lấy lại bằng cách này hay cách khác.
Do bản chất các mối quan hệ của con người là sự trao đổi và mua bán cảm xúc. Các giá trị vật chất hữu hình như của cải, tiền bạc thực chất đều được chúng ta định giá bằng các cảm xúc có được, tức các giá trị vô hình, là các cảm xúc tốt hay cảm xúc xấu. Vì vậy, dù cho sự vay mượn, sự trao đổi có ở dạng vật chất hay tiền bạc, hay thời gian, hay công sức nào đó thì cũng sẽ được chúng ta cảm nhận qua các giá trị cảm xúc.
Nếu ai đó giúp chúng ta trông em, chúng ta có thể sẽ tìm cách trồng rau giúp họ. Nếu một cá nhân ςướק tiền của chúng ta thì theo luật cân bằng cảm xúc, chúng ta sẽ tìm cách nào đó để lấy lại tiền của, vật chất, hoặc nếu không lấy lại được thì chúng ta cũng sẽ tìm cách làm cho đối tượng bị thiệt hại, phải chịu đựng những cảm xúc tệ hại tương tự như cái cảm xúc xấu mà họ đã gây ra cho chúng ta, để thiết lập nên "sự công bằng".
Qui luật cân bằng cảm xúc luôn là cơ sở nền tảng để con người thực hiện các hành vi trao đổi và mua bán cảm xúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, mọi người đều muốn dành lấy phần càng nhiều càng tốt, do vậy khái niệm cân bằng luôn thường xuyên bị phá vỡ.
- 20 -
"LUẬT NHÂN QUẢ” DƯỚI GÓC ÐỘ CỦA CẢM XÚC – QUI LUẬT ÐẦU TƯ VÀ TÍCH LUỸ CẢM XÚC
Tiêu chí xã hội mà con người từ xưa tới nay mong muốn đạt được là một xã hội "công bằng và bình đẳng". Nếu tôi cho anh năm, anh sẽ trả lại tôi năm. Tôi với anh cùng làm và cùng nỗ lực, thành quả sẽ chia ra đồng đều và hợp lý theo thỏa thuận giữa đôi bên. Xã hội luôn mong muốn tình trạng cân bằng cảm xúc được xác lập.
Nếu mọi người đều có suy nghĩ và hành xử theo tiêu chí này thì xã hội hẳn là sẽ vô cùng tốt đẹp, nhưng thực tế lại không được như vậy.
Có những người luôn đòi lấy bảy và chỉ trả lại ba - xã hội gọi họ là loại "người xấu". Những người lấy năm và trả năm - họ là những "người công bằng" - tức "người đàng hoàng". Còn những người chỉ lấy ba và luôn trả bảy - tức luôn cho nhiều hơn nhận - chính là những "người tốt".
Từ một nhận xét rất thú vị là trong các câu chuyện cổ tích và truyện dân gian ngày xưa, những người tốt bụng thường là người nghèo khổ, chịu nhiều bất hạnh. Nào là Bạch Tuyết, là cô bé Lọ Lem, là cô Tấm,... Còn những người xấu, độc ác thì lại luôn là những nhân vật giàu có, như chúa đất, mụ dì ghẻ hay lão nhà giàu keo kiệt.
Chuyện đương nhiên phải là như vậy.
Khi bạn cho nhiều thì bạn sẽ nghèo! Còn khi bạn tham lam chỉ lấy mà không chịu trả ra thì ắt hẳn bạn sẽ trở nên giàu có.
Nhưng theo quan niệm sống của mọi thời đại thì sự tốt bụng luôn hơn hẳn sự tham lam, tình thương thì luôn thắng điều ác.
Vậy theo bạn đâu là điều khác biệt? Nên chăng sống tốt bụng và nghèo khó? Hay sống độc ác trong sự giàu có, đầy đủ vật chất? Tại sao cách sống tốt "cho nhiều hơn nhận" luôn là tiêu chí sống của mọi người?
Dựa vào các hiểu biết về cảm xúc, chúng ta sẽ dễ dàng giải thích được những cơ chế tác động của "Luật nhân quả": Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả nấy - Bạn đối xử với người khác ra sao thì mọi người sẽ đối xử với bạn như vậy.
Mỗi khi bạn sống tốt với mọi người - tức bạn đối xử tốt với người khác như cho họ tiền bạc, vật chất, giúp đỡ họ trong lúc khó khăn, cho họ sự cảm thông về tinh thần khi họ đau khổ, chăm sóc họ khi họ sa cơ lỡ vận, - là bạn đã cho người khác một "cảm xúc tốt". Người nhận được sẽ mặc nhiên ghi nhận rằng họ nợ bạn một "cảm xúc tốt" và một khi nào đó có dịp họ sẽ trả lại bạn một "cảm xúc tốt" khác.
QUI LUẬT ÐẦU TƯ VÀ TÍCH LŨY CẢM XÚC:
Khi bạn tạo cho người khác một cảm xúc tốt bằng công sức, thời gian hay tiền bạc của mình và không đòi họ phải đáp trả - tức bạn đang đầu tư tạo ra những giá trị vô hình. Những giá trị này sẽ tự nảy nở, tích lũy lại tỉ lệ theo hướng tăng hay giảm tùy theo nhân cách và uy tín của bạn - sẽ tăng lên khi bạn có nhân cách tốt và sẽ giảm đi khi bạn có nhân cách xấu.
Nếu bạn không đòi, người ta sẽ không có cơ hội để trả lại cho bạn. Ðiều chắc chắn là họ người sẽ nói với mọi người rằng bạn là một "người tốt". Tên của bạn sẽ được mọi người ghi nhớ, nhân cách của bạn sẽ được mọi người trân trọng. Bất kỳ khi nào bạn cần, mọi người sẽ tìm cách giúp đỡ bạn trong khả năng của họ, và chắc chắn là không bao giờ họ muốn làm hại bạn bởi bạn là một người tốt. Nếu bạn có con, con bạn cũng sẽ được mọi người ưu ái giúp đỡ bởi vì họ còn "nợ" bạn những "cảm xúc tốt".
Trong trường hợp bạn là một người tốt bụng và bạn không làm gì cả - bạn sẽ là một người tốt bụng nghèo khó - vì mọi người sẽ không có điều kiện để giúp bạn.
Trong trường hợp bạn là một người tốt bụng và thông minh, bạn nỗ lực trong công việc kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ sớm thành công, bởi mọi người sẽ ủng hộ bạn, mọi người đều muốn giúp bạn. Ai cũng mong muốn bạn trở nên khá giả vì với tính cách của bạn - bạn sẽ là một chỗ dựa tin cậy cho mọi người.
Với những "người xấu" luôn tìm cách lợi dụng lòng tốt của người khác hoặc luôn muốn chiếm lấy phần nhiều hơn. Bằng cách hành xử như vậy, chắc chắn "người xấu" sẽ tạo ra những cảm xúc xấu như sự bực tức, sự oán hận, nỗi thất vọng, sự sợ hãi, sự căm thù cho người khác. Từ những người là nạn nhân của "người xấu", tiếng xấu đồn xa. Mọi người sẽ biết về những cá nhân gieo rắc cảm xúc xấu và sẽ tránh né tiếp xúc. Một số người chưa biết sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân và họ cũng sẽ là người đưa tin về hiểm họa "người xấu".
Còn một khía cạnh khác quan trọng hơn cả tác động tẩy chay "người xấu" của xã hội - đó chính là hậu quả từ bên trong. Chính con cái và những người thân thiết của bạn sẽ học, bắt chước và lặp lại theo các hành vi của bạn. Trước tất cả mọi người, bạn sẽ là người được con cái đối xử theo cách mà bạn đã làm gương cho chúng.
Câu tục ngữ của người xưa chưa bao giờ sai: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh", "Rau nào, sâu nấy", "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" Chính chúng ta sẽ được hưởng những trái ngọt cảm xúc tốt hay sẽ phải gánh chịu những quả đắng cảm xúc xấu từ những gì chúng ta tạo ra cho người khác.
- 21 -NHỮNG BỮA ĂN NHIỀU TRIỆU ÐỒNG VÀ SỰ THÍCH NGHI NHANH CHÓNG CỦA NÃO BỘ
ÐỊNH LUẬT VỀ SỰ THÍCH NGHI
Bộ não rất nhanh chóng thích nghi với các tác động giống nhau từ môi trường bên ngoài. Khi đã thích nghi với hoàn cảnh cũ, bộ não luôn cần có những kích thích mới để kích hoạt và duy trì sự hoạt động bình thường của cơ thể.
VÒNG TRÒN THÍCH NGHI
Có Nhu cầu mới => Nỗ lực để thoả mãn nhu cầu => Thoả mãn được nhu cầu => Não bộ thích nghi với sự thoả mãn => Có Nhu cầu mới.
Hãy xem xét trường hợp sau:
Ông H.Tuy là chủ của một công ty kinh doanh hàng gia dụng lớn ở Ðà Nẵng. Công việc quá bận rộn, đến cuối ngày ông H.Tuy thấy rất mệt. Ông không có cảm giác đói nhưng hiểu rằng cơ thể của mình đã hết năng lượng. Ông cần phải ăn nhưng không biết phải làm sao để có được một bữa ăn ngon. Cuộc đời quả là không công bằng. Khi ông còn khoẻ, còn có thể ăn, chơi, thì ông chưa có nhiều tiền. Nay tiền bạc đã rủng rỉnh thì ông lại gặp một vấn đề lớn: "Chán". Ông chán chuyện phải đi ăn nhậu tiếp khách, nhăn mặt cười nói mỗi ngày. Do phải ăn các loại sơn hào hải vị hàng ngày nên ăn uống đối với ông nhiều khi trở nên là chuyện chẳng muốn nhưng vẫn phải làm. Phải ăn để mà sống. Ông không tiếc tiền chi ra để có được cảm giác "ngon". Kèm với rượu ngoại mắc tiền, ông đặt nhà hàng nào tôm hùm đại dương, cá mặt quỷ, hải sâm, tay gấu,... những bữa ăn tốn nhiều triệu đồng nhưng cũng không thể cho ông cảm giác ngon miệng. Ông chợt nhớ tới và cảm thấy thèm những bữa cơm "dưa cà, mắm kho, rau muống luộc" vào thủa mới khởi nghiệp nghèo khó.
Tại sao có đôi lúc bạn cảm thấy chán mọi thứ? Sự thích nghi của não bộ chính là nguyên nhân của vấn đề.
Chuyện dù rất vui nhưng kể mãi cũng sẽ nhàm, cơm dù ngon tới mấy nhưng ăn mãi thì cũng phải đổi món.
Bộ não của chúng ta luôn có khuynh hướng tự thích nghi với những tác động của môi trường bên ngoài. Cơ chế tự thích nghi giúp cơ thể tự điều chỉnh trong những khả năng nhất định để đảm bảo duy trì sự sống còn khi môi trường thay đổi. Cơ chế này là một bản năng quan trọng của các loài động vật sau hàng trăm ngàn năm tiến hóa.
Ở thời đại mà chúng ta còn ăn lông ở lỗ và lệ thuộc hoàn toàn vào môi trường bên ngoài thì đây là điểm ưu việt, nhưng ngày nay mọi thứ đã thay đổi.
Năng lực của con người ngày nay đã phát triển vượt bậc, và có thể tác động ngược lại môi trường. Con người đã tạo ra các thiết bị để bảo vệ cho bản thân, để tránh khỏi những tác động của tự nhiên: máy điều hòa nhiệt độ, quần áo ấm, nhà cửa, tàu thủy, tàu vũ trụ... Tuy nhiên có một thứ mà chúng ta không thay đổi được - đó là các bản năng nằm sâu trong các tế bào gen của chúng ta.
Bản thân chúng ta luôn cần có sự thay đổi, cần có những tác động từ môi trường bên ngoài. Bạn có thể thấy điều này ở mọi lúc, mọi nơi. Tất cả mọi người luôn cần có sự thay đổi để có điều kiện thích nghi với cái mới. Chính cơ chế này đã đem lại cho não bộ những cảm xúc - là những món ăn không thể thiếu cho đời sống tinh thần của con người.
Ở một mặt, sự thích nghi cảm xúc tạo cho chúng ta khả năng tồn tại trước sự thay đổi và các tác động của môi trường, ở mặt khác chính sự thích nghi là nguyên nhân tạo ra hiện tượng ÐÓI CẢM XÚC. Các cá nhân sau khi đã thích nghi với những cảm xúc cũ sẽ bị rơi vào tình trạng trì trệ, buồn tẻ và chán nản.
Trong lịch sử, các vua chúa ở Trung Hoa và tại các nước Hồi giáo luôn có hàng trăm cung tần mỹ nữ. Khi Tần Thuỷ Hoàng có tới mười ngàn bà vợ thì đúng là ông ta sẽ không biết phải chọn ngủ với bà nào mỗi tối. Các món ăn dành cho vua có tới vài chục loại mỗi bữa và được thay đổi liên tục. Vua muốn gì là được nấy. Mọi thứ đều sẵn sàng để tạo cho Vua những cảm xúc tốt cần thiết. Vậy mà trong rất nhiều trường hợp, để giải toả sự chán nản của tình trạng thừa mứa vật chất và quyền lực, Vua phải tạo ra những sự kiện động trời như bày ra những trò chơi tàn bạo, xây nên những kỳ quan thế giới, tiến hành những cuộc chiến tốn tiền và đẫm máu để tìm cho mình những cảm xúc tốt mới lạ.
Với một người càng giàu có, càng nhiều quyền lực bao nhiêu thì việc tạo cho anh ta một cảm xúc tốt sẽ càng khó khăn bấy nhiêu. Nguyên nhân là do chính sự thừa thãi, sự nhàm chán do thường xuyên được đáp mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày.
Việc các cá nhân tự xoay sở một cách bị động và thiếu ý thức để thoát ra khỏi tình trạng đói cảm xúc sẽ tiếp tục tạo ra thêm nhiều vấn đề lớn cho cuộc sống của cả bản thân cá nhân lẫn cho tổ chức.
Bạn cần ý thức rằng, cũng như cơ thể con người phải được nạp năng lượng, được ăn, uống mỗi ngày để sống, não bộ của chúng ta cũng cần "ăn" những cảm xúc mới, cần được nạp các món ăn tinh thần mới để sống hạnh phúc và khoẻ mạnh.