Bảy Thói Quen Của Bạn Trẻ Thành Đạt - Chương 09

Tác giả: Sean Covey

CHÂN THÀNH LẮNG NGHE
Có một hình thức lắng nghe tốt hơn, đưa tới một cuộc trò chuyện thật sự. Chúng ta gọi đó là “lắng nghe một cách chân thành” và bạn cần thực hành nó thường xuyên. Để chân thành lắng nghe, bạn cần làm được ba điều.
Thứ nhất – hãy lắng nghe với đôi mắt, trái tim và đôi tai
Chỉ nghe bằng tai thôi chưa đủ, bởi vì chỉ có 7% thông tin chứa đựng trong những gì chúng ta nói ra bằng miệng. Phần còn lại chứa trong cử chỉ (53%) và trong cách nói, độ cao – thấp của giọng nói và tình cảm ẩn sau giọng nói (40%). Ví dụ như bạn có thể thay đổi ý nghĩa cùng một câu nói bạn bằng cách nhấn mạnh ở một từ khác nhau trong câu. Để hiểu những gì người khác nói, bạn cần nghe những điều mà họ không nói. Cho dù ngoài mặt mỗi người có cứng rắn đến đâu thì họ vẫn có những điều tế nhị bên trong và có một nhu cầu riêng tư cần được thấu hiểu.
Thứ hai – Nhìn nhận quan điểm của một người khác
Để trở thành một người chân thành lắng nghe, bạn cần phải gạt bỏ các quan điểm của bạn và nhìn nhận theo quan điểm của người đối diện. Hay như Robert Byrne nói:”Chừng nào anh chưa đi cả dặm bằng một đôi giày của kẻ khác, anh chưa thể tưởng tượng được mùi hôi.” Bạn phải cố gắng nhìn nhận thế giới theo cách người khác nhìn để có cảm giác giống họ.
Chúng ta hãy tưởng tượng là mỗi người trên thế giới đều mang một đôi kính có màu sắc khác nhau, chẳng đôi nào giống đôi nào cả. Bạn và tôi đang ngồi cạnh một bờ sông. Tôi mang kính xanh, còn bạn mang kính đỏ. Tôi nói: “Chà, nước thật là xanh.”
“Xanh à? Anh có điên không vậy, nước màu đỏ mà.” – Bạn nói
“Anh có bị mù màu không? Nó xanh thật là xanh.”
“Nó đỏ, đồ khùng ạ.”
“Xanh!”
“Đỏ!”
Có nhiều người xem việc trò chuyện là một trận thi tài: quan điểm của tôi khác với quan điểm của bạn, không thể có chuyện cả hai cùng đúng. Trên thực tế, vì cả hai đều xuất phát từ những quan điểm khác nhau, cả hai đều có thể đúng. Do đó, việc cố giành phần thắng trong khi nói chuyện là điều ngớ ngẩn. Nó sẽ dẫn đến sự tranh hơn thua và làm thiệt hại cho tài khoản quan hệ của bạn.
Đứa em tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một người bạn của nó tên là Toby. Hãy chú ý xem một sự thay đổi cách nhìn sẽ tạo được lợi ích gì:
Chuyện tồi tệ nhất là phải đi học bằng xe buýt. Ý tôi muốn nói là hầu hết bạn bè tôi đều có xe riêng (mặc dù có thể là xe cũ) nhưng gia đình lại không thể sắm xe riêng cho tôi. Đôi khi tôi gọi cho mẹ sau giờ học để mẹ đến đón tôi nhưng mẹ đến chậm tới mức tôi phát điên lên được. Tôi còn nhớ nhiều lần gào lên: “Mẹ làm gì mà lâu thế? Mẹ không biết con đã chờ hàng giờ rồi sao?”. Tôi không hề quân tâm mẹ nghĩ gì hay mẹ làm gì, tôi chỉ nghĩ về bản thân mình.
Một ngày kia tôi tình cờ nghe được mẹ nói chuyện với bố. Mẹ khóc và nói rằng mẹ ước gì có thể sắm được một chiếc xe riêng cho tôi và mẹ đã làm thêm cực nhọc như thế nào để kiếm thêm tiền.
Bỗng nhiên toàn bộ thành kiến của tôi thay đổi. Tôi thấy mẹ là một người thật sự giàu tình cảm – lo lắng, hy vọng, chán nản và một tình thương vô bờ bến cho tôi. Tôi tự hứa sẽ không cư xử không phải với mẹ nữa. Tôi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với mẹ và chúng tôi đã tìm ra cách để tôi tìm được việc làm thêm để dành tiền mua xe. Mẹ còn chở tôi đi làm. Tôi ước gì mình đã chịu lắng nghe mẹ sớm hơn.
Thứ ba – Thực hành phản ánh
Suy nghĩ cũng giống một tấm gương. Một tấm gương sẽ làm gì? Nó không phán xét, cũng không khuyên nhủ. Nó phản ánh. Hiểu đơn giản, phản ánh là lặp lại bằng ngôn từ riêng của bạn những gì người khác nói và cảm nhận. Phản ánh không phải là bắt chước. bắt chước là khi bạn lặp lại nguyên xi những gì người khác nói, y như một con vẹt:
Bắt chước
Phản ánh
Lặp lại câu nói
Lặp lại ý nghĩa
Theo đúng nguyên văn
Dùng ngôn ngữ riêng
Lãnh đạm, thờ ơ
Ấm áp và quan tâm
Hãy xem một ví dụ cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta:
Một người cha có thể nói: “Con trai à, tối nay con không lấy xe đi được. Đó là quyết định cuối cùng.”
Nếu là một đứa con không biết cách lắng nghe, câu trả lời 90% sẽ là: “ba chẳng bao giờ cho con lấy chiếc xe đi cả. Con cứ phải đi nhờ xe mãi. Con chán chuyện này lắm rồi!”
Kiểu phản ứng này thường dẫn đến kết cục là một cuộc đấu khẩu mà sau đó chẳng ai thấy nhẹ nhàng.
Thay vì vậy, hãy thử phản ánh xem sao. Lặp lại bằng ngôn ngữ riêng của bạn điều mà người khác nói và cảm nhận. Chúng ta thử lại lần nữa:
“Con trai à, tối nay con không lấy xe đi được. Đó là quyết định cuối cùng.”
“Con có thể thấy ba bực mình về chuyện đó, ba à.”
“Còn phải nói. Gần đây con đang tụt hạng đó. Con không đáng được sử dụng chiếc xe.”
“Ba lo cho thứ hạng của con sao?”
“Sao không lo được. Con biết là ba mong con đậu vào đại học thế nào mà.”
“Đại học là điều rất quan trọng với bạn phải không ạ?”
“Ba chưa hề có cơ hội học đại học. Vì thế, ba đã không thể thăng tiến được. Ba biết tiền không phải là tất cả, nhưng chắc chắn lúc này thì cần tới nó rồi. Ba chỉ muốn con có một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
“Con hiểu”
“Con thừa hiểu ba dễ nổi khùng khi con không học hành nghiêm chỉnh. Ba nghĩ là con có thể lấy xe nếu con hứa ba tối nay sẽ về làm bài tập cho xong. Đó là những gì ba yêu cầu. Hứa không?”
Bạn có nhận ra sự thay đổi? Bằng cách thực hành kỹ năng phản ánh, cậu con trai đã phát hiện ra vấn đề thực sự. Cha cậu không quan tâm mấy về việc cậu lấy xe đi, ông lo lắng về tương lai và việc học hành của cậu con trai nhiều hơn. Khi ông cảm thấy con mình đã hiểu tầm quan trọng của thứ hạng và việc học đại học, ông đã thay đổi thái độ.
Nhưng tôi không đảm bảo là việc áp dụng những cách phản ứng gợi ý sẽ luôn dẫn đến những kết quả hoàn hảo. Thường, nhưng không phải luôn luôn, thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Cha bạn có thể trả lời: “Bà mừng là con đã hiểu, bây giờ con hãy đi làm bài tập ngay đi” thay vì cho mượn xe, nhưng dù sao tôi cũng chắc là khi ấy, bạn đã làm tăng thêm được tài khoản quan hệ của bạn rồi.
Ngoài ra còn mẫu người nửa vời. Đó là bạn cũng thực hành việc phản ánh đấy nhưng chỉ như một kỹ năng lịch sự, còn thật sự bạn không muốn hiểu người khác. Việc đó sẽ khiến người kia cảm thấy bị đối xử giả dối, không được tôn trọng. Phản ánh chỉ là một kỹ năng, như phần nổi của một tảng băng. Thái độ của bạn mới là phần còn lại. Nếu thái độ của bạn tốt những kỹ năng của bạn sai thì cũng tạm được tuy rằng có thể có những phiền toái. Còn nếu bạn có thái độ lẫn kỹ năng của bạn đều tốt thì bạn sẽ trở thành một người thành công trong giao tiếp.
Dưới đây là một vài cách phản ánh lại những gì người khác nói. Nhưng hãy nhớ mục đích của bạn là lặp lại những gì người khác nói theo ngôn ngữ của bạn:
“Theo tôi hiểu thì bạn cảm thấy…” hoặc
“Vậy hả, tôi cũng thấy là…” hoặc
“Ý bạn muốn nói là…” hoặc,
“Tôi hiểu bạn muốn là…”
Lưu ý: Kỹ năng phản ánh phải được dùng đúng nơi, đúng chỗ. Bạn chỉ nên áp dụng nó khi lắng nghe những lời tâm sự, khi ai đó cần giúp đỡ, khi tiếp xúc với những người thân. Không nên dùng bừa bãi ở mọi nơi, trong những cuộc nói chuyện làm ăn quá nghiêm trang, hay trong những việc hàng ngày quá vặt vãnh.
Thí dụ, một người bạn hỏi:
“Ôi, bạn biết toalet ở đâu không? Chỉ nhanh cho tôi đi!”
Thì chắc chắn bạn không nên dùng kỹ năng phản ánh ở đây: “Có phải là bạn muốn nói là bạn không tìm thấy toa-lét nãy giờ phải không?”. Thay vào đó, bạn chỉ cần chỉ cho người bạn toa-lét ở chỗ nào ngay lập tức.
Ví dụ về cách lắng nghe chân thành
Hay ví dụ trường hợp một đứa em gái đang cần sự lắng nghe của người anh trai:
Cô em nói:”Em chẳng thích trường mới tí nào. Mỗi lần chúng ta chuyển nhà em lại thấy như cực hình”.
Tùy theo trường hợp người anh sẽ trả lời:
“Thế sao?” (thái độ lơ đãng)
“Tội nghiệp nhỉ” (giả bộ lắng nghe)
“Hãy tâm sự với người người bạn, thằng Bart bạn anh nó…” (nghe chọn lọc)
“Điều em cần làm là hãy đi làm quen với những người lạ” (đưa lời khuyên)
“Em chưa cố hết sức đó thôi” (phán xét)
“Em có vấn đề với kết quả học tập hả?” (thăm dò)
Nhưng nếu người anh lớn này khôn khéo, anh ấy sẽ cố phản ánh:
“Em thấy việc học là một thử thách mới hả?” (phản ánh)
“Đó là điều tệ nhất. Ý em là chẳng có bạn bè gì cả. Còn thằng Tabatha cư xử thô lỗ với em nữa. Em chẳng biết mình phải làm gì.”
“Chắc là em thất vọng lắm hả?” (phản ánh)
“Đúng vậy. Em là người dễ mến thế rồi bỗng trở thành một người xa lạ. Em cố làm quen với người khác nhưng chẳng ăn thua gì.”
“Anh hiểu những gì em muốn nói.” (phản ánh)
“Vâng, có lẽ em bị vấn đề về tâm lý. Dù sao cũng cám ơn anh đã lắng nghe em.”
“Đâu có gì.”
“Vậy anh nghĩ em nên làm thế nào?”
Bằng cách lắng nghe, người anh đã tạo một niềm tin lớn trong tài khoản quan hệ với cô em. Hơn nữa cô em nhỏ đã sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của anh.
TRAO ĐỔI VỚI BỐ MẸ
Nếu bạn muốn cải thiện mối quan hệ với bố hoặc mẹ, hãy thử lắng nghe họ, như thể bạn lắng nghe một người bạn. Chúng ta luôn nói những câu như: “Bố mẹ không hiểu con. Mọi người không ai hiểu con cả”. Nhưng bạn có bao giờ thử nghĩ xem mình có hiểu bố mẹ không?.
Bạn thấy đấy, bố mẹ cũng có những áp lực. Trong khi bạn lo nghĩ về bạn bè và việc học tập của bạn, thì họ lo lắng về lương bổng và việc làm. Cũng như bạn, họ có những ngày buồn bực, khó khăn. Cũng có những khi họ không biết phải làm gì để trả các khoản chi tiêu trong ngày. Mẹ có thể không có lấy một ngày riêng tư cho mình để tận hưởng cuộc sống. Bố bạn có thể bị những người láng giềng chế nhạo về chiếc xe cũ của ông. Có thể họ có những giấc mơ không thành mà họ đã hy sinh để bạn có thể thực hiện giấc mơ của mình. Như vây đó, bố mẹ cũng như tất cả mọi người. Họ khóc, họ cười, họ có những cảm giác đau buồn cũng như tôi hoặc bạn.
Nếu bạn biết lắng nghe và hiểu bố mẹ, hai điều khó tin sẽ xảy ra. Trước hết bạn sẽ nhận được sự tự tôn trọng lớn hơn của họ. Hai là bạn sẽ có nhiều tự do hơn trong những quyết định riêng tư của mình. Nếu cảm thấy bạn hiểu họ thì họ sẽ sẵn lòng nghe bạn và sẽ tin bạn hơn. Một người mẹ đã từng nói với tôi: “Nếu con gái tôi chịu bỏ thời gian của tôi và làm những việc nhỏ để giúp tôi thì tại sao tôi lại khác cho nó những quyền tự do làm những gì nó thích”.
Hãy khởi đầu bằng những câu hỏi. Bạn nên hỏi bố mẹ những câu như: “Hôm nay bố có gì vui không?” hay “Hôm nay bố mẹ tính làm gì?”, hoặc “Con có thể làm việc nhà để giúp mẹ không?”.
Bạn cũng có thể khởi đầu việc tạo lòng tin với họ. Hãy thử nghĩ xem điều gì quan trọng để bố mẹ tin tưởng mình. Hãy đặt mình vào vị trí của họ và suy nghĩ theo cách của họ. Việc đó có thể chỉ là rửa chén bát hay đổ rác, giữ lời hứa về nhà sớm khi đi chơi tối…
VÀ HÃY TÌM CÁCH ĐỂ HIỂU ĐƯỢC
Tôi nhớ kết quả một cuộc điều tra mà trong đó người ta được hỏi là nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là gì. “Sợ chết” đứng hàng thứ hai. Còn điều thứ nhất bạn sẽ không thể đoán nỗi. Đó là nỗi sợ “phải nói trước đám đông”. Người ta thà chết chứ không chịu nói trước đám đông. Nghe buồn cười nhỉ?
Cần phải có lòng can đảm để nói trước đám đông, đó là điều dễ hiểu. Nhưng cũng cần có lòng can đảm để nói ra những suy nghĩ của mình (không nhất thiết là nói trước đám đông)
Phần thứ hai của thói quen thứ 5: Tìm cách để được thấu hiểu cũng quan trọng như phần đầu nhưng đòi hỏi những yếu tố khác. Để hiểu được người thì cần biết quan tâm, nhưng để người hiểu được thì cần lòng can đảm.
Nếu chỉ thực hiện một phần của thói quen 5 thì bạn sẽ trở nên yếu ớt. Đó là một cái bẫy mà bạn dễ dàng rơi vào, đặc biệt là với bố mẹ. “Tôi sẽ không nói cho mẹ biết những cảm nghĩ của tôi. Mẹ sẽ không nghe và mẹ chẳng bao giờ hiểu”. Và thế là ta cất giấu những cảm giác ấy trong lòng còn bố mẹ ta vẫn không biết thực sự ta có cảm giác ra sao. Điều này không ổn chút nào. Hãy nhớ rằng, những cảm giác không được thể hiện không hề biến mất. Chúng vẫn âm thầm sống trong lòng bạn và sau đó sẽ bộc phát theo những cách thức khó xử hơn. Hoặc bạn chia sẻ cảm giác của mình hoặc chúng sẽ gặm nhấm trái tim bạn.
Bên cạnh đó, nếu bạn chịu lắng nghe thì ngược lại, bạn sẽ có cơ hội được lắng nghe lại.
Việc cho ý kiến phản hồi cũng là một phần quan trọng để được thấu hiểu. Nếu có ai đó đang bốc đồng thì hãy khuyên can họ. Nếu bạn có một người bạn thân có những ảo tưởng, bạn có nghĩ rằng hắn cần những ý kiến phản hồi chân thành, được nói ra một cách tế nhị? Có bao giờ bạn về nhà sau một cuộc hẹn hò và khám phá ra rằng có một miếng rau dính vào răng bạn từ chiều đến giờ? Thẹn thùng, bạn nhớ lại ngay lập tức những nụ cười tối đó. Bạn có ước gì lúc đó có một người chân thành nói cho bạn biết cái gì đã xảy ra…
Hãy nhớ hai điều sau, khi bạn định góp ý cho ai đó:
Thứ nhất, bạn hãy tự hỏi mình rằng: “ý kiến này có thật sự giúp đỡ cho người này không, hay mình lại buộc họ theo ý của mình?” Nếu động cơ phản hồi ý kiến của bạn không tương ứng với quan tâm cao nhất của người ấy thì có lẽ đó không phải là lúc là nơi để nói ra.
Thứ hai, dùng ngôi thứ nhất chứ đừng dùng ngôi thứ hai trong giao tiếp, ví dụ bạn nên nói: “Mình cho rằng bạn hơi nóng tính.” Khi bạn dùng ngôi thứ hai, thông điệp sẽ có tính chất đe dọa hơn vì nó có vẻ như bạn đang áp đặt: “Cậu có tính khí kinh khủng quá.”
Điều cuối cùng tôi muốn nói với bạn bè về thói quen 5 là nhắc lại ý tưởng mà chúng ta đã nói từ đầu: Bạn có hai lỗ tai nhưng chỉ có một cái miệng, vậy hãy sử dụng chúng cho phù hợp.
Những bước nhỏ
1. Hãy xem bạn nhìn người đối diện được trong bao lâu khi họ đang nói chuyện với bạn.
2. Hãy tìm một hội trường, tìm một cái ghế, và hãy xem người ta giao tiếp với nhau như thế nào. Hãy xem cử chỉ của họ nói gì.
3. Trong giờ nghĩ ngày hôm nay hãy thử phản ánh một người và bắt chước một người khác chỉ để cho vui thôi. Sau đó hãy so sánh hai kết quả.
4. Tự hỏi “Mình có vấn đề với loại nào trong năm cách lắng nghe không tốt?” rồi cố thử một ngày tránh không cư xử như vậy.
5. Một lúc nào đó hãy thử hỏi bố hoặc mẹ: “Công việc có tốt không ạ?”. Hãy mở trái tim mình ra và lắng nghe một cách chân thành. Bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả của nó.
6. Nếu bạn là người nói nhiều, hãy dành một ngày chỉ để nghe người khác. Chỉ nói những khi thật cần thiết.
7. Khi nào bạn thấy mình muốn chôn giấu tình cảm thì cố cưỡng lại. Thay vào đó hãy biểu lộ một cách có trách nhiệm.
8. Hãy nghĩ về một tình huống mà ý kiến phản hồi có tính xây dựng của bạn có thể giúp đỡ người khác. Hãy chia sẻ ý kiến đó vào lúc thích hợp.
NHỮNG ĐIỀU HẤP DẪN KẾ TIẾP
Ở phần kế, hãy tìm hiểu xem tại sao
1 cộng 1 lại bằng 3. Hẹn gặp lại!
Theo dõi page để cập nhật truyện hay