Cam kết thứ hai: Đừng Tự “Vấy Bẩn” Cuộc Sống Của MìnhBài học thứ hai là không chỉ có người khác mang “rác rưởi” tới cuộc sống của chúng ta, mà chính chúng ta cũng tự “làm bẩn” cuộc sống của mình. Chỉ vì cứ mãi dằn vặt về những chuyện đã qua, hoặc lo lắng về những nỗi sợ hãi chỉ có trong tưởng tượng mà nhiều người đã tự tạo áp lực cho mình, chẳng khác nào dựng rào chắn tự ngăn mình đến với một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.
Vậy thì đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ khả năng tác động của những tác nhân tiêu cực này.
Mỗi ngày là một ngày mớiNhững sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta thường được tái hiện lại trong tâm trí giống như những đoạn phim ngắn, đoạn này nối tiếp đoạn kia. Và con người thường lưu giữ trong ký ức nhiều đoạn phim về những “chiếc xe rác” ghi lại hình ảnh những người từng làm mình tổn thương, thất vọng hay tức giận. Nghĩa là người ta có xu hướng ghi nhớ những điều xấu xa, tồi tệ hơn là những chuyện tốt đẹp. Chẳng thế mà trong một nghiên cứu khoa học mang tên Bad is stronger than Good (Cái xấu mạnh hơn cái tốt), nhà tâm lý học Roy Baumeister và đồng nghiệp tại trường Đại học Florida đã viết:
Những sự kiện tồi tệ có sức ảnh hưởng mạnh hơn so với những sự kiện tốt đẹp... Những suy nghĩ tiêu cực sẽ nhanh thành nếp và cũng khó thay đổi hơn những điều tích cực.
Gánh nặng quá khứNhững ký ức buồn bã khiến chúng ta luôn đắm chìm thất vọng, lo lắng và nghi ngờ. Khi trở về với những hồi ức đau buồn, chúng ta thường tự cho phép bản thân tìm kiếm lý lẽ, phân tích ý nghĩa, rồi suy diễn hệ quả theo hướng hoàn toàn không phản ánh đúng bản chất sự việc. Rồi chúng ta cảm thấy như mình vừa trải nghiệm nỗi đau đó lần nữa. Ruột gan ta thắt lại, hơi thở gấp gáp, toàn thân lạnh toát, đúng như những trải nghiệm thực tế khi sự việc lần đầu xảy ra.
Bây giờ, hãy nghĩ về một sự kiện tuyệt vời trong cuộc đời bạn, ví dụ như ngày bạn tốt nghiệp đại học, nhận tháng lương đầu tiên, hay bạn gặp tình yêu đầu đời của mình... Hãy nhắm mắt và hồi tưởng lại khoảnh khắc đó càng chi tiết càng tốt. Hãy dành một phút để tận hưởng ký ức đó.
Bạn cảm thấy thế nào? Ký ức đó có làm bạn mỉm cười, cười lên thành tiếng hay âm ỉ bên trong một niềm vui khó tả? Cảm giác khi bạn kết nối với ký ức tuyệt vời đó như thế nào?
Rõ ràng là nếu chúng ta có thể “nhấm nháp” những ký ức tốt đẹp thường xuyên hơn, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng thách thức ở đây là tâm trí ta luôn có xu hướng nhớ lại những nỗi đau trong quá khứ, mà không tìm đến với những điều tốt đẹp. Hậu quả là hết “chiếc xe rác” này đến “chiếc xe rác” kia cứ nối đuôi nhau đi qua cuộc sống của chúng ta.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trí nhớ của chúng ta thật ra chỉ là tập hợp những hồi ức gần nhất của một trải nghiệm nào đó. Trong cuốn sách Stumbling on Happiness (Rơi vào miền hạnh phúc), nhà tâm lý học Daniel Gilbert thuộc Đại học Harvard đã viết rằng ký ức không phải là một phóng viên hay một sử gia khách quan như chúng ta vẫn tưởng.
Việc nhớ lại một sự kiện trong quá khứ mang lại cho ta cảm giác giống như mở ra xem lại một bức tranh và khôi phục lại một câu chuyện đã cũ. Cảm xúc là một trong những vấn đề phức tạp nhất của bộ não. Trí nhớ không phải là một người ghi chép biết nghe lời để giữ lại những bản sao lưu đầy đủ từ những trải nghiệm, mà giống như một biên tập viên được toàn quyền tự quyết - nó chọn lọc và lưu lại những yếu tố quan trọng trong dòng chảy của những sự kiện đã diễn ra, sau đó sử dụng những yếu tố này để viết lại câu chuyện ban đầu theo nhiều hướng khác nhau mỗi lần chúng ta cần đọc lại.
Vì vậy, mỗi lần bạn hồi tưởng lại một sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời mình, bạn không thể khôi phục lại nguyên vẹn với ký ức ban đầu, mà bạn chỉ đang nhắc đến ký ức mới nhất của chúng ta về sự kiện đó.
Về cơ bản, chúng ta ghi nhớ các sự kiện một cách chọn lọc và không thật chính xác. Chúng ta lưu lại cả ký ức tốt và xấu. Bộ não luôn tự động tìm cách giữ an toàn cho chúng ta. Thử thách đặt ra là bộ não của chúng ta có một hệ thống báo động quá nhạy cảm và thường phát ra những cảnh báo về những vấn đề không thật sự đáng lo ngại về thể chất cũng như tâm lý. Cơ chế hoạt động này của não dễ khiến con người tiến đến những liên tưởng sai lầm hay những kết luận lệch lạc. Kết quả là chúng ta phải đối phó với những báo động nhầm của não bộ.
Về cơ bản, những sự kiện đau buồn vẫn có thể để lại vết thương tâm lý kéo dài qua thời gian, ngay cả khi nguyên nhân khiến bạn lo lắng đã không tồn tại nữa.
Bạn có thể làm gì?Trước tiên, bạn cần nhớ rằng, não bộ sẽ thường xuyên gửi đi những tín hiệu cảnh báo từ tiềm thức của bạn, gần như mỗi ngày.
Thứ hai, bạn phải hiểu rằng phản ứng cảm tính ban đầu của bạn về những tín hiệu cảnh báo đó có thể bị kích hoạt một cách vô thức, khi bộ não kết nối những ký ức của bạn với khuynh hướng tự phòng vệ. Mỗi ngày, bộ não tự động sản sinh ra hàng nghìn suy nghĩ và hình ảnh, thường là theo cách liên tưởng ngẫu nhiên. Những suy nghĩ, hình ảnh bị kẹt lại là những gì đặc biệt làm ta chú ý, những gì mà ta cố gắng kìm nén hoặc chối bỏ.
Điểm thứ ba, cũng là điểm cuối cùng, bạn cần hiểu rằng bạn không nên bám lấy những ký ức tiêu cực này. Bạn không cần nghiền ngẫm, phân tích những vấn đề khó chịu mà bạn phải đối mặt trong cuộc sổng.
Ba giải pháp này sẽ mở cánh cửa tới hạnh phúc, giải phóng chúng ta khỏi những “chiếc xe rác” trong quá khứ.
Bạn không cần trốn tránh những ký ức tồi tệ hay kìm nén những suy nghĩ tiêu cực mỗi khi chúng xuất hiện, bạn chỉ cần mỉm cười vẫy chào nó rồi bước tiếp con đường bạn đang đi. Đừng để những ký ức đau buồn làm giảm lòng tin của bạn vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Học cách sống trong hiện tạiCách duy nhất để cảm thấy hạnh phúc là đừng quá tham vọng.
- Epictetus
Chắc chắn mỗi chúng ta đều dành thời gian để nghĩ về tương lai, về những mục tiêu đã đề ra và sẵn sàng đối mặt với những chướng ngại vật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thậm chí, người ta còn xem xét đến hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra từ những hành động của mình. Lên kế hoạch cho tương lai là điều nên làm, tuy nhiên việc ngẫm nghĩ về khả năng xuất hiện của một “chiếc xe rác” sẽ không mang lại lợi ích gì cả, mà chỉ khiến bạn không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong hiện tại và quên việc lập kế hoạch cho ngày mai.
Khi đề cập đến mức độ nguy hiểm của các suy nghĩ tiêu cực, hai nhà tâm lý học Karen Reivich và Andrew Shatte đã viết trong cuốn The Resilience Factor (Nhân to đàn hồi):
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng nghiêm trọng hóa vấn đề - họ cứ chăm chăm nhìn vào những khó khăn hiện tại để từ đó vẽ nên một viễn cảnh đầy bất hạnh cho chuỗi ngày sắp tới của mình.
Reivich và Shatte đã phác thảo một phương pháp gồm năm bước để chống lại những suy nghĩ tiêu cực, cụ thể là:
1.Xác định rõ khó khăn của bạn và những tình huống bất lợi mà bạn tin là sẽ xảy ra.
2.Đánh giá khả năng xảy ra của mỗi sự kiện trong số đó. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa thực tế và sự tưởng tượng của bạn.
3.Tiếp đó, hãy nghĩ đến viễn cảnh có lợi nhất có thể, tức là những ước muốn có cơ sở thực tế chứ không phải là ước muốn viển vông. Và bạn sẽ muốn phá vỡ những suy nghĩ trì trệ trước đây của mình.
4.Bây giờ bạn đã hình dung ra mọi khả năng và tình huống có thể xảy đến, cả tình huống tốt nhất lẫn xấu nhất. Tiếp theo, hãy tự hỏi tình huống nào là sát với thực tế nhất và có khả năng xảy ra nhất.
5.Sau đó, hãy tìm giải pháp để khắc phục tình huống bạn vừa hình dung ở trên.
Hãy nhớ rằng chúng ta không thể tránh được những sự việc khiến ta phiền muộn, buồn bã hay thất vọng - đó là một phần của cuộc sống. Quan trọng là bạn đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó làm tiêu tốn thời gian và năng lượng của bạn.