Tình yêu
Hôm nay đã xảy ra ba chuyện.
Chuyện thứ nhất, đồng hồ đếm ngược trên bảng do không có ai chịu trách nhiệm cập nhật thường xuyên nên đã mấy ngày không được chỉnh sửa. Hôm nay vào giờ học Chính trị, thấy con số chỉ ngày thiếu mất một tuần, càng thấy chán nản, đến giữa buổi bỏ về - thời sinh viên mấy ai không bỏ tiết! Nếu trước đây trốn học là sự hưởng thụ thì bây giờ là bất đắc dĩ, là nỗi lưu luyến một thói quen, giống như hoài nhớ một kỷ niệm.
Chuyện thứ hai xảy ra tại phòng ở của chúng tôi. Tôi nhận được một bức thư.
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển như vũ bão còn có người viết thư tay? Đúng là hành động yêu nước ủng hộ ngành sản xuất giấy thiết thực nhất! Trong suốt mấy năm học đại học, tôi chưa hề nhận được thư, trước đây viết cho Hồ Khả đều là thư điện tử. Cho nên khi cô gái phòng bên đưa cho tôi phong thư với cái nhìn ngạc nhiên pha chút hiếu kỳ, phản xạ đầu tiên của tôi là nhìn vào địa chỉ người gởi. Tôi tò mò không biết nhân vật yêu nước nào đây!
Bóc thư, lướt nhìn ngay xuống phần ký tên, dòng chữ khiến tôi choáng váng: “Em gái, Mai Mai”.
Tôi cầm bức thư của Mai Mai, lòng băn khoăn, thư dài mấy trang. Trước khi đọc, tôi cẩn trọng đóng cửa sợ mấy gã xem trộm.
Bây giờ chỉ có một mình tôi.
Anh thân yêu!
Chúc vui vẻ!
Đây là lần đầu tiên em viết thư khi đã ngoài hai mươi tuổi, cũng là lần đầu tiên em bộc bạch với anh nỗi lòng em: đau khổ, hạnh phúc, chân thành, giả trá, hối hận, day dứt…
Anh có biết không? Trong cuộc đời em, ước nguyện lớn nhất là có thể gọi anh trai của em một tiếng: “Anh!”
Lúc nhỏ, ngoài anh và em gái, không có ai chơi với em. Bởi vì em bị câm. Trẻ hàng xóm bắt nạt em, xa lánh em. Em không biết ngoài nỗi bất hạnh không nói được, em đã làm gì tổn hại đến chúng. Khi em vừa ra cửa, luôn có những tiếng hét đằng sau, khi to, khi nhỏ: “Con câm! Con câm!” Chúng gọi em như thế. Em quay mặt lại, chúng trốn hết. Đến nỗi trong em thành phản xạ tự lúc nào: mỗi khi ra đường là có cảm giác có người đang giễu em, chỉ trỏ vào em. Em rất sợ - em sợ tất cả mọi người, trừ người nhà.
May mà gia đình mình đối xử với em rất tốt. Mẹ đặc biệt cưng chiều em, điều đó đã phần nào cân bằng tình cảm trong em. Ai cũng biết trong nhà mình có hai chị em sinh đôi, cô chị điềm đạm, cô em thông minh, hoạt bát.
Em thề rằng lúc đầu em ngưỡng mộ An An. Nhìn những vị khách đến chơi nhà vui cười với An An, An An biết hát, biết múa, em thường nghĩ, vì sao bọn em chỉ ra đời cách nhau mười hai phút đồng hồ, vậy mà em gái lại hạnh phúc như vậy, còn em chỉ là “con câm” ? Lúc đó em ngưỡng mộ em gái bởi vì nó có tiếng cười lảnh lót, có giọng nói ngộ nghĩnh, dễ thương; còn em, ngoài lòng mẹ, em không có gì hết, không ai biết đến em! Vậy là em trở nên nhút nhát, chỉ khi gục vào lòng mẹ mới cảm thấy bình yên. Quả thực em đã mong muốn mình cứ yếu đuối gục vào lòng mẹ suốt đời như vậy, đơn giản và thanh thản!
Anh, không biết hồi nhỏ anh thích em hay thích An An hơn? Em chỉ biết, khi nhìn em, anh không có biểu hiện gì, anh chỉ vui đùa với An An. Sự thiệt thòi của em, hồi còn nhỏ em cũng không nghĩ nhiều, cho rằng, em cứ mãi mãi lặng lẽ ở bên An An, cùng hưởng sự âu yếm, cưng chiều của mẹ. Lúc bấy giờ em rất dễ thỏa mãn. Cho đến một ngày, khi anh dũng cảm đánh lại trẻ con hàng xóm để bảo vệ em, lòng em xúc động khôn cùng. Em thấy anh lúc đó bị chảy máu, rất nhiều máu, chắc là đau lắm, anh đã dũng cảm lao vào đánh bọn chúng. Em rất sợ hãi, nhưng trong lòng lại trào lên cảm giác ngọt ngào chưa từng có.
Anh, hôm ở bệnh viện mắng em. Em nhớ đó là lần đầu tiên anh mắng em, anh nói em tâm địa độc ác, chắc anh thấy em rất xấu xa. Anh! Em đã trở nên xấu xa, sự xấu xa của em bắt đầu từ chính lần anh bảo vệ em.
Anh, em là đứa trẻ xấu xa. Đầu tiên là ngưỡng mộ em gái, sau là đố kỵ, ghen ghét, em thấy anh cưng chiều nó, thích chơi với nó, tìm cách đánh lừa nó để nó gọi một tiếng “anh”, để được nghe giọng nói dễ thương của nó, những lúc như thế trông anh sung sướng làm sao. Anh sẽ không bao giờ hiểu được nỗi tủi hổ, đau đớn của em lúc đó! Đó là lần đầu tiên em nếm trãi nỗi đau và trở thành nỗi đau thường trực, hiện hữu mỗi ngày, trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ của em, nó khiếm em không có tuổi thơ. Chưa bao giờ em được hưởng niềm hạnh phúc tuổi thơ.
Anh! An An gọi anh nũng nịu và ngộ nghĩnh, em đã thực sự đố kỵ với nó. Em nghĩ tại sao em gái nói được còn em thì không, nếu như em nói được, em có thể gọi anh, anh cũng sẽ vui. Mọi sự chăm sóc của em với anh đều không bằng một tiếng gọi của nó. Em có lỗi gì đây, phải chăng là lỗi muốn được hưởng tình yêu thương thân thiết của anh trai?
Anh có biết không? Em thường nhìn trộm anh, sau đó thầm gọi trong lòng: Anh! Anh!