Cuộc sống của sinh viên năm cuối rất nhàn rỗi. Tôi nhàn rỗi đến phát ngán, ngày ngày gục đầu trên bệ cửa sổ nhìn ra sân trường. Hà Tặc có một dạo cũng bắt chước tôi làm vậy, nhưng gã đang săn “gái đẹp”. Hà Tặc thích gấp máy bay giấy, trong viết mấy câu thơ tình, nhìn thấy em nào bắt mắt là hét tướng lên để đối tượng buộc phải chú ý, rồi gã ném máy bay về phía họ kèm câu nói: “Người đẹp ơi!”, mới đầu chẳng ai để ý đến. Sau bị ban quản lý ký túc bắt nộp phạt 20 đồng vị tội vứt rác lung tung, gã mới thôi không tiếp tục trò đó nữa.
Hà Tặc bảo tôi là con gấu lười nhác, lười nhác đồng nghĩa với truỵ lạc, gã không hiểu, cũng không biết dùng từ nhàn rỗi, gã bảo tôi truỵ lạc. Mỗi khi có người tìm tôi, gã không thèm ngẩng đầu, chỉ hất hàm về phía cửa sổ: “Thằng cha đang truỵ lạc ở kia”, hoặc “Hắn hả? Không biết hắn đang truỵ lạc ở đâu!”.
Trong lúc nhàn rỗi ở trường, tôi cố gắng không nghĩ về nhà, không nghĩ đến người thân; chia tay với Hồ Khả và câu chuyện éo le của em gái khiến tôi nẫu ruột. Rất ít gặp Hồ Khả, những lúc bất chợt nhìn thấy, tôi vội vàng lướt qua, chỉ có A Thụ gặp Hồ Khả ở nhà ăn tập thể vẫn “chị dâu, chị dâu” rối rít khiến tôi và nàng cùng bối rối.
Hà Tặc mắng A Thụ gọi lung tung nhưng A Thụ cãi lại: “Thì trước đây chẳng phải vẫn gọi như vậy sao?”. Tôi bảo hắn bây giờ Hồ Khả đã có cuộc sống khác rồi.
“Chị dâu đã có cuộc sống khác? Thế là thế nào?”. A Thụ giả bộ không biết. Khi nói với A Thụ như vậy, hình ảnh Hồ Khả trong tôi chỉ còn lờ mờ như sương mù Trùng Khánh, dần dần tôi đã xếp nàng vào kho ký ức và phủ lên đó tấm thảm dạy được kết bằng những mảnh ghép, trong đó khuôn mặt Hồ Khả khi thì lạnh tanh như lúc nàng nói: “Tôi sắp lấy chồng”, khi thì thoả mãn trong vòng tay gã con trai bề thế đó; cùng có cả khuôn mặt tội nghiệp ngấn nước mắt khi nàng gọi tên tôi trong cái ôm cuối cùng nơi cổng trường.
Câu “sương mù Trùng Khánh” không phải vô cớ. Mùa đông Trùng Khánh quả thật có rất nhiều sương mù. Ý nghĩ cuộc đời sinh viên của mình cũng trôi qua một cách vô vị như sương mù khiến tôi tiếc nuối, buồn bã.
Mẹ ngày nào cũng gọi điện thoại, chỉ toàn những chuyện vặt vãnh, như Mai Mai đã xuất viện, Mai Mai bị con mèo Sbin cào, Mai Mai lại vẽ mặt trời trong sương mù Trùng Khánh, vân vân…Mẹ có vẻ phấn khởi. Khi luôn mồm nhắc đến Mai Mai, không hiểu mẹ có nghĩ tới chuyện bại hoại luân lý của nó đã gây ra không. Mai Mai là con của mẹ, mẹ vẫn yêu nó. Mai Mai cũng là em gái tôi, mẹ yêu nó. Mai Mai cũng là em gái tôi, nó đã quấn quýt, tựa vào tôi gần hai mươi năm, nó cũng chăm sóc tôi gần hai mươi năm, liệu tôi có đủ độ lượng tha thứ cho nó không?
A Thụ nói tôi quá tàn nhẫn với Mai Mai, hắn bảo: “Dù sao cậu vẫn nên đến thăm cô ấy. Lỗi lớn nhất của em gái cậu là đã yêu anh trai”. Lời A Thụ làm tôi như thức tỉnh, tỉnh rồi lại thấy đau lòng. Bở vì tôi cũng rất yêu em gái, nhưng không chịu nổi tình yêu bệnh hoạn của nó, tôi biết nó cô đơn, tôi biết tôi rất quan trọng với nó, đó là tình ruột thịt, còn tình yêu trai gái khác hẳn, làm sao có thể mập mờ? Thực là rắc rối! Tôi ghét mọi sự rắc rối, tôi yêu sự đơn giản, nhàn nhã.
An An cũng thường xuyên gọi điện, nó thề trong điện thoại là sẽ cố gắng học, nhưng hôm sau là quên ngay, nó khoe bạn trai Liêu Văn Đạo bắt đầu theo học tốc ký…tuyệt nhiên không nhắc đến chị gái. Tôi nghĩ sau những việc vừa qua, sự bất mãn của An An với chị gái được che đậy bấy lâu cuối cùng đã bộc lộ hoàn toàn.
Cuộc sống vô vị cứ thế trôi qua, A Thụ nói sắp nghỉ đông rồi. Nghỉ đông xong là mùa xuân. Mùa xuân đến thật mới mẻ, bất ngờ. Nó lặng lẽ đến khi người ta không mong đợi; nếu không có sự phát dục của con Sbin, chắc tôi đã bỏ quên mùa xuân Trùng Khánh ngắn ngủi, quý báu. Nhiệm vụ duy nhất của tôi trong mùa xuân là chờ đợi mùa hè. Đúng vậy, nghĩ lại những ngày ở nhà thật bình an, mãi mãi là ba anh em ríu rít, mãi mãi là bà mẹ lắm điều và ông bố kiệm lời, liên tục rít thuốc lá. Rồi chuyện xảy ra, ai cũng đau lòng, tôi và An An chọn giải pháp né tránh, dồn trách nhiệm nặng nề lên đôi vai gầy của mẹ, trông chờ vào phép màu nào đó của mẹ. An An thông minh nhất, con nhỏ này thường xuyên không về nhà. Tuần trước mẹ bảo đó đưa người yêu về để mẹ xem mặt, có nghĩa là mẹ đã không ngăn cản, không ngăn cản tức là đồng ý. An An sau khi nhận được thánh chỉ, lẽ ra phải vui nhưng lại nơm nớp lo lánh nạn, rất ít về nhà, tuy vậy cũng không bị truy cứu. Mẹ không dám trách móc nó, có lẽ là do vết sẹo trên trán nó.
Mai Mai thực ra không thay đổi mấy - vẫn nét mặt bình thản cố hữu, ít cười, vẫn những cử chi ra hiệu tao nhã như xưa, buổi sáng vẫn bóc hai quả trứng sạch tinh bỏ vào bát cho tôi, nhưng sự xa lánh rõ rệt của tôi khiến ánh mắt nó nhìn tôi càng trở nên u ám, vời vợi nỗi buồn, khiến mẹ càng đau lòng, muốn nói nhưng lại lặng thinh.
Học kỳ mới bắt đầu, kỳ học cuối cùng của đời sinh viên. Tôi bắt đầu thử tìm việc, thử đến các buổi gặp gỡ, giao lưu với các nhà tuyển dụng. Hà Tặc thấy tôi bận rộn, lại giễu tôi. Hắn nói tôi giống con thú gặm cỏ sau khi tỉnh ngủ.
Trên bảng không biết gã nào rỗi việc viết mấy chữ to tướng: “Thời gian biểu đếm ngược ngày tốt nghiệp”, bên dưới có hàng chữ nhỏ hơn bằng phấn màu: “Cách lễ tốt nghiệp x ngày”.
Còn nhớ hồi năm thứ hai, áp lực thì cứ quá lớn, chúng tôi sửa: “Đồng hồ đếm ngược ngày thi” thành: “Đồng hồ đếm ngược nghỉ hè”, hiệu quả rất tốt, ai cũng cảm thấy dễ chịu. Bởi người ta chỉ muốn hướng tới những ngày hè thoải mái, không ai mong đợi các kỳ thi.
Nhưng bây giờ, câu: “Cách ngày nghỉ hè còn x ngày” viết trên bảng của sinh viên năm cuối lại không mang đến niềm vui cho họ như những năm trước, bởi đây là kỳ nghỉ hè cuối cùng. Nghỉ hè có nghĩa là tự lực cánh sinh, đơn độc đi ra xã hội. Nghỉ hè có nghĩa là đơn độc đối diện với thế giới mênh ௱ôЛƓ đầy biến động. Nghỉ hè có nghĩa là trách nhiệm, là gánh nặng của gia đình đã chuyển sang vai bạn, có nghĩa là bạn đã trưởng thành. Càng nghĩ càng thấy buồn; đó là nỗi luyến tiếc những năm tháng vô tư.
Mỗi lần bước ra khỏi cổng trường, không dám ngoái nhìn lại, tôi sợ tiếng đồng hồ đếm ngược. Nó như nhắc tôi: “Bạn còn có thể ngoái nhìn cổng trường mấy bận nữa, ngoái nhìn trong nhàn rỗi như vậy?”.
Thực ra điều tôi sợ nhất cũng chính là sự nhàn rỗi đó.