Nụ hôn cuối
“Em sắp kết hôn sao?”
“Đúng vậy!”.
Hồ Khả nói với vẻ bình thản.
Tôi tưởng nàng dọa tôi. Tôi nói: “Hồ Khả, em đừng trẻ con như thế, chúng ta là người lớn cả rồi”.
Trước đây, khi giận dỗi nàng hay dọa tôi: “Em sẽ tuyệt thực! Nếu anh không làm lành, em sẽ tuyệt thực”. Giọng nói có vẻ kiên quyết, nhưng sự tinh nghịch trong ánh mắt thì không thể giấu được.
Bây giờ nàng đã thay đổi, phải chăng nàng nói dối để dọa tôi? Tôi nửa tin nửa ngờ, khuyên nàng như một người từng trải: “Hôn nhân không giống như tuyệt thực, không đơn giản như chuyện em làm nũng đòi ăn là anh sẽ đi mua đồ ăn; kết hôn rồi em sẽ không có tự do nữa”. Tôi nhẫn nại giải thích, tôi tưởng nàng vẫn chưa hiểu hết.
Hồ Khả cười, ung dung đưa ô cho tôi, nói: “Anh đi với tôi một đoạn”. Khi đưa ra yêu cầu đó, mắt nàng nhìn xa xăm, dường như đang tìm kiếm sự nương tựa cuối cùng.
Tôi đột nhiên thấy sợ vẻ bình tĩnh của nàng, nụ cười mỉm dửng dưng, bất cần của nàng khiến tôi vô cùng hoang mang; thái độ bất thường không hỏi nhiều, không giải thích nhiều của nàng càng làm tôi thấy kỳ lạ, bất ổn. Tôi cắn môi, nhíu mày bước đi, hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời trong cuộc trao đổi tiếp theo. Hồ Khả là bạn gái tôi, có lẽ tôi hiểu nàng hơn hiểu bản thân mình. Tôi đặt mình vào vị trí của nàng, dùng tư duy của nàng để lý giải hàm ý hai chữ “kết hôn” mà nàng nói, nghĩ đi nghĩ lại, tôi kết luận đó là trò trẻ con. Tôi liếc nhìn mặt nàng, cố nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa nụ cười trên môi nàng. Hồi lâu sau, tôi đau đớn nhận ra tôi đã thất bại.
Tôi cầm ô, Hồ Khả đi bên tôi. Nàng giả bộ vui vẻ nhưng thận trọng giữ khoảng cách với tôi. Tôi không quen với điều này, nó khiến tôi vừa bực bội, vừa tuyệt vọng.
Tôi nói: “Em định đi đâu?”.
“Đi đâu cũng được, cần gì phải có địa chỉ”. Hồ Khả nói chậm rãi, mắt nhìn xuống đường.
“Nói bi quan thế làm gì? Không phải là lần gặp cuối cùng chứ?”. Tôi cố nặn ra nụ cười, cố trấn tĩnh.
…
Hồ Khả không cười, không nói, cũng không đáp lại.
Tôi cảm thấy sự việc đã trở nên nghiêm trọng, trực giác mách bảo tôi, lần này nàng đã nản lòng.
Trên phố rất ít người, mưa dày hạt, vài đôi tình nhân lướt qua chúng tôi, kiểu cách của họ khác hẳn chúng tôi, nhìn là biết ngay. Tôi bỗng thấy cay đắng, mới mấy tháng trước, tôi và Hồ Khả vẫn vui vẻ hạnh phúc bên nhau như họ.
Vẫn là con ngõ đã in dấu chân của chúng tôi, vẫn là con hẻm chúng tôi thường đến ăn mỳ, ở đó có món mỳ xào bơ ưa thích của nàng. Lúc ấy Hồ Khả vừa ăn vừa tự khen mình.
“Em đúng là dễ thoả mãn, chỉ một tô mỳ đã vui như Tết, dễ nuôi, Dương Dương, anh có thấy anh là người may mắn không?”.
Những chuyện ấy, hồi đó tôi cho là nhỏ nhất, vô vị; bây giờ nghĩ lại cảm thấy vô cùng quý báu. Thì ra, chỉ khi đã mất đi rồi người ta mới biết trân trọng những gì không còn nữa.
Tôi buồn rầu, quen tay định khoác vai Hồ Khả, không ngờ nàng lùi lại, né tránh.
Thất bại! Bất lực!
Hôm nay Hồ Khả mặc một chiếc váy hồng, dải khăn quàng trên cổ nàng chạm vào mặt tôi lúc náng né người, tế nhị, lịch sự, nhưng lại là sự trừng phạt nặng nề cho một kể không biết trân trọng những gì đã có như tôi.
Hồ Khả tránh tôi như tránh bệnh ôn dịch. Nàng kinh ngạc nhìn tôi. Tôi hấp tấp nói xin lỗi với hàm ý sẽ không làm thế nữa. Nàng lại đi chung ô với tôi. Tôi chọt nhớ ra Hồ Khả là bạn gái của tôi trong cả một thời gian dài, vậy mà tôi chưa tặng nàng sợi dây chuyền nàng thích.
“Chúng ta đi mua sợi dây chuyền đó nhé?”. Tôi đề nghị.
“Không, đừng mua, mua tôi cũng không đeo”.
Đến đây tôi thực sự tuyệt vọng. Trước đây, có lúc tôi trách nàng tiêu tiền của tôi phung phí, nàng đã giải thích: “Nếu anh không phải là bạn trai của em, em đã không tiêu tiền của anh”.
Bây giờ tôi mới hiểu khi phụ nữ từ chối vật chất của đàn ông, có nghĩa là họ đã vạch rõ ranh giới quan hệ, có nghĩa cô ta không còn là người của anh nữa.
“Không còn cơ hội nào nữa sao?”. Tôi không kìm chế được nữa, cùng không thèm quan tâm đến hai chữ “sỹ diện” bật hỏi với giọng cầu khẩn. Tôi vẫn có ý nghĩ, nếu tôi cầu xin nàng, đeo đuổi nàng, nhất định nàng sẽ mềm lòng quay trở lại với tôi. “Sau này anh sẽ đối cử tốt với em!”. “Nhưng không còn sau này nữa”. Hồ Khả nói, mắt không nhìn tôi mà nhìn trân trân xuống đường. Trời vẫn mưa nhỏ. Có lẽ nàng thấy mặt đường trơn ướt còn thú vị hơn nhìn tôi.
“Vì sao?”. Tôi thất vọng, không cầm lòng, tiếp tục hỏi.
Hồ Khả đột nhiên ngẩng đầu, cất giọng sôi nổi: “Bởi vì tôi sẽ lấy chồng. Tuần trước đã chạm ngõ”.
“Cái gì? Chạm ngõ?...”. Đầu óc tôi quay cuồng; tôi cứ tưởng cái trò chạm ngõ xem mặt chỉ dùng cho những cô quá lữa lỡ thì của thế kỷ trước. Hồ Khả là hoa khôi, nàng mới hai mươi hai tuổi, tôi không thể tin một Hồ Khả xinh đẹp, trẻ trung như vậy mà còn thích hủ tục đó!”. “Em kkhông đùa chứ?”. Ngoại trừ lý do đó, tôi không tìm thấy lý do nào khác.