Anh Sẽ Cưới Em Thêm Nhiều Lần Nữa - Chương 10

Tác giả: Hoàng Anh Tú

Là sự khác biệt cần con pahri thích nghi từ môi trường khác, không gian khác. Nắng, gió biển khiến con vững vàng hơn. Những chuyến dịch chuyển khiến con vững vàng hơn. Dù con có thể không biết mình đang đi đâu những chắc chắn, con sẽ cảm thấy được sự hân hoan qua chính sự hân hoan của cha mẹ. Con sẽ thấy những điều mà nếu ở nhà, con không thấy. Con sẽ cảm được gió biển khác gió nhà. Đi để lớn.
Có hạnh phúc nào không đổi từ gian khó?
Dù nó giản đơn chỉ là một nụ cười thì nó cũng phải được đổi bằng một hành động thân thiện từ con.
Và có thể một chuyến đi xa sẽ khiến con vất vả nhưng nó cũng sẽ khiến con lớn lên và cứng cáp.
Cũng như khi con biết lẫy, con sẽ thấy không gian quanh mình không chỉ là cái trần nhà. Dù biết lẫy và con đối mặt với nguy hiểm bị ngạt thở nếu không lật lại được. Dù biết lẫy có thể sẽ khiến con sái tay.
Cũng như khi con biết bò, con sẽ thấy không gian quanh mình xa hơn. Dù biết bò, nguy hiểm sẽ nhiều hơn vì có thể con bò mà ngã.
Cũng như khi con biết đi. Con sẽ thấy con đường ở dưới chân mình. Nhưng con cũng gặp những nguy hiểm vì con đang tham gia giao thông. Con là một người đi bộ.
Mỗi chặng đường là một hay nhiều hiểm nguy rình rập.
Có những người lo con ngã mà khiến con chậm đi.
Có những người lo con gặp bất trắc mà đóng sập cửa.
Bố mẹ nhất định chẳng thế!
Yêu con là đi cùng con chứ không phải là rào quanh con bằng những lo lắng của mình để rồi biến đời con mình thành ao tù mà vẫn tưởng rằng như thế là tốt cho con.
Yêu con là cùng con giải quyết những khó khăn, vất vả, bất trắc chứ không phải là bảo vệ con, ngăn chặn những điều nguy hiểm bằng cách đóng sập cửa lại.
Ngôi nhà luôn là chỗ ở tốt nhưng nó sẽ thành xó nhà của cuộc sống ngoài kia. Vì ngôi nhà nhỏ bé so với cuộc sống bên ngoài. Vì ngôi nhà to với ta nhưng lại quá bé nhỏ với cuộc đời. Vì ngôi nhà là nơi ra đi để trở về chứ không phải là ốc đảo trú thân.
Bán cho tôi một đơn vị hạnh phúc. Dù có thể tôi phải đổi bằng mồ hôi của tôi, nước mắt của tôi. Nhưng khi đó, mồ hôi mới thật là mồ hôi. Nước mắt mới mặn như nước mắt. Hạnh phúc là quả từ cây đời là vậy! Quả chín từ hạt mầm ước vọng được gieo. Lớn bằng sự nỗ lực vươn lên, bằng sự chờ đợi của người chăm sóc, bằng nắng của đời, gió của đời. Quả chín sẽ ngọt.
Nào, bạn có đủ dũng cảm để mua nổi một đơn vị hạnh phúc không?
Lấp đầy
Hình như có mảnh hụt nào xuất hiện trong mình. Khiến mắt cứ xa vắng đến ngột ngạt. Khiến lòng cứ dài hơn cả một tiếng thở dài. Thì về. Để con lấp đầy giùm bố.
Để tiếng cười của con lấp đầy quãng thanh âm của đời bố.
Để vòng tay ôm của vợ lấp đầy khoang ngực đang có mảnh hụt.
Để những con cá tung tăng trong bể quẫy vào đời mình.
Để đêm thôi lạnh khi có mẹ của bố ở lại.
Để dừng công việc lại thấy Cún thiêm thiếp ngủ bên gối.
Để lòng thấy bình yên trở lại.
Bởi những ngày này, bố như một cây khô mọc trơ trọi. Vẫn khao khát màu xanh biết bao mà mỏi mắt chỉ thấy trời xanh biếc không gợn mây, không chút gì báo hiệu cơn mưa nào tới tưới tắm giùm.
Bởi những ngày này, lòng như hoang mạc vắng. Thèm dấu chân người đi qua mà chỉ thấy gió hun hút thổi. Khát khao một công trình mọc lên. Khát khao một ngọn đèn vàng ấm lại.
Bởi những ngày này bố đang chết dần chết mòn.
Bởi con đường như chỉ còn mình bố đi.
Bởi bố không cảm thấy được những khát khao chiến thắng xung quanh bố.
Chỉ thấy mình nhạt đắng.
Chỉ thấy từng ngày đi qua vô nghĩa.
Chỉ thấy rơi rụng dần những mùa hoa.
Chỉ thấy ngày đang chết.
Lấp đầy cho bố bằng chính con nhé!
Lấp đầy cho bố bằng gia đình nhỏ của mình.
Lấp đầy ngày bằng buổi chiều về nhà có con vẫy chào bố.
Lấp đầy đêm bằng tiếng thở nhẹ của con.
Lấp đầy nụ cười của bố bằng cái tít mắt đùa nhắng nhít của con.
Cho bố ôm con vào lòng, Pi ơi!
Sợ
Ngày bé, ai bế Pi cũng theo. Còn bây giờ, đôi khi bố bế cũng lắc đầu. Luôn miệng kêu: Không! Không! Thậm chí kêu: Sợ quá! Và khóc váng lên. Tất nhiên, trong 10 bận thì có đến sáu bận là làm nũng. Nhưng bố đã thấy Pi bắt đầu biết sợ.
Biết sợ! Đó là một cảm giác đương nhiên xảy ra khi ta bắt đầu có tri thức nhất định. Đầu tiên là sợ người lạ, sợ đau, sợ mắng... Những nỗi sợ thuần cảm tính.
Nhưng rồi càng lớn lên, phạm vi sợ càng bị tăng lên.
Con sẽ sợ những hình phạt khi con làm sai.
Con sẽ sợ làm cho ai đó buồn.
Con sẽ sợ mất đi những quyền lợi riêng.
Con sẽ sợ khi con bắt đầu lớn!
Càng sống lâu càng biết nhiều thì lại càng sợ nhiều.
Sợ người khác vượt qua mình.
Sợ những điều lạ lẫm, khác biệt với những gì mình vẫn thường thấy, thường tin.
Sợ thua cuộc.
Sợ quyền lực.
Sợ cả chính bản thân mình nếu như mình tụt hậu.
Và cứ thế chẳng biết đến bao giờ nữa!
Chiến thắng nỗi sợ không khó. Nhưng chẳng ai dám (muốn) làm. Vì những nỗi sợ ấy xuất phát từ những khu vực nhạy cảm.
Để chiến thắng nỗi sợ, con cần phải khỏe mạnh, thông hiểu nhiều hơn. Và quan trọng nhất, con thẳng thắn, minh bạch.
Dưới ánh nắng mặt trời, không có gì là không làm được cả.
Thương lấy lũ nhỏ
Người Việt yêu con bậc nhất nhưng nhiều khi cái yêu ấy là thứ tình yêu quái dị, yêu con kiểu cho con vào cái hộp để ngắm nghía thích thú chứ chẳng phải là yêu nữa.
Không ở đâu như Việt Nam mình, trước cái cổng trường cấp 1, cấp 2 thậm chí cấp 3, các bậc phụ huynh rồng rắn đón con.
Không ở đâu như Việt Nam mình, kinh doanh đồ con nít lúc nào cũng thắng lớn.
Cha mẹ nhịn đói nhịn khát để dành tất cả cho con.
Các cuộc thi ảnh baby lúc nào cũng đầy ảnh con từ những ông bố bà mẹ nghiện con (như bố Pi).
Nhưng.
Nhưng cũng không ở đâu như Việt Nam, những đứa trẻ luôn chậm trưởng thành bởi tình yêu của bố mẹ chúng đã ngăn cản sự trưởng thành của chúng.
Tôi biết có nhiều đứa trẻ được sống trong lồng.
Cái lồng ấy có khi là căn nhà lộng lẫy với một bầy ôsin.
Cái lồng ấy có khi là sự lo lắng quá độ của các bậc cha mẹ.
Từ chuyên môn sữa cho con cũng phải chọn loại sữa xịn nhất.
Tới chuyện không cho con chơi nghịch bẩn.
Đứa trẻ cứ lớn lên trong một cái lồng được các bậc cha mẹ khử trùng tuyệt đối.
Nâng niu.
Gìn giữ.
Thậm chí hóa hổ dữ nếu như ai đó chê con mình.
Tốt chứ!
Có ai bảo không tốt đâu?
Có những bà mẹ còn lấy thước đo Tây để áp dụng cho con mình với mong muốn nó tốt nhất.
Những đứa trẻ được đưa vào lồng, cha mẹ chúng khử trùng cho chúng bằng tất cả những gì họ có.
Như chính bản thân tôi khi bé, bố mẹ tôi nhịn ăn để cho tôi được điều kiện tốt nhất.
Người Việt thương con có thể nói là bậc nhất.
Nhưng tình yêu đó nhiều khi cũng quái dị.
Rất quái dị.
Như vì muốn con mình được quan tâm săn sóc, các ông bố, bà mẹ đút tiền cho giáo viên.
Ai cũng bảo: Các cô giáo bây giờ là thế!
Cả xã hội này đều thế.
Nên nếu con mình không được như thế, con mình sẽ thành quái thai trong mắt cô giáo.
Có một người bạn bảo tôi: Phụ huynh, chính phụ huynh vì con cái của mình, muốn con cái của mình được tốt hơn con cái người khác nên đã làm hư các cô giáo.
Nhưng.
Nhưng khi tôi phản kháng lại, rằng: Nếu cô giáo tử tế, sao cô không từ chối thẳng thừng đi?
Bạn tôi bảo: Cô giáo mà từ chối, bố mẹ học sinh còn lo hơn.
Quả thực, là cha mẹ, nếu đưa tiền cho cô giáo mà cô giáo không nhận, chắc chắn, sẽ còn lo hơn. Sẽ nghĩ rằng “Tại sao cô giáo lại từ chối? Hay là cô chê ít?” Rồi hàng trăm câu hỏi khác nữa.
Rốt cuộc, có cung ắt có cầu.
Có người đưa tiền sẽ có người nhận và có người sẵn sàng nhận thì chắc chắn sẽ có người phải sẵn sàng chung chi.
Lại một câu chuyện khác, trong cuộc họp phụ huynh nọ, các phụ huynh xin cô giáo ít phút để trao đổi với bác. Bác trưởng ban phụ huynh đề nghị các phụ huynh đóng thêm tiền bồi dưỡng cô giáo (ngoài các khoản đóng cho trường). Cô giáo vẫn đi lại ngoài cửa lớp điềm nhiên như không.
Tôi bảo: Cô giáo ấy đã hết lòng tự trọng?
Bạn tôi lắc đầu: Vẫn là phụ huynh thôi. Vẫn là các bậc phụ huynh nhiều tiền nhiều tình thôi. Ai cũng muốn cô giáo chăm sóc đặc biệt hơn cho con mình. Và các bậc phụ huynh vẫn len lén nhét tiền thêm (ngoài khoản đóng chung với các phụ huynh khác) cho cô giáo. Và nó quả thực là một cuộc đua ném tiền.
Và quả thực, nếu lớp có 40 cháu, 39 cháu có bố mẹ đút tiền vào tay cô giáo, cháu thứ 40 chắc chắn sẽ thành quái thai.
Đấy là những lớp nhỏ.
Đến những lớp lớn.
Đứa trẻ mà bố mẹ không chạy chọt sẽ cảm giác mình bị ra rìa trong sự quan tâm của cô.
Tôi đã từng như vậy.
Tại sao bạn tôi, bố mẹ nó tặng cô cái này cái kia mà bố mẹ mình lại không tặng? So bì chứ!
Nhưng khi bố tôi tặng cô giáo chủ nhiệm cấp hai của tôi một bộ đỉnh đồng rất giá trị, bố tôi lúc nào cũng nhắc: Đấy, phải tặng bà ấy cái đỉnh đồng thì bà ấy mới đối xử tử tế với mày. Chứ nếu không, hơi tí sẽ bị mời phụ huynh.
Và tôi bắt đầu hình thành suy nghĩ: Xã hội này, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
Năm ấy, tôi mới học lớp sáu.
Một đứa trẻ lớp sáu, 12 tuổi, liệu đã nên có ý nghĩ vẩn đục đó chưa?
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái nhiều khi chẳng khác nào một cái lồng bàn khổng lồ. Nó chụp xuống đầu con cái và áp đặt đứa trẻ đó phải sống theo những gì cha mẹ chúng cho là tốt nhất.
Có bao nhiêu đứa trẻ được quyền chọn cho mình một ngôi trường nó thích?
Tất nhiên.
Tất nhiên là vẫn có những ông bố bà mẹ tâm lý.
Hiểu con và chịu khó chia sẻ với con.
Nhưng.
Phần đông vẫn là một giọng ra lệnh.
Tất cả những gì cha mẹ nói đều là đúng hết.
Kể cả cha mẹ có sai thì cũng không được nhắc lại cái sai của cha mẹ. Như thế là bất hiếu. Áo mặc qua sao khỏi đầu?
Vừa rồi, có nhiều vụ trẻ em tự tử.
Hầu hết những vụ đó, dù nguyên do bắt đầu từ đâu thì lý do ẩn sâu trong đó cũng là sự thiếu trò chuyện, đối thoại với con cái từ các bậc cha mẹ.
Nếu các bậc cha mẹ chịu dành ra mỗi ngày vài giờ nhất định để đối thoại với con cái, chắc chắn, họ sẽ hiểu và kiểm soát được những thay đổi trong tâm lý của con.
Nếu bậc cha mẹ nào bảo không hiểu nổi con mình thì tất cả là do ho họ chỉ biết đứng ở vị trí làm cha, làm mẹ mà quên cách làm bạn với con mình.
Làm bạn với con có nghĩa là hãy san bằng vị trí của mình đi, chấp nhận sự đúng sai trên lý luận và đối thoại chứ không phải trên cương vị cha mẹ với con cái.
Làm bạn với con có nghĩa là bình đẳng, dân chủ và minh bạch với con mình.
Làm bạn với con có nghĩa là dùng sự chân thành, tin tưởng chứ không phải bằng sự hy sinh, yêu thương hay bảo ban, dạy dỗ.
Làm bạn với con có nghĩa là đừng sợ hãi, đừng tá hỏa lên, đừng giận dữ, đừng bực bội... Hãy thoải mái và chơi đẹp.
Làm bạn với con có nghĩa là đừng sợ bẩn quần áo, đừng sợ mình ngần này tuổi rồi mà còn thế này thế kia... Đừng ngại ngần, hãy chịu chơi. (Cùng lắm là chơi chịu, hẹn con lần khác sẽ trả nợ.)
Có bao nhiêu bậc cha mẹ có thể làm bạn với con đúng nghĩa?
Những nguyên tắc làm cha mẹ khi xưa các cụ dạy là không sai, nhưng chưa đủ. Càng về sau, đứa con càng đòi hỏi ở cha mẹ chúng nhiều hơn thế hệ trước. Càng không thể đem cách dạy con của cha mẹ mình dành cho con mình. Vì bạn khác, con bạn khác. Bạn có thể thích được phục tùng, bạn có thể khoái cha mẹ bạn vì cha mẹ bạn biết làm ảo thuật nhưng con bạn thì chưa chắc. Nhưng cũng phải học cái cách dạy con sai lầm của cha mẹ mình để tránh lặp lạ với con.
Nếu bạn đã từng bị cha mẹ áp đặt bạn phải làm thế này hay phải làm thế kia thì đừng bao giờ bắt con bạn phải như vậy. Dù bạn có thể bây giờ tốt hơn nhờ biết nghe lời cha mẹ song con bạn chắc gì đã như bạn? Trước khi nó thấy điều đó là tốt, bạn đã mất nó.
Nghiêm khắc. Tôi biết có những cách dạy con bằng sự nghiêm khắc. Điều đó cũng không sai. Sự nghiêm khắc sẽ giúp đứa trẻ lớn lên ngoan ngoãn và biết nghe lời. Song, sự nghiêm khắc nếu không chừng mực sẽ khiến đứa con mất đi chỗ dựa mỗi khi nó gặp chuyện rắc rối. Nó sẽ sợ hãi mà không người chịu tâm sự với bố mẹ. Nó sẽ lo lắng vì những điều nó làm sẽ bi bố mẹ trừng phạt. Thay vì nó thú nhận với cha mẹ, nó sẽ nói dối.
Nói dối.
Nói dối là một thứ bệnh từ sợ hãi mà ra.
Làm sai – sợ hãi – nên phải nói dối.
Nhưng rồi nói dối quen miệng, làm đúng là thiếu tự tin cũng sẽ nói dối để nâng cao thành tích.
Nói dối với người lạ, bạn có thể bị mất tín nhiệm.
Nhưng nói dối với người thân, bạn sẽ khiến người thân của bạn bị tổn thương.
Đừng nói dối nếu bạn có một đứa con và bạn không muốn một ngày kia, nó sẽ nói dối bạn.
Và càng kinh khủng hơn nếu bạn nói dối mà con bạn phát hiện ra.
́y vậy mà nhiều bậc cha mẹ vẫn nghiễm nhiên nói dối.
Thậm chí cho con biết rằng mình đã nói dối với người khác.
Có hàng tỉ lý do để bao biện cho mỗi lời nói dối.
Nhưng chắc chắn, bạn đã để lại trong lòng con bạn một lý do cho phép nó nói dối.
Và tệ hại hơn, nếu bạn nói dối con bạn, đứa trẻ đó sẽ vĩnh viễn không còn tin vào lời nói của bạn nữa.
Hãy im lặng hoặc phân tích cho con bạn biết lý do vì sao bạn không muốn nói cho con bạn biết điều đó thay vì phải nói dối chuyện đó. Vì với trẻ con, chúng sẽ quên ngay nếu bạn không đề cập đến chuyện đó nhưng nó sẽ nhớ mãi nếu bạn đã nói dối nó.
Còn nhiều câu chuyện khác mà những ngày qua, tôi vẫn luẩn quẩn nghĩ. Học làm cha mẹ là sự nghiệp học hành cả đời. Nó cũng giống như chuyện hôn nhân, chuyện tình yêu. Chẳng ai dám chắc mình đã thấu hiểu hết để có thể dạy dỗ người khác. Song hãy cứ nói ra đi, biết đâu, trong những lời nói nhảm trên kia của bạn, sẽ có ai đó đồng cảm, nhớ tới và chia sẻ cùng bạn. Thêm một người cha, người mẹ tốt sẽ có thêm những đứa con văn minh. Và bạn của Pi sau này, sẽ là những người bạn tốt đẹp, văn minh. Đó thật là điều đáng để sảng khoái khi viết ra bài viết này!
Những ông bố, bà mẹ đáng thương
Hôm nay đi uống cà phê với Pi thì anh chủ quán bỗng nhiên ngồi lại hỏi: Em biết vụ V.A chứ? Mình đáp: Vâng! Anh ấy bắt đầu chép miệng than thở. Vì anh ấy cũng có một cô con gái...
Anh bảo: Tụi trẻ bây giờ sao mà dữ dằn thế? Anh chép miệng liên hồi. Đôi mắt cứ hướng về cô con gái khoảng chừng 13, 14 tuổi. Mà đầy âu lo. Nếu như là trước đây, khi chưa có Pi, mình sẽ phá lên cười và bảo anh là “Anh khéo lo”. Nhưng bây giờ, khi đã có Pi, mình đã hiểu.
Nhịn một bữa cho con no hơn: Chuyện nhỏ!
Bỏ đi vài thói quen của mình vì con: Chuyện nhỏ!
Chịu bớt việc để có thêm thời gian với con: Chuyện nhỏ!
Hy sinh mình một chút cho con: Chuyện nhỏ!
Thấy con ho, sốt, đau, ốm: Chuyện lớn! Nhưng vẫn chưa thành khủng hoảng.
Thấy con không thông tuệ bằng những đứa trẻ cùng tuổi: Chuyện lớn! Nhưng vẫn chưa thành khủng hoảng.
Con có hư, hay có vài tật xấu: Chuyện lớn! Nhưng vẫn chưa thành khủng hoảng.
Nhưng nếu bắt đầu không hiểu được con mình thì mới thật sự là khủng hoảng.
Không đối thoại được với con mình thì thật sự là đáng sợ vô cùng.
Với một số ông bố bà mẹ không thường chọn kênh đối thoại để hiểu con mình thì điều đó cũng bình thường thôi. Vì áp đặt quen rồi. Thì họ sẽ khủng hoảng khi nhận ra con mình nghe lời mình (vì sợ) nhưng lại không làm theo ý mình hoặc len lén làm khác đi.
Khi con mình không ĐỐI THOẠI được với mình, chúng sẽ chọn các ĐỐI PHÓ hoặc ĐỐI NGHỊCH.
ĐỐI PHÓ đáng sợ hơn ĐỐI NGHỊCH.
ĐỐI NGHỊCH còn có thể biết mà thay đổi cách ĐỐI XỬ.
Chứ ĐỐI PHÓ thì chẳng biết đằng nào mà lần cho đến khi phát hiện ra thì tất cả đã muộn.
Mình sẽ chọn ĐỐI THOẠI với con trong tất cả MỌI CUỘC TRÒ CHUYỆN.
Nhưng trước hết, mình phải tập làm bạn với con đã thay vì làm bố.
Làm bạn tức là phải bình đẳng.
Làm bạn tức là cũng có lúc mình phải nhận mình sai.
Làm bạn tức là cũng phải biết nói lời xin lỗi khi mình sai.
Làm bạn tức là mỗi cuộc ĐỐI THOẠI chưa hết thì phải đến cùng hoặc cùng chia sẻ và tìm hiểu ngọn ngành thay vì nôn óng mà quyết định kết thúc cuộc ĐỐI THOẠI đó khi mà đối phương chưa thỏa mãn hết những vấn đề còn dang dở trong cuộc ĐỐI THOẠI ấy!
Mình đã trò chuyện với anh chủ quán như vậy.
Nhưng chính mình cũng không biết là 5 năm, 10 năm nữa mình có thể giữ được quan điểm này không? Hy vọng khi đó, còn blog, con sẽ chỉ cho mình: Bố đọc lại bài viết này của bố đã viết đi!
Sẽ không được quyền nói: Ừ, bố đã viết như thế, nhưng...
Không có từ NHƯNG trong bất cứ một sự TỈNH THỨC nào.
Đặt tay lên ngực trái
Khi một chàng trai bảo một cô gái đặt tay lên ngực trái của mình, không chỉ đơn giản là anh ta muốn cô gái thấy tim anh ta đang đập thế nào? Mà là anh ta muốn cô gái biết anh ta đang yêu cô gái ấy thế nào?
Bố vẫn còn váng vất mùi hương ngọc lan tình cờ gặp trên phố tối nay. Mùi hương khiến bố muốn viết một teenstory. Viết những người đang yêu. Hình như mùi hoa Ngọc Lan là mùi hoa của tình yêu. Chứ chắc gì đã là mùi của hoa hồng? Giả sử một ngày kia, Pi của bố bắt đầu yêu một cô gái nào đó, bố rất muốn Pi sẽ mời bố đi cà phê với Pi (phải bằng tiền của Pi chứ đừng có hòng bắt bố trả tiền nhé!). Bố sẽ lắng nghe Pi kể chuyện Pi thích cô gái ấy đến nhường nào. Có bằng bố đã thích mẹ hay không? Bố sẽ lắng nghe Pi kể. Và điều bố muốn khuyên Pi đó là hãy cầm tay cô gái ấy, đặt lên ngực trái của Pi để cô ấy có thể nghe thấy tiếng trái tim Pi đập. Và nếu như cô ấy chỉ nghe thấy tiếng tim của Pi không thôi thì chắc chắn, cô gái đó đang không thuộc về con đâu, con trai ạ! Chỉ khi nào cô ấy biết con đang yêu cô ấy nhường nào thì đấy mới là người phụ nữ của con.
Rồi Pi sẽ lớn, sẽ bắt đầu thích một cô gái. Bố vẫn khoái khi ấy thấy đôi mắt của Pi long lanh nhìn như đang khóc, sắp khóc vậy. Đó là khi con thấy một người phụ nữ của mình. Thực ra trong mỗi cuộc đời, người ta vẫn có thể lặp lại cảm xúc yêu với nhiều người. Nhưng chắc chắn, không lần nào giống lần nào. Bởi tình yêu vốn thế! Tình yêu thật sự là khi con làm lại đến lần thứ 10 một hành động mà hành động ấy vẫn khác hẳn 9 lần trước. Cũng như nhịp tim của con, không bao giờ giống nhau với mỗi người mà con yêu. Tình yêu kỳ lạ. Tình yêu thật lắm điều kỳ lạ. Chẳng có phép so sánh nào áp dụng được trong quá một tình yêu. Dù nhìn thoáng qua thì tình huống ấy như nhau nhưng sự thật thì nó khác nhau nhiều lắm.
Và nếu con yêu một cô gái, hãy nhớ cho rằng, tình yêu không phải cứ cầm tay nhau đi trên phố, cứ phải đã hôn nhau, cứ phải đã nói ra ba chữ đặc biệt mới là yêu. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là con và cô gái ấy nghe thấy ở nhau cả những điều mà chưa ai nói ra. Vậy đã là yêu rồi! Và khi con yêu một cô gái, hãy biết rằng, mọi dành dụm cảm xúc sẽ chỉ là một việc chẳng nên làm. Hãy trọn vẹn với cô ấy ngay cả khi con chỉ có cô ấy trong vài phút. Để khi ngực trái của con rung lên thì đó cũng là nhịp rung mãnh liệt nhất, trọn vẹn nhất.
Có thể vì hương hoa ngọc lan vẫn ngây ngất đâu đây, có thể vìmd dêm nay ngoài đường lộng gió. Đường phố Hà Nội lúc 2h sáng bố đi, đã lâu lắm rồi bố mới xuống phố giờ này, khiến bố một chút ngây ngất, một chút bay và rất nhiều tâm sự. Thì viết vội vài dòng cho Pi dành để khi con lớn, con sẽ đọc lại. Biết đâu, con sẽ lại thấy mùi hương ngọc lan đang tha thiết vọng từ chính những câu chữ bố đã viết đêm nay?
Hãy vỗ tay khi bạn có thể
Bố và mẹ luôn hoan hô con mỗi khi con làm được điều gì đó. Cái vỗ tay ấy khích lệ con rất nhiều. Bố nhận ra, con sẽ rất hứng khởi sau khi làm được một điều gì đó và nhận được tiếng vỗ tay của bố, mẹ. Đấy là cách mà mẹ muốn con nhận ra giá trị con có được mỗi khi con làm một điều tốt đẹp. Bố thích và hưởng ứng cách làm đó của mẹ.
Cuộc sống thì khác. Cuộc sống không phải lúc nào cũng cho con sự khích lệ như bố mẹ đã cho con. Vì cuộc sống rất là thế này và rất là thế kia. Vì cuộc đời con sẽ pahri làm cả những công việc không chờ được tiếng vỗ tay. Những công việc thầm lặng và kết quả của nó ở xa. Vì quanh cuộc đời của con, không phải ai cũng yêu con như cha mẹ yêu con. Đôi khi, con sẽ gặp những người – không – bao – giờ – biết – vỗ – tay – cho – người – khác. Vì đôi khi, chúng ta làm một điều gì đó không phải để nhận về tiếng vỗ tay.
Con sẽ buồn không nếu như một ngày, con làm một điều gì đó thật tuyệt vời mà không ai vỗ tay khen ngợi?
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc