Anh hùng Lĩnh Nam - Hồi 31

Tác giả: Vô Danh


Đinh Đại nói :
– Chúng ta ẩn ở đảo này đã bảy năm, vừa rồi Lê Đạo-Sinh tuân lệnh đánh đảo bị thất bại, trước sau gì, hải quân Tô Định cũng sẽ đến đây. Trên đảo chúng ta chỉ có 500 đệ tử. Võ công chúng ta tuy cao, địa thế quen, nhưng làm sao địch lại lực lượng Hải-quân của Giao-chỉ ? Dù chúng ta có thắng, lực lượng Lĩnh-nam tất kéo đến. Nhất hổ nan địch quần hồ ! Một đệ tử của ta không thể địch lại trăm tên lính Hán.
Có tiếng gõ cửa, một đệ tử vào thưa :
– Thưa sư phụ, có ba hải thuyền rất lớn neo ngoài khơi. Trên thuyền kéo cờ Đào trrang. Xin sư phụ định liệu.
Đào hầu bảo đại đệ tử :
– Đức, con ra quan sát và tùy nghi giải quyết.
Một lát sau, Trần Dương Đức đã trở lại :
– Thưa sư phụ, sư muội Tường-Loan trở về có dẫn theo nhiều khách quý. Họ muốn yết kiến sư phụ.
Đinh Đại đứng dậy :
– Là những ai ?
Trần Dương-Đức thưa :
– Trình sư thúc có Thái thượng chưởng môn phái Tản-viên là Khất đại phu Trần Đại-Sinh, đệ nhất Thái-bảo phái Sài-sơn là Nam-hải nữ hiệp Trần-thị Phương-Châu.
Đào Thế-Kiệt thất kinh, vội bảo đệ tử :
– Dương-Đức, con hãy đánh trống tập họp đệ tử, chuẩn bị đón quý khách. Ta với sư mẫu, sư thúc phải thân ra bờ biển tiếp rước.
Tuy Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại là một cặp hào kiệt uy tín nhất Cửu-chân, nhưng vai vế, võ công, đạo đức so với Nam-hải nữ hiệp và Khất đại phu thì còn thua xa. Ông đã nhiều lần cùng sư đệ Đinh Đại và phu nhân ao ước được diện kiến hai vị cao nhân Lĩnh-nam này. Bây giờ nghe họ đến đảo thăm, ông không mừng sao được ?
Ông vẫy phu nhân, Đinh Đại, Đào Kỳ cùng ra bờ biển. Xa xa, ngoài khơi, tám cái mủng chở người đang bơi vào bờ. Đào Kỳ chỉ cái mủng thứ nhất, giới thiệu với cha mẹ :
– Vị râu tóc bạc phơ là Khất đại phu Trần tiên sinh, người đã trị bệnh, có thể nói đã dạy dỗ con rất nhiều. Phía sau người là hai nữ đệ tử Trần Năng và Lê Ngọc-Trinh. Chồng của Trần Năng là Hùng Bảo, đệ tử của tam sư tỷ.
Cái mủng thứ nhì chèo tới Đào Kỳ giới thiệu :
– Vị trung niên nữ lưu trên mủng là Nam-hải nữ hiệp. Phía sau là học trò của người, gồm Đông-triều nữ hiệp Lê Chân và Đăng-châu nữ hiệp Phùng Vĩnh-Hoa.
Đào Kỳ chỉ mủng thứ ba, giới thiệu :
– Thiếu nữ xinh đẹp ngồi giữa là một trong Tản-viên song phượng Trưng Nhị, người ngồi bên cạnh là Đinh Hồng-Thanh, thủ lĩnh 36 động Nam Mê-linh, đệ tử của chú Đào Thế-Hùng, người đứng trên mủng là đệ tứ Thái-bảo phái Sài-sơn Nguyễn Tam-Trinh.
Đào Kỳ chỉ cái mủng thứ tư giới thiệu :
– Người râu tóc bạc ngồi giữa là Nguyễn Trát tiên sinh, chưởng môn phái Long-biên, người con gái đứng sau là Phương-Dung, còn hai cô bé ngồi bên là Quế Hoa, Quỳnh Hoa, cháu ngoại Khất đại phu.
Đào Kỳ giới thiệu đến đây thì mủng đã vào đến bờ. Ông bà Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại chắp tay ân cần chào từng người khách một. Trên mủng thứ năm có Tường-Loan, Đào Hiển -Hiệu, Đào Quý-Minh. Mủng thứ sáu, có Thiều-Hoa, Nghiêm Sơn, cô bé Tử-Vân. Mủng thứ bảy gồm Hùng Bảo, Đàm Ngọc-Nga, Hồ Đề.
Mọi người bơi mủng từ từ vào bờ. Họ ngạc nhiên khi thấy Đào Kỳ đứng cạnh Đào hầu, giới thiệu từng người một.
Từ mấy chục năm nay, Đào hầu, Đinh hầu đã nghe danh Khất đại phu. Cả hai đều ước ao có dịp tương kiến vị Thái-sơn bắc-đẩu, lòng đầy nhân nghĩa này. Nay thấy người thân tới hải đảo xa xôi thăm viếng, thì mừng rỡ không biết đâu mà lường.
Khất đại phu cười vui như một tiên ông :
– Đào hầu ! Lão phu đi ăn xin khắp nơi, nghe tiếng Đào hầu thương người, có chí phản Hán phục Việt, nên hôm nay thầy trò tới đây xin một bữa ăn.
Ông chỉ Đào Kỳ :
– Này bạn nhỏ, sau đại hội Tây-hồ, tự nhiên bạn nhỏ mất tích, mọi người lo lắng vô cùng. Nào có ngờ đâu bạn nhỏ đã trở về đây thăm cha mẹ. Thật là hiếu tử.
Đào Kỳ mải giới thiệu mọi người với cha mẹ, chợt có ba bàn tay mềm mại nắm lấy tay chàng. Mùi hoa Quế, hoa Quỳnh thoang thoảng. Chàng quay lại thấy Phương Dung, Quế Hoa, Quỳnh Hoa đứng sau. Chàng nhìn Phương Dung lòng xao xuyến.
– Phương Dung, hôm ở Tây hồ, em tham dự buổi họp ở phủ Thái-thú, anh có việc khẩn cấp anh phải đi ngay, không kịp báo cho ai biết cả.
Chàng không quen nói dối, nói đến đây, chàng dừng lại. Phương Dung lắc tay chàng :
– Khi họp ra em được tin chị Vũ Trinh-Thục cho biết : Lê Đạo-Sinh dẫn đệ tử và trên 500 tráng đinh đi trên ba con thuyền hướng ra biển. Chị cũng cho biết con thuyền chở sư tỷ Tường-Loan từ đảo về đã bị người ta chiếm mất, Gi*t ૮ɦếƭ đò phu. Chị Phùng Vĩnh-Hoa đoán ra Lê tra khảo nhà đò biết được chỗ ở của Đào, Đinh hầu, y tổ chức cuộc tập kích. Cha em vội mời Nam-hải nữ hiệp và Khất đại phu đi cứu trợ hai nhà Đinh, Đào hai nhà. Nghiêm đại ca giận lắm xuất lĩnh hải đội kéo theo. Cha em can rằng : Đào hầu cả đời chỉ phản Hán phục Việt, nay Nghiêm công mang hải quân tới cứu trợ người, e rằng chỉ làm người buồn hơn vui. Nam-hải nữ hiệp bèn hỏi mượn ba chiến thuyền cùng với thủy thủ đoàn, còn chị Lê Chân xuất lĩnh tráng đinh những trang ấp thuộc quyền kéo đến đây, không ngờ... Lê Đạo-Sinh chưa tới.
Đào Kỳ cảm động :
– Y tới rồi nhưng bị thua, đã bỏ chạy.
Đào Kỳ nhìn Quế Hoa, Quỳnh Hoa, hai cô càng lớn trông càng xinh đẹp, chàng nói :
– Hai em cũng đi cứu viện Đào gia phải không ?
Quế Hoa mở cái giỏ trong có đầy hoa quả đưa cho Đào Kỳ. Đào Kỳ cảm động, đưa đến trước mặt cha mẹ :
– Con mời bố mẹ dùng quả tươi.
Đào phu nhân cầm lấy giỏ trái cây bà dắt tay Quế Hoa, Quỳnh Hoa theo Đào hầu, mời khách vào đại sảnh.
Các đệ tử đã được giải tán ai về nhà nấy. Chỉ còn một số có nhiệm vụ tiếp khách ở lại mà thôi.
Phân ngôi chủ khách xong, Trưng Nhị trịnh trọng đứng dậy, nói :
– Đào hầu, Đinh hầu ! Hôm nay chúng tôi đường đột tới đây trước là để tỏ lòng lân mẫn với chư vị về việc Đào, Đinh trang bị Thái-thú Nhâm Diên đánh phá cách nay bảy năm. Lúc đó Nhâm Diên đang đeo mặt nạ nhân nghĩa, đem văn minh Trung nguyên giáo hóa đất Man-di. Không ngờ y lại thâm độc đến thế. Khi chúng tôi được tin, mọi sự đã trễ. Tin Đào, Đinh trang bị đánh khiến hào kiệt Lĩnh-nam không ai không chau mày. Nếu bảo Đào, Đinh trang bị đánh là một mất mát cho cho hào kiệt Lĩnh-nam, thì cũng nói được rằng sau vụ này lòng hận thù Hán tặc càng tăng lên. Có thể nói các nơi đều sôi sục căm phẫn.
Nam-hải nữ hiệp tiếp lời :
– Việc thứ nhì chúng tôi tới đây là vì việc riêng của Đào gia. Đáng lẽ việc này chúng tôi không được phép xen vào. Ngặt vì cách đây bảy năm, lúc bấy giờ không biết Đào hầu ở đâu, chúng tôi đã tự chuyên, thành ra phải tạ lỗi.
Đào Thế-Kiệt ngạc nhiên :
– Tất cả mọi việc của Đào trang, nếu được Nam-hải nữ hiệp xử lý cho, tôi e cầu mà cũng không được.
Nguyễn Tam-Trinh đứng dậy, chỉ vào Đào Kỳ :
– Cách đây bảy năm, tôi thường làm nghề đưa khách sang sông. Một hôm tôi đưa bạn trẻ này và một cô nương dung nhan tuyệt thế và một quan nhân người Hán vượt sông Hồng. Tôi tấu bất cứ khúc nhạc nào, Đào công tử cũng hiểu hết. Người thực là tri âm của tôi. Tôi nhận ra võ quan người Hán đi cùng Đào công tử võ công cao thâm hơn tôi gấp bội, tôi phải dùng cách đánh đắm thuyền mới mời được y và Đào công tử đến trang Mai-động chơi. Võ quan người Hán bị tôi bắt, không lấy làm tủi nhục, mà còn cho rằng tôi bắt được y bằng phương pháp nào, cũng đều là thắng cả, y chịu thua. Tôi thấy y là người hào kiệt nên đã thả y ra. Tôi những tưởng y sẽ mang quân đến làm cỏ trang Mai-động. Không ngờ, ít hôm sau, y mang trâu đến thế mạng, còn ngồi uống rượu với tôi. Tôi thấy người Hán này thực hào sảng tín nghĩa nên kết bạn với y. Y thú thực cùng vị tiểu cô nương xinh đẹp yêu thương nhau. Tôi mạn phép trộm lệnh Đào hầu đứng ra làm lễ thành hôn cho vị cô nương với y. Vị cô nương đó là đệ tử thứ ba của Đào hầu. Hôm đại hội Hồ Tây, tuy cô nương Tường-Loan có cho biết ý kiến của Đào hầu, nhưng tôi cũng phải tới đây, tạ lỗi với người và phu nhân.
Đào phu nhân đứng lên nói :
– Đã là hào kiệt thì Hán cũng thế mà Việt cũng vậy. Tiểu-đồ Thiều-Hoa được đệ tứ Thái-bảo Sài-sơn đứng ra chủ trương cho, thì còn gì hơn nữa ? Vả lại, từ ngày Nghiêm Sơn sang đây tới giờ, tuy thân cầm đại quân trong tay, nhưng lòng hào sảng, hiệp nghĩa có khác gì Lục tiên sinh đâu ? Vợ chồng chúng tôi rất tự hào có người rể như vậy.
Qua những lời nói của Đào phu nhân, Nghiêm Sơn nhận thấy chàng có trách nhiệm lớn lao. Phải làm sao xứng đáng với lòng tốt của Nguyễn Tam-Trinh và sự tín nhiệm của Đào Thế Kiệt.
Phương Dung nháy Đào Kỳ, rồi nói với Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca, dường như bên Trung-nguyên, khi kết hôn người ta phải trải qua Lục lễ hay Ngũ lễ, phải không ?
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Đúng đấy. Trước kia là Lục lễ, sau này chỉ còn Ngũ lễ thôi.
Trưng Nhị hướng vào Lục Mạnh Tân:
– Bên Trung-nguyên, hôn lễ cho kẻ sĩ phải đủ Ngũ lễ, thiếu một lễ cũng không được. Tôi ít đọc sách, không rõ Ngũ lễ là những lễ gì ? Thỉnh Lục tiên sinh dạy cho.
Lục Mạnh-Tân hướng vào Trưng Nhị :
– Theo sách Lễ-ký chương Sĩ hôn lễ, năm lễ đó là : Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Thính kỳ và Nghinh thân. Nạp thái là lễ đầu tiên nhà trai mang con nhạn đến nhà gái, tỏ ý cầu hôn. Sau đó đến Vấn danh : Nhà trai đem lễ đến nhà gái, hỏi khuê danh cô gài cùng niên canh bát tự.
Hồ Đề ít đọc sách, ngắt lời Lục Mạnh-Tân :
– Lục tiên sinh, tôi dốt nát mà tiên sinh cứ nói chữ, làm sao tôi hiểu được ! Niên canh bát tự là gì ?
Lục Mạnh-Tân hướng vào Hồ Đề :
– Xin lỗi Hồ thống lĩnh, tôi đã nói vắn tắt quá. Niên canh bát tự là giờ, ngày, tháng và năm sinh.
Hồ Đề không chịu :
– Như vậy mới tứ tự, chứ đâu phải bát tự ?
Lục Mạnh-Tân cười :
– Trong phép làm lịch của vua Phục Hy, mỗi năm có một tên để gọi. Đó là phương pháp Can, chi, kỷ, niên. Can có 10 can, gọi là Thập can , gồm : Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Trong 10 can có 5 can âm và 5 can dương. Năm can âm là Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý.
Đào Kỳ đã được học về phương pháp làm lịch, nên, tiếp :
– Còn năm can dương là Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm. Thập nhị chi cũng chia làm sáu chi âm và sáu chi dương. Sáu chi âm là : Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi. Sáu chi Dương là Tý, Dần, Thìn, Ngọ Thân và Tuất. Dùng Can, Chi ký niên là ghép một Can với một chi thành một năm. Nguyên tắc là ghép can dương với chi dương, can âm với chi âm. Bởi vậy chúng ta mới có những năm Giáp Tý, Ất Sửu.vv..
Lục Mạnh Tân thấy học trò đối đáp trôi chảy thì mừng lắm, vội tiếp :
– Trở lại với Can chi ký niên, như vậy cứ 60 năm, cả can chi sẽ trở lại một lần. Như năm sinh của Trưng Trắc là Giáp Tuất, khi bà 60 tuổi, mới trở lại năm Giáp Tuất. Hồ cô nương hỏi niên canh bát tự, chỉ nguyên tuổi của cô gái đã mất hai chữ. Sau đó dùng can chi để chỉ tháng, ngày, giờ. Cộng lại có phải tám hay không ? Như niên canh bát tự của Trưng Trắc là : Năm Giáp Tuất, tháng Mậu Thìn, ngày Ất Sửu, giờ Canh Thìn. Cộng lại đúng tám chữ .
Lục tiếp :
– Sau lễ Vấn danh, tới lễ Nạp cát. Nhà trai mang lễ vật tới chính thức hỏi cô gái làm vợ cho con mình. Qua ít lâu sau là lễ Thỉnh kỳ, nhà trai mang lễ tới nhà gái hỏi ngày cưới. Hai bên thỏa thuận với nhau sẽ ấn định ngày cưới. Lễ cưới là lễ Nghinh Thân vậy.
Phùng Vĩnh Hoa đứng dậy nói :
– Cháu có ít lời muốn trình với Đào lão bá, không biết lão bá có cho phép không ?
Đào Thế Kiệt gật đầu :
– Đăng châu nữ hiệp Phùng Vĩnh-Hoa nổi tiếng mưu thần, chước thánh, tôi ở hải đảo cũng nghe tiếng. Hồi ở Đăng-châu xá đệ Thế-Hùng và khuyển tử Kỳ được cô nương bày cho nhiều kế lạ. Nay chúng tôi xin kính cẩn nghe lời cô nương.
Phùng Vĩnh-Hoa bước ra giữa sảnh đường, vòng tay thưa :
– Đất Lĩnh-nam ta, hiện nay các trang, các động thu lại trong một số nhà mà thôi. Kể một nhà. Thái-hà trang lớn nhất, với năm Huyện úy, mấy chục trang động, thế lực lớn lao vô cùng. Nhưng từ ngày phái Tản-viên thống nhất đến giờ Thái-hà trang lui lại hàng thứ nhì.
Ngừng một lát nàng tiếp :
– Phái Cửu-chân thống lĩnh chín gia, mấy trăm trang ấp trước đây thực là rực rỡ. Từ ngày Nhâm Diêm dùng ngụy kế làm cho năm nhà theo chúng, hai nhà trở thành bất lực. Cuối cùng chỉ còn Đào, Đinh. Sau Nhâm Diên đánh Đinh, Đào, vùng Cửu-chân tưởng không còn của Lĩnh-nam nữa. May mắn được tin Đinh, Đào vẫn bảo toàn được lực lượng, tiện nữ kính đề nghị Đinh hầu, Đào hầu trở về đất cũ, chỉnh đốn lại cơ nghiệp tổ tiên. Không biết nhị vị lão bá nghĩ thế nào ?
Đào Thế Kiệt tưởng các cao nhân đến đảo khuyên ông điều gì, hóa ra họ khuyên ông trở lại đất liền, điều mà ông hằng mơ ước.
Đào Nghi-Sơn bước ra nói :
– Đăng châu nữ hiệp dạy mấy lời thực phải. Đinh, Đào hai nhà chúng tôi đang bàn nhau, làm thế nào giữ được nghiệp tổ. Tiếc rằng hai trang Đinh, Đào hiện giờ do Song-quái chiếm mất. Vũ Hỷ giữ chức Đô-sát Cửu-chân. Phùng Chính-Hòa đệ tử thứ năm của Lê Đạo-Sinh lại giữ chức Huyện-úy Ngọc-đường. Nếu Đinh, Đào chúng tôi chiếm lại trang ấp, Vũ Hỷ, Phùng Chính-Hòa sẽ xuất lĩnh tráng đinh các nơi khác cùng lực lượng quân Hán ở Cửu-chân chiếm lại, chúng tôi cô thế, sẽ không địch nổi. Dù chúng tôi thắng được quân ở các nơi khác sẽ kéo đến... thực khó khăn vô cùng.
Phùng Vĩnh-Hoa cười :
– Người ta đồn Đào hầu có ba người con trai, nhân nghĩa đạo đức dư là Nghi-Sơn, khoáng đạt, anh hùng là Biện-Sơn, mẫn tiệp đa năng là Đào Kỳ, quả đúng. Nghi-Sơn đại ca, có thực đại ca không tìm ra phương cách chiếm lại Đào, Đinh trang không ?
Nghi-Sơn nhìn cha, mẹ, cầu hỏi ý, rồi trả lời bằng cái lắc đầu, tỏ vẻ tuyệt vọng.
Đào Kỳ liếc nhìn Phương Dung, Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa :
– Chỉ có phương pháp ấy mà thôi.
Trưng Nhị tủm tỉm cười :
– Thế thì tiến hành đi chứ !
Đào Kỳ nhìn Phương-Dung :
– Chỉ sợ trên đời này không có một Tần Mục-công thứ nhì.
Phương-Dung liếc nhìn Nghiêm Sơn :
– Tần Mục-công thứ nhì khó kiếm, nhưng gái Lĩnh-Nam bổ xa gái Tấn.
Nguyên những người ngồi đây thì Trưng Nhị, Vĩnh- Hoa, Phương-Dung, Đào Kỳ là những người đọc sách nhiều, họ dùng điển cố nói chuyện với nhau hầu giới hạn người biết chuyện. Điển cố mà họ nói, chép trong Tả-truyện nói về phu nhân của Tần Mục-công, đem củi chất đống, rồi cùng các con lên dàn để đòi Tần Mục-công tha cho Thế-tử nước Tấn. Tần Mục-công vì thương vợ con, đành nhượng bộ.
Ý Phùng Vĩnh-Hoa định nói với Nghi Sơn là: muốn chiếm lại Đinh, Đào trang mà không sợ bộ quân Hán can thiệp, phải dùng Thiều-Hoa ép Nghiêm Sơn. Thành ra những người ngồi đó chỉ có Trưng Nhị, Phương-Dung, Đào Kỳ hiểu được mà thôi. Lục Mạnh-Tân tuy đọc sách nhiều nhưng không biết chuyện Thiều-Hoa, Nghiêm Sơn, nên ông không đoán ra sự việc thế nào.
Đào Kỳ nhìn Phùng Vĩnh-Hoa :
– Sư tỷ, mọi việc nhờ sư tỷ định liệu cho.
Vĩnh-Hoa hiểu ý Đào Kỳ muốn nhờ mình bày mưu. Nàng nói :
– Sơ bất gián thân, tôi là người ngoài.
Đào Kỳ thấy không đừng được, chàng nghĩ :
– Mình tuy lớn rồi, nhưng vẫn còn sử dụng cái tình Tiểu sư đệ được.
Chàng chạy lại bên Thiều-Hoa, ôm lấy lưng nàng :
– Bố ơi ! Những lúc xa bố, xa mẹ, con khổ không biết bao nhiêu mà kể, nào nhớ nhung, nào buồn phiền... cũng may có sư tỷ ở bên, thành ra con mới chịu nổi. Còn lúc nào sư tỷ cũng nghĩ mình là Mỵ-Châu, con khuyên mà sư tỷ không yên dạ. Con nói sư tỷ chẳng phải là Mỵ-Châu, Nghiêm đại ca không phải là Trọng-Thủy. Thế mà sư tỷ không nghe. Bây giờ trước mặt các vị đạo cao, đức trọng, con muốn bố mẹ làm lễ cưới lại cho sư tỷ.
Chàng đứng sau Nghiêm Sơn,Thiều-Hoa mà nói, rồi chàng nháy cha mẹ gật đầu. Đào Thế Kiệt thấy con trai đối đáp với Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa bằng những lời lẽ cao xa, biết ngay chàng đã có ý gì, ông gật đầu đáp :
– Con nói vậy cũng phải, Nghiêm Sơn là kẻ sĩ trong thiên hạ, lại là người Hán, phải làm lễ cưới theo nghi lễ Trung-nguyên.
Nguyễn Tam-Trinh cười :
– Tôi với Nghiêm công đánh nhau rồi kết bạn, vậy tôi xin làm mai đàng trai.
Nguyễn Trát cười :
– Thôi thì tôi làm mai đàng gái.
Phương-Dung cười ngất :
– Nghiêm đại ca, dẫn lễ thì phải dẫn lớn đó nghe, vì Hoàng sư tỷ là người đẹp nhất, nhu mì nhất Lĩnh-nam. Đại ca định dẫn lễ gì bây giờ ?
Nghiêm Sơn luống cuống :
– Tôi tối tăm lắm, chịu không biết dẫn gì ? Phùng cô nương, cô nương giúp tôi đi, nguyện không bao giờ quên ơn.
Phùng Vĩnh-Hoa nghiêm nét mặt :
– Cầm quân đánh Đinh, Đào trang là đại ca. Không thù, không oán lại còn làm vợ đại ca là Hoàng sư tỷ. Như vậy đại ca phải chuộc lỗi trước đi đã.
Nghiêm Sơn khảng khái :
– Trong đời Nghiêm này có mối hận nhất là bị mắc mưu Nhâm Diên đánh Đinh, Đào trang. Bây giờ Phùng cô nương bảo tôi phải làm gì để tạ lỗi xưa ?
Vĩnh-Hoa gật đầu :
– Cũng dễ thôi, đại ca nhắm mắt cho Đào, Đinh hầu chiếm lại trang. Cấm các nơi khác không được mang binh viện trợ Vũ Hỷ và Phùng Chính-Hòa, thế là êm, có gì khó đâu ?
Nghiêm Sơn ngẩn người ra vì đề nghị của Vĩnh-Hoa. Hiện giờ thế lực chàng bao trùm Lĩnh-nam. Từ Thái-thú, Đô-sát, Đô-úy cho đến các Huyện-lệnh, Huyện-úy đều do chàng bổ nhiệm. Chỉ duy có Tô Định là người của Mã thái hậu chàng không muốn ᴆụng vào. Tô Định bao che cho Lê Đạo-Sinh, Vũ Hỷ, Phùng Chính-Hòa, nhưng chúng không có tội gì, nếu đem chúng ra chặt đầu, e kỷ cương Lĩnh-nam không còn nữa.
Chàng là Lĩnh nam công, binh quyền trong tay, chàng có cả nghìn cách để cách chức hai người, hoặc nếu cần vẫn có thể dùng quân pháp chặt đầu chúng. Khổ một nỗi, điều khó nhất là, bây giờ thay thế chúng rồi để Đinh, Đào là hai nhà chủ trương phản Hán phục Việt trở lại, chỉ cần một bản mật tấu về Lạc-dương là nguy cho chàng ngay. Trong lòng chàng rối như tơ vò. Trọn đời chàng chưa bao giờ gặp phải vấn đề khó khăn như thế này. Còn nếu không đưa Đinh, Đào về đất cũ, thì suốt đời chàng phải mang một mối ân hận. Ngược lại, đề nghị của Phùng Vĩnh-Hoa rất hợp lý.
Trong phòng mọi người đều im lặng, mọi người đều đổ dồn mắt về phía Nghiêm Sơn.
Chàng đưa mắt nhìn vợ. Khuôn mặt thanh tú, đôi mắt dịu hiền, tấm thân thon thon, tròn tuyệt thế, không có hai. Kỷ niệm ban đầu, chàng gặp Thiều-Hoa trong trận đánh cảng Bắc. Đào Kỳ lấy bông hoa bằng vàng trên tóc Thiều-Hoa tặng chàng. Bông hoa đó chàng vẫn cài trên áo.
Thiều-Hoa ngẩng mặt lên, nhìn chàng bằng con mắt sâu thẳm.
Chàng quyết định :
– Ta có thể hy sinh bản thân đổi lấy nguồn vui cho Thiều-Hoa, ta cũng làm. Vậy ta cứ chấp thuận đề nghị của Vĩnh-Hoa. Bất quá ta mất chức Lĩnh-nam công là cùng chứ gì ?
Chàng nhìn Thiều-Hoa mỉm cười, bước ra, nói :
– Đăng châu nữ hiệp, tôi xin có lời cảm ơn nữ hiệp giúp tôi có ý kiến đó. Suốt bảy năm trời nay, tôi với phu nhân sống bên nhau tình nghĩa mặn nồng không kể sao cho xiết. Nhưng lúc nào trong mắt phu nhân cũng có điều buồn tủi, nghĩ mình là Mỵ-Châu. Tôi nghĩ, có phải ૮ɦếƭ đến mấy lần để đổi lấy niềm vui cho phu nhân, tôi cũng bằng lòng huống hồ việc nữ hiệp đề nghị.
Mọi người không ngờ Nghiêm Sơn lại đa tình đến như thế, khẳng khái đến trình độ đó.
Phùng Vĩnh-Hoa gật đầu :
– Tứ sư thúc quả có con mắt tinh đời, người kết bạn với Nghiêm đại ca thật không uổng. Này Nghiêm đại ca! Đại ca quyết định việc đó, một là vì hối hận mà ra, Khổng Tử nói : Hữu quá tắc cải làm việc gì sai, phải sửa. Hai là vì tình nghĩa với Hoàng sư tỷ. Ba là vì đạo nghĩa võ học. Nhưng này Nghiêm đại ca, đại ca đang có hiềm khích với Tô Định, nay người đồng ý cho Đinh hầu, Đào hầu chiếm lại trang ấp, dựng lại uy thế phái Cửu-chân, mà phái Cửu-chân chủ trương phản Hán phục Việt, có thể Tô Định sẽ mật tấu về gây khó khăn cho đại ca. Chắc đại ca nghĩ : Dù ta có mất chức Lĩnh-nam công, nhưng được phu nhân, rong ruổi tiêu dao sơn thủy, là điều ta cầu mà không được. Có phải thế không ?
Nghiêm Sơn nhìn Vĩnh-Hoa với con mắt thán phục :
– Đăng châu nữ hiệp đã nhìn thấu tâm can tôi. Đúng ! Tôi đã nghĩ như thế.
Trưng Nhị nháy Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, rồi tiếp :
– Phàm con thỏ đào hang phải có hai cửa. Người ta chặn lưới cửa này, còn cửa khác mà chạy. Nghiêm đại ca quyết định như thế tỏ ra là đấng anh hùng. Nhưng nếu đại ca bị mất chức, Tô Định đem quân đánh Đào, Đinh trang thì sao ?
Phương-Dung nhìn Vĩnh-Hoa, mỉm cười :
– Dễ lắm, nếu muốn Tô Định không hại được Nghiêm đại ca, chỉ có một cách là Đào lão bá chấp thuận tặng Đào sư tỷ món của hồi môn. Thưa lão bá đất Lĩnh-nam mình có lệ, con gái lấy chồng, cha mẹ sẽ cho mang theo món của hồi môn. Vậy, lão bá chẳng hẹp hòi gì mà không cho Hoàng sư tỷ .
Đào Thế-Kiệt bị cô lập ở đảo mấy năm, lòng uất hận không nguôi. Nay, bỗng dưng con trai út trở về với võ công, kiến thức, thâm sâu không lường, kéo theo bao nhiêu bạn hữu cùng lứa tuổi. Họ bàn luận cao xa. Trước kia ông cho rằng mình cô đơn, không có người đồng tâm nhất trí phản Hán phục Việt. Giờ đây trước mắt ông, mấy chục người lòng dạ cùng như nhau. Khi ông nghe Phương-Dung đề nghị món của hồi môn, ông vui vẻ nói :
– Được rồi, ta nghe cháu. Cháu đề nghị gì ta cũng nghe, miễn đề nghị đó không hại đến việc phản Hán phục Việt.
Phương-Dung chắp tay vái Thế-Kiệt :
– Hàn Tín xưa kia anh hùng là thế, lúc chưa gặp thời đã phải lòn trôn tên bán thịt. Hậu thế không ai chê Hàn Tín. Vậy, muốn Tô Định không hại Nghiêm đại ca, cùng bảo vệ Đào, Đinh trang, cháu xin lão bá cho đại ca Nghi-Sơn, nhị ca Biện Sơn giữ một chức võ quan nào đó. Tô Định đâu còn có gì hại Nghiêm đại ca được nữa ? Quyết định của lão bá là... món hồi môn đó. Xin lão bá ban cho một lời.
Đào Thế-Kiệt tỉnh ngộ:
– Tôi có ba người con trai. Nhỏ nhất là Kỳ, quý vị đều đã biết. Con lớn là Nghi-Sơn, con thứ là Biện-Sơn. Kể về văn võ chúng cũng không đến nỗi nào. Tôi quyết định cho chúng đi theo muội phu là Nghiêm Sơn.
Ông quay lại nói với hai con :
– Chú con, hiện là Huyện-úy Đăng-châu mà có ai cười chê đâu ? Vậy bố gửi hai con cho Nghiêm Sơn, ra làm quan, giúp dân hơn là theo chí của bố. Hôm qua, Lục-Trúc tiên sinh muốn các con ra làm việc với phủ Đô-sát Cửu-chân, bố từ chối mà xảy ra động võ. Hôm nay, bố bằng lòng cho hai con đi theo Nghiêm Sơn.
Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, Đào Kỳ nhìn nhau gật đầu, tỏ vẻ hiểu ý Đào hầu. Chỉ duy có Nguyễn Trát, Đinh Đại và Đào phu nhân là có vẻ ngơ ngác, không hiểu.
Nguyên khi vừa tới đảo, người con lớn của Đào Thế-Hùng là Đào Hiển-Hiệu đã đưa cho Đào Thế-Kiệt một phong thư của bố. Đào Thế-Kiệt được thư thì mừng lắm. Trong thư Thế-Hùng cho biết, hiện giờ đã làm Huyện-úy Đăng-châu, hơn nữa đã nắm chặt được Huyện-lệnh và quân đội trong tay ; khi hữu sự, đạo quân Đăng-châu sẽ đánh từ phía sau lên Luy-lâu. Trang Hiển-minh của Thế-Hùng hiện là nơi chứa chấp những người bị Hán truy lùng. Thư cũng kể vụ Đào Kỳ lập được trang ấp, gồm toàn những lao binh được cứu thoát. Cộng lực lượng Văn-lang, Âu-lạc, Hiển minh cũng tới cả vạn quân. Sau này sẽ là lực lượng chính đánh vào hông Luy-lâu. Thế Hùng khuyên anh nên lợi dụng Nghiêm Sơn, cho con ra làm quan với người Hán, nhất là quan võ để nắm binh quyền trong tay. Khi hữu sự thì nhất cử thành danh. Chính vì vậy, Thế-Kiệt đã đổi thái độ. Ông tự nghĩ :
– Bây giờ cho các con ra làm quan với người Hán, sẽ dễ dàng cho Nghiêm Sơn đuổi Vũ Hỷ. Ông sẽ chiếm lại trang ấp. Rồi từ đó khống chế các trang của Cửu-chân. Khi khởi binh sẽ thuận lợi cho đại cuộc hơn.
Đào hầu mời ân cần mọi người nhập tiệc. Trong tiệc Đào phu nhân ngồi bên Trưng Nhị. Bà vốn hâm mộ Trưng Nhị từ lâu, nay mới được gặp, không chuyện gì không hợp. Nhân tiện Trưng Nhị đem chuyện Đào Kỳ, Phương-Dung ra thuật lại một lượt. Đào phu nhân ngẩm nghĩ :
– So về nhan sắc, Phương-Dung đẹp ngang với Thiều-Hoa. Nàng lại thông minh, võ công tuyệt cao, con nhà danh gia, hơn hẳn Tường-Quy nhiều. Trước mắt bà, Tường-Quy là một đứa con gái hư danh thất tiết, có chồng còn đi với trai. Hơn nữa, chồng là một tên Hán ngu muội, yếu đuối, muôn ngàn lần bà không thể Đào Kỳ đi vào cạm bẫy nữa. Bà ngoắc Đào hầu vào hậu đường bàn luận. Hai người đồng ý phải cưới vợ cho Đào Kỳ ngay, dùng Phương-Dung cột chân con trai lại.
Một lúc sau, ông đứng lên nói :
– Tôi và phu nhân xin đa tạ Mai-động hầu, Cối-giang hầu làm mai mối cho nữ đồ Thiều-Hoa kết hôn với Nghiêm Sơn. Bây giờ tôi mạo muội nhờ Khất đại phu và Nam-hải nữ hiệp đứng chủ cho một cuộc hôn nhân khác.
Nam-hải nữ hiệp đã đoán được chín phần, nên cười :
– Chà ! Tôi xin làm mai nhà gái. Cô dâu kiếm thuật thần thông đệ nhất thiên hạ, tôi cũng cảm thấy hãnh diện.
Bà nói câu này mọi người đều hướng mắt về phía Phương-Dung. Phương-Dung tuy thông minh võ công cao, nhưng dù sao cũng vẫn là một cô gái, nàng thẹn thùng, đỏ mặt cúi xuống.
Khất đại phu cũng đoán ra :
– Lão già này suốt đời đi ăn mày, nay tự nhiên được làm ông mai cho một người bạn trẻ thì sướng thật. Đào tiểu hữu, ngươi đứng lên đi.
Đào Kỳ chưa kịp đứng dậy, Khất đại phu đã đến nhấc chàng lên kéo lại trước Nguyển Trát, nói :
– Lão ăn mày không biết văn vẻ, chỉ biết một điều : Đào hầu nhờ mỗ đứng hỏi cô gái ngàn vàng của Nguyễn tiên sinh cho người bạn trẻ của mỗ, không biết Cối-giang hầu có nhận không ?
Nguyễn Trát đứng dậy :
– Trước đây tôi gặp cháu Kỳ trong lúc đang đấu với vệ sĩ của Tô Định, xin bỏ Ngũ-lệnh cho dân đất Cổ-đại. Từ ngày đó, cháu về ở Cối-giang với tôi, là bạn với Phương-Dung. Có ngờ đâu cháu lại là người của Thái sư phụ tôi, được Thái sư phụ ủy nhiệm đem kiếm pháp Long-biên dạy lại cho Phương-Dung. Âu đó là lòng trời. Hôm nay được Đào hầu và phu nhân đoái tưởng, tôi kính cẩn tuân lời.
Khất đại phu đẩy Đào Kỳ quỳ xuống :
– Này, chàng rể kêu ba tiếng nhạc phụ đại nhân đi.
Đào Kỳ lạy đủ bốn lạy. Nam-hải nữ hiệp dắt Đào Kỳ, Phương-Dung đến trước mặt Đào hầu và phu nhân :
– Hai con quỳ xuống tạ ơn cha mẹ đi.
Đào Kỳ, Phương-Dung lạy cha mẹ đủ bốn lạy. Đào phu nhân tháo chuỗi ngọc trai năm vòng trên cổ đeo vào cho Phương-Dung :
– Cha mẹ có người con dâu thế này, không biết phúc đức kết từ đời nào.
Bà chưa dứt lời, chợt có đệ tử vào báo :
– Thưa sư phụ ngoài khơi có sáu chiến thuyền kéo cờ Hán, vây đảo vào giữa. Dường như họ định thả mủng, tiến vào đánh chúng ta.
Tiếng y nói nhỏ, nhưng mọi người đều nghe thấy hết. Đinh Đại đứng lên vẫy Trần Dương-Đức :
– Ngươi đánh trống cho dàn đệ tử, phòng thủ đảo như thường.
Dương-Đức vội vã ra đi. Tiếng trống ngũ liên báo động đánh liên hồi. Trai tráng trên đảo tập trung người nào vào đội nấy, tiến ra các vị trí phòng thủ. Trần Dương-Đức lên đài chỉ huy phất cờ ban lệnh.
Chủ khách đều trầm trồ :
– Người ta nói Đào hầu giỏi dùng binh quả không sai. Hèn chi năm xưa chỉ với 500 tráng đinh, ông đã chống lại hơn 10 ngàn thiết kỵ Hán trong trận đánh cảng Bắc. Đã vậy còn ςướק được thuyền tẩu thoát mất dạng. Bây giờ cứ coi tình hình này thì đủ biết.
Đào Thế Kiệt cùng mọi người ra ngoài quan sát. Quả thực sáu chiến thuyền đã vây chung quanh đảo. Trên chiến thuyền đều kéo hiệu kỳ đỏ của Hán. Cơ chừng này, ít ra cũng gần hai ngàn quân. Mọi người đưa mắt nhìn Nghiêm Sơn, chờ chàng phản ứng. Dù sao chàng cũng là người cẫm quân trên toàn đất Lĩnh-nam.
Hồ Đề vốn người bộc trực, ít đọc sách, quay lại hỏi Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca toàn thể quân sĩ vùng Lĩnh-nam do đại ca thống lĩnh phải không ? Nếu không có lệnh đại ca, liệu họ có dám xuất quân bao vây đảo không ? Trước khi rời Long-biên chúng tôi có mượn của đại ca ba chiến thuyền và thủy thủ, chứ không mượn Hải-quân. Chúng tôi nghĩ , dù sao đại ca với Hoàng sư tỷ cùng đi với chúng tôi, dù thủy thủ có trở mặt cũng không đáng sợ.
Trưng Nhị vỗ khẽ lẽn vai Hồ Đề :
– Em lầm rồi. Nghiêm công tuy cầm quân, nhưng các huyện đều có quân đội riêng, các huyện ven biển đều có hải quân trực thuộc. Huyện-úy, Huyện-lệnh đều có thể cho xuất phát thủy đội. Nghiêm công và phu nhân đi với chúng ta, dại gì người sử dụng quân đội tập kích ? Chẳng hóa ra người muốn tự tử ư ?
Hồ Đề tỉnh ngộ nghĩ :
– Ừ nhỉ, nếu Nghiêm muốn hại mình thì thiếu gì cách ? Nội trong bọn mình đây, chỉ cần một cao thủ ra tay, y đã bị mất mạng.
Ngoài khơi sáu chiến thuyền Hán bao vây hải đảo, dường như họ đã nhìn thấy ba chiến thuyền của Nghiêm Sơn. Một chiến thuyền chạy lại gần, một số người trên khoang, hướng sang hỏi han gì đó, nhưng vì ở xa, nên không hiểu họ nói với nhau điều gì.
Nghiêm Sơn quay lại nhìn viên võ theo hầu hất hàm ra hiệu. Viên võ quan lấy trong túi ra, một mũi tên, châm lửa đốt, rồi hướng ra khơi, bắn lên trời. Đào Kỳ nhận ra mũi tên lửa màu tím, trước đây chàng đã thấy Nghiêm sử dụng trong việc báo tin với Phong châu song quái ở Hoa-lư.
Lập tức chiến thuyền ngoài khơi hạ cờ Đào trang xuống, kéo lên là cờ Hán cực lớn, trên có chữ Bình nam đại tướng quân, Lĩnh nam công.
Tiếp theo ba cái mủng nhỏ bơi vào bờ, trên có sĩ quan chỉ huy ba chiến thuyền tháp tùng Nghiêm Sơn.
Mủng vào bờ, viên thuyền trưởng đến trước mặt Nghiêm Sơn, khoanh tay hành lễ :
– Thưa Quốc công, có chiến thuyền đến neo ngoài khơi. Tiểu nhân ra hỏi, họ nói thuộc hải đội Ngọc-đường. Họ nhận lệnh Huyện-úy tới bao vây đảo, bắt bọn phỉ đồ chiếm cứ đã lâu.
Phùng Vĩnh-Hoa biết Huyện úy Ngọc-đường là Phùng Chính-Hòa, đệ tử thứ năm của Lê Đạo-Sinh. Nàng muốn gây chia rẽ giữa Lê và Nghiêm, nên đến trước mặt Nghiêm cười :
– Nghiêm đại ca ! Đại ca là Bình-nam đại tướng quân chỉ có tên cho oai thôi, chứ còn thực quyền do các Huyện-úy thống lĩnh phải không ? Nếu không sao đại ca ở đây mà hải đội Ngọc-đường bảo tiểu trừ phỉ tặc ? Đại ca là phỉ tặc hay sao ?
Nghiêm Sơn vốn ít nói, bản chất lại là người chính nhân quân tử, chàng không hiểu rõ thâm ý của Vĩnh-Hoa, nên nổi giận, móc lệnh bài bảo viên thuyền trưởng :
– Ngươi đưa lệnh bài ra, triệu tất cả sáu viên thuyền trưởng kia vào đây, triệu luôn cả viên chỉ huy hải đội Ngọc-đường nữa.
Mọi người thất vậy mới yên tâm. Nghiêm Sơn bảo Thiều-Hoa :
– Dầu sao hôm nay cũng là ngày cưới chính thức của chúng ta. Anh quyết không để bất cứ ai trên đảo nghi ngờ. Dù thế nào chăng nữa, hải đội Ngọc-đường tới đây, anh cũng là người có trách nhiệm.
Đào hầu thấy mọi chuyện tạm yên, vội mời khách vào sảnh đường tiếp tục tiệc rượu. Trần Dương-Đức vẫn ở lại trên đài chỉ huy và dưới đài các đệ tử vẫn túc trực đề phong biến cố.
Một lát, viên chỉ huy hải đội Ngọc-đường cùng sáu thuyền trưởng vào tới nơi. Chúng hành lễ theo quân cách với Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn tuy là người võ lâm, nhưng chàng trị quân cực kỳ nghiêm, thuộc cấp đều rất kính trọng.
Chàng lên tiếng hỏi :
– Ngươi báo tên họ đi ?
– Tiểu nhân họ Phùng tên Doãn.
– Ngươi giữ chức vụ gì ?
– Thưa Hải đội trưởng.
– Như vậy sáu chiến thuyền do ngươi chỉ huy ?
– Huyện-úy xin lệnh với Đô-úy Cửu-chân được quyền điều động Hải-đội Ngọc-đường ra đảo tiểu trừ phỉ tặc. Huyện lệnh nói với tiểu nhân rằng đảo này trước đây bỏ hoang. Trong bảy năm qua đã bị bọn phỉ tặc không hơn ngàn người chiếm lĩnh, nên cần mang quân tiễu trừ.
– Trên sáu chiến thuyền có bao nhiêu binh mã, ai là người chỉ huy ?
– Không có binh mã Hán, toàn tráng đinh, binh mã Việt do Huyện-úy điều động. Huyện-úy xin tiểu nhân chở quân cho y, chứ không có quân Hán xuất trận. Tất cả khoảng hai ngàn người, do Huyện-úy Phùng Chính-Hòa đích thân chỉ huy.
– Ngươi có lệnh của Đô-úy Cửu-chân không ?
Phùng Doãn luống cuống một lúc rồi nói :
– Huyện-úy nói rằng đã xin lệnh miệng với Đô-úy, bảo tiểu nhân cứ tuân theo lệnh của Huyện-úy là được, vì đảo này nằm ngoài khơi Ngọc-đường thuộc quản hạt của Huyện-úy.
Nghiêm Sơn nghiêm nét mặt :
– Đảo này ta đã kinh lược mấy ngày hôm nay. Ta đã có mặt ở đây, mọi chuyện sẽ do ta xếp đặt. Ngươi trở ra tập trung hải đội thành hàng chữ nhất, chờ lệnh ta. Nhất thiết mọi việc nhổ neo, trở về, phải do lệnh của ta.
Ông lấy giấy 乃út viết công lệnh, cho vào bao thơ, dán lại, đưa cho Phùng Doãn và dặn y :
– Đây là thủ lệnh của ta. Ngươi ra mời Huyện-úy vào gặp ta. Nếu y tuân thì thôi. Nếu y không tuân ngươi cho hải đội đánh đắm thuyền, bơi vào bờ. Thi hành xong sẽ được trọng thưởng.
Phùng Doãn cúi đầu nhận lệnh rồi đi ra.
Phùng Vĩnh Hoa hỏi Đào Thế Kiệt :
– Đào hầu, trên đảo hiện có bao nhiêu đệ tử, tráng đinh có thể chiến đấu được ?
Từ lúc phái đoàn khách đến đảo, Đào Thế Kiệt đã được Đào Kỳ cho biết Phùng Vĩnh-Hoa là đệ tử của Đệ-tam Thái-bảo Sài-sơn, Tiên-yên nữ hiệp Trần-thị Phương-Chi. Vĩnh-Hoa cực kỳ thông minh. Bách-gia, Chu-tử, Tam-giáo, Cửu-lưu, binh pháp thảy đều tinh thông. Nàng lại là người nhiều mưu kế vô cùng. Ông xuất thân văn võ kiêm toàn, biết dùng binh nên rất có thiện cảm với Vĩnh-Hoa.
– Tráng đinh, đệ tử ước khoảng 500. Khi cần thiết có thể sử dụng thêm 560 phụ nữ. Tất cả đều được tổ chức thành cơ, đội, thạo thủy chiến lẫn bộ chiến.
Trưng Nhị nhìn Vĩnh-Hoa gật đầu tỏ vẻ hiểu ý nàng. Vĩnh-Hoa nhìn Phương-Dung, cũng thấy nàng gật đầu hướng vào Đào Kỳ. Đào Kỳ hỏi cha :
– Chúng con cần khoảng hai ngàn sợi dây trói giặc, liệu bố có đủ không ?
Đào hầu thấy Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, Đào Kỳ gần như có ý nghĩ giống nhau. Họ chỉ nhìn nhau đã hiểu ý. Họ nói với nhau những lời mà ông không hiểu hết. Ông mừng trong lòng :
– Ta đã gần 50 tuổi rồi, hậu sinh toàn những người như thế này, việc khôi phục đất Lĩnh-nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Biết ta có còn sống đến ngày đó để nhìn đất nước sạch bóng quân thù không ?
Ông quay sang hỏi con trưởng :
– Nghi-Sơn có đủ dây không ?
Nghi-Sơn gật đầu :
– Thưa cha, đủ.
Nghiêm Sơn nhìn Phùng Vĩnh-Hoa :
– Phùng cô nương ! Cô hiểu hết rồi ư ?
Vĩnh-Hoa cười :
– Đâu phải mình tôi ? Ở đây ít nhất có thêm ba người nữa hiểu ý đại ca. Vì vậy tôi phải chuẩn bị giúp đại ca đó mà.
Lê Chân hỏi Trưng Nhị :
–Thế là thế nào ?
Trưng Nhị giảng :
– Lê Đạo-Sinh định diệt Đào, Đinh gia, bị Đào tam đệ đánh cho hút bỏ mạng. Y về bàn với đệ tử là Phùng Chính-Hòa xin lệnh Đô-úy Cửu-chân mang bản bộ binh mã huyện Ngọc-đường cùng với tráng đinh của Lê Đạo-Sinh tiểu trừ đảo. Dĩ nhiên Đô-úy đồng ý. Đô-úy ra lệnh cho Hải-đội Ngọc-đường giúp chở quân. Không ngờ y đến đây gặp ba chiến thuyền của Nghiêm đại ca. Đúng là ăn trộm bị bắt. Nghiêm đại ca ra lệnh cho hải đội Ngọc-đường vào, ra lệnh cho y tập trung chiến thuyền, gọi Phùng Chính-Hòa vào, trói y lại, chặt đầu vì tội lạm dụng binh quyền.
Lê Chân gật đầu :
– Em hiểu rồi. Nghiêm đại ca viết mật lệnh cho Phùng Doãn, trường hợp Phùng Chính-Hòa trở mặt, lập tức cho thủy quân đánh đắm thuyền bơi vào bờ. Chúng ta chỉ việc ra bắt trói đám trang đinh của Phùng Chính-Hòa không khó khăn gì lắm. Hèn chi, Đào tam đệ hỏi Đào hầu có đủ dây trói không ?
Trưng Nhị nhìn Phương Dung :
– "Phàm dụng binh chi đạo, toàn quân vi thượng, phá quân thứ chi."
Phương Dung gật đầu :
– "Tâm chến vi thượng, binh chiến vi hạ."
Hồ Đề vốn ít học, vội hỏi Vĩnh-Hoa ý nghĩa của câu đối đáp giữa Trưng Nhị và Phương-Dung. Vĩnh-Hoa giảng :
– Chị Trưng muốn nói với Phương-Dung, cách dụng binh hay nhất là phải giữ cho binh đội toàn vẹn, để binh đội tan nát là hạ sách. Phương Dung đáp lại bằng ý kiến cao hơn : Trường hợp này chỉ nên dùng tâm chiến, không nên dùng binh chiến. Dùng tâm chiến là làm sao thuyết phục cho đám tráng đinh Ngọc-đường bỏ Phùng Chính-Hòa.
Khất đại phu hướng vào Đào Thế-Kiệt :
– Đào hầu ! Việc nước là việc chung. Ở đây Đào hầu, Đinh hầu biết dùng binh, nhưng còn Nghiêm Sơn, Phùng Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, Trưng Nhị, Đào tam đệ cũng đều giỏi dùng binh. Vạn nhất xảy ra cuộc chiến Đào hầu định sau đây ?
Thế-Kiệt hiểu ý Khất đại phu định nói, quân tại đây là của ông, nhưng ông không có tài điều quân bằng mấy người kia, vậy ông có trao quyền cho họ hay không ? Ông là người khoáng đạt, tự thấy những người mới đến đây đều là tinh hoa của Lĩnh-nam. Ông trả lời :
– Tráng đinh, đệ tử đều đã thành đội ngũ, nếu xảy ra trận chiến, tôi xin nhường quyền chỉ huy lại cho các vị.
Nam-hải nữ hiệp khẩn khoản nói với Đào-hầu:
– Người ta bảo Đào hầu có chí khí của một đại anh hùng quả không ngoa. Ở đây nhiều người cò tài dùng binh. Tài của Vĩnh-Hoa là bày mưu thiết kế. Tài của Trưng Nhị là xét người, xét tình hình. Nghiêm công có tài vương bá. Phương-Dung có tài ước tính tình hình lẫn điều quân, e rằng không thua Hàn Tín thuở xưa đâu.
Mọi người cũng đều nhận thấy thế. Đào phu nhân mặt tươi hẳn lên khi thấy cô con dâu người đẹp như tiên nga, kiếm pháp thần thông lại có tài nguyên súy, bà bảo Nghi-Sơn :
– Nghi-Sơn, con hãy đem tình hình trình bày cho Phương-Dung nghe.
Phương-Dung biết không từ chối được, nàng đến gần bên Nghi-Sơn nghe tường trình tình hình trên đảo. Nàng chăm chú lắng tay ghi nhớ.
Sau đó nàng tiến đến trước mặt Đào hầu :
– Thưa Bố, xin Bố cho con mượn kiếm lệnh .
Đào hầu tháo kiếm bên hông đưa cho Phương-Dung. Nàng đặt kiếm trước mặt rồi nói :
– Đại ca Nghi-Sơn tức tốc trở về điều động đệ tử trên ba chiến thuyền nhà mình, đến gần chiến thuyền Ngọc-đường. Nhớ phải mang theo cung tên đề phòng. Nếu chiến thuyền Ngọc-đường lại gần thì chèo ra xa. Họ chạy thì đuổi theo. Nghĩa là giữ khoảng cách giữa hai thủy đội khoảng một hai dặm là đủ. Nếu họ cho quân xuống bè vào bờ tấn công, cứ để cho họ đi. Khi họ vào tới bờ, lập tức cho thuyền mình sát thuyền họ, nhảy sang chiếm lấy, rồi đốt lửa để làm loạn lòng quân họ. Xin các sư tỷ Lê Chân, Hồ Đề, các sư đệ Quý-Minh, Hiển-Hiệu theo giúp đỡ đại ca Nghi-Sơn một tay.
Phương-Dung đứng dậy hướng vào Nguyễn Tam-Trinh.
– Người Mai-động giỏi thủy chiến, cháu xin sư bá điều động các vị sư huynh Mai-động ngũ hùng và Tử-Vân cùng với đại ca Biện-Sơn ra giữ ba chiến thuyền mượn của Nghiêm đại ca tuần phòng quanh đảo, đề phòng ba thuyền của Lê Đạo-Sinh trở lại, thì dàn ra ứng chiến. Mục đích cầm cự, không cho đạo quân của Lê liên lạc với Phùng Chính-Hòa.
Nguyễn Tam-Trinh vẫy các con cùng đi với Biện-Sơn.
Phương-Dung hướng vào Đinh Đại và Đào phu nhân cung kính:
– Xin cậu và mẹ điều động nữ binh phân tán phục rải rác ở các bụi cây. Nếu giặc tràn vào bờ, vừa bắn tên, vừa lẫn vào cây cỏ. Tuyệt đối không ham chiến. Mục đích chia lực lượng địch.
Đào phu nhân, Đinh Đại đứng lên đi liền. Phương-Dung tiếp :
– Biểu muội Tĩnh-Nương, Bạch-Nương xuất lĩnh đội nữ binh còn lại bảo vệ khu gia đình. Nếu giặc tràn vào thì quyết tử chiến, sẽ có người tiếp ứng. Hùng Bảo sư điệt ra trấn phía Đông. Trần Năng trấn phía Tây. Sư tỷ Vũ Trinh-Thục trấn phía Bắc. Sư tỷ Đàm Ngọc-Nga trấn phía Nam. Nhất thiết tùy cờ hiệu trên đài chỉ huy hành động. Còn lại các vị Phật-Nguyệt, Lê Ngọc-Trinh, Đinh Hồng-Thanh, Tường-Loan, đại sư ca Trần Dương-Bá, mồi người lĩnh một Tốt tráng đinh ở trung tâm làm trừ bị.
Phương-Dung đứng lên trịnh trọng nói :
– Còn Khất đại phu, đại sư bá, Nghiêm đại ca, anh Kỳ ở trung quân phòng cao thủ Thái-hà trang xuất hiện còn có chỗ tiếp ứng.
Đào Thế-Kiệt thấy Phương-Dung không nói gì đến mình, thì ngạc nhiên hỏi :
– Còn Bố với Nghiêm đại ca, sư tỷ Thiều-Hoa sao con không dùng tới ?
Phương-Dung đáp :
– Hôm nay là ngày cưới của sư tỷ. Trong trời đất, người phụ nữ lấy đức làm trọng. Sư tỷ không nên xuất trận. Bố là chủ đảo cần ngồi ở trung quân tiếp ứng.
Nàng hướng vào Trưng Nhị :
– Kế hoạch đã xong. Xin mời chị lên đài chỉ huy.
Trưng Nhị không từ chối lên đài cao cùng với mọi người. Nàng đứng nhìn ra khắp bốn phương. Ngoài khơi, sáu chiến thuyền Ngọc-đường dàn thành hình chữ nhất. Ba chiến thuyền Đào trang đến gần chiến hạm Ngọc-đường. Ba chiến thuyền của Nghiêm Sơn đang tuần hành quanh đảo
Bỗng Nghiêm Sơn quát lớn :
– Đồ hèn hạ ! Đồ phản phúc !
Mọi người vội nhìn ra xa thấy trên khoang chiến hạm, Phùng Doãn đã bị Phùng Chính-Hòa Gi*t ૮ɦếƭ. Các thủy thủ đang chiến đấu với bọn người của Chính-Hòa. Nam-hải nữ hiệp hỏi Phùng Vĩnh-Hoa :
– Con có cách nào cứu thủy thủ Hán trên sáu chiến thuyền không ?
Vĩnh-Hoa lắc đầu :
– Từ đây ra đó xa quá, chúng ta làm sao được ? Mấy người thủy thủ đó coi như đã tuẫn quốc. Sau này Nghiêm ca sẽ thuy tặng cho con cháu họ.
Chỉ một lát, đám thủy thủ bị Gi*t sạch, xác ném xuống biển.

Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc