Lắng ngheNếu như chúng ta có thể ở bên nhau Bài hát vang lên sẽ tha thiết hơn bao giờ hết Chẳng cần ngôn ngữ cũng hiểu được lòng nhau Thái Bình Dương cũng ỉm lặng lẳng nghe.
Nếu có thể ở bên nhau(Lương Tịnh Như)
Sáng hôm sau, sợ thất lễ, chưa đến bảy giờ, nghe ngoài cửa có tiếng động, Liêu Duy Tín đã tỉnh dậy. Mở cửa ra thấy Bạch Ký Minh đang nằm trên sô pha xem ti vi, hiếm lắm mới có ngày cậu dậy sớm hơn anh. Mẹ cậu đang bận rộn trong phòng bếp chuẩn bị bữa sáng.
Liêu Duy Tín đẩy cậu: “Sao không vào phụ mẹ?”. Bạch Ký Minh nhún vai: “Mẹ không tin tưởng em, sợ em vướng tay vướng chân”. Liêu Duy Tín đứng dậy: “Vậy để anh”. Bạch Ký Minh giữ anh lại, cười nói: “Anh vào mới thực sự gây vướng víu đấy. Thôi ngồi xuống xem ti vi đi, ăn sáng xong chúng ta ra biển”.
Bố cậu bước ra từ nhà vệ sinh, thấy Liêu Duy Tín liền hỏi: “Sao dậy sớm thế? Không ngủ thêm chút nữa?”. Liêu Duy Tín vội đứng lên: “Thưa chú, cháu dậy rồi ạ”. Ông khẽ ừ một tiếng, ngồi xuống bàn ăn đọc báo. Lúc này Liêu Duy Tín mới biết, gia đình Bạch Ký Minh là một gia đình rất truyền thống, đàn ông không bao giờ vào bếp. Anh thầm thở phào trong lòng, ngẫm nghĩ: May mà hôm qua không nói lung tung, nếu để mẹ cậu biết con trai bà ngày nào cũng nấu cơm cho mình, tình hình còn tệ hại hơn.
Ăn sáng xong, Liêu Duy Tín vẫn tranh vào bếp rửa bát. Bạch Ký Minh xin phép bố mẹ rồi kéo anh ra biển chơi.
Bố cậu ngồi xem ti vi một lúc, quay đầu vô tình nhìn thấy quà của Liêu Duy Tín đặt dưới đất, cầm lên quan sát tỉ mỉ. Mẹ cậu lập tức cau mày nhăn trán: “Ông bỏ xuống, đừng chạm vào. Lúc nào nó đi, bảo nó đem đi luôn, tôi không dám nhận đâu”. Bố cậu đẩy gọng kính, thở dài: “Thôi, dù sao cũng là thành ý của cậu ta. Còn có một chiếc khăn choàng này, bằng lông cừu, chắc mua cho bà đấy”.
Người vợ gân cổ lên: “Ông có lương tâm không vậy? Con trai thành ra thế này, ông có thể nói vài lời hữu dụng được không?”.
“Nói gì mới hữu dụng? Đuổi cậu ta về chắc? Người ta vượt xa xôi đến thăm mình. Với lại, tôi thấy cậu ta cũng rất tốt, nhìn là biết con nhà gia giáo, chẳng có điểm nào thua con chúng ta cả. Hôm qua cậu ta cũng nói rồi còn gì, bố mẹ cậu ta sớm đã biết mối quan hệ của hai đứa, cũng chẳng phản đối. Bà thì quan niệm cổ hủ lắm.”
“Vâng chỉ có ông quan điểm mới mẻ!” Bà tức giận nói, “Bao lâu nay mong mỏi có cô con dâu, được bế cháu nội, kết quả Ký Minh đem một thằng con trai về nhà, tôi không chịu nổi!”.
Ông bố cười bảo: “Không chịu nổi? Vậy thì có thể làm gì được? Con mình tính khí thế nào bà còn không biết sao? Bà và tôi, ai có thể quản được nó chứ?”.
“Không quản được cũng phải quản!” Bà hạ thấp giọng, thở dài: “Thằng bé đó nhìn là biết lắm tiền, vừa kinh doanh khách sạn lại đầu tư bất động sản. Con mình thì sao? Chỉ là một thầy giáo bình thường. Cậu ta chẳng thiếu cái gì, có danh tiếng có địa vị, cho dù tất cả mọi người đều biết chuyện cậu ta là đồng... đồng gì gì đó, thì lũ con gái vẫn bám riết cậu ta. Còn con mình ư? Có gì mà so với người ta? Hai đứa con trai không thể kết hôn, không thể có con, nói chia tay là chia tay. Bây giờ âи áι mặn nồng thế, chuyện cả đời ai dám nói trước? Nhỡ đâu có một ngày, cậu ta đòi chia tay thì sao? Cậu ta chẳng bị tổn hại chút nào, nhưng con mình thì xong rồi. Nếu để người khác biết, đừng nói tìm đối tượng kết hôn, chỉ sợ công việc hiện tại cũng không giữ được. Giáo viên không giống những ngành khác, có bố mẹ nào đồng ý để một người đồng... dạy bảo con mình không?”.
Bố Bạch Ký Minh ngồi trên sô pha, châm một điếu thuốc. Ông không thể phủ nhận lời vợ mình nói rất có lý. Không nói đến sự đàm tiếu của người xung quanh và những ánh mắt định kiến, liệu hai đứa có thể vượt qua được thử thách của thời gian không? Bọn nó có hiểu hết về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân không? Ở bên nhau là do bỗng bột nhất thời hay là kết quả sau khi suy nghĩ thấu đáo? Ông cũng biết, Bạch Ký Minh là một đứa lạnh lùng lý trí, thằng bé kia, nhìn thì cũng không giống người có tính cách tùy tiện. Nhưng áp lực xã hội quá lớn, quá nặng nề, không kết hôn, chẳng con cái, thậm chí ràng buộc của người xung quanh, liệu bọn nó có đủ dũng khí, đủ sức mạnh để cùng nhau đi hết cuộc đời không?
Ông chậm rãi thả ra một làn khói trắng, nhìn nó dần tan biến vào không trung.
Bạch Ký Minh và Liêu Duy Tín đương nhiên không biết đến cuộc đối thoại nghiêm túc kia, họ đang khoác áo phao, tản bộ trên bờ biển.
Nhà Bạch Ký Minh rất gần biển, đi bộ cũng chưa đến mười phút. Hôm nay trời trong, nhưng vì là mùa đông nên ánh nắng có phần yếu ớt mỏng manh. Gió biển thô ráp, thổi vào mặt có chút đau, nhưng một lúc sau quen rồi thì cũng chẳng sao.
Nước biển xám xịt, trên cát là một lớp băng, chỗ cao chỗ thấp, uốn lượn giống như hình dạng của những cơn sóng.
Trừ hai người ra, chẳng tìm thấy một ai, thuyền đánh cá cũng không thấy, chim hải âu càng không, nơi đây vừa lạnh lẽo vừa hoang vắng. Chỉ có thể mơ hồ nghe thấy tiếng sóng đập vào vách đá.
“Có phải chúng ta đến sớm quá không?” Liêu Duy Tín cười, “Chắc mấy tháng nữa, tầm tháng bảy tháng tám, chân trần nghịch nước biển ở đây, mới gọi là lãng mạn”.
Bạch Ký Minh không nhìn anh, say sưa ngắm nhìn biển lớn ngút ngàn trước mắt, và đảo Hoa Cúc thấp thoáng đằng xa: “Em thích đến đây vào khoảng thời gian này nhất”. Giọng cậu trong veo: “Em thích biển vào lúc này, không dịu dàng êm đềm, nhưng làm người ta tĩnh tâm. Với lại chỉ có mình em, không có thêm ai cả”.
“Không.” Liêu Duy Tín mỉm cười: “Còn có anh mà”.
Bạch Ký Minh nắm tay anh: “Đi thôi, xem chúng ta có thể
đi đến đâu”. Hai người cẩn thận chậm chạp bước lên lớp băng lạnh giá, từ từ tiến lên phía trước, đi được hơn mười mét, lớp băng dưới chân hơi nứt ra, hai người đành lùi về sau một bước, đứng yên.
“Thời tiết ấm lên rồi.” Bạch Ký Minh thở dài, “Hồi trước có thể đi được rất xa”.
“Thế này là đủ rồi, nhiều người chưa từng được nhìn thấy biển, cũng chưa từng được nhìn thấy tuyết, em lại có thể một lúc thấy được cả hai.”
Lóp băng dưới chân không hề trong suốt mà có màu xám trắng, phần tiếp giáp với lớp băng gợn lên những vệt nước trắng xóa.
“Lúc nào tâm trạng không tốt, em lại ra đây. Nhìn thấy biển lớn, tâm trạng thoải mái hơn nhiều.”
“Vì sao tâm trạng không tốt?”
“Có rất nhiều lý do, nhưng chủ yếu là thi không tốt.” Bạch Ký Minh cười, “Bố mẹ không để tâm lắm chuyện học hành của em, thi tốt thì tự mình vui, thi không tốt cũng tự mình buồn bã. Chịu không nổi thì chạy đến đây, hét to mấy tiếng thế là xong”.
“Hét lên?” Liêu Duy Tín trợn mắt nhìn người yêu lúc nào cũng lạnh lùng biết kiềm chế của mình, “Em sao?”.
“Ha ha, không tin à?” Bạch Ký Minh nhướng mày, “Biển cũng như thảo nguyên, cao nguyên, mấy sườn núi đất bazan, rất tốt cho việc luyện giọng”.
“Hét như nào? Vậy giờ luyện giọng được không?” Liêu Duy Tín hứng thú hỏi.
Bạch Ký Minh cong môi cười, hai tay đưa lên miệng, hét lớn: “Bạch Ký Minh - mày là một thằng đại ngốc!”. Tiếng hét lanh lảnh, phủ lên sóng biển, vang đi rất xa.
Liêu Duy Tín mới đầu ngạc nhiên, sau thì bật cười, bắt chước cậu, cũng hét lên: “Bạch Ký Minh -mày là một tên nhóc xấu xa!”.
Rồi hai người cùng nhìn nhau cười.
Bạch Ký Minh đưa tay ra, nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt Liêu Duy Tín, găng tay bằng len thô ráp cọ lên má, nhưng lại làm Liêu Duy Tín cảm thấy rất ấm áp.
“Liêu Duy Tín.” Giọng cậu rất nhẹ, ánh mắt tĩnh lặng dịu dàng.
“Cái gì?”
“Em yêu anh.”
Liêu Duy Tín không nói gì, hít một hơi thật sâu, chậm rãi ôm người yêu vào lòng, ôm thật chặt. Đột nhiên anh cảm thấy, bất luận trước đây mình đã hy sinh những gì, sau này phải hy sinh thêm những gì, đều xứng đáng cả.
Hai người ngồi ở bờ biển rất lâu, sau đó ăn trưa ở bên ngoài, ăn xong đi dạo cả buổi chiều ở con phố sầm uất nhất của thành phố H, đến hơn sáu giờ mới về nhà ăn tối.
Bữa tối hôm nay, mọi người đều thấy tự nhiên hơn. Mặc dù mẹ Bạch Ký Minh vẫn có thái độ lạnh nhạt, không chê dở cũng không khen hay. Thi thoảng hỏi Liêu Duy Tín vài câu, câu nào cũng hàm ý sâu xa. Bố cậu thì vẫn ít nói như thường, hơi tí lại nâng cốc uống rượu.
Ăn xong, ông với Liêu Duy Tín ngồi xuống sô pha cùng xem ảnh hồi nhỏ của Bạch Ký Minh.
Bây giờ Bạch Ký Minh gầy là thế, mà hồi nhỏ mũm mĩm, trắng trẻo hồng hào. Mắt to đen nhánh như hạt nhãn, bức ảnh nào cũng hơi bĩu môi, như thể đang dồi hờn ai.
Bố cậu vừa lật ảnh, vừa kể cho Liêu Duy Tín nghe, năm đó ông và vợ đều là công nhân xây dựng, làm công trình ở Đường Sơn, không có thời gian chăm sóc cho Bạch Ký Minh. Từ bé Bạch Ký Minh đã có biểu hiện khép kín vô cùng nghiêm trọng, không hòa đồng, ghét tất cả những bạn nhỏ khác, càng không thích người khác chạm vào đồ của mình, khả năng tấn công cũng mạnh. Có lần ở nhà trẻ, có một đứa bé biệt hiệu là Đại ca ςướק đồ chơi của Bạch Ký
Minh. Đứa bé đó rất nghịch ngợm, lũ trẻ đều sợ nó. Bạch Ký Minh không nói gì, đợi đứa bé cầm đồ chơi bỏ đi, liền lao vào cắn tai nó. Các cô giáo sợ muốn ૮ɦếƭ, mãi mới lôi Bạch Ký Minh ra được, đứa bé đó mặt đầy máu, tai suýt nữa thì bị cắn đứt. Bố mẹ nó cũng là đồng nghiệp của bố mẹ Bạch Ký Minh, đến giờ vẫn thường lấy việc này ra làm chuyện cười.
Sau khi đi học, Bạch Ký Minh cởi mở hơn nhiều, nhưng bố mẹ vẫn không có thời gian chăm sóc cậu. Cậu cũng không để bố mẹ phải bận tâm, không đánh nhau, không cãi lộn, không gây rắc rối, đến tuổi dậy thì cũng chẳng tỏ ra cứng đầu khó bảo hay yêu đương. Thành tích học tập không phải tốt nhất, nhưng luôn đứng giữa lớp, biến động rất ít.
Đến khi cậu tốt nghiệp cấp hai, bố mẹ đã nhận ra, họ không thể quản nổi đứa con này rồi. Đơn dự thi lên cấp ba, hồ sơ đại học bao gồm chọn ngành học, tất cả đều do Bạch Ký Minh quyết định. Cậu không bàn bạc với bố mẹ, mà bàn bạc cũng chẳng để làm gì. Cậu biết mình đang làm gì, dường như cũng có lý tưởng và nguyên tắc, chỉ có điều chưa bao giờ nói với người nhà thôi.
Bạch Ký Minh một mình cầm giấy trúng tuyển đến trường đại học báo danh, kết quả thi cuối kỳ bao nhiêu điểm, thi tiếng Anh cấp bốn cấp sáu, thi chứng chỉ tin học cấp hai cấp ba, cậu cũng không nói gì với bố mẹ. Mỗi lần được hỏi, cậu đều trả lời: “Cũng được, tạm ổn, bình thường”. Sau đó ra trường tìm việc làm. Trong thời đại cử nhân nhiều như lá mùa thu, muốn tìm được một công việc ổn định không dễ dàng gì. Thi cao học? Thi công chức? Thi TOEFL, GRE, IELTS? Những thứ này Bạch Ký Minh chưa từng nghĩ đến. Không biết tại sao, cậu chỉ muốn ở lại thành phố s.
Mẹ từng gọi điện bảo cậu: “về nhà đi con, mất ít tiền kiếm một công việc tử tế”.
Cậu trả lời: “Mẹ đừng lo cho con, mình con sống ở thành phố s cũng không khó khăn mấy”.
Bây giờ Liêu Duy Tín mới hiểu lý do vì sao mỗi khi có chuyện Bạch Ký Minh đều làm theo ý mình, không bàn bạc với ai cả.
Bạch Ký Minh thấy Liêu Duy Tín và bố cậu nói chuyện vui vẻ nên tâm trạng rất tốt, chen vào nói: “Bố không có kể xấu con chứ?”.
Liêu Duy Tín cười: “Cậu làm chuyện gì xấu mà sợ bị phanh phui?”. Ngẩng đầu nhìn thấy hàng lông mi dày và cái mũi xinh xắn của cậu, không nhịn được lấy tay véo má cậu một cái, “Không ngờ lúc bé cậu béo múp míp thế mà giờ chẳng có tí thịt nào?”.
Anh chưa nói hết, đã nghe mẹ cậu cao giọng từ phía sau: “Ký Minh!”.
Ba người nhất thời quay lại nhìn, mẹ cậu nhận ra sự mất bình tĩnh của mình, có chút ngượng ngùng, nhưng cơn giận vẫn không hề giảm: “Ký Minh con lại đây, giúp mẹ rửa bát”.
Bạch Ký Minh quay đầu nhìn Liêu Duy Tín, ánh mắt vô cùng chán nản. Liêu Duy Tín mỉm cười an ủi cậu, nhìn theo bóng cậu bước vào bếp.