Số 506 Amersfoort không thể dùng cái chân trước bên trái trong mấy tuần lễ vừa rồi. Móng nó mọc dài như của một nàng bò cái trong phim hoạt hình, tôi sợ nó đã bị sung huyết chân. Tôi thấy buồn nôn khi nghĩ đến lũ bò đứng trên bãi phân của chúng, với chiếc móng bị thối ruỗng. Bố tôi luôn cẩn thận cắt móng kịp thời cho chúng. Khi người cắt móng cho bò đến nông trại, tôi thay thế bố tôi làm các việc ngoài đồng – nhưng bây giờ ai làm hộ tôi đây ? Ngày nào trong lúc nhọc nhằn làm nốt khâu cày ải mùa thu, tôi cũng tự nhắc mình phải gọi thợ cắt móng. Nhưng tôi còn phải tìm ra thời gian để hỗ trợ ông ta nữa chứ. Chỉ chắc chắn một điều là để đầu óc lang thang đến một nơi cách xa thực tế hàng vạn dặm thì chẳng giúp ích gì được. Ai đó cần phải nói cho Désirée biết là nụ cười nắng hè của cô ấy làm cho con bò tốt nhất của tôi sắp què đến nơi.
Cuối cùng tôi cũng gọi được người thợ cắt móng, và một sáng nọ chúng tôi bắt tay vào việc. Sau hai tiếng đồng hồ, bọn tôi vào nhà uống cà phê để nghỉ một lát, thì đùng một cái Désirée gọi điện. Tôi đã khép cửa bếp để phòng trường hợp phải nói một vài điều mà ông thợ cắt móng không cần nghe. Nhưng cô ấy không gọi đến để buôn chuyện. Cô ấy khóc nấc trong điện thoại.
- Em phải đến gặp anh ngay lập tức. Em có chuyện này phải nói với anh. – Cô nói. – Mấy giờ thì có xe hả anh ?
Tôi cảm thấy tóc tai mình dựng hết cả lên. Ngày N đã điểm. Giờ thì cô ấy chuẩn bị nói là cô ấy đã quá mệt mỏi với tôi, và tôi sẽ chỉ còn biết ngồi ôm cái móng chân của con 506 Amersfoort cho qua ngày đoạn tháng. Cuộc đời tôi sẽ quay về vạch xuất phát cho những vòng ảm đạm mới, kéo dài mãi mãi. Amen.
Tôi nhìn mình trong gương. Cái mũ len màu nâu phối cam đã cũ sờn ụp trên mớ tóc bù xù, thưa hẳn so với trong trí nhớ của tôi. Là tôi đây ư ? Lần cuối tôi nhìn mình trong gương là khi nào nhỉ ? Mà cô ấy lại còn cất công đón xe đến tận đây để nói lời chia tay vào mặt tôi nữa chứ! Thật là thanh lịch làm sao!
Tôi ỉu xìu đọc cho cô nghe giờ xe chạy, trước khi lê bước đến chuồng bò để kết thúc công việc với ông thợ cắt móng. Sau đó tôi chuyển sang vắt sữa, và Désirée đến đúng lúc tôi đang cho bò ăn, hai tay đút túi, chiếc mũ có đính mấy cây nấm kéo sụp xuống tận tai. Cô cẩn thận trèo lên bục cấp thức ăn và bước đến chỗ tôi, vừa đi vừa nhảy tránh những cái đầu bò. Tôi dừng chiếc xe cút kít lại và đứng yên, người căng như dây cung.
Đến bên tôi, cô vòng tay ôm tôi và áp má vào bộ quần áo bảo hộ gớm ghiếc của tôi.
- Anh đúng là chuẩn! – Cô thốt lên. – Mà cái mũ của anh xấu thật đấy!
Giọng điệu của cô như thể đang nói với tôi: “Anh nghe kìa, họ đang chơi bản nhạc của chúng mình!”.
Ngay lúc đó, ánh sáng trong chuồng bò rực rỡ hẳn lên. Thỉnh thoảng chuyện đó cũng xảy ra, vào dịp cuối hè, khi chúng tôi ngừng quạt thổi rơm và điện áp đột ngột đầy đủ để thắp sáng tối đa các bóng đèn. Mọi thứ trở nên sáng rỡ, và chúng tôi nhận ra: phải rồi, thế này mới gọi là chiếu sáng chuẩn chứ!
Cô ấy không đến để nói lời chia tay.
Chúng tôi vào nhà uống trà, và tôi đã lôi ra phần còn lại của số bánh ngọt hương quế đông lạnh mà tôi đã đãi ông thợ cắt móng. Sau đó, Désirée bắt đầu kể về người đồng nghiệp mất phương hướng của cô ấy.
Cuộc đời tôi chật rồi,
Thử một cái khác thôi.
Đã dùng rồi, hay mới,
Nào đâu quan trọng gì.
Inez đã mua mấy cái tủ tài liệu của một doanh trại quân đội khi nó bị giải tán vào thập niên bảy mươi. Trong suốt hai mươi năm qua, chị dùng nó để sắp xếp hồ sơ.
Trước tiên là hồ sơ về các thành viên trong nhà chị, cho đến tận thế hệ thứ bảy. Chị đã lập nên một cây phả hệ. Sau đó tôi hiểu ra mọi thứ đã bắt đầu như vậy.
Nhưng tại sao lại chỉ thu thập thông tin về những người đã ૮ɦếƭ từ lâu?
Thế là chị bắt đầu lập hồ sơ về hàng xóm, đồng nghiệp, bạn học cũ. Bạn bè thì chị không có.
- Tôi chưa bao giờ bận tâm đến việc kết bạn. – Chị nói thẳng thừng. – Chuyện đó chỉ dẫn đến sự vay trả, nhức đầu lắm. Người ta sẽ cảm thấy không được tự do thoải mái.
Chị có hồ sơ về siêu thị gần nhà, về người gác dan và người đưa thư của khu nhà mình. Chúng không được chi tiết cho lắm.
- Rất khó tìm được thông tin về họ. – Chị tiếc rẻ. – Tôi phải trực tiếp quan sát, và thỉnh thoảng phải tìm kiếm thông tin trong các mục rao vặt về đám cưới, thôi nôi, hoặc cáo phó trên các báo. Nhưng tôi không đến tận nhà để gặp họ.
- Quan sát trực tiếp là thế nào ạ? – Tôi thắc mắc.
Inez mỉm cười hài lòng.
- Cô không bao giờ nhận ra chuyện đó, đúng không?
- “Nhận ra” nghĩa là sao ạ?
- Không phải là theo dõi đâu. – Chị nói. – Tôi không thích nhúng mũi vào cuộc sống riêng của người khác, tôi không muốn làm hại ai, và cũng không tiếp tay cho ai hết. Tôi hoàn toàn không có ý định tận dụng những thông tin này. Những gì tôi thu thập được thường là không đáng quan tâm. Mà dù sao đi nữa, tôi cũng đã thỏa thuận với một luật sư để ông ta tiêu hủy toàn bộ các tài liệu này mà không đọc chúng, sau khi tôi qua đời. Nói thế, nhưng nếu cô muốn thì tôi sẽ cho cô xem hồ sơ của cô.
Chị đi lấy một hộp tài liệu bằng kim loại có màu xanh lục có ghi chữ Đồng nghiệp, rồi rút ra một tập hồ sơ. Nó khá dày.
- Ngồi xuống đi. – Chị bảo tôi cứ như tôi là một cô chó lơ ngơ, rồi đặt tập hồ sơ lên bàn, trước mặt tôi.
Trong đó có những tấm ảnh đen trắng chụp tôi ở thư viện, ngoài phố và trên ban công nhà tôi. Tấm ảnh cuối cùng này có vẻ như được chụp từ bên kia đường, dưới vỉa hè. Tấm ảnh trong thư viện hơi bị mờ, như thể được chụp từ xa rồi phóng lên.
- Tôi có tất cả những thứ cần thiết để rửa ảnh trong phòng tắm. – Chị khoe một cách tự hào.
Trong hồ sơ có thời gian biểu đi làm của tôi cho đến tận ngày hôm nay. Có các thông cáo, các biên bản họp công đoàn, và những tin nhắn mà tôi đã ký và gửi cho mọi người. Có cả một tập nhỏ ghi chữ trang phục, trong đó chị đã ghi chép chính xác các màu sắc và chất liệu ưa thích của tôi, kèm thêm vài nhận xét về những bộ cánh tôi từng mặc: “Lễ Giáng sinh, váy xếp ly màu đỏ, áo cánh dài, sơ mi cổ bẻ”; “15 tháng 5, áo vest xanh biển, quá rộng. Của ông chồng quá cố chăng?”. Ngoài ra còn một danh sách các đầu sách tôi từng mượn và các phiếu tính tiền ở tiệm tạp hóa tôi hay mua sắm.
- Đây là các hóa đơn của cô đấy! – Chị nói. – Cô có phiền khi bị tôi chụp lén và nhặt lại các phiếu tính tiền của cô không?
Thành thực mà nói, tôi không thể trả lời có, nhất là với cái cách chị ấy đang nhìn tôi, đầu nghiêng nghiêng, bí hiểm như một con chim sẻ.
Từ trong tập hồ sơ, tôi lôi một chiếc khăn tay trắng thoang thoảng thứ mùi thân quen. Chị đỏ mặt.
- Phải, của cô đấy! – Chị nói. – Thường thì tôi không lưu trữ đồ vật. Nhưng tôi muốn tìm ra cái mùi nước hoa này. Eternity của Calvin Klein, phải không? Tôi đoán thế, sau khi ghé gian hàng nước hoa ở Domus.
- Nhưng chị biết tất cả những chuyện này để làm gì? Không phải chỉ vì chị thích phân loại và lưu trữ, đúng không? Chị định viết tiểu thuyết à?
Đó là suy nghĩ vừa nảy ra trong đầu tôi. Tôi từng nghe kể về những tác giả có cách làm việc tương tự.
- Không hề. – Chị đáp, tỏ vẻ khó chịu. – Đã có quá nhiều cuốn tiểu thuyết như vậy rồi. Nhưng mà... thỉnh thoảng thôi nhé... tôi thử sống cuộc sống của các cô, gần giống như người ta thử quần áo ở cửa hàng. Họ không hề có ý định mua, nhưng vẫn muốn ngắm nhìn mình với một thứ gì đó mới mẻ trên người. Tôi bước ra ban công, và hình dung tôi là cô, trên ban công nhà cô, vào một ngày mùa xuân, mặc trên người chiếc áo đan móc cũ và đội trên đầu chiếc mũ có mấy cây nấm. Tôi nhấm nháp món khoai tây chiên giòn mà cô hay mua. Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng ra mình có mái tóc vàng, mỏng, và tôi chỉ mới ngoài ba mươi. Ý tôi là, tôi đã chuẩn bị trước đó. Tôi đã mua túi khoai, tôi cũng đã định mua một lọ Eternity nhỏ cơ đấy! Và tôi đứng ngoài ban công, say nghĩ đến chuyện ngày hôm sau mình sẽ mặc đồ gì, chiếc váy dài màu xanh lá, hay quần jean áo thun? Tôi sẽ ăn trưa với cô bạn thân, hay ra nghĩa trang? Sau đó tôi nghĩ tới ông chồng quá cố, phải, cô biết đấy, tôi đã nhiều lần trông thấy Örjan khi anh ta đến đón cô! Nhưng tôi không quá để tâm vào điều đó! Những cảm xúc thực của cô không làm tôi bận tâm.
- Hồ sơ của em dày thật đấy. – Tôi nói khẽ. – Em thấy chị không lưu trữ nhiều đến thế về Liliane.
- Cuộc sống của cô ta không hứng thú lắm đối với tôi. Chủ yếu là một vài quan sát bề nổi, vì khi tôi là một người khác, cô ta thỉnh thoảng cũng lọt vào tầm mắt của tôi. Với lại, cô ta cũng có quyền được nhận được quà sinh nhật như mọi người!
Muốn đọc truyện hay vào ngay Thích Truyện: http://thichtruyen24h.com
Quà sinh nhật! Hóa ra đây là lý do chị rất có năng khiếu trong việc chọn quà!
- Còn cô thì ngược lại, cô đã khơi lên sự hiếu kỳ của tôi. – Inez nói. – Cô, cũng giống như tôi, thuộc nhóm người thích quan sát hơn là tham gia. Nhưng tôi nghĩ cô quá nôn nóng nên chưa thể lưu trữ những thứ cô nhìn thấy. Biết đâu sau này cô sẽ có khả năng đó.
Chị nói cứ như một giáo viên tiểu học ấy. Sau này lớn lên em sẽ biết thôi, cưng à! Nhưng thực sự chị là ai mới được?
- Chị có thể nói điều gì đó về cuộc đời em mà em không biết, được không? – Tôi đột ngột hỏi.
- Được chứ. – Chị đáp. – Tôi có thể nói, nhưng tôi không muốn làm điều đó. Như vậy là gian lận. Và biết đâu cũng nguy hiểm nữa? Giống như trong mấy cuốn truyện khoa học giả tưởng, cô biết đấy, khi ai đó thay đổi một chi tiết nhỏ trong quá khứ, hiện tại sẽ hoàn toàn bị đảo lộn. Thế nên, tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là thỉnh thoảng tôi thử sống cuộc sống của cô trong một lúc. Tôi chỉ mượn thôi. Chứ không làm hỏng nó!
Tôi từng nghe một nhà khoa học người Phần Lan nói rằng người ta chỉ bình thường khi chưa được xem xét đủ kỹ. Tại sao vẽ sơ đồ cuộc sống của người khác lại có vẻ điên hơn là quan sát chim chóc? Rõ ràng Inez không điên hơn tôi, cũng chẳng cay nghiệt hay ủy mị hơn. Chị chỉ thực tế, hiệu quả và rất mơ mộng.
- Người mới. – Chị nói. – Anh chàng khiến tôi tò mò. Hoặc anh ta hoàn toàn không dành cho cô, hoặc anh ta là người duy nhất khả dĩ.
- Benny á? Phải rồi, Inez, em phải làm gì với Benny đây?
- Tôi không bao giờ đưa ra lời khuyên. – Inez đáp.