Anh Chàng Mộ Bên - Chương 05

Tác giả: Katarina Mazetti

Việc cày ải mùa thu đã chấm dứt. Tôi đã quyết định sẽ không làm lụng quá nhiều trong cánh rừng mùa đông năm nay, chỉ tỉa tót nhăng nhít mấy cành cây thôi. Giờ là lúc tôi bảo dưỡng máy móc. Tôi cũng có thể đổ bê tông một hầm ủ phân mới và sơn lại kho dụng cụ.
Nhưng tôi chẳng làm gì.
Ngày nối ngày, có những lúc tôi từ chuồng bò về đến nhà là buông người xuống băng ghế trong nhà bếp và cứ nằm yên đó, mắt nhìn cắm lên trần nhà. Hễ nhìn ra cửa sổ là tôi lại thấy những thứ còn dang dở. Thỉnh thoảng tôi đọc tờ Nhà nông, cả phần tin tức lẫn những mẩu rao vặt trong mục Gia đình, và tất cả những tin cáo phó ở trang địa phương. Có bắt tay vào việc gì cũng vô ích, chẳng mấy chốc lại đến giờ vắt sữa bò.
Năm năm trước, trong làng còn hai đứa chúng tôi làm nông. Bengt-Gӧran cũng tiếp quản trang trại của ông già, chúng tôi cũng thỉnh thoảng gặp nhau buổi tối để cùng uống chầu bia. Chúng tôi trao đổi với nhau về khả năng nhập hai đàn bò sữa và xây dựng một xưởng vắt sữa độc lập. Nhưng ông anh rể của cậu ta vốn là nhà kinh tế làm việc trong hội đồng địa phương, đã phán rằng thương vụ này cầm chắc thất bại. Sau đó cậu ta gặp Violet, một cô nàng ưa du lịch. Bengt-Gӧran lo ngay ngáy viêc cảnh cô nàng bị mồi chai trên bãi biển mởi những gã rám nắng, иgự¢ lông lá, cổ lủng lẳng dây chuyền vàng với chiếc thánh giá, và trước khi mọi người kịp định thần, cậu ta đã bán đàn bò và bám theo Violet tới những miền nắng gió. Cậu ta chuyển sang nuôi bò thịt, hợp đồng với một tay trên thành phố để hắn chăm lo cho đàn bò khi cậu ta vắng mặt. Vào mùa đông, cậu ta mải miết kiếm tiền với chiếc xe ủi tuyết. Bây giờ tôi hiếm khi gặp cậu ta.
Mùa thu năm ngoái, trước khi biết bệnh tình của mẹ, tối nào tôi cũng lái xe đi thăm thú mọi người. Những người còn bám trụ lại trong làng ấy. Người già mời tôi cà phê và kể lể về bệnh tật của mình, trong khi những người trẻ hơn luôn bận dỗ cho con ngủ hoặc sơn lại tủ bếp. Nhưng mỗi khi có cô em họ hoặc cô bạn vợ đến chơi, họ lại mời tôi dùng bữa tối thứ Sáu để cho đủ cặp. Chúng tôi ăn thịt nai quay, uống vài ly rượu, thỉnh thoảng còn nhảy đầm nữa. Không chóng thì chầy tôi sẽ được bỏ lại cùng với một cô gái, và nếu tôi đủ say, hai đứa chúng tôi sẽ đi kiếm chỗ nào đó để vui vầy một chút, nhưng không bao giờ tiến xa hơn. Mùa thu này, tôi không lấy xe đi đến nhà bạn bè một lần nào, nhưng cũng có mấy người quá bộ đến chơi. Tôi là hàng – xóm – tốt mà lại. Trên trán họ in rành rành như thế. Nhưng cũng có thể tôi chỉ tưởng tượng vậy thôi.
Hôm nọ, lúc tôi đến ngân hàng trong thành phố, tôi gặp cô nàng màu be. Cô ta đi vào thư viện và không mang theo sách, theo như thôi thấy. Tôi tự nhủ có khi cô ta làm việc trong đó cũng nên. Thế rồi…sau khi đã xong việc ở nhà băng, trên đường về đôi chân của tôi tự bước đến cửa kính thư viện. Phải, chúng nó tự đi đấy. Thế là tôi bước vào. Hài không chịu nổi!
Dưới ánh sáng mặt trời chiếu qua mái kính của quầy tiếp tân, tôi hơi chột dạ và kín đáo quay đầu hít thử xem áo khoác của mình có mùi chuồng bò hay không.
Rồi tôi thấy cô ta. Cô ta đang cúi người nói chuyện với một em bé, tay chỉ vào thứ gì đó trong cuốn sách. Cả hai cùng cười.
Tôi tiến lại gần và chạm ngón tay vào vai cô. Cô nàng thẳng người lại, mặt hơi nhăn nhó. Lúc nhìn thấy tôi, cô ta có vẻ luống cuống và hơi sợ. Thật ra tôi cũng đâu có can đảm gì.
- Hơ… chào cô. Cô có… cô có cuốn sách nào về nuôi ong không? – Tôi biến báo, cô không để lộ nụ cười sát thủ của mình.
- Tôi nghĩ là có. À mà… chào anh! – Cô ta chỉ nói vỏn vẹn có thế. – Anh chỉ cần hỏi ngoài quầy tiếp tân. Lúc này đang là giờ nghỉ trưa của tôi.
Kẻ Thất Bại Cấp Quốc Gia thu toàn bộ năng lượng để tung một cú quyết định:
- Cô có muốn… đi thăm nghĩa trang không?
Cô ta nhìn tôi hồi lâu.
- Này, tôi thừa biết anh nói câu này với mọi cô gái. – Cô ta nói, và nở nụ cười của một cô bé đi nghỉ hè.
Từ khoảnh khắc đó, tôi chẳng còn nhớ được gì, nhưng tôi biết không còn gì khó xử hay lạ lùng nữa.
Cô lấy áo choàng, và chúng tôi rời thư viện. Thậm chí tôi còn nhớ là chiếc mũ len xù của cô rất dễ thương. Với mấy cây nấm.
Chúng tôi vào một nhà hàng. Tôi chẳng còn nhớ bọn tôi đã ăn gì hay nói gì. À, có một chuyện. Khi tôi định trả tiền cho cả hai, cô ấy lên tiếng: “Cám ơn anh nhé. Thật đấy. Hôm nay là sinh nhật của tôi. Lần thứ ba mươi lăm. Đây là một món quà dành cho tôi”.
Ngay lập tức tôi hiểu ra vấn đề.
Cô ấy không có món quà nào khác.
Và tôi đã yêu cô ấy mất rồi.
Nó không hẳn là một cú hích. Nó giống như khi tôi chạm vào hàng rào điện nhưng không bị toi mạng thì đúng hơn.
Cả cuốn lịch trống trải
Không ai hẹn đi chơi,
Những ngày rằm trăng tỏ
Ai hẹn thì xin mời
Lúc đó tôi đang nói chuyện với một bé gái cứ nhất quyết cho rằng Bạch Tuyết là người ngu ngốc. “Thậm chí không nhận ra bà dì ghẻ mang táo đến! Quá ngớ ngẩn!”. Con bé đã nói thế. Cả hai chúng tôi đều bật cười.
Rồi ai đó gõ vào vai tôi. Tôi suýt nữa thì tưởng đó là cánh tay công lý, hóa ra là anh chàng Chủ Rừng! Anh ta khoác chiếc áo sặc sỡ như thường lệ, nhưng đã bỏ mũ. Một lọn tóc màu xám lòa xòa trước trán anh chàng. Anh ta có vẻ tức giận và công kích cái gì đó rất khó hiểu bằng giọng nói như ra lệnh. Tôi nhủ thầm chắc anh ta phản đối cách thức chăm sóc mộ của tôi, và phải mất một lúc tôi mới hiểu thật ra anh ta cần tìm một cuốn sách.
- Anh hỏi ngoài quầy tiếp tân ấy, lúc này tôi đang nghỉ trưa. – Tôi mắng luôn.
Gương mặt anh ta đột nhiên căng cứng một cách mất kiểm soát. Rồi anh ta hỏi tôi nghĩ như thế nào nếu đi dạo ngoài nghĩa trang cùng với anh ta.
Cô bé con nhìn anh ta một cách chăm chú.
Bỗng dưng tôi hiểu ra mình đã nhầm lẫn đâu đó và bỏ lỡ một số chi tiết.
Chúng tôi đã đi ăn trưa cùng nhau. Anh ta ăn một lượng thịt hầm đáng kể cùng với củ cải đường và bánh mì. Anh ta còn uống sữa, uống ừng ực ấy, trong khi tôi chỉ làm mỗi một việc là sưởi ấm bằng nụ cười của anh ta. Không có cái mũ trên đầu, khuôn mặt anh có vẻ ân cần, không ảo não cũng chẳng già nua, mà rất chân thực. Còn mái tóc rối, không còn từ nào để mô tả nó ngoài từ “quyến rũ”.
Chúng tôi đã trò chuyện, nói những thứ vui vẻ và bâng quơ chẳng đâu vào đâu. Chúng tôi không hề nói về Kristeva hay Lacan – theo những gì tôi còn nhớ được, câu chuyện xoay quanh mấy con yêu tinh, các bước khác nhau trong việc đổ bê tông, lũ chim sẻ đất vàng, thánh đường Saint Pierre ở Roma, và móng của ngón chân cái. Anh ta nói nhanh đến nỗi tôi tưởng như anh ta nói bằng tốc độ của suy nghĩ.
Không hiểu làm thế nào tôi đi kể rằng hôm nay là sinh nhật tôi, và anh chàng hiểu ra tôi chưa nhận được quà.
- Cô đi với tôi! – Anh ta nói.
Anh đội mũ lên đầu, và dùng đôi tay rắn chắc giúp tôi khoác áo choàng. Sau đó, với những bước đi như chạy, anh lôi tôi đến cửa hàng bách hóa Domus, và bắt đầu mua các món quà. Anh hỏi tôi thích thứ gì, rồi bảo tôi nhắm mắt lại mỗi khi anh ra một quyết định. Chúng tôi đi khắp ba tầng lầu, rồi ngồi vào quán cà phê để ăn vài cái bánh kem nhỏ.
Anh đã rải đều trên bàn tất cả những gói quà rất dễ thương, rồi nhìn tôi một cách sốt ruột. Tôi vào cuộc với một sự vội vã thực lòng, và xé giấy gói của tất cả chỗ quà, cùng với những tiếng “Ồ!”, “A!” và “Nhiều quá!”.
Ở tầng trệt anh đã mua đôi hoa tai hình chuột Mickey, một bánh xà phòng hình con bướm, và một chiếc quần bó màu tím hoa cà. Tại tầng một, anh mua một quả bóng màu đỏ, bóng bẩy, một tấm áp phích tả bóng của một đôi tình nhân tay trong tay đi trên mặt biển về phía mặt trời mọc, Ⱡồ₦g trong hình một vỏ ốc to tướng, và một chiếc mũ cũng dễ ghét như mũ của anh, nhưng không có chữ Hiệp Hội Chủ Rừng.
Trong gói quà cuối cùng là một chiếc kèn harmonica.
- Em biết thổi harmonica không?
Tôi lắc đầu.
- Càng tốt! Anh cũng chẳng biết thổi! Anh biết chúng ta có một số điểm chung mà. – Anh chàng mỉm cười.
Đang chuẩn bị cắm nĩa vào chiếc bánh ngọt thứ ba, toàn thân anh bỗng cứng lại. Anh vừa liếc nhìn đồng hồ.
- Anh phải đi đây! – Anh kêu lên. - Đáng lẽ anh phải quay về từ mấy tiếng trước.
Anh đứng phắt dậy, làm chỗ giấy gói và các món quà nhảy lưng tưng, rồi lao bổ đến chiếc thang máy. Đúng lúc đặt một chân vào trong đó, anh quay lại.
- Em tên gì? – Anh hét lên.
Tôi thấy mình như con ngốc khi hét toáng đáp lại:
- Desiréeeeee !
Mấy người khách chung quanh có lẽ tưởng tôi mới từ trên trời rơi xuống.
- Cái gììì? – Tôi nghe tiếng anh từ buồng thang máy vọng ra, rồi anh biến mất.
- Còn mày, tao nghĩ tên mày là Lọ Lem – Tôi lẩm bẩm với chiếc bánh ngọt. – Cẩn thận kẻo rơi mất giày đấy!
Không khí trong phòng nhân viên của thư viện thật khó tả khi tôi quay lại, muộn ba tiếng đồng hồ, vì không có cái bánh Công chúa nào.
Tôi đã phải trả giá quá đắt. Tôi không nói về mấy món quà, không hề. Khi bước vào chuồng bò muộn giờ vắt sữa một tiếng rưỡi đồng hồ, lũ bò không tặng cho tôi món quà nào. Chúng đã ăn hết chỗ rơm, nằm lên đống phân của mình và trở lên ương ngạnh đến nỗi làm tôi tốn rất nhiều thời gian. Chỉ đến khi chuyển sang khâu dọn dẹp, tôi mới sực nhớ ra mình đã vắt sữa con bò đang bị chích peniciline. Sữa của nó đã được đổ vào thùng chứa, và việc đó đồng nghĩa với một điều duy nhất: tôi buộc phải bỏ đi hai mươi tư giờ sản xuất sữa, và ngoài việc nó khiến tôi mất toi hàng ngàn couronne mà tôi đang thiếu, tôi sẽ còn phải mất hàng giờ đồng hồ để tống khứ hết chỗ sữa. Nhưng có thể cũng xứng đáng! Phải, đáng lắm!
Tôi chưa từng phạm một sai lầm tương tự như thế kể từ năm mười lăm tuổi. Hồi đó mẹ tôi đi giúp việc nhà, còn tôi đảm trách việc vắt sữa buổi tối, sau khi đi học về. Ngày hôm đó, bọn tôi phải chuẩn bị cho một bài kiểm tra toán kinh khủng vào hôm sau, và đầu óc tôi để đâu đâu, nơi một định để nào đó, vì tôi muốn có điểm số tốt. Đó là một việc tối kỵ. Người nông dân lúc nào cũng phải cảnh giác như phi công chiến đấu, bố tôi đã nói như thế. Nếu không, họ sẽ nằm bẹp dưới gầm một chiếc máy kéo điên rồ, hoặc lãnh một cái sừng vào giữa bụng, hoặc tiện ngang đùi mình bằng cưa máy. Lần đó, chúng tôi đã phải đổ bỏ bảy trăm lít sữa, bố tôi đã phải nhúng đầu vào thùng chứa nước mưa cho nguội bớt hỏa khí, nhưng ông không nói một câu nào. Tôi biết suốt cả cuộc đời ông luôn tự dằn vặt mình vì mấy ngón tay bị mất vào cưa máy của tôi, hồi năm tôi bốn tuôi.
Chỉ có điều, điểm số môn toán cũng chẳng giúp ích gì cho tôi. Khi bố mất, tôi bỏ học để làm trang trại. Mẹ tôi không đồng ý, bà thà từ bỏ nông trại còn hơn, mặc dù đó là tài sản thừa kế từ ông bà ngoại. Tôi đã tự ra quyết định vào một đêm hè, khi nhìn thấy bà dưới gốc cây thanh lương trà to trong sân, hai tay ôm lấy thân cây, mắt nhìn cánh đồng mọc đầy cỏ dại.
Tôi có cảm giác mình như một người đàn ông thực thụ khi mấy thằng bạn học cũ trong lớp đến thăm. Tôi lái chiếc máy kéo lớn vào trong sân nhà, đi qua đi lại trong đôi ủng to tướng có mũi bịt sắt, và khạc thuốc lá nhai dở tứ tung. Với sự giúp đỡ của ông ngoại, mọi chuyện khá êm xuôi. Nhưng rồi ông cũng qua đời, và càng ngày tôi càng có ít bạn đến thăm. Chắc chúng nó cũng đã chán vì tôi lúc nào cũng bận làm việc ngoài đồng, còn trong những dịp hiếm hoi gặp nhau, tôi chỉ toàn nói về trọng lượng thịt hoặc giá gỗ nguyên liệu làm giấy. Tôi hiểu chúng nó quá mà.
Thôi, bây giờ phải tập trung. Đến khâu đo nhiệt độ cho bò, tôi không thể để mình sai sót dù chỉ một lần. Tôi phải cọ sạch cái bừa trước khi đất đóng cứng lại. Gọi cho bác sĩ thú y. Ngày mai đi ngân hàng. Tôi đang bị chậm trễ làm kết toán. Và tôi gần như không còn củi.
Trong nhà lạnh khủng khi*p, vì tôi không kịp bật bình nước nóng trước khi đi lo cho đàn bò. Đợi một giờ nữa mới có nước nóng. Sáng mai, tôi chắc chắn phải bửa củi. Để còn tắm sau khi vắt sữa buổi sáng. Bởi vì đơn giản là tôi phải vào thành phố để gặp lại cô ấy. Khỉ gió, hỏng bét rồi! Ngày mai người gieo tinh bò sẽ đến, cả bác sĩ thú y nữa, mà không có cách nào biết họ sẽ đến vào lúc nào! Khỉ gióóóó!
Cũng chẳng có thời gian đi chợ nữa. Hộp cá trích mở từ đời thuở nào chắc chắn sẽ gieo mầm bệnh cho tôi, và trong trường hợp tôi phải ૮ɦếƭ đứ đừ vì ngộ độc thực phẩm, cô ấy sẽ không bao giờ biết được. Cô ấy còn chưa biết tên tôi! Liệu cô ấy có cảm thấy khác thường khi tôi mất tăm mất tích không nhỉ?
Nhưng tôi đã biết tên cô ấy! Có lẽ thế. Tôi làm một lát bánh mì phết bơ. Bánh đã mềm, bơ cũng hơi ôi. Vừa trét bơ tôi vừa lọc tìm họ Walin trong quyển danh bạ.
Có tám người mang họ này cả thảy, nhưng không có tên nữ giới. Có một người tên D.Walin ở đường Kofferdist... Tôi không nghe rõ lắm khi cô ấy hét to tên của mình. Hình như tên gì đó bắt đầu bằng chữ D. Chỉ có kẻ Thất Bại Cấp Quốc Gia mới đi gọi điện cho một người không quen biết và yêu cầu được nói chuyện với một người tên là D.
Nhưng thứ Sáu tôi sẽ đến đó, đúng vào giờ nghỉ trưa.
Ôi, không! Ngày thứ Sáu, nhân viên kiểm tra chất lượng sữa sẽ đến. Khỉ gió! Khỉ… Gió!
Sáng hôm sau, tôi choàng dậy trên tấm thảm trong phòng khách với khoanh bánh mì cắn dở trong tay và nụ cười khoan khoái trên môi.
Chàng kỵ sĩ đã từng ngã ngựa
Linh vật tổ cũng bị mọt xơi
Máy hơi nước không ngừng cải tiến
Chỉ mặt trời cứ thế muôn đời
Vừa về đến nhà, tôi lột giày, nhảy lên ghế xa lông, tháo bức tranh sao chép của Kathe Kollwita mà Orjan quý còn hơn con ngươi mắt mình xuống. Bức vẽ bằng than chì thể hiện hình ảnh một người đàn bà mệt mỏi đang khóc. Thay vào chỗ của nó, tôi treo tấm áp phích hình cặp đôi trong vỏ sò.
Sau đó tôi cởi toàn bộ quần áo, đeo hoa tai chuột Mickey và xỏ chân vào chiếc quần bó màu hoa cà. Tôi rót một ly rượu glogg mà chẳng buồn hâm nóng, tự nâng ly chúc mừng. Đó là thứ rượu duy nhất tôi có ở nhà.
Sau đó, trong bộ dạng như thế, tôi dành cả buổi tối tập thổi harmonica bài Nào ta cùng gặt yến mạch và để đầu óc mình hoàn toàn tự do. Cuối cùng, tôi đi ngâm mình thật lâu trong bồn nước ấm, vừa tắm vừa nghịch quả bóng màu đỏ, và dùng bánh xà phòng hình con bướm để мơи тяớи da thịt mình.
Tôi đã từng có những sinh nhật ảm đạm hơn.
Ngay khi tôi nhủ thi*p đi thì chuông điện thoại reng. Thoạt đầu tôi nghĩ: làm thế nào anh ấy tìm ra số điện thoại của mình nhỉ? Nhưng hóa ra là Märta gọi từ Copenhague. Cô bạn chỉ muốn chúc mừng sinh nhật tôi, và xin lỗi vì không gọi điện sớm hơn. Hình như Märta và Robert bị cảnh sát bắt vì một lý do mờ ám nào đó, cô không thể giải thích kỹ hơn vì họ vẫn còn đang ở đồn. Tôi trả lời một cách lơ đãng, nên rốt cuộc Märta cũng nhận ra.
- Vậy là chuyện gì phải tới đã tới! – Märta có cái mũi thính còn hơn chó nghiệp vụ trong mọi hoàn cảnh, ngoại trừ những gì liên quan đến mình.
- Tớ đã gặp anh chàng mộ bên! – Tôi nói, rồi bật cười như một đứa trẻ.
Lần đầu tiên trong đời tôi đã làm Märta không nói lên lời. Sau đó có người nào đó gầm lên bằng tiếng Đan Mạch, và điện thoại bị cắt.
Ngày thứ Năm anh ấy không đến thư viện. Tôi làm rơi một ngăn đựng hồ sơ và xóa nhầm một tập tin quan trọng trong máy tính.
Thứ Sáu anh cũng không đến. Vào giờ nghỉ trưa tôi tháo đôi hoa tai chuột Mickey. Liliane chế nhạo chúng, chị ta bảo nó không hợp với tôi, lại còn xin lỗi tôi vì nói ra điều đó nữa chứ. Tôi cũng cười, và bảo đó là quà tặng của một trong những đứa nhỏ tham gia buổi đọc truyện cổ tích.
Sự thật cũng gần như thế còn gì.
Khoảng ba giờ chiều ngày thứ Sáu, Olof chuyển điện thoại cho tôi.
- Có người nào đó muốn nói chuyện với cô Wallin. – Anh ta nói. – Tôi nghĩ là của cô.
Dạ dày tôi quặn lên như thể vừa ăn phải thứ gì đó ôi thiu. Mấy ngón tay tôi khó khăn lắm mới giữ được cái ống nghe.
- DesiréeWallin xin nghe.
- Desirée? – Anh cất tiếng. Giọng anh ấm áp, với những nguyên âm rất mờ, nhưng chính là anh, không chút ngập ngừng. Tôi nhận ra anh ngay lập tức.
- Anh tên là Benny. Benny Soderstrom. Anh đã thử vận may với cái họ trên bia mộ. Wallin.
- Vâng.
- Ngày mai ta gặp nhau nhé? Hẹn em trước cửa nghĩa trang, khoảng một giờ chiều.
- Vâng. – Tôi vẫn trả lời cụt lủn. Tôi chưa thể nói tràn cung mây được.
Yên lặng một lúc.
- Bây giờ em đã biết chơi bài Nào ta cùng gặt yến mạch bằng harmonica đấy. – Tôi lên tiếng.
- Em cầm nó theo để dạy anh nhé.
- Mình có thể thổi harmonica trong nghĩa trang ạ?
- Em nghĩ cư dân ở trong đó có cách nào lên tiếng phản đối được không? Sau đó mình sẽ đi ăn. Anh chưa ăn gì từ hai hôm nay.
- Em cũng thế.
- Tốt rồi! – Nói xong anh cúp máy.
Olof nhìn tôi lom lom. Cuộc đối thoại có vẻ lạ lùng đối với anh ta. Sau đó anh ta cười buồn, và đưa tay vuốt má tôi. Hóa ra cuộc đời kém hạnh phúc của anh không phải không có tác dụng: anh biết cách nhận ra một cô bé bối rối ngay khi nhìn thấy.
Tôi làm rơi một hộp đĩa mềm xuống đất, rồi ngã phệt lúc cúi nhặt chúng. Và tôi bật cười như điên mà không tài nào kìm lại được.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc