Anh Chàng Bé Con - Chương 17

Tác giả: Vô Danh

Linh vừa lắc đầu, vừa cười, vừa chép chép miệng khi nghe tôi kể về những ngày cuối cùng của cấp ba. Em nhìn tôi một hồi rồi lại lắc đầu ngao ngán:
-Chuyện thật hay chém gió đấy?
-Chém gió đấy! – Tôi cười.
Em nở nụ cười, sau định nói điều gì đó nhưng lại thôi. Tôi để ý từ đầu cuộc nói chuyện tới giờ, em đã ngập ngừng khá nhiều lần. Phải chăng câu chuyện của tôi khiến Linh muốn mặc thêm áo ấm? Đùa chứ miệng tôi giống mắt bão vậy sao? He he!
-Tại sao có mỗi việc nói với Châu mà Tùng không làm nhỉ? Hồi cấp hai bạo lắm cơ mà! Không tin được Tùng luôn đó! – Linh thở dài.
-Mình cấp ba khác lắm! – Tôi cười.
-Điêu! Lên đại học, tớ thấy Tùng chẳng thay đổi gì cả, y như thời cấp hai ấy!
Tôi cười mỉm, trong lòng rất muốn giải thích cho em. Nhưng làm cái nghề tín dụng, ngày nào cũng phải mỏi mồm phân tích cái nọ trình bày cái kia nên tôi đã chán việc giải thích. Như mọi lần, tôi bèn tìm một lý do dễ nghe:
-Nói rồi thì sao chứ? Chẳng có cái gì của cấp ba tồn tại được qua đại học cả. Linh không để ý mấy đôi yêu nhau thời cấp ba toàn bốc hơi khi vào đại học à?
-Ờ, đa số thế. Nhưng mà… kinh nhỉ? Tùng nói như thể Châu chắc chắn sẽ thuộc về mình không bằng?!
-Ờ thì… Linh không cho mình bốc phét tí à? – Tôi nháy mắt.
Linh mỉm cười. Tôi nhận ra nụ cười của em không còn băng giá như hồi đại học. Phải, khi ấy, những nụ cười mà em dành cho tôi luôn ẩn chứa sự lạnh lẽo vô tận. Nó vừa khiến tôi ngây ngô dại khờ, lại vừa như lời cảnh báo mỗi khi tôi có ý định bày tỏ tình cảm. Sau thời gian đó, tôi đã nghĩ em không bao giờ muốn gặp mình nữa.
Cười nói một hồi, hai người chúng tôi lại rơi vào im lặng. Tôi ghét nó – sự im lặng. Suốt thời đại học, nó luôn tìm cách đẩy tôi ra xa khỏi Linh, để giờ đây, tôi cảm giác em ở bến bờ nào xa lắm, như thể nằm ở phía bên kia đại dương vậy. Tôi cũng không cố gắng vượt qua vùng đại dương xa xôi ấy, bởi thằng đàn ông thừa điên rồ để chinh phục mọi khoảng cách địa lý, nhưng lại chẳng đủ nghị lực để khỏa lấp khoảng cách trái tim. Nhưng giờ đây, Linh lại chủ động gặp tôi – một chuyện khá bất ngờ. Em có ý định gì đây? – Tôi cố gắng đoán già đoán non song bất lực.
Tôi ngó cốc café của Linh, cốc chỉ còn một phần ba. Tôi lại ngước lên tường và thấy đồng hồ đã chỉ năm giờ kém. Đã tới giờ tan sở, câu chuyện của tôi cũng nên kết thúc. Nhưng Linh thì không thế, em chẳng có vẻ gì là muốn rời khỏi quán café, gương mặt em vẫn đang đợi chờ tôi kể nốt những câu chuyện thời đại học. Đại học sao? – Tôi thở dài trong lòng.
-Về chưa? – Tôi hỏi.
-Chưa! – Linh đáp – Hôm nay mình rảnh mà, cứ ngồi đi!
-Bộ không về nấu cơm chắc? Thanh niên cà phê cà pháo thế này thì đất nước sao phát triển được!
Linh cười tươi. Em cúi đầu ngẫm nghĩ ít phút, sau hỏi:
-Tùng vẫn vẽ chứ? Đi làm rồi chắc không có thời gian nữa nhỉ?
-Vẫn vẽ chứ! – Tôi trả lời – Ít thời gian hơn thôi, ngày đi làm, tối về vẽ! Chấp nhận đi ngủ muộn vậy! Ừ, đam mê mà, không bỏ được!
-Mình nhớ hồi đó Tùng giành được vài giải thưởng vẽ đúng không? Sao Tùng không phát triển thêm nữa? Ý mình là Tùng trở thành họa sĩ hoặc theo nghề nghiệp gì liên quan đến vẽ ấy?
Một tia cười thầm khẽ nhá lên trong lòng tôi. Tôi đã từng kể với em về giải thưởng, nói về những dự định của mình sau khi tốt nghiệp. Chẳng gì thích thú bằng việc đạt được thành quả và chia sẻ thành quả ấy cho người con gái mình thích, nhưng nó sẽ là thảm họa khi cô gái chẳng hề quan tâm. Riêng tôi đã hứng chịu thảm họa ấy hai lần. “Ngu!” – bạn có thể chửi tôi thế. Nhưng có chắc rằng khi đứng trước người mình thích, bạn khôn ngoan hơn tôi không?
Tôi từng nghĩ mình đã trưởng thành, đã khôn lớn. Song thực tế không như vậy. Phải, những tháng năm đại học ấy… ôi, những ngày ấy…
*
* *
Sau lễ bế giảng cấp ba, hầu hết học sinh lao đầu vào học hành. Đối với tôi, ngoài ba môn khối A thì còn bốn môn thi tốt nghiệp. Thành thực mà nói, thi tốt nghiệp các cấp quan trọng tới đâu không biết, chỉ biết nó quá nhảm nhí. Bởi lẽ muốn rớt tốt nghiệp là… hơi bị khó (chôm câu “hơi bị ngon”). Thằng nào đã xác định thi đại học thì chẳng có lý nào nó rớt tốt nghiệp, mà kể cả những thằng không học hành cũng chẳng thể rớt. Trong phòng thi tốt nghiệp, hỏi bài quay cóp dễ ợt vì đa số giám thị nhắm mắt cho qua. Chẳng ai muốn đứa học sinh bước ra đời mà không có bằng tốt nghiệp cấp ba, ít nhất phải cho nó có cơ hội tìm việc làm chứ! Hơn nữa, nếu đứa nào rớt thật thì vẫn còn điểm nghề gỡ gạc. Ba điểm chứ ít gì? Điều khiến tôi tiếc nuối là lúc đó, tôi không học nghề tử tế (nghề điện), để bây giờ mỗi lần nhà có vấn đề về điện, tôi lại phải gọi thợ. Thiết nghĩ người ta nên đưa môn này vào hệ chính quy, thay vì dạy ba cái mớ nhảm nhí ankan anken khỉ khô gì đó (xin lỗi vì tôi ghét hóa học).
Rồi kỳ thi tốt nghiệp cũng qua, tôi lại bù đầu với cơn bão đại học. Mỗi đứa có một tháng để ôn luyện, và tôi cá đứa nào cũng mong một tháng đó dài như một năm. Tôi học suốt ngày đêm, sáng bảnh mắt thì đâm đầu vào toán, chiều thì vục mặt vào lý, rồi tối lại trầm mình trong vũng lầy hóa học. Thời gian ấy, mỗi ngày, tôi lẩm bẩm chửi ít nhất một trăm lần từ “Đ.M”. Giải được bài: chửi, không làm được: chửi, không nghĩ ra cái để chửi: chửi tiếp. Lắm lúc mẹ chạy xồng xộc lên nhà tát tôi mấy phát vêu mồm vì tội chửi bậy. Nhưng học hành dưới cái nóng hơn 30 độ, kiến thức ngồn ngộn, ôn luyện bao nhiêu cũng cảm giác thiếu thời gian, không chửi mới lạ.
Đợt ấy, tôi cũng đăng ký thi thử ở một số trường. Khốn nỗi thi thử bao giờ cũng khó hơn thi thật, các trường ra đề như đánh đố học sinh. Nhất là ở trường SS+ – một trường chuyên của thành phố, đề thi toàn những thứ ở trên trời rơi xuống. Tôi chẳng thu được chút gì từ đợt thi thử, ngoại trừ việc nhận ra vô số con quái vật đội lốt dáng vẻ học sinh. Nhìn điểm thi thử của chúng nó, tôi cảm giác khe cửa vào đại học ngày càng hẹp. Tổ sư, toàn quái vật thế này thì con sống sao hở trời? – Tôi than thở.
Thi đại học cũng là lúc bạn được bố mẹ cưng chiều nhất. Các cụ cung cấp (nói đúng hơn là “dí”) cho bạn đủ các chất dinh dưỡng bổ não, bổ mắt, bổ tay, bổ chân, bổ toàn thân, bổ mọi bộ phận. Bữa ăn của bạn sẽ có vô khối món bạn thích, thậm chí là sơn hào hải vị mà bạn chưa từng thấy trong đời. Thật! Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết mùi tôm hùm như thế nào. “Ăn đi con!”, “Ăn nhiều vào con!”, mỗi bữa ăn, bố mẹ liên tục thúc tôi như thế, âu cũng vì các cụ lo lắng cho mình. Dù thế, tôi chẳng mập hơn, thậm chí gầy hơn trước, hai má hóp lại, mắt quầng thâm vì thiếu ngủ. Dạo đó, thứ tôi cần không phải dinh dưỡng mà là café. Tôi uống để thức khuya, cảm giác 24 tiếng dài như hai mươi tư ngày và ngốn toàn bộ kiến thức vào đầu. Bao nhiêu công thức hóa học, tôi “ăn” bằng sạch, nhưng đại khái ăn bao nhiêu thải bấy nhiêu, hầu như không có tí chất bổ nào. Dù vậy, điều an ủi là trước hôm thi vài ngày, anh Thảo có gọi điện động viên tôi thi tốt. Nhờ anh, tôi cũng an tâm phần nào
Rồi cái ngày trọng đại cũng tới, tôi được bố mẹ hộ tống đến trường như bảo vệ nguyên thủ quốc gia. Hai cụ mỗi người một xe, cụ ông chở tôi, cụ bà đi trước dò đường để chắc chắn là không có con xe tải nào băng qua. Biết là các cụ lo lắng cho con cái, nhưng làm thế chỉ khiến tôi lo lắng hơn, bởi họ kỳ vọng quá nhiều và tôi không được phép phụ lòng sự kỳ vọng ấy. Trượt? Có lẽ cuộc đời tôi không chỉ dừng ở mức bế mạc.
Nhưng hễ bạn mong chờ điều gì là y như rằng mọi chuyện đều đi ngược lại ý muốn. Đề Toán năm ấy thuộc dạng cụ kỵ nhà khoai, vừa dài vừa khó. Ba tiếng thi chẳng khác gì ba mươi phút, nhoằng cái giám thị đã thông báo hết giờ, không cả kịp soát lại bài. Dù vậy, tôi vẫn làm trọn vẹn cả bài, trừ câu cuối cùng quá khó. Nhưng tôi đã làm chuyện ngu ngốc nhất đời là tra kết quả sau khi thi xong. Con mẹ nó, tôi đã ước giá như mình đừng làm vậy. Bài thi Toán của tôi không tốt lắm, phương trình thiếu một nghiệm, đạo hàm sót một lời giải, hình học sai một câu, trừ đầu trừ đít tính ra chắc không nổi 5 điểm. Vậy là tôi mắc bệnh giống mấy anh cầu thủ bóng đá Việt Nam suốt đời không vô địch nổi Seagames: tâm lý. Chiều hôm đó, tôi thi Lý khá tệ, chỉ làm được hai phần ba, một phần ba điền bừa. Như để hoàn thiện cơn ác mộng, sáng hôm sau, tôi chỉ làm được một nửa bài thi Hóa. Tính đi tính lại, tổng ba môn của tôi cùng lắm chỉ được 14 điểm, không hơn. Mà cái khoa tài chính tôi dự tuyển năm nào cũng ngất ngưởng khoảng 18 điểm. Xong! Đời tôi chính thức bế mạc!
Sau ngày thi, trông vẻ mặt dài như ống bơm của tôi, bố mẹ cũng chán ngán. Các cụ hết thở dài lại nói bóng nói gió về thằng con nhà người ta giỏi thế nọ, thông minh thế chai. Mà hai cụ toàn nhè lúc ăn cơm thì nói, thành ra mỗi bữa cơm dạo ấy với tôi chẳng khác chi tra tấn. Lại nói trước kỳ thi, hai cụ luôn động viên tôi ăn uống, lúc nào cũng “cố gắng hết sức, kết quả không quan trọng” hay “mày thi thế nào, bố mẹ cũng không nói gì đâu”. Nói thì hỗn, nhưng quả thực các bậc phụ huynh rất giỏi tung hỏa mù, con cái chẳng biết đường nào mà lần.
Trong tâm trạng rớt đại học, nửa cuối tháng 7, căn nhà của tôi chẳng có nổi tiếng cười. Có chăng chỉ là nụ cười đầy mỉa mai mà bố dành cho tôi (một trong những lý do tôi rất ghét ông). Tôi không thể đổ lỗi tại ai hay tại cái gì, chỉ có thể trách mình mải chơi, tốn quá nhiều thời gian vào vẽ vời, không chịu học Hóa từ cấp hai. Mỗi đêm, tôi thức rất lâu để cảm giác thời gian trôi chậm hơn, để cái ngày đời tôi bế mạc đến lâu hơn. Rồi đây, những người họ hàng sẽ cười cợt tôi. Họ không bao giờ cười thẳng mặt mà sẽ cười sau lưng cùng những lời lẽ mỉa mai. Rồi đây, tôi sẽ tránh gặp mặt và cắt đứt liên lạc với bạn bè. Thậm chí, tôi đã nghĩ chuyện tự tử. Đừng nghĩ tự tử dễ, nó cần sự can đảm. Dù vậy, sống tiếp sau thất bại lại cần sự can đảm hơn thế. Làm gì tiếp theo? Ôn thi lại? Đủ sức không? Hay đi học nghề? Hay vào cao đẳng? Tôi húp bát canh “lựa chọn” nhưng trong canh nhổn nhển những “phân vân” và “hoang mang”. Đó, với những ai chưa biết (tốt nhất đừng nên biết) thì cảm giác rớt đại học là vậy.
Nhưng đúng vào những ngày cuối tháng 7, khi thời tiết nóng bức nhất, khi bố mẹ đang tính tìm trường khác và chưa ngớt chửi tôi học ngu, tôi nhận được tin nhắn thông báo điểm thi lẫn điểm chuẩn vào khoa (hồi ấy tôi đã xài di động, chính là con Nokia te tua bây giờ). Giời đất ơi, điểm của tôi vừa đúng điểm chuẩn luôn! 17 điểm! Toán vừa điểm 5, Lý vừa 7, Hóa 5 điểm, nát như tương mà vẫn đỗ! Điều tôi không ngờ là điểm Hóa cao đến vậy. Nhận được tin nhắn, tôi chạy phăm phăm xuống nhà gào toáng lên:
-Bà già! Bà già ơi! Con đỗ rồi!
Mẹ tát tôi một phát vêu mồm vì tội mở mồm gọi “bà già”. Sau mặt bà từ từ dãn ra, như thể tảng băng đang tan chảy. Như chưa tin lời tôi, bà bắt tôi chạy ra hàng net tra cứu lại kết quả (ngày ấy nhà tôi chưa lắp Internet). Tôi đã nghĩ chuyện người ta thông báo sai kết quả, nhưng không, sự thật là tôi đỗ, đỗ cứng luôn! Tối hôm ấy, mẹ làm món tôi thích nhất, bố thì cười toe toét và khen ngợi tôi nỗ lực (một lý do khác khiến tôi ghét ổng), căn nhà vốn như tủ lạnh bỗng dưng vui như Tết. Mặc dù chẳng được thưởng cái gì song niềm vui của tôi chẳng hề thuyên giảm, vì cảm giác đỗ đại học chính là phần thưởng lớn nhất. Cảm giác ấy nằm ở đẳng cấp hoàn toàn khác so với niềm vui nghỉ hè, nghỉ Tết hay nghỉ tiết. Kể ra, tôi là một trong số ít những người cảm nhận và thấu hiểu được cảm giác rớt đại học lẫn đỗ đại học.
Nói về đám bạn của tôi, chúng nó cũng không tệ lắm. Thằng Choác quyết không làm bài hôm thi và dĩ nhiên là rớt. Bố mẹ nó chịu thua thằng con và buộc phải chiều ý khi cho thằng cu theo học ngành công nghệ thông tin. Thằng Sĩ thì rớt nguyện vọng 1, nó làm tốt Toán và Hóa nhưng Lý thì thảm họa, bởi nó không thể phân biệt được gương cầu lồi và lõm khác nhau chỗ nào. Tuy nhiên, may mắn mỉm cười với nó khi nguyện vọng 2 chưa đủ chỉ tiêu và vẫn là ngành marketing. Thế là thằng Sĩ nghiễm nhiên đỗ đại học, dù không được như ý. Đứa kém may mắn nhất là thằng Cuốc, nó rớt cả hai trường. Nhờ người quen, mẹ nó lo cho vào khoa Toán – Tin của một trường cao đẳng, dù nó chẳng biết cái khỉ gì về ngành này. Tựu chung bốn đứa tụi tôi đều tìm được nơi dung thân, chưa đến nỗi mang tiếng thất học.
Ở lớp học thêm Hóa, cả bốn đứa đều đỗ và anh Thảo đã tổ chức một bữa liên hoan ở quán KFC (KFC ngày ấy thần thánh lắm, đứa nào cũng mê tít). Hai đứa bạn của Châu đều đỗ các trường kinh tế chính hiệu chứ không như tôi – đỗ vào một khoa có mùi kinh tế trong một ngôi trường ít mùi kinh tế. Về phần Châu, em đỗ khối B, bên khối C thiếu mất một điểm. Đó là nỗ lực tuyệt vời của một cô gái vốn chẳng thích báo chí hay sư phạm. Hôm ấy, tôi nói chuyện với em về trường cũ, những bà giáo viên khó tính, tình hình những đứa lớp cũ. Chúng tôi nói chuyện khá lâu, cười đùa rất nhiều và… chỉ có thế. Tôi có xin nick Yahoo! và blog 360 của em nhưng mấy thứ này không duy trì được quan hệ giữa hai đứa. Đại học là một nấc thang mới, cuộc sống thay đổi hẳn, tôi và Châu đều có những khoảng trời riêng. Thi thoảng lắm, chúng tôi mới hỏi han nhau như một cách nhớ lại thời cấp ba.
Nhiều năm sau, tôi gần như mất tin tức của Châu nếu không có facebook. Nhưng biết địa chỉ facebook, tôi chỉ để đó, thi thoảng vào xem em update status hay những bức ảnh mới. Không phải tôi quên em, họa thằng ngu mới quên cô bé tuyệt vời ấy. Nhưng bởi Châu của cấp ba quá tuyệt vời, thế nên tôi cất giữ hình ảnh đó ở góc khuất trong tim, gìn giữ và nâng niu một cách ích kỷ. Ích kỷ tới nỗi tôi muốn hình ảnh đó sống mãi và không muốn thấy em thay đổi.
Tối hôm ấy là lần cuối cùng tôi gặp Châu. Tôi vẫn nhớ trước lúc ra về, em nói thế này:
-Tùng nhớ vẽ tiếp nhé! Tớ vẫn theo dõi đấy!
Em cười thật tươi rồi chào tạm biệt tôi. Tính từ câu nói ấy, đến giờ đã gần sáu năm. Sau ngần ấy thời gian, liệu em còn theo dõi tôi vẽ nữa không? Tôi không biết. Nhưng tôi tin lời em, kể cả khi nó chỉ là lời động viên xã giao. Tin và không bao giờ suy xét nó đúng hay sai, tôi đã kết thúc quãng đời cấp ba như thế. Gác lại những kỷ niệm, bỏ lại những buồn phiền, tôi giã từ cuộc sống học sinh. Từ nay, tôi là sinh viên, tân sinh viên! Hé hé!
Đại học là một ngưỡng cửa hoàn toàn mới. Trước tiên là tôi giã từ chiếc xe đạp quen thuộc và chuyển sang đi xe máy. Từ việc phải đeo thẻ sinh viên mới cho vào trường, giảng đường rộng lớn thay cho lớp học, giảng viên thì cứ giảng khỏi cần quan tâm sinh viên nghe hay không (tất nhiên không thiếu ông thầy bà giáo khó tính), sinh viên ăn mặc thoải mái và những cô gái tươi non mơn mởn. Muôn thuở là vậy, đời thằng con trai trước tiên phải tia xem gái xuất hiện ở chỗ nào đã, học hành tính sau! He he! Vì là ngành tài chính nên khóa của tôi cũng lắm cô theo học, cơ bản là không thiếu mùi nữ giới như ở mấy trường Xây Dựng hay Bách Khoa. Có một điều tôi chiêm nghiệm ra là ở các trường thiếu bóng hồng, các ông con trai có xu hướng quậy, quái và khùng hơn nhiều. Cái gì mà “No woman no cry” chứ? Bob Marley ơi, không có phụ nữ là khóc tiếng mán luôn đó!
Tựu chung những thằng sinh viên năm nhất đều rất hăng hái học tập. Tôi cũng rứa. Tôi nghĩ một ngày kia, mình sẽ trở thành nhân viên ngân hàng khoác bộ suit bóng lộn, lương tháng nhiều vật vã, đi làm trên con ô tô nho nhỏ, ở trong một ngôi nhà to vật vã và một cô vợ nho nhỏ. Giấc mơ này chạm ngưỡng hoang tưởng – cơ mà thằng tân sinh viên nào cũng hoang tưởng hết. Thậm chí lắm đứa còn nảy sinh tư tưởng coi thường nghề nghiệp, như kiểu khinh thường người phát tờ rơi. Chúng nó không hề biết rằng đó chính là việc mà một nhân viên tín dụng phải làm, nhưng đấy là câu chuyện khi ra xin việc.
Vì sự hoang tưởng ấy, tôi cố gắng nuốt toán cao cấp, môn xác suất thống kê, marketing cơ bản, kinh tế học… đủ thứ hầm bà lằng xoay quanh một chữ “tiền”. Trường hồi ấy vẫn học theo niên chế chứ chưa theo quy tắc tín chỉ như bây giờ, thành thử việc học cũng không khác cấp ba nhiều lắm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành học kỳ I với điểm số toàn hạng khá, tôi phải thừa nhận rằng mình không hề thích ngành tài chính. Tôi có thể trở thành nhân viên tài chính làm những công việc lặp đi lặp lại, nhưng sự lặp đi lặp lại đó khiến tôi phát nản. Cái “máu” vẽ đã ngấm vào người tôi quá lâu, đóng gỉ đóng cặn trên từng thớ thịt thớ xương, nay gặp số má công thức thì chán nản cũng dễ hiểu.
Chán học, tôi quay ra tìm cách kiếm tiền, gọi một cách mỹ miều là kinh doanh. Tôi khởi nghiệp bằng… bán hàng đa cấp. Nghe hài hước nhưng là sự thật. Cách đây chỉ 6 năm thôi, mọi đứa sinh viên năm nhất đều kinh qua bán hàng đa cấp. Nghe người ta nằm không kiếm ra trăm triệu đồng, đứa nào chả sướng? Tôi đã tốn 90 nghìn để tham gia hệ thống kinh doanh mỹ phẩm đa cấp, từng bán sản phẩm cho bạn bè và người thân trong gia đình, từng năn nỉ mồi chài các kiểu con đà điểu. Và một đặc điểm chung là họ đều không nhờ tôi mua lần hai, ánh mắt mà họ dành cho tôi cũng trở nên nghi kỵ hơn. Đồng lãi kiếm ra chưa đến trăm nghìn mà cái giá tôi phải trả thực quá đắt. Thấy vậy, tôi nghỉ ngay công việc này. Về sau, gặp những ông bạn cứ dụ khị “mày đi với tao, có cái này hay lắm, kiếm nhiều tiền cực!” là tôi chỉ cười trừ, coi như không biết gì. Kinh doanh cần người có tố chất, tôi không phải loại đó.
Học hành chán, kinh doanh chẳng đâu ra đâu, như một hệ quả, tôi quay lại vẽ vời. Tất nhiên là vẫn hoàn thành bài học, đi học đầy đủ (tôi dám nói rằng mình là thằng chuyên cần có số má) nhưng tôi dành nhiều thời gian cho vẽ hơn. Sau giờ đi học, tôi lại trầm mình trong giấy, màu và máy tính; khi vẽ giấy, khi vẽ máy (bằng chương trình Paint), khi sáng tác những đoạn truyện tranh nhỏ. Và dĩ nhiên không thể thiếu rock – metal. Bố mẹ chẳng cấm cản tôi nữa, dù thi thoảng vẫn cằn nhằn “học đi mày, vẽ không ra tiền đâu!”. Mỗi lần ra bức vẽ mới, tôi lại scan và upload lên trang web mà Châu để lại cho mình. Tôi vẽ đều, up đều và chưa bao giờ chán công việc ấy. Có thể tôi đã lớn, người to xác ra (tôi cao hơn bố mẹ nhiều lắm) nhưng khát khao vẽ trong tôi chẳng hề lớn chút nào. Nó vẫn trẻ, vẫn cuồng nhiệt, ngây thơ và thậm chí điên khùng, hệt như thuở bé vậy.
Khi con người lớn lên, những giấc mơ đều trở thành phù phiếm. Tôi là một trong số ít những người vẫn lưu giữ giấc mơ thời bé và phấn đấu vì nó. Cũng bởi thế, tôi trở nên lập dị trong mắt nhiều người. Ví dụ như thằng Cuốc và thằng Sĩ, chúng nó nghĩ sự nghiệp vẽ vời của tôi chỉ là thứ vớ vẩn và khuyên tôi nên tập trung làm việc khác. Thằng Sĩ nói:
-Ông vẽ được như Picasso không? Không chứ gì? Thế thì tập trung kiếm tiền đi ông ạ! Đập Muỗi! Bọn tôi định mở cửa hàng, ông làm không?
Thằng Cuốc tiếp lời:
-Bây giờ bán trà chanh là lãi lắm ông ạ! Đóng Muối, ông hùn vốn cùng chúng tôi nhé?
Nó trình bày một lô một lốc kế hoạch kinh doanh riêng. Hồi ấy trà chanh bắt đầu nở rộ và nó muốn cùng tôi mở cửa hàng kinh doanh trà chanh, song tôi từ chối. Tôi tôn trọng ý kiến của thằng Cuốc, tuy nhiên, tôi có con đường của riêng mình. Vả lại, chẳng còn cô bé Trâu điên, tôi khá nghi ngờ hai ông thần này. Đúng như tôi dự đoán, suốt thời sinh viên, chẳng có kế hoạch kinh doanh nào của hai thằng trở thành hiện thực hết.
Thằng Choác thì không chê bai ước mơ của tôi hay khuyên tôi theo con đường khác. Nó chẳng chê tôi là lập dị, điên hay gì gì đại loại vậy. Do quá thân thiết, hai thằng chấp nhận cả tật xấu của nhau chứ đừng nói cách sống. Nhưng nó cũng bảo tôi thử đi làm thêm:
-Tao sắp làm ở quán café, mày làm cùng không?
Cũng giống như với thằng Cuốc và thằng Sĩ, tôi từ chối lời đề nghị của thằng Choác. Nó chỉ cười và ủng hộ tôi. Thi thoảng, tôi lại đến quán của nó, uống café và vẽ ra những hình ảnh bất chợt xuất hiện trong đầu, âu cũng là một thú vui.
Tuy nhiên, có một điều mà cả ba thằng bạn đều cho tôi là thằng lập dị nặng: bạn gái. Phải, suốt học kỳ I lẫn học kỳ II đại học, tôi chẳng hề kiếm bạn gái. Tôi không gay, đàn ông chính hiệu luôn! Xã hội thay đổi, phụ nữ Việt Nam ngày càng đẹp, càng bổ mắt cho cánh đàn ông. Nhưng mọi cô gái tôi gặp trong trường hay ngoài đường, họ đều khiến tôi nghĩ tới cái giường, tuyệt đối không có cảm giác thích thú giống thời đi học. Đã quá xa rồi những cô bé như Hoa Ngọc Linh hay cô bé Trâu điên, quá xa rồi…
Nhưng với thằng trai tân chỉ biết Sasha Grey hay Alexis Texas như tôi (tôi không khoái hàng Nhật), tình yêu thực sự là thứ trải nghiệm mới mẻ. Tôi rất muốn biết tình yêu là thứ ૮ɦếƭ tiệt gì mà Helloween có thể hát “Forever and One” hay Aerosmith có thể sáng tác “I don’t wanna miss a thing”. Vì khát khao tình đầu, tôi bắt đầu giao du với những thằng bạn đại học. Đám này gồm ba thằng, hai đứa dân Hà Nội và một đứa ngoại tỉnh. Thằng ngoại tỉnh đã có bạn gái được tôn là anh cả, hai thằng còn lại theo hầu rượu thằng cha này để học bí kíp tán gái. Gọi là “anh cả” vì thằng cha hơn bọn tôi ba tuổi, lại rất am hiểu mấy chuyện tình yêu tình báo nên dù là dân ngoại tỉnh nhưng mấy thằng thành phố tụi tôi phục hắn sát đất. Gọi là “hầu rượu” vì hai thằng kia phải bỏ tiền mời nhậu, cái thằng anh cả kia mới chịu tiết lộ cách cưa gái.
Cứ hai tháng một lần, cả lũ lại tập trung tại ký túc xá của “anh cả” để nhậu. Một hôm chủ nhật tháng 3, tôi đến nơi ở của “anh cả” và hầu rượu hắn. Ký túc xá mười phòng thì mười một phòng bẩn, có bẩn ít, có bẩn vừa, có bẩn nhiều, riêng phòng “anh cả” bẩn ngoại hạng. Tôi hầu như không thể phân biệt được đâu là quần dài, đâu là ҨЦầЛ ŁóŤ, đâu là áo, đâu là chăn; bởi lẽ chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ thành giường đến cửa sổ, cái nọ đè lên cái kia. Trên giường thì ôi thôi la liệt sách vở trộn chung chăn gối. Dưới gầm giường là đống bát đũa ăn từ tối hôm trước chưa rửa và bắt đầu bốc mùi trứng thối. Với thằng sinh viên thành phố ở nhà bố mẹ, có góc sống riêng thì đây là cảnh tượng rất mới lạ với tôi. Đàn ông bừa bộn và hơi bẩn là chuyện bình thường, ngay cả tôi cũng là thằng cẩu thả. Nhưng cỡ như “anh cả”, tôi chưa từng thấy. “Anh cả” cười hềnh hệch:
-Thực ra lúc gái tới chơi là anh mày dọn hết! Anh mày chăm chỉ lắm! Hố hố!
-Vậy là sau này vợ anh được nhờ nhỉ? – Tôi nói.
-Mày ngu thế! – “Anh cả” cười lớn – Làm màu vậy thôi! Gái nó thích thằng nào sạch sẽ mà! Chứ mày lấy vợ về mà vẫn sạch sẽ để nó không có việc gì làm à?
Rồi bữa nhậu diễn ra. Vì đĩa chưa rửa, “anh cả” lấy luôn cái khay đựng chén bát làm đĩa để con cá hấp to đùng. Hắn lại sang phòng kế bên mượn bát đũa về, lại lấy thêm một cái ca đựng rượu rồi bốn thằng chuyền tay nhau uống. Một lũ bốn thằng đực rựa ngồi nhậu là “Đ.M”, “Vật Con Lợn” với “ccc” văng tung trời, mang thúng lẫn thùng ra đựng không hết. Chủ đề tất nhiên là xoay quanh gái gú lẫn tình yêu tình báo. Sau một hồi khoe chiến tích cưa em này ra sao, đánh chén em kia thế nào, “anh cả” chốt hạ (lời lẽ sau đây đã lược bỏ đi những Đ.M với Vật Con Lợn):
-Tao ngu lắm chúng mày ạ! Tao yêu một con, tao đặt xe trả nợ hộ nó, cuối cùng nó không yêu tao, khổ lắm chúng mày ạ! Nó lại yêu một thằng Hà Nội! Chúng mày biết con đó nói gì với tao không? Nó bảo tảo dân tỉnh lẻ! Tổ sư, nó cũng con nhà quê chứ đếch ai vào đây! Mấy thằng em Hà Nội cho anh mày xin lỗi nhé, nhưng anh phải chửi mấy thằng Hà Nội cái! Nào, uống! À mà làm đếch có ly mà nâng? Thôi để anh mày uống trước nhé! Quay vòng nào!
“Anh cả” là loại người giảo hoạt. Bởi cái tật bầy hầy tiền nong và ăn không chịu trả tiền, về sau, bạn bè dần tránh xa hắn, cái đám hỗn tạp này cũng tự động tan rã. Tôi chưa bao giờ tin những lời chém gió của “anh cả”, chỉ duy nhất bữa rượu hôm ấy, tôi cảm giác hắn nói thật. Hắn nói mà đôi mắt lưng lửng những dòng tưởng chừng đã cạn khô. Tôi chợt nghĩ nếu cô gái nọ chịu yêu hắn, hẳn “anh cả” sẽ khác lắm.
-Anh mày rút bài học rồi! – Anh cả dộng cái ca rượu xuống – Chúng mày muốn tán gái chứ giè? Phải trở thành đàn ông! Mấy thằng ranh nứt mắt như chúng mày chưa phải đàn ông đâu! Để anh mày giúp!
Hắn ra ngoài gọi điện thoại di động xì xà xì xồ một hồi. Lát sau, hắn trở vào gọi bọn tôi đi lên… bệnh viện 108. Bọn đàn em chúng tôi ngẩn tò te chẳng hiểu trời tối rồi hắn còn lên bệnh viện làm chi? “Anh cả” chép miệng:
-Chúng mày ở thành phố lâu hơn anh mà chẳng biết cái đếch gì? Đấy, đã đàn ông đâu? Non lắm mấy cu ơi! Đi xe riêng, đừng đèo nhau! Thằng này không có xe à? Đợi tí, tao mượn xe bạn! Ngồi yên đây!
Ba đứa chúng tôi không hiểu ý hắn lắm nhưng cũng làm theo. Lát sau, bốn thằng kéo nhau lên bệnh viện 108, nhưng không phải bệnh viện mà là đi vòng cổng sau. Sau hai mươi mấy năm ở Hà Nội, cuối cùng tôi cũng biết nơi này có gì: gái điếm. Tới nơi, đã có bốn cô nàng đợi sẵn và tôi chợt hiểu tại sao “anh cả” bảo đi xe riêng. Vậy ra đây là cái cách mà hắn bảo để trở thành đàn ông. Đứng trước mặt tôi là một bà cô – xin phép gọi là bà cô vì cô nàng trát phấn nhiều quá, cái mặt cứng đơ, hoàn toàn không có chút biểu hiện rằng cô ta là con người, có lẽ là giống ma nơ canh hơn. Cô ta mặc áo hai dây, quần cạp trễ để phô ra mọi thứ có thể phô. Đây rồi, là đây, là những thứ mà tôi phải dán mắt vào màn hình để coi Sasha Grey hoặc Alexis Texas đây! Nhưng có thực là làm vậy sẽ trở thành đàn ông không? – Tôi phân vân.
-Ra chỗ Vân Đồn đi, tao biết chỗ này kín lắm, lại rẻ, nhanh lên chúng mày! – “Anh cả” cười.
Thực sự lúc ấy, tôi cảm thấy sợ nhiều hơn là thích thú. Bạn có thể gọi tôi là thằng nhát cáy, nhưng khi đó, thứ tôi đi tìm là tình yêu chứ không phải những cô gái điếm. Tôi vừa sợ bệnh tật, vừa sợ những hệ lụy của nó. Tôi không có ý định trở thành một Garcia Marquez thứ hai, không có ý định viết ra “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” phiên bản Việt Nam, và không đủ sự tinh tế lẫn sự trải đời để thấu hiểu các cô gái điếm. Sự phô trương xác thịt này, sự trao đổi tình dục này khiến tôi khó chịu. Đây là hiện thực. Và để trốn tránh hiện thực, tôi giả đò có cuộc điện thoại khẩn cấp và nói với “anh cả”:
-Anh ơi, bà già bảo em có việc gấp! Ừ, có người nhà phải vào bệnh viện! Ừ, thôi em về trước nhé!
Tôi quay xe ra về trước sự ngỡ ngàng của “anh cả” và đám bạn. Kể từ đó, tôi được đặt biệt danh “thọt tr…” – Tùng Thọt Tr… (khỏi cần viết đầy đủ nhé). Mấy thằng con trai ưa buôn chuyện thi thoảng vẫn réo cái tên này để trêu chọc tôi. Chuyện này kéo dài suốt nửa cuối học kỳ II năm nhất. Hồi đầu tôi rất khó chịu, sau cũng cho qua. Tôi tin có tình yêu trước sẽ tốt hơn là động chạm tình dục trước. Đó là điều tôi tin, là cách tôi sống, là cách tôi đi tìm mối tình đầu. Cũng giống như bài hát “We weren’t born to follow” của Bon Jovi. Mỗi lần bị gọi là “Tùng Thọt Tr…”, tôi lại hát nó như một cách phủ thêm độ trơ cho mặt mình:
“When life is a bitter pill to swallow, you gotta hold on to what you believe, believe that sun will shine tomorrow – Dù cuộc đời củ kẹc thế nào chăng nữa, hãy tin những điều mà bạn tin tưởng, tin rằng ngày mai lại tươi sáng”.
Tôi cứ tin như thế, cho đến cuối năm nhất đại học, mặt trời lại bùng cháy trong trái tim tôi. Bởi vì em lại xuất hiện – người con gái mà tôi hằng mong chờ. Một sự tình cờ do bàn tay số phận sắp đặt. Tôi – con tàu lang thang trên những đường ray lại trở về nhà ga đầu tiên.
Và đó là một câu chuyện không quá dài dòng, nhưng cũng chẳng quá ngắn…
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc