Khanh Khanh không vội bước lại mà đi đến chỗ rẽ quan sát. Cô đã quen với mọi nét mặt của Tiểu Hổ nhưng rất hiếm khi thấy dáng vẻ u buồn này của cậu. Một đứa trẻ bốn tuổi phải ngây thơ, hoạt bát, không biết thế nào là u buồn mới đúng. Khanh Khanh nhìn người đàn ông dắt tay Tiểu Hổ, cô không nhớ là mình đã gặp anh ta hay chưa.
Đi đến chỗ cách lớp mẫu giáo nhỡ khoảng hai mươi, ba mươi mét, người đàn ông ấy dừng lại bên cạnh bồn hoa ở hành lang, ngồi xuống nói chuyện với Tiểu Hổ. Khanh Khanh đứng cách họ khá xa, không nghe thấy họ nói gì, nhưng trực giác mách bảo cô rằng Tiểu Hổ và người đàn ông ấy rất thân thiết.
Tiểu Hổ bỏ quai cặp trong tay ra, kéo cà vạt của người đàn ông ấy, giật sang phải rồi lại giật sang trái, lại còn kết một cái nơ xấu xí dưới đuôi cà vạt. Người đàn ông không hề tức giận, để mặc cho cậu bé kéo. Nói xong còn xoa đầu cậu, chỉ tay về phía lớp học.
Một cảnh tượng rất đặc biệt, chạm vào nỗi xúc động và ký ức của Khanh Khanh, khiến cô nhớ lại dáng vẻ của Tiểu Hổ lúc vừa mới đến lớp.
Nửa năm trước, Tiểu Hổ thấp hơn, gầy hơn bây giờ. Ba ngày đầu nhập học, cậu bé không nói với cô hay Nọa Mễ một lời nào. Cho dù là những yêu cầu đơn giản như ăn cơm, đi vệ sinh cậu cũng không hề nhắc tới, giống như một chiếc hồ lô tự nút mình lại. Trong suốt hai tuần sau đó, lần đầu tiên Tiểu Hổ gọi cô là Miss, sau đó mới học cách gọi cô là Miss 77. Vì nghe những câu chuyện cô kể trước khi đi ngủ, cậu bé dần dần mở lòng mình nói chuyện với cô. Khi học kỳ đầu tiên kết thúc, Tiểu Hổ đã quen với việc kéo vạt áo của Khanh Khanh khi đi vệ sinh. Lúc chơi trò chơi cậu nằm bò trên lưng cô nũng nịu. Phải là một người tỉ mỉ lắm mới có thể phát hiện ra niềm vui hay nỗi buồn của Tiểu Hổ. Ngay cả lúc vui cậu cũng chỉ lặng lẽ mang đồ chơi đến trước mặt Khanh Khanh, chơi cùng với cô, mỉm cười với cô.
Không biết hai người đó đang nói những gì, Tiểu Hổ ôm chân người đàn ông, lắc lư thân mình. Người đàn ông rất bình thản, không biểu lộ chút cảm xúc gì, chỉ đứng đó xoa đầu cậu bé. Cuối cùng dường như Tiểu Hổ đã từ bỏ hy vọng, buồn rầu cúi người xuống nhặt cặp sách và áo khoác dưới đất, tự mình mặc áo vào.
Người đó là ai? Một dấu hỏi lớn xuất hiện trong lòng Khanh Khanh.
Anh ta mặc bộ complet cầu kỳ, áo sơ mi màu xám, thắt chiếc cà vạt rất cẩn thận, giống như một người đàn ông thành đạt như bao nhiêu vị phụ huynh khác trong trường. Tuổi tác không thật sự rõ rệt, có thể là trên dưới ba mươi tuổi, dù sao thì cũng trẻ hơn Mr Phí một chút...
Cuối cùng người đó đã nói chuyện xong với Tiểu Hổ. Anh ta vuốt tóc cậu bé, ngồi xuống giúp cậu chỉnh lại chiếc cà vạt nhỏ màu xanh lam, để mặc cho Tiểu Hổ nũng nịu cởi cà vạt của anh ta ra, sau đó mới đeo cặp sách cho Tiểu Hổ, vỗ vai cậu bé, dáng vẻ rất tin tưởng, giống như đang trao huân chương cho chiến sĩ có công với cách mạng vậy. Tiểu Hổ bắt đầu đi vào lớp, bước đầu tiên rất miễn cưỡng, đi được hai ba bước rồi vẫn lưu luyến ngoảnh đầu lại.
Người đàn ông lặng lẽ ngả người cạnh hành lang, hai tay khoanh trước иgự¢, ánh mắt dõi theo Tiểu Hổ khiến Khanh Khanh nhầm tưởng rằng đó là một người cha đang buông tay con trai để nó một mình mạo hiểm. Nhưng rõ ràng đó không phải là Mr Phí. Khi vẫy tay tạm biệt Tiểu Hổ, trên tay anh ta không có nhẫn cưới.
Nhận được sự khích lệ, cuối cùng bước chân của Tiểu Hổ nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Cậu bé chạy về phía Khanh Khanh, vừa nhìn thấy cô liền chạy ùa vào lòng, túm lấy váy cô và nói: "Chào buổi sáng, Miss 77!".
Khanh Khanh ngồi xuống, giúp Tiểu Hổ bỏ cặp sách ra, gỡ một bông hoa nhỏ trong túi áo dán vào mu bàn tay của cậu bé và hỏi: "Vì sao Tiểu Hổ đến muộn?".
"Dạ...". Tiểu Hổ bĩu môi, quay người lẩm nhẩm một hồi lâu, lúc ấy Khanh Khanh mới nghe rõ cậu bé nói bằng tiếng Anh, "Ngày mai Tiểu Hổ dậy sớm, không đến muộn nữa". Bàn tay nhỏ bé giấu sau lưng, dường như rất sợ cô sẽ lấy đi bông hoa nhỏ trên tay mình. Cậu tỏ ra rất ngượng ngùng nhưng vẫn lưu luyến ngoảnh đầu lại nhìn. Khanh Khanh mỉm cười, hướng mắt nhìn theo.
Người đàn ông ấy không còn đứng ở hành lang nữa. Chỗ anh ta đứng chỉ còn lại bồn hoa trơ trọi, bên cạnh là một chiếc giày không biết của bạn nhỏ nào.
Khanh Khanh đưa Tiểu Hổ vào lớp, cho cậu ngồi vào giữa những bạn nhỏ đang học hát, sau đó quay lại hành lang nhặt chiếc giày kia. Cô bất giác hướng mắt nhìn về phía sân vận động. Hình bóng cao lớn ấy đã đi đến đường biên của sân bóng, không có Tiểu Hổ, dường như bỗng có thêm một cảm giác lạ lẫm và xa cách. Hình bóng ấy nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt của Khanh Khanh.
Hết tiết một, một cô giáo đến đưa báo sáng, nhân tiện mang theo một bản "Cuộc điều tra hàng tuần về học sinh tiểu học và trung học". Khanh Khanh đang bận, không có thời gian đọc, chăm sóc các em nhỏ xong, cô lại đến khu đồ chơi cùng Tiểu Hổ ghép tranh các con vật. Đến tận lúc mười giờ, khi bọn trẻ ăn hoa quả, Khanh Khanh mới có thời gian liếc nhìn qua mấy câu hỏi trong tờ điều tra đó.
Trường học hơn một nghìn người nên không thiếu những chuyện vặt vãnh, thi bơi lội, quyên góp từ thiện, Music House, sắp xếp lịch trình cho buổi họp ban phụ huynh học sinh... Khanh Khanh đang muốn đọc thật kỹ kế hoạch du lịch của học sinh khối tiểu học thì đúng lúc giáo viên lớp bên cạnh là Katharine sang bàn bạc về nội dung của bảng tin ở hành lang trong học kỳ mới. Cô đành phải đặt tờ báo xuống, dặn dò Nọa Mễ trông lớp rồi cùng Katharine ra ngoài.
Cuộc sống ở trường mầm non là như vậy, từng giờ từng phút đều bận rộn và hỗn độn. Từ khi chiếc xe bus đưa đón học sinh dừng bánh trước cửa đến khi đưa em nhỏ cuối cùng lên xe, Khanh Khanh không hề có một chút thời gian nào của riêng mình. Thỉnh thoảng cô cũng ngưỡng mộ những giáo viên trung học như Gia Lan, có thể ung dung ngồi trong phòng nghỉ uống cà phê chấm bài tập về nhà, tận hưởng một buổi chiều không có tiết dạy. Nhưng nghĩ đến những niềm vui mà bọn trẻ mang lại cô lại không oán thán nỗi vất vả trong công việc của mình nữa.
Giờ ăn trưa, Khanh Khanh và Nọa Mễ đưa bọn trẻ đi xếp hàng rửa tay. Nọa Mễ Ϧóþ vai đứng một bên phàn nàn: "Thật không công bằng, học kỳ này chỉ có lớp chúng ta là có thêm ba đứa trẻ, lại còn vấn đề của Anish, buổi chiều phải nói với mẹ thằng bé. Nghe nói ở những trường quốc tế khác, những cặp song sinh hoặc anh chị em không được học cùng lớp".
Khanh Khanh giúp Nọa Mễ Ϧóþ vai, nghiêm túc nói: "Điều này thì chị biết, nhưng nếu nhà trường đã đồng ý rồi thì chúng ta không thể đi nói với ngài đại sứ là tôi không dạy con của ngài, đúng không? Nếu đã sắp xếp như vậy rồi thì chúng ta hãy cố gắng làm thật tốt".
So với Nọa Mễ mới tốt nghiệp một năm rưỡi, Khanh Khanh có nhiều kinh nghiệm và sự kiên nhẫn hơn. Nhưng cô tự biết mình vẫn còn non trẻ, vì thế lúc dỗ dành Nọa Mễ, cô cũng không quên tự động viên mình.
Nọa Mễ đứng dựa người vào bồn rửa tay nhìn đứa trẻ bên cạnh mình, gượng cười thở dài: "Khanh Khanh, làm công việc này suốt như vậy chị không thấy mệt sao?".
"Cũng bình thường, quen rồi mà". Khanh Khanh đỡ Anish xuống bậc thang cuối cùng rồi lại bế một em nhỏ lên. Mỗi lần Nọa Mễ hỏi những câu hỏi tương tự như thế này, cô thường không nghĩ ngợi nhiều mà nói luôn. Dường như cô sinh ra là để làm giáo viên, để được rèn giũa tôi luyện trong môi trường như trường mầm non. Khanh Khanh bôi thuốc sát khuẩn vào tay đứa trẻ, ra hiệu cho Nọa Mễ đi xuống cuối hàng: "Được rồi, nói chuyện ít thôi mau đi làm việc đi. Buổi trưa em nghỉ ngơi chị trông bọn trẻ ngủ trưa, cuối tuần mời em đi ăn".
"Được rồi, được rồi!". Nghe thấy đồ ăn Nọa Mễ nháy mắt, khuôn mặt không giấu được niềm vui.
Khanh Khanh và Nọa Mễ cùng làm việc với nhau hơn một năm, là những người bạn rất thân thiết, không chỉ trong công việc mà ngay cả trong đời sống riêng. Họ đều là những cô gái trẻ, có rất nhiều chuyện để nói với nhau. Nhưng vì công việc quá bận rộn, cho dù là cùng nhau lên lớp cả ngày, cơ hội nói chuyện với nhau cũng có hạn. Nọa Mễ chạy đến cuối hàng còn nói thêm gì đó nhưng Khanh Khanh không nghe rõ, chỉ biết cô ấy đang buôn chuyện, liền "suỵt" hai tiếng, không chú tâm đến những lời nói ấy nữa.
Những chuyện thị phi trong trường nhìn thì có vẻ là ít nhưng thực tế không phải như vậy. Giáo viên với giáo viên, giáo viên với trợ giảng, thậm chí giáo viên với phụ huynh, tầng lớp khác nhau, quốc tịch khác nhau... Trường quốc tế là một xã hội thu nhỏ vô cùng phức tạp. Xét ở một vài khía cạnh nào đó rất giống với một công ty lớn, nhưng vì có bọn trẻ nên đơn giản hơn một chút. Làm việc lâu rồi Khanh Khanh chỉ muốn làm tốt những việc được giao, còn những chuyện ngoài công việc, bất kể là chuyện tốt hay chuyện xấu cô đều không quan tâm lắm, xem nhẹ tất cả mọi thứ – Nhưng có lẽ cũng chính vì điều đó mà đến bây giờ cô chưa có một người bạn trai cố định nào.
Khanh Khanh rửa tay, sắp xếp chỗ ngồi cho bọn trẻ rồi đến chỗ để hoa quả lấy chút dâu tây, ở lại sau cùng để ngồi với Tiểu Hổ. Tiểu Hổ là cậu bé ít nói, muốn làm gì đều nói bằng mắt. Cậu đặt đĩa xuống rồi nhìn chằm chằm về phía đĩa của Khanh Khanh, giơ dĩa lên rồi lại ʍúŧ tay.
"Mau ăn súp lơ xanh với thịt viên, ăn xong rồi cho con ăn dâu tây!".
Khanh Khanh gạt rau trong đĩa thức ăn của Tiểu Hổ sang một bên. Cậu bĩu môi, gật đầu rồi bắt đầu ăn.
Khanh Khanh không vội ăn cơm, cô xếp những quả dâu tây thưởng cho Tiểu Hổ thành hàng ngang, sau đó kiểm tra tình hình ăn trưa của bọn trẻ rồi mới về chỗ ngồi. Đối với cô, cho dù thời gian ăn trưa có ba bốn cô trong nhà ăn giúp đỡ giám sát nhưng cũng rất hiếm khi có chút thời gian rảnh rỗi thực sự. Hai mươi cánh tay nhỏ bé giơ dĩa lên, thường hỏi những câu hỏi hết sức kỳ lạ: Tiểu Hổ không chịu ăn cà rốt; Anisha cầm lá rau chân vịt chạy đến hỏi cô thủy thủ Popeye trông như thế nào; Anish dùng thìa gõ vào đầu bạn đối diện, khiến canh đổ hết vào người; Hary thì lại đổ cả đĩa thức ăn xuống đất...